Công Lý
18-10-2017
Sau khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6 vào ngày 11/10, Thường vụ Quốc hội đang khẩn trương chuẩn bị thủ tục miễn nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ GTVT của ông Trương Quang Nghĩa (chuyển sang làm Bí thư Đà Nẵng) và miễn nhiệm vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ của ông Phan Văn Sáu (chuyển về làm Bí thư Sóc Trăng) để trình ra kỳ họp tới của Quốc hội vào nửa cuối tháng 10.
Việc miễn nhiệm ông Trương Quang Nghĩa là hệ quả của việc ông Nghĩa được Đảng phân công thay ông Nguyễn Xuân Anh tại Đà Nẵng, còn việc thay thế ông Phan Văn Sáu là một quyết định khá đột ngột của Bộ Chính trị.
- Tại sao ông Phan Văn Sáu bị thay thế?
Ông Phan Văn Sáu có gốc Đồng Tháp, nghe nói khá thân thiết với Nguyễn Tấn Dũng. Ông này tính tròn, không ưa gai góc và ngại va chạm. Lại xuất thân là dân quản lý kinh tế (Giám đốc Sở Thương mại An Giang) rồi đi lên theo ngạch đảng nên ông Sáu không có chút kinh nghiệm nào về công tác thanh tra.
Do vậy, từ khi được điều từ Ban Kinh tế Trung ương về làm Tổng Thanh tra Chính phủ vào tháng 4/2016 đến nay, ông Sáu đã rất chật vật trong việc kiềm chế các bậc lão làng ngồi ở ghế Phó Tổng thanh tra Chính phủ như Ngô Văn Khánh, Đặng Công Huẩn…
Từ nửa cuối năm 2016 đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng qua các vụ án điểm như: Trịnh Xuân Thanh/PVC, Mobifone mua AVG, Đinh La Thăng/PVN, Trầm Bê/Trần Bắc Hà, Nguyễn Xuân Anh/Vũ Nhôm…
Vai trò và sức mạnh của Ủy ban kiểm tra Trung ương được thể hiện rất rõ qua vụ xử lý Đinh La Thăng mất ghế ủy viên Bộ Chính trị và xử lý Nguyễn Xuân Anh mất ghế ủy viên trung ương (ông Trần Quốc Vượng vừa được kiêm nhiệm Thường trực Ban bí thư), Ban Nội chính Trung ương của ông Phan Đình Trạc cũng hăng hái vào cuộc và là bệ đỡ chắc chắn cho Ban Phòng chống tham nhũng trung ương (ông Phan Đình Trạc vừa được gia tăng quyền lực thông qua việc được bầu bổ sung vào Ban Bí thư), duy chỉ có Thanh tra Chính phủ đang hụt hơi trong công tác phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính Trung ương trong cao trào phanh phui tham nhũng và xử lý tội phạm tham nhũng đang dâng cao.
Đơn cử như vụ lùm xùm Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG (Mobifone mua AVG với giá 8.900 tỷ đồng trong khi giá thực của AVG chưa đến 800 tỷ đồng, nhiều nghìn tỷ đồng của Nhà nước bị các cá nhân liên quan chia chác), Tổng bí thư và Thủ tướng đã có chỉ đạo rõ từ tháng 7/2016 là “thanh tra toàn diện Mobifone mua AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý”.
Đầu tháng 8/2016, VTV1 và các báo đài toàn quốc đã đưa tin rầm rộ về chỉ đạo thanh tra AVG. Thanh tra Chính phủ đã thanh tra vụ Mobifone mua AVG từ tháng 9/2016 nhưng đến nay đã hơn 1 năm mà Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố kết luận thanh tra.
Có nhiều thông tin cho thấy ông Ngô Văn Khánh nhận hàng trăm tỷ đồng chạy án của Lê Nam Trà và đồng bọn để rồi đoàn Thanh tra Chính phủ đưa ra dự thảo kết luận “không có sai phạm, chỉ nhắc nhở, phê bình” để trình lên trên.
Đồng tiền chạy án và áp lực từ một vài quan chức liên quan đến vụ việc đã khiến ông Phan Văn Sáu chùn bước trong việc công bố kết luận Thanh tra cho vụ việc này (mặc dù đã vài lần dự kiến công bố) trong khi các sai phạm và thất thoát trong vụ đại án này đã rõ mười mươi.
Hay là vụ thanh tra “biệt phủ Yên Bái” của ông Phạm Sỹ Quý (Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Yên Bái) vốn là em trai của Bí thư tỉnh ủy Yên Bái.
Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành việc thanh tra tài sản của ông Phạm Sỹ Quý từ giữa tháng 7/2017 nhưng đến nay đã 4 lần trì hoãn công bố kết quả thanh tra.
Việc Thanh tra Chính phủ chậm trễ công bố kết luận thanh tra vụ Mobifone mua AVG và vụ “biệt phủ Yên Bái” đã gây nhiều bức xúc trong dư luận và là một trong các nguyên nhân chính để Bộ Chính trị phải thay thế ông Phan Văn Sáu ở vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ.
- Ai là người kế nhiệm ông Phan Văn Sáu?
Theo một nguồn thạo tin thì ông Lê Minh Khái (bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu) sẽ thay thế ông Phan Văn Sáu ở vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ. Ông Khái sinh năm 1964, quê Bạc Liêu. Trước khi làm Bí thư Bạc Liêu, ông này đã có 7 năm ở vị trí Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Ông Khái có tính cách mạnh mẽ, là người thân cận của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, lại có nhiều năm làm công tác thanh kiểm tra nên rất phù hợp để Bộ Chính trị lựa chọn vào vị trí Tổng Thanh tra Chính phủ.
Với sự lãnh đạo của Tân Tổng Thanh tra Chính phủ, chắc chắn Thanh tra Chính phủ sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, dám đối diện với những sự việc gai góc và không ngại va chạm với đám “hổ báo” tham nhũng, phối hợp đồng bộ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Nội chính Trung ương để thúc đẩy công cuộc chống tham nhũng sang một giai đoạn mới – cao hơn và nóng hơn – để diệt trừ nạn tham nhũng và lấy lại niềm tin của nhân dân dành cho Đảng Cộng sản Việt Nam.