Bãi bỏ hộ khẩu: một bước tiến đáng khen!

Trung Nguyễn

6-11-2017

Sáng thứ bảy 4/11/2017, khi đang đọc tin tức, tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy dòng tít trên các báo là “Việt Nam bãi bỏ chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu”.

Thật sự là tôi rất xúc động về sự kiện này. Tôi luôn nghĩ rằng sổ hộ khẩu chỉ có thể ra đi khi đất nước có một nền dân chủ đúng nghĩa. Lý do là việc “hành dân là chính” (hành chính) qua sổ hộ khẩu đã trở thành một trong những nguồn nuôi sống lực lượng công an, nhất là cảnh sát khu vực. Nguồn lợi này quá lớn đến nỗi bản thân tôi không bao giờ tin nhà cầm quyền có thể dũng cảm bãi bỏ nó.

Hành dân là chính

Ai đã và đang ở Việt Nam thì chắc chắn đều đã nếm đủ thứ khó khăn khi làm các giấy tờ liên quan đến hộ khẩu.

Một tài xế taxi Uber ở Sài Gòn kể với tôi là anh ở Quảng Nam. Anh vay tiền ngân hàng để mua xe ô tô. Tuy nhiên, anh phải lái xe từ Sài Gòn về Quảng Nam để làm thủ tục đăng ký xe, lý do là hộ khẩu của anh ở Quảng Nam. Biết bao nhiêu chi phí và thời gian phải bỏ ra để làm một thủ tục hành chính đơn giản là đăng ký xe.

Một người bạn khác của tôi ở Hà Nội nhưng lại lên Nha Trang lập nghiệp. Mỗi lần bạn làm thủ tục nhà cửa, kết hôn,… gì thì lại phải bay về Hà Nội để làm. Vất vả không thể kể xiết với một người phụ nữ như bạn.

Bản thân tôi, mỗi lần đi thuê nhà, nhìn vào bản khai tạm trú tạm vắng mà tôi phát hoảng. Tờ khai bắt phải khai chi tiết tôi làm gì, ở đâu từ năm 14 tuổi, rồi phải khai hết cả cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột. Cứ đi đến đâu, tỉnh thành nào cũng phải khai đi khai lại như vậy. Rất tốn thời gian!

Trong phạm vi bài viết này, có lẽ tôi không cần nhắc lại vấn đề mà báo chí, các chuyên gia đã nêu ra từ lâu là sổ hộ khẩu gây bất bình đẳng nghiêm trọng về cơ hội, từ việc làm đến giáo dục, y tế, làm ăn kinh doanh…

Do đó, tôi tin rằng đa số dân Việt Nam rất vui mừng và hoan nghênh nghị quyết 112/NQ-CP do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành và có hiệu lực từ ngày 30/10/2017.

Sách nhiễu đối lập

Ai đã từng lọt vào “danh sách đen” của công an Việt Nam vì viết bài phê bình chính sách của nhà cầm quyền, vì xuống đường biểu tình phản đối Formosa xả thải, phản đối Trung Quốc xâm lược, hoặc tham gia vào các hội nhóm xã hội dân sự, đảng phái chính trị công khai hay âm thầm có lẽ đều biết những “tuyệt chiêu” của công an để sách nhiễu và đe dọa họ thông qua sổ hộ khẩu.

Trước các sự kiện lớn ví dụ như Apec sắp tới, nhẹ nhàng thì công an kéo cả dân quân tự vệ mấy chục người đến bao vây nhà, lăm le hùng hổ đòi kiểm tra hộ khẩu, xông vào từng phòng để xem nhân vật bất đồng chính kiến đó có ở nhà không hay đi đâu khác để đợi dịp biểu tình.

Đây là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm trắng trợn nơi ở của công dân vì công dân có quyền bất khả xâm phạm về nhà ở. Chỉ có lệnh của tòa án hoặc viện kiểm sát thì công an mới có quyền xâm nhập vào nhà dân.

Những người cựu tù nhân lương tâm, bất đồng chính kiến đi thăm nhau cũng thường xuyên bị sách nhiễu với lý do không đăng ký tạm trú, không có chứng minh nhân dân, v.v… và bị đưa về đồn để tra hỏi, sách nhiễu.

Những chuyện như vậy là xâm phạm quyền tự do đi lại, tự do cư trú của công dân. Công dân tự do của một nước Việt Nam độc lập hoàn toàn có quyền đi lại tự do đến bất kỳ nơi nào của đất nước (dĩ nhiên là không được xâm phạm tư gia người khác) mà không cần phải xin phép ai và cũng không ai được quyền hạch hỏi.

Do đó, giới đấu tranh dân chủ có lý do để ăn mừng. Tất nhiên, ai cũng biết việc nhà cầm quyền sẵn sàng đứng trên luật pháp nhưng vũ khí duy nhất của những người đấu tranh dân chủ là pháp luật. Từ nay trở đi họ sẽ có thêm vũ khí pháp lý để nói chuyện với công an về vấn đề đi lại, cư trú.

Tiến tới tương lai

Chính quyền được một điểm cộng trong việc bỏ sổ hộ khẩu, nhưng đồng thời lại bị điểm trừ trong việc dự định hạn chế Facebook, Google ở Việt Nam bằng cách buộc họ phải đặt máy chủ ở Việt Nam, vi phạm các quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Mục đích thật sự của việc “làm khó” Facebook, Google là để người dân không tiếp cận được thông tin đa chiều hay có ý kiến phản biện chính sách của chính quyền.

Điều này chứng tỏ công cuộc cải cách đất nước còn rất nhiều chông gai, khi các lực đổi mới và các lực trì trệ bảo thủ vẫn liên tục đấu tranh với nhau.

Các hãng công nghệ thông tin lớn trên thế giới đều đã có kinh nghiệm rất lâu về thiết lập chính phủ điện tử. Rất nhiều kỹ sư người Việt ở nước ngoài lẫn ở Việt Nam đều có thừa trình độ và kinh nghiệm để xây dựng hệ thống quản lý chính phủ điện tử cho Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá khứ, do tham nhũng và do lợi ích nhóm quá lớn vì được hành dân, đề án 112 nhằm xây dựng chính phủ điện tử đã thất bại.

Các lực lượng cải cách trong và ngoài đảng cộng sản Việt Nam cần phải nhìn thấu được điều này và đoàn kết với nhau để có thể thúc đẩy công cuộc cải cách, vượt thắng các rào cản để xây dựng một chính phủ chính trực, hiệu quả, trong sạch, thật sự “của dân, do dân, vì dân”.

Lợi ích từ việc xây dựng thành công chính phủ điện tử cho dân là vô cùng lớn, giúp tiết kiệm tiền bạc, thời gian. Nhà nước cũng sẽ có thể thực hiện được mục tiêu giảm biên chế đã hô hào hàng chục năm qua nhưng mỗi năm bộ máy lại phình to hơn.

Một chút mơ mộng

Bản thân tôi, và tôi nghĩ đa số người dân Việt Nam cũng vậy, đều mong muốn một chính phủ thật sự hiệu quả, trong sạch. Tôi muốn viết bài hay phát biểu để khen và tự hào về chính phủ chứ không ai muốn suốt ngày phải chỉ trích chính phủ của đất nước mình. Việc phê bình chính phủ cũng chỉ để chính phủ nhìn thấy sai lầm mà khắc phục, sửa chữa.

Tôi biết những người gọi là “bất đồng chính kiến” đang bị giam giữ như chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chị Trần Thị Nga, anh Trần Huỳnh Duy Thức,… cũng vậy thôi. Việc trả tự do cho tất cả những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo, sẽ là một điểm cộng lớn nữa cho đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.

Biết đâu đấy, một sáng mai thức dậy, tôi đọc báo và thấy hàng tít “Nhà nước trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị, lương tâm, tôn giáo và bắt đầu lộ trình xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó sẽ là ngày mà người cộng sản và không cộng sản cũng đều có thể nhìn nhau như đồng bào, chứ không phải là “thế lực thù địch” của nhau nữa.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. * Thế là bọn du khách Tàu tha hồ vào VN làm ăn sinh sống. Còn người Việt, tuy mang tiếng là bỏ hộ khẩu nhưng họ lại bị kiểm soát bằng cách khác, có khi càng chặt chẽ hơn. Hãy chờ xem đảng cộng sản Việt sẽ làm gì. Chớ ngây thơ vội mừng!!!

  2. “Do đó, giới đấu tranh dân chủ có lý do để ăn mừng. … nhưng vũ khí duy nhất của những người đấu tranh dân chủ là pháp luật. Từ nay trở đi họ sẽ có thêm vũ khí pháp lý để nói chuyện với công an về vấn đề đi lại, cư trú”

    1 lý do nữa để Đảng nhận thấy trí tuệ của ngành Công an . Mong Đảng hãy hỗ trợ ngành công an bằng ngưng ngay lại 112.

  3. Ông ơi , ông nhầm to rồi . Nhà nước đã chỉ bỏ sổ hộ khẩu giấy . Thay khai báo trên giấy bằng khai báo vào máy điện tử .

    Chưa có quyết định bỏ khai báo . Ai ở đâu vẵn bị quản lý : thi hành nghĩa vụ và hưởng quyền lợi ở vùng đó !

    • Việt Kiều về thăm nhà hay du lịch, khách nước ngoài , cả hai vẫn phải khai báo tạm trú.

      Người trong nước hình như cũng vẫn phải tiếp tục khai tạm trú ?
      (Tôi chưa tìm ra văn bản rõ ràng về điều này).

      • Mấy điều lệ ấn định mức tiền phạt khi không khai báo tạm trú đã không co’ trong danh sách bị hủy bỏ.

        Như thế sẽ vẫn còn kiểm tra đêm đêm , để phạt, hay để thu tiền rồi làm ngơ bỏ qua cho nếu biết thông cảm, phong bì ! 🙂

Comments are closed.