Chất đất sét của đá tảng Macxit

Nguyễn Đình Cống

24-10-2017

Giới thiệu

Phần lớn, nếu không phải tất cả, các lý thuyết, các học thuyết được xây dựng dựa vào một số tiên đề hoặc giả thiết khoa học (GT). Học thuyết Macxít cũng như vậy, nó được bắt đầu bằng một số GT. Các GT đó được Karl Marx (Mác) nghiên cứu, được trình bày như các chân lý, được một số người suy tôn thành các hòn đá tảng với ý nghĩa chúng vững chắc đời đời, làm nền móng cho việc xây dựng lâu đài học thuyết. Một số hòn đá tảng đó như: Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội; Vật chất có trước và quyết định ý thức; Tư bản bóc lột công nhân bằng giá trị thặng dư v. v…

Tuy rằng Mác được một số đông người công nhận là khá thông minh, có người còn tôn sùng là thiên tài, nhưng vì sự hạn chế về nhận thức, sự thiên lệch về tình cảm, sự thiếu sót về phương pháp mà đã có một số nhầm lẫn tai hại. Tôi, tuy không chuyên nghiên cứu về triết học, cũng thấy được một số thiếu sót hoặc sai lầm trong các GT của học thuyết Macxit, tạm gọi đó là chất đất sét, để đối lại với đá tảng. Chủ nghĩa Mác được dựa trên những GT thiếu chính xác, không đáng tin cậy. Thế nhưng có một số người quá tôn sùng, cho rằng nó là cơ sở cho mọi nghiên cứu về tự nhiên, xã hội và con người, là kim chỉ nam cho mọi hành động. Nếu họ chỉ là nhà khoa học thì tác hại còn vừa phải, nhưng khi họ trở thành nhà chính trị và nắm chính quyền thì nguy hiểm vô cùng. Tôi viết một số bài về tính chất đất sét này. Rất mong nhận được sự phê phán của các học giả và những người quan tâm.

BÀI 1- VỀ BẢN CHẤT CON NGƯỜI

Nhiều nghiên cứu về triết học, xã hội và nhân văn thường bắt đầu bằng việc đánh giá, phân tích con người. Thuyết Tiến hóa cho rằng loài người từ vượn biến thành. Mác và nhiều người tin vào điều đó, nhưng có một số người khác, trong đó có tôi, không tin. Một số tôn giáo cho rằng con người do Thượng đế sáng tạo ra. Đạo Phật quan niệm con người trải qua nhiều kiếp luân hồi. Theo nhà khoa học người Nga là Munđasep thì loài người hiện nay là thế hệ thứ 5 trên Quả Đất. Mỗi thế hệ kéo dài vài chục triệu năm. Bốn thế hệ trước đã lần lượt xuất hiện và bị tiêu diệt. Nhưng họ không bị hủy diệt hoàn toàn mà còn sót lại nòi giống, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy vậy đối với sự tồn tại và phát triển thì câu hỏi về nguồn gốc không quan trọng bằng các vấn đề khác như bản chất, mục đích, động lực, quyền của con người.

Về bản chất con người, đã có nhiều công trình nghiên cứu, kể từ xưa cho đến tận bây giờ. Ở Hy Lạp cổ đại Xôcrat cho rằng “Con người không hề muốn hung ác tàn bạo”, Platon ghi nhận “Con người bị chi phối bởi lòng tham”. Ở Trung quốc cổ đại, phái Nho gia cho rằng “Nhân chi sơ tính bổn thiiện”, ngược lại, phái Pháp gia lại chủ trương “Nhân tính bổn ác”. Đạo Phật cho rằng trong mỗi con người đều có “Phật tánh”. Triết học Phương Đông nhận định “Nhân sinh tiểu vũ trụ”. Gần đây Edgar Morin, nhà triết học và nhân học của Pháp viết sách “Bản sắc nhân loại   (L’ identité humaine)”, chủ yếu trình bày sự tạo dựng phức hợp của con người.

Tìm hiểu quan điểm NHÂN SINH TIỂU VŨ TRỤ tôi nhận thức rằng cả Vũ trụ và Con người tạo thành từ 2 phần là Vật chất và Tâm linh. Hai phần đó kết hợp chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất. Với con người, vật chất tạo nên thể xác, là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Tâm linh thuộc đối tượng nghiên cứu của Tôn giáo và một số môn huyền bí. Nhà khoa học thiên văn Trịnh Xuân Thuận nhận định: “Để phát triển, khoa học không cần đến tâm linh, cũng như tâm linh không cần đến khoa học. Nhưng với con người, để phát triển toàn diện cần hiểu biết cả hai”. Như vậy bàn về bản chất con người mà bỏ qua phần tâm linh là chưa toàn diện. Phần tâm linh bao gồm thông tin và năng lượng.

Tôi nghĩ rằng bản chất con người hình thành từ 2 nguồn: Tiên thiên và Hậu thiên. Tiên thiên là phần con người tiếp nhận trước khi sinh ra, nó được di truyền từ bố mẹ, giòng giống và từ nguồn tâm linh qua các thế hệ. Hậu thiên là phần tiếp thu được và hình thành trong cuộc đời, gồm một số thứ, trong đó có các quan hệ. Riêng về quan hệ (QH), tôi cho là có 4. Đó là 1- QH giữa người với tự nhiên; 2- QH giữa con người với nhau; 3- QH tự trong bản thân mỗi con người; 4- QH giữa con người và thế giới tâm linh.

Mác cho rằng “Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Quan niệm như vậy quá phiến diện, nó chỉ phản ảnh một phần nhỏ và hời hợt. Mác đưa ra kết luận vừa rồi trên cơ sở nghiên cứu xã hội và đặc biệt chịu ảnh hưởng của Thuyết tiến hóa. Nếu hiểu QH xã hội trong phạm vi hẹp thì Mác đã bỏ qua rất nhiều tính chất quan trọng thuộc bản chất con người. Có một số người mở rộng QH xã hội bao trùm lên cả QH với tự nhiên và QH với bản thân. Lại có người cho rằng QH xã hội bao gồm cả những vấn đề thuộc sinh học của con người. Dù cho cố tình mở rộng khái niệm QH xã hội để vớt vát thì vẫn không giúp Mác thoát khỏi tầm nhìn hạn hẹp.

Về sinh vật (trong đó có con người), bất kỳ một cái gì thuộc về chúng thì đó là kết quả sự kết hợp giữa 2 thứ là giống và môi trường, trong đó giống là quyết định và môi trường rất quan trọng. Thế nhưng Thuyết tiến hóa quá đề cao vai trò của môi trường mà hơi nhẹ về giống (Gène) Mác chịu ảnh hưởng này và có cái nhìn thiển cận về con người, ông tưởng rằng QH xã hội là môi trường chủ yếu, quyết định bản chất của con người.

Sự đánh giá, tuy không sai, nhưng quá thiển cận về bản chất con người đã dẫn Mác đến những nhầm lẫn về đánh giá giai cấp vô sản và tư bản. Mác đề cao quá mức vai trò của vô sản trong sự phát triển của xã hội sau thời kỳ tư bản. Những người Macxit lại quá sai khi cho rằng giai cấp công nhân là đại diện cho nền sản xuất tiên tiến và nâng lên thành giai cấp lãnh đạo.

Cách nhìn thiển cận về bản chất làm cho những người theo Mác coi trọng tập thể mà coi nhẹ cá nhân. Nó kết hợp với một số nhận định sai lầm khác về đấu tranh giai cấp (bài 3), về vai trò của lao động (bài 6) làm cho các đảng cộng sản cầm quyền để ra và thực hiện nhiều chủ trương đường lối sai lầm trong quản lý xã hội và phát triển kinh tế cũng như đường lối giáo dục và đời sống văn hóa.

Thế bản chất của con người là gì? Tuy có để tâm nghiên cứu nhưng tôi chưa đủ năng lực rút ra kết luận, xin nhường cho các học giả có trình độ cao về triết học. Tôi chỉ biết có nhận định rằng tính cách cơ bản nhất của con người là Tính tư hữu, con người luôn coi trọng, đề cao “Cái của tôi”. Trong bản chất của con người có cả hạt giống thiện và ác, một phần từ Tiên thiên, phần khác được gieo vào từ Hậu thiên. Thiện hay ác, nhân tố nào bị kìm nén, nhân tố nào phát triển là do chúng nhận được điều kiện từ môi trường. Trong xã hội Việt Nam hiện giờ môi trường chủ yếu là sự lãnh đạo toàn diện của ĐCS.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.