Người về

Nguyễn Thông

22-9-2024

Trần Huỳnh Duy Thức (bên phải) khi mới ra tù. Ảnh: FB Chiêu Anh Nguyễn

Bất giác thầm thì những câu gan ruột của thi sĩ Tô Thùy Yên mà thành tên gọi. “Ta về một bóng trên đường lớn”. Một đời làm thơ chỉ cần bài “Ta về” đã quá đủ thành núi này non nọ.

Hôm qua, thiên hạ lao xao chuyện người tù được thả, bị trả tự do thân thể (phải nói vậy cho chính xác, chứ không phải thả tự do như báo chí và công an thường dùng, bởi tự do của con người thì không ai có thể cầm tù, chỉ trói buộc được thân xác thôi) sau 15 năm 4 tháng 27 ngày trong ngục. Người ấy là anh Trần Huỳnh Duy Thức.

Trên mạng xã hội (chứ báo chí quốc doanh không đi một chữ, cũng dễ hiểu, vì gần nghìn tờ cũng coi như một) người ta bày tỏ nhiều ý kiến về “sự kiện” này. Có người thắc mắc, ông ấy làm gì mà phải ca ngợi, phải quan tâm, với giọng dè bỉu. Tôi nghĩ, ông ấy (Thức) chỉ làm điều mà biết bao người an phận không dám làm. Ông ấy chấp nhận sự tù đày, gánh nỗi buồn thế sự cho biết bao người tử tế khác.

Tôi chưa gặp ông Thức bao giờ nhưng đọc nhiều về ông ấy và những điều ông ấy viết, nên kính trọng nhân cách và tài năng của một người biết chấp nhận, hy sinh. Cầm tù một người như thế, triệt tiêu một tài năng suốt hơn 15 năm trời ròng rã chỉ vì khác chính kiến, không thể tưởng tượng được.

Ai đó nói rằng ông Thức là một Nelson Mandela của xứ này, có lẽ đúng.

Tôi xin lấy ngay hai câu thơ tương truyền của ông cụ (tôi cũng chưa gặp bao giờ) để tặng ông Thức: Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại (thân thể ở trong lao/ tinh thần ở ngoài lao).

Ông Trần Huỳnh Duy Thức đúng nghĩa vậy. Chừng ấy năm trời ông Thức đã sống đúng tinh thần đó. Cảm phục.

Ngó tấm ảnh ông Thức trong ngày đầu tiên thoát ngục, tóc đã hoa râm (hơn 15 năm, làm gì mà chẳng bạc, “cộng thùy tranh tuế nguyệt/ doanh đắc mấn như ti”, chạy đua cùng năm tháng, thu về mớ tóc trắng như tơ) thấy hợp câu thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên (từng 10 năm nhòm qua cửa sổ ngắm trời tự do, “mười năm đá cũng ngậm ngùi thay”) quá chừng: “Ta về cúi mái đầu sương điểm/ Nghe nặng từ tâm lượng đất trời/ Cảm ơn hoa đã vì ta nở/ Thế giới vui từ mỗi lẻ loi (Ta về). Cứ như thể cụ Yên viết sẵn luôn cho ông Thức chứ không phải chỉ riêng mình.

Lại bâng khuâng về một người khác đang “tại ngục trung”, anh Huy Đức. Duy Thức và Huy Đức, hai cái tên thật gần gũi. Cầu mong anh không phải là Mandela thứ 3 (trước anh Thức đã có Mandela 1, là ông Nguyễn Hữu Đang). Đêm trung thu vừa rồi, bác “tre việt nam”” Nguyễn Duy gửi tôi bức ảnh Huy Đức với chú thích “Trung thu trăng đục như sương/ bạn bè uống rượu nhớ thương… Huy Đức!”.

Chợt nhớ bài hát “Ngày trở về” của nhạc sĩ Phạm Duy, do ca sĩ Duy Khánh hát, để mừng ngày ông Thức được trở về vòng tay yêu thương của gia đình.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. “Mẹ lần mò ra trước ao nắm áo người xưa ngỡ trong giấc mơ. Tiếc rằng ta đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ” . ( Ngày trở về-P.Duy

  2. “Tôi xin lấy ngay hai câu thơ tương truyền của ông cụ (tôi cũng chưa gặp bao giờ) để tặng ông Thức: Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại (thân thể ở trong lao/ tinh thần ở ngoài lao).”

    Một là viết : hai câu thơ Ngục Trung Nhật Ký
    Hai là viết :Tôi xin lấy hai câu thơ tương truyền ông cụ chôm của tay giả Ngục Trung Nhật Ký..

    Viết như thế mới rõ ràng minh bạch và không bị gù, khuyết tật.
    Kính anh Ngyễn Thông luôn chân cứng đá mềm.

  3. Tôi kính trọng những người như anh Thức. Họ đã làm được những điều mà mình không thể hoặc không đủ can đảm làm cho xã hội.Mọi cuộc cách mạng đều cần những người tiên phong và sự hi sinh. Những người như Thức, Đoan Trang, … là những người như vậy.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây