“Sản vật” của dân…

Phạm Minh Trung

14-9-2024

Nghe “Ngô luộc đây” là vội vàng phải lao ra đuổi theo, đang chả biết ăn gì. Nghe giọng với dáng người, tưởng người phụ nữ vẫn bán ngô mọi hôm, mà hoá ra là một người đàn ông.

10k bắp nhỏ, 12k bắp lớn. Rồi anh kể, “lũ về bãi ngập ngô chết hết anh ơi, hái vội được bắp nào thì hái bán lấy ít tiền”; “anh ở đâu?”; “em ở bãi Long Biên đó anh”.

Bãi giữa, là nơi phù sa tụ lại mà thành, mấy chục năm nay rồi, đất đai cực kỳ màu mỡ. Mươi năm gần đây người các tỉnh về đó trồng ngô, chuối, cây thuốc Nam…, những cây ngắn ngày. Họ ở luôn lại đó. Là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới cách đấy hơn cây số, sầm uất, phồn hoa.

Bãi giữa cũng khác với bãi ven đê. Cũng là trồng cây, nhưng là các làng trồng đào quất cho tết, khách tới lui mua cây toàn giàu sang phú quý, sành điệu.

Muốn biếu anh thêm chút mà tự dưng thấy sờ sợ, chỉ chối không lấy tiền thừa thôi, nói một câu thừa thãi “cố lên anh”, còn không dám nhìn anh nữa.

Đọc thấy bà con ngoài đấy nuôi cả trại gà, dùng thuyền chở gà chạy lũ vào bán 50k/con 2 ký, bán vèo vèo, có người mua chạy vào trong phố bán lại ngay 90k/con. Rồi cả trại cứu hộ chó mèo mấy chục con…

Bữa trước nữa, giữa mưa bão, thấy có ông giao sữa bò tươi bên bãi Đông Anh vẫn phải trùm kín mít cả người cả sữa, đi đường vòng qua cầu Thanh Trì, Nhật Tân vào phố. Bò lùa lên đê rồi chăng bạt che. Sữa không vắt không được. Vắt rồi không bán thì đổ đi, nên vất vả cũng phải chạy.

***

Đó, dân bãi sông nghèo lam lũ là những con người đó, tận dụng đất rộng màu mỡ, không tốn phí để mưu sinh.

Còn dân Phúc Tân, Phúc Xá ngoài đê mà không may Ưng Phúc bị dẫn vô đó, là dân buôn bán làm ăn, sống hơi có gì đó anh chị, bất cần, tiêu pha rộng rãi, ăn nhậu xả láng. Ngoài mấy phường đó toàn hàng ăn đông khách, lên sóng của bọn rì-viu cả.

Thử nghĩ coi, không ai lên mạng cầu cứu cầu xin. Xong bỗng dưng thấy đoàn người kính mũ, quần áo màu sắc, đứng trước cửa đưa thùng mì với mấy thứ, vô vàn ống kính chĩa vô mặt quay quay…, ai nhận chớ lão già lành như đất mềnh cũng “xin lỗi tôi không cần. Thứ miễn phí rơi từ trên trời xuống chỉ có nước mưa và cứt chim thôi các anh chị ạ”. Rồi đóng cửa tiễn khách.

Sự thực là ngày thường cũng ối đoàn đập cửa phát quà tặng nọ kia như thế đều bị hô biến mà, đâu chỉ mỗi Ưng Phúc đâu mà dằn dỗi. Không những thế, lại còn mắng sa sả, người không nhận quà là vô ơn, vô văn hóa, rừng rú nữa.

Còn bọn mạng thổi lên rằng “dân hai Phường Phúc ấy giàu nhất nhì Hoàn Kiếm”, cần gì gói mì của Ưng Phúc, ấy cũng là hù doạ thôi. Dân ‘thổ đu’ lâu rồi đã không còn là hình mẫu giàu có nữa, huống hồ dân bãi bên kia đê. Kiếm tiền dễ hơn, xông xênh hơn. Cho dễ hơn xin. Ăn nhậu không phải suy nghĩ. Chỉ vậy thôi.

Chứ giàu, thì phố Hàng Ngang, Hàng Đào, toàn dân miền biên ải phía bắc xuống đây mua hết nhà mặt phố rồi, để bán hàng Tàu do họ buôn về.

Còn giàu khủng nữa, quan chức đại gia phải là Vin bên kia sông. Có lần, một nhà thầu đã mắng mềnh “dự án anh là đ*o gì. Bọn tôi làm mươi cái biệt thự bên Vin là cũng bằng tiền đó. Mà không phải hồ sơ nghiệm thu này nọ. Tiền thì chưa làm đã ứng một nửa. Các anh biến đi cho sạch mắt tôi”. Toàn 50, 100 tỉ/căn bên đó cả.

Dân ‘thổ đu’ vẽ đầy mực lên người, đầu trọc xích vàng đeo cổ, trông chỉ nghênh ngang thế thôi, chiều chiều bú bia, lạc, ba hoa về cái thời xa xôi éo nào ấy, chứ tuổi gì mà so với mấy quan chức ở nơi khác về trung ương kín cổng cao tường kia.

***

À, còn một sản vật ngoài bãi sông nữa. Mà giờ quý hiếm, đắt đỏ hơn ngô, gà, heo, bò nhiều lần.

Ấy là cát xây dựng. Cát đen cát vàng. Nước sông lớn toàn miền bắc khiến các bãi khai thác, cất trữ thứ tài nguyên này bị xóa sổ. Các công trình xây cất phải ngưng lại. Giờ lũ rút mới bắt đầu nhúc nhắc có hàng. Tranh cướp mua. 300k/mét khối ngoài bãi, chưa tính bốc xúc, vận chuyển. Về đến công trình cái xe tự chế 2,5m3 có giá gần triệu bạc. Đổ bẹt ra đất cái đống cát to hơn bãi c*t chó mà bạc triệu, chắc chủ nhà phải vun từng xẻng cát quý, như vun cơm rơi vãi vậy á.

Biết thế này mấy ông trồng ngô bỏ ngô đó, đóng cát vô bao bán có phải hơn không.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Văn hóa của bọn khố rách áo ôm bỗng phất lên sau thời cách mạng tháng 8 thành công và sau khi cướp được chánh quyền. Đám ghẻ lở mắt toét nhảy lên làm chủ tịch ủy ban này nọ và chúng mang cái văn hóa quẻ quặt khốn nạn ấy vào phỏng giái toàn dân Miền Nam.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây