9-10-2024
(Từ đây, với những nhân vật chỉ nhắc thoáng qua trong một thời điểm nhất định, tác giả sẽ viết tắt tên thật của họ. Riêng với những nhân vật chính có mặt lâu dài hay xuyên suốt loạt hồi ức, để bạn đọc dễ theo dõi và dễ nhớ, người viết sẽ ghi đầy đủ họ tên đã được thay đổi hoàn toàn).
Kỳ 4: Bất đồng Việt – Mỹ tại Cái Sắn
Phải thành thật mà nhận rằng, mặc dù với uy thế bao trùm từ Vùng xuống Tỉnh, từ Tỉnh xuống Quận, cha Phúc vẫn là người cư xử rất phải chăng, hòa nhã, vui vẻ với mọi hạng người mà cha gặp, không phân biệt địa vị xã hội. Ngay những ngày đầu tiên làm việc tại quận, mình đã có một bất ngờ lớn về điều này.
Tại Văn phòng quận, không biết từ bao lâu, có một anh Trung sĩ An ninh quân đội tên L. mặc quần áo dân sự, làm ở Ban Nội an-Quân vụ. Nghe đâu anh này là con nuôi cha Phúc. Ngay buổi chiều đầu tiên, trong lúc ở ngoài phòng làm việc của mình, tôi chứng kiến chuyện cãi vã sôi nổi giữa L. và một đồng nghiệp. Trong câu chuyện của họ, tôi có xen vào một câu, song có lẽ trong lúc quá say sưa, L. chừng như không nghe tôi nói gì. Tôi không hề để tâm đến chuyện đó và quên nó ngay.
Song, không ngờ chút tiểu tiết ấy, lại có người đi mách cha Phúc, với hàm ý rằng anh L. ỷ thế là con nuôi của cha mà xem thường ông tân Phó quận. Ngay lập tức, cha tới Bộ chỉ huy Chi khu (cơ quan quân sự ngang với cấp quận, do ông Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng điều hành), đề nghị “trừng phạt” L. bằng cách đưa anh ta ra khỏi Văn phòng quận và đi đóng đồn. Cuối cùng, L. có đi đóng đồn hay không, hay về lánh ở nhà cha, không rõ, song công việc của anh ta tại Văn phòng quận đã có người thay thế.
Kể lại việc này, để thấy rằng cha Phúc là một mẫu người cư xử khá tinh tế, dù chỉ có thể là bề ngoài. Điều đáng nói hơn nữa là vào thời gian tôi đến quận thì có lắm tiếng xì xào rằng, khá nhiều quân nhân đang làm việc tại Bộ chỉ huy Chi khu (nằm cạnh Văn phòng quận) là “người của cha Phúc”. Họ có thể là giáo dân trong kinh của cha, gia nhập Địa phương quân (ĐPQ) hay Nghĩa quân (NQ), và được cha “cất nhắc” với ông Quận trưởng/ Chi khu trưởng để được an thân. Có khi “người của cha” lại là một quân nhân xa lạ nào đó, đến từ Sài Gòn hay một tỉnh xa xôi, và do đâu, anh ta lại được vào làm việc ở Bộ chỉ huy Chi khu thì chỉ có … trời biết.
Sự kiện trên cho thấy ít nhất hai điều:
– Sư quan hệ, gắn bó, nhân nhượng nhau giữa ông Quận trưởng/ Chi khu trưởng Ngọc và cha Phúc là một thực tế khó phủ nhận.
– Cha Phúc có một hệ thống tai mắt ở Quận/ Chi khu, nhất nhất mọi động tĩnh khó qua mặt cha. Điều này trở thành kinh nghiệm đắng cay đối với một ông Quận khác, sẽ được nói đến sau.
Như trên có viết, tuy tên là Sút, nhưng ông Chủ tịch HĐND xã Thạnh Đông ngay quận lỵ lại là chất keo gắn kết ông Quận Ngọc với cha Phúc. Ông đi lại như con thoi giữa hai bên, phục vụ cho cả hai bên, trong đó có việc cha Phúc vận động với cấp có thẩm quyền ở trung ương để vinh thăng Thiếu tá Ngọc lên Tỉnh trưởng một tỉnh gần đó, vì đây là cách hay nhất để gần như chắc chắn được thăng cấp Trung tá cho phù hợp với chức vụ.
Vào những năm 1966-1973, để có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng quân sự Việt và Mỹ, nhất là để sự yểm trợ quân sự của phía Mỹ cho phía VNCH được hiệu quả, cạnh các Bộ Tư lệnh hay Bộ chỉ huy quân sự cấp Vùng/ Quân khu, Khu chiến thuật (sau bị bãi bỏ), cấp Tiểu khu (tỉnh), cấp Chi khu (quận) của Việt Nam, có sự hiện diện của các toán cố vấn Mỹ mà người đứng đầu gọi là “cố vấn trưởng” thường là đồng cấp với người chỉ huy quân sự bên phía Việt Nam.
Cần xác định rõ rằng các cố vấn Mỹ chỉ làm việc bên cạnh các giới chức quân sự, họ không có quan hệ gì với bộ máy hành chánh của Việt Nam, nếu có, thì chỉ là sự liên lạc, trao đổi các thông tin mà trong phạm vi trách nhiệm, họ phải thu thập để báo cáo lên cấp trên.
Vào những năm cuối thập niên 1960, tại cấp tỉnh và quận, có hai loại công tác quan trọng:
– Công tác xây dựng nông thôn (XDNT). Người Mỹ đổ những khoản tiền khổng lồ vào đây, giúp chính quyền Việt Nam cải thiện đời sống của người dân tại các xã ấp bằng các công trình: Xây dựng trường học nông thôn, nhà bảo sanh, trạm y tế, cầu, đường … Đó cũng là cách tách rời lòng dân ra khỏi sự chi phối của đối phương.
Ty Tài chánh các tỉnh trước đó chỉ có hai phòng là Phòng ngân sách tỉnh và Phòng ngân sách xã, nay chánh phủ thiết lập thêm Phòng ngân sách XDNT. Các Hội đồng XDNT được thành lập đồng loạt từ các Phủ, Bộ ở trung ương đến cấp Vùng, cấp Tỉnh ở địa phương. Ở cấp tỉnh, Tỉnh trưởng là chủ tịch, Phó tỉnh trưởng là Phó chủ tịch của hội đồng này.
– Công tác tổ chức lực lượng Nhân dân tự vệ (NDTV). Lực lượng dân sự này được võ trang hạn chế, giữ việc canh phòng xóm ấp, vì thế hai giới chức Phó Tỉnh trưởng và Phó Quận trưởng được giao nhiệm vụ “Chỉ huy trưởng lực lượng NDTV”.
Chính hai loại công tác trên là những trọng tâm mà các cố vấn Mỹ phải theo dõi để báo cáo lên các cấp cao hơn mà có sự tiếp xúc giữa họ với phía dân sự, tiêu biểu là các Phó Quận trưởng ở cấp Quận.
Ở quận Kiên Tân lúc tôi làm việc, sự phối hợp Việt-Mỹ về các công tác dân sự kể trên khá suôn sẻ. Chẳng bù với sự phối hợp về mặt thuần túy quân sự giữa Thiếu tá Ngọc, Quận trưởng/Chi khu trưởng với Thiếu tá Carr, Cố vấn trưởng Chi khu.
Sau cuộc tổng tấn công tết Mậu Thân (1968) của đối phương, phía Mỹ tăng cường việc cung cấp loại súng cá nhân hiện đại lúc bấy giờ là M16, theo thứ tự ưu tiên từ lực lượng chính quy đến Địa phương quân (tên cũ: Bảo an) và cuối cùng là Nghĩa quân (tên cũ: Dân vệ).
Cuối năm 1968, súng M16 được phân phát đến các đơn vị nghĩa quân ở cấp quận, và hai phía Việt-Mỹ ở thượng tầng thỏa thuận một cách hợp lý là do số súng còn hạn chế, việc trang bị M16 cho nghĩa quân sẽ ưu tiên cho các tiền đồn, các vị trí hiểm yếu có nguy cơ bị tấn công, sau đó mới tiến dần đến các đơn vị an ninh hơn.
Buổi sáng nọ, Thiếu tá Ngọc, Quận trưởng Kiên Tân đang ngồi tại phòng làm việc thì Thiếu tá Carr, Cố vấn trưởng Chi khu, tìm đến. Không cần chào hỏi xã giao gì, ông ta đặt ngay câu hỏi với người đồng cấp Việt Nam:
– Sao lệnh trên là phân phát súng M16 trước tiên cho nghĩa quân ở các tiền đồn, mà Thiếu tá lại phân phát ưu tiên cho nghĩa quân ở kinh cha Phúc, là một trong những kinh an ninh nhất trong quận?
Câu hỏi đặt trúng ngay “tử huyệt”, Thiếu tá Ngọc chẳng phải trả lời vòng vo gì, mà có nói vòng vo cũng không được, ông trừng mắt nhìn Carr và to tiếng với một thái độ giận dữ. Biết không thể trao đổi gì hơn, Thiếu tá Carr lẳng lặng quay lưng.
Những ngày sau đó, điều mà ai cũng biết là mỗi bên báo cáo sự việc theo hệ thống của mình, ông Quận trưởng/ Chi khu trưởng trình cho ông Tỉnh trưởng/ Tiểu khu trưởng, Thiếu tá Carr trình cho Trung tá (Mỹ) Cố vấn trưởng Tiểu khu, và sau đó, có thể chuyện này còn chạy lên các cấp cao hơn nữa.
Một ngày nọ, ông Tỉnh trưởng (Trung tá TVV), Trung tá Cố vấn trưởng Tiểu khu (tạm gọi là Trung tá X), một người Mỹ nói tiếng Việt khá sỏi, cùng một số sĩ quan Tiểu khu xuống làm việc với Chi khu Kiên Tân. Việc này không có dính dáng đến phía hành chánh, nên Phó Quận không tham dự, song ngay sau khi phái đoàn Tiểu khu trở về tỉnh, ông Quận trưởng Ngọc ghé lại phòng tôi, gương mặt tươi rói, kể lại rằng, giữa câu chuyện, bỗng Trung tá X (Cố vấn trưởng Tiểu khu) nghiêng qua ông, nói nhỏ:
– Thôi thì Thiếu tá đừng có đề nghị đổi anh Thiếu tá Carr của tôi, tôi sẽ không đề nghị đổi Thiếu tá đi (!!!)
Một câu nói thật thà đến ngô nghê; có lẽ do vốn ngôn ngữ Việt của ông ta còn hạn chế.
Vậy mà sau đó không lâu, Thiếu tá Carr có lệnh điều động rời khỏi quận Kiên Tân. Khi sắp tới ngày rời đi, ông ta tổ chức một “party” (bữa tiệc nhỏ), mời một số giới chức quận tham dự. Vẫn còn nhớ là trong bữa tiệc đó, tôi khá ngạc nhiên khi nghe bài tuyên bố ngắn của Carr, chỉ cảm ơn Phó Quận trưởng đã hợp tác, hỗ trợ cho toán cố vấn Mỹ, mà không một lời nhắc đến ông Quận trưởng. Chắc là ông ta vẫn còn cay cú vì lập trường đúng đắn và hợp lý của ông ta đã bị thượng cấp đáp lại bằng một lối hành xử bất công.
Mình kể lại chút chuyện này, cũng muốn nhân đây nhắc đến nhiều luận điệu cho rằng thời VNCH, các cố vấn Mỹ là những “quan Thái thú”, và quân nhân, công chức Việt Nam là những kẻ hèn mạt, cúi đầu trước ngoại bang.
Trên thực tế, đã từng có một Đại tá Lam Sơn tát tai cố vấn Mỹ, đã từng có một Trung tá Nguyễn Viết Cần bắn gục những quân cảnh Mỹ xem thường luật pháp Việt Nam, và ở nhiều nơi khác nữa không tiện kể hết. Ngay ở quận Kiên Tân, ngoài trường hợp Thiếu tá Ngọc và Thiếu tá Carr vừa kể trên, còn có ít nhất một trường hợp khác mà tôi sẽ kể lại ở các phần sau.
Kỳ 5: Cái Sắn với báo chí Sài Gòn
______
Một số hình ảnh và ghi chú của tác giả Lê Nguyễn: