4-7-2024
Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 — kỳ 3 — kỳ 4 và kỳ 5
Huy Đức, nói theo kiểu Nguyễn Huy Thiệp, gốc nông thôn, nông nghiệp, nông dân (tam nông) đặc sệt, nhưng trời đặc ân cho nghiệp viết, giỏi ít ai bằng. Làm báo, y mau chóng tạo dựng vị trí đặc biệt.
So với người trong nghề, y nổi trội ở nhiều mảng miếng, mà tài đặc biệt là đặt câu hỏi khi phỏng vấn. Những câu hỏi giản dị, không công thức, không uốn éo mưu mẹo, không đao to búa lớn, không lừa miếng, nhưng cuốn người được hỏi vào ý định của đứa hỏi, nhất là luôn đáp ứng được khát khao tìm hiểu của bạn đọc.
Tôi đã từng đọc rất nhiều bài phỏng vấn của Huy Đức, nể lăn. Nhiều người trong đám bạn nghề không giấu giếm mà khen rằng, riêng về phỏng vấn thì Huy Đức là số 1. Tìm ra kẻ cạnh tranh hơi bị khó.
Chả thế, bác Nguyễn Thị Ngọc Hải, một tay làm báo lão luyện, từng là đàn chị, “sếp” của sếp tôi, lâu nay được trường đại học mời dạy nghề báo cho sinh viên, khi giảng chuyên đề phỏng vấn đã nghĩ ngay tới việc triệu Huy Đức tới làm giáo cụ trực quan. Kinh nghiệm thực tế và tư duy sắc sảo của y còn hơn chán vạn thứ lý luận khô khan của các trường báo chí, tuyên giáo, tuyên huấn, tuyên truyền.
Thời những năm 90, khi chưa làm báo, tôi và các đồng nghiệp dạy học, chăm đọc báo, nói với nhau “thằng Huy Đức giỏi nhất ở phỏng vấn, bởi nó đặt câu hỏi giỏi cực kỳ, khiến con cua trong lỗ cũng phải bò ra“.
Chơi với Huy Đức dễ chịu ở chỗ chả bao giờ thấy đương sự tỏ ý xem thường người khác. Tôi biết y đã khá lâu, gặp nhau cũng hơi nhiều, chỉ đụng một con người giản dị hiền lành, không kênh kiệu dù tự biết mình giỏi, thậm chí ít nói, kể cả lúc rượu vào (nhẽ ra phải) lời ra. Y thường chăm chú nghe người khác nói, rồi cười tủm tỉm, ít khi tranh luận.
Trong những cuộc đàn đúm do Nguyễn Một tổ chức, khi đám Một, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân, Lê Thanh Phong, Võ Đắc Danh, Nguyễn Hồng Lam… cướp diễn đàn thì Huy Đức chịu khó ngồi nghe. Chỉ thỉnh thoảng Osin tranh thủ PR cho chương trình “Góp một cây để có rừng – VARS” hoặc “Nhịp cầu Hoàng Sa” mà ai cũng tán đồng, ủng hộ.
Lại nhớ, hôm ấy, lúc mọi người rôm rả, chuyện tếu táo hài hước, thì y lại hát “Sông Lô chiều cuối năm” của nhạc sĩ Minh Quang, tất nhiên không hay bằng lão đại Doãn Tần nhưng rất có tình, xúc động. Tôi đang nhai miếng chả mực, nghe quên cả nuốt. Cứ tưởng “nó” Huy Đức khô khan, duy lý, ai ngờ khá ướt át, có tình.
Hôm cách nay chưa lâu, hình như cuối tháng 4, hơn một tháng trước khi bị “làm việc”, Huy Đức có tút đề cập tới tự do báo chí, tới những lẩn thẩn về thực hiện quy hoạch báo chí ở xứ này. Tôi nhắn, lão ơi, điều lão nói còn nhiều thứ phải biên ra lắm, ví dụ việc họ đang sáp nhập báo, hạ báo xuống thành tạp chí, bắt báo chí phải tuân chỉ mục đích định hướng, lệch là đè ra phạtôi. Tôi còn dẫn chứng cả việc cụ thể, họ nhanh nhảu kiểm điểm và phạt tiền cậu phóng viên đã phát hiện và thông tin về chị chàng chủ tịch hội phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh dám dùng xe biển xanh vào việc riêng như một kiểu bịt mồm, trấn áp. Huy Đức nhắn lại, anh làm đi, viết đi, rất cần tiếng nói thẳng thắn để họ lắng nghe, điều chỉnh, sửa chữa. Tôi hứa với “bên thắng cuộc” sẽ biên nối, nhưng lấn bấn vào bao chuyện vụn vặt, giờ vẫn chưa xong.
Thế càng hiểu, loại bình dân như mình, có cũng được, không có cũng xong, nhưng người như Huy Đức thì cuộc sống không thể thiếu.
Viết đôi điều về Huy Đức – Osin – Trương Huy San, tôi muốn dành những dòng cuối, chữ cuối loạt bài này cho bộ sách “Bên thắng cuộc”.
Vừa rồi, sau khi Huy Đức bị bắt, một nhà thông kim bác cổ, kiến văn sâu rộng, nói gì viết gì cũng thường rất sắc sảo, ấn tượng, mà tôi hân hạnh được chơi với, có biên vài chục dòng về cuốn sách này. Anh ấy chốt lại, thiên hạ cứ bảo hay nhưng nó chả đến nỗi được khen, nếu có giá trị thì chỉ về mặt tư liệu, chứ dưới góc độ lịch sử thì xoàng. Và anh ấy cũng thừa nhận chưa đọc xong, chưa đọc hết “Bên thắng cuộc”.
Vẫn biết với bất cứ thứ gì, sự nhận xét đánh giá, khen chê rất khác nhau, tùy người, không nên ép chung vào một khuôn, nhưng đọc những lời ấy, tôi cứ buồn buồn. Người bác học, hàng đỉnh còn nghĩ về “Bên thắng cuộc” như thế, huống hồ những người vốn chỉ tai nọ xọ tai kia, biết loáng thoáng, bị bên thắng cuộc nhồi sọ, tuyên truyền áp đặt về nó, về Huy Đức.
Tôi có nguyên bộ “Bên thắng cuộc” gồm cả hai quyển “Giải phóng” và “Quyền bính” do người nhà cho, gần như ngay từ đầu sau khi nó được xuất bản. Tôi đã đọc đi đọc lại hai thằng này không biết bao lần, cũng như đã từng chong đèn nghiền những cuốn “Việt Nam sử lược” của cụ Trần Trọng Kim, “Việt Nam phong tục” (cụ Phan Kế Bính)… Những sách dạng ấy đọc mãi không chán, càng đọc càng hay, bao lần cũng không đủ. Nhưng lần nào, với “Bên thắng cuộc” cũng bị chút bực mình, bởi chữ nhỏ quá, ken đặc, trình bày tiết kiệm “đất” từng tí một, và nhất là bọn chú thích ở dưới mỗi trang phải soi kính lúp mới đánh vần nổi. Hình như tác giả không thể tương hết những sử liệu, kiến thức lên phần chính, nhưng cũng không thể bỏ, đành ép nó vào phần chú thích.
Bực thì bực thật, nhưng, có thể nói mà không ngoa rằng, không có đám chú thích chân trang ấy, giá trị nhiều mặt của “Bên thắng cuộc” sẽ giảm rất đáng kể. Soi mắt, rọi đèn pin vào phần hậu trường đó, tở mở, cởi ra, biết rõ được biết bao điều, cả những góc khuất tưởng mãi bị chôn vùi trong sự cố ý che giấu của bên thắng cuộc, của sử quốc doanh. Nó cũng cung cấp cho người đời những kiến thức về cuộc sống, xã hội, kiểu như ta từng ngó vào đám điển cố khi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du vậy, nhờ có cụ Đào Duy Anh, cụ Lê Văn Hòe hoặc ông Nguyễn Thạch Giang chú giải.
Với người khác thì tôi không rõ, chứ với tôi, người đã sống đầy đủ chặng thời gian mà Huy Đức thể hiện trong “Bên thắng cuộc”, phải chân thành cảm ơn, biết ơn tác giả đã mổ mắt, trị cái bệnh “đục thủy tinh thể” do sự truyên truyền một chiều quái ác suốt bao năm. Cứ tưởng mình đã biết, đã nắm được, cụ thể, như thế như thế, hóa ra không phải, hóa ra chỉ lớt phớt, hóa ra bị lừa, cái nhìn bị đục, “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”.
Huy Đức đã xé toạc tấm màn dối trá, xuyên tạc, bóp méo, một chiều, ăn bớt lịch sử của bên thắng cuộc, của những nhà chép sử viết sử quốc doanh. Những sử liệu mà Huy Đức dùng đều có căn cứ, nhân chứng vật chứng rõ ràng, gần như không cá nhân nào “trong cuộc” còn sống phản đối, chứ nếu tác giả “nhà sử học không chuyên” chỉ cần xuyên tạc, chế biến thì có nhẽ đương sự đã lên đoạn đầu đài lâu rồi, đâu phải chờ đến ngày quốc tế thiếu nhi 1.6 năm 2024.
Ai bảo rằng “Bên thắng cuộc” ít giá trị lịch sử, ai cố tình nói chất lịch sử trong “Bên thắng cuộc” bị xuyên tạc, thì trước hết hãy đọc đầy đủ, đọc kỹ nó đã. Người trẻ không trải qua thời ấy, thì nên chịu khó hỏi lại người đã từng sống trong năm tháng đó. Còn người sống “trong cuộc”, tức ở giai đoạn mà tác giả đã chép, vì lý do nào đó vẫn một mực phủ nhận, chê bai, thì không tính, ta không nên tranh cãi với họ.
Nói không quá đáng, bộ “Bên thắng cuộc”, xét dưới góc độ sử học, lịch sử, là tác phẩm ký sự-lịch sử chân thực, cụ thể vào loại bậc nhất. Nó không “biên niên sử” cả chặng dài trăm năm, nghìn năm theo kiểu “Việt Nam sử lược”, kém về độ bao quát, độ dài, nhưng lại hơn ở chỗ không “lược” mà rất chi tiết, tỉ mỉ, thú vị. Và điều rất đáng khoanh một dấu son, nó chỉ do một người, chỉ một người, dày công biên soạn, cũng chẳng khác mấy các cụ Trần Trọng Kim, Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đã một mình. Nhưng tiền nhân ít nhất còn có quốc sử quán hụ hợ trợ vào, còn Huy Đức chỉ một mình. Một người bằng cả viện mấy chục người tinh dững đấng bậc giáo sư tiến sĩ, mà lại ra được sản phẩm khách quan hơn, sâu sắc hơn, thực tế chân thật hơn, hoàn toàn không có tí ti “phẩm chất” của thứ sử quốc doanh mà chúng ta thường thấy. Công phu ấy, thời nay cố tình phủi, chỉ có điều, theo dòng chảy lịch sử, có vùi có dập được mãi không. Chắc chắn không.
Thời cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, xét lại chống đảng, diệt trừ tư sản… từng diễn ra ở xứ này, những nạn nhân của chế độ như bà Nguyễn Thị Năm, thi sĩ Phùng Quán, Trần Dần, học giả Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi, bậc tử tế như Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, Tạ Đình Đề… khi bị cơn gió bụi đều thân tàn ma dại. Chỉ có lịch sử trong khúc quanh của nó mới trả lại cho họ chân giá trị. Huy Đức có nhẽ cũng phải chờ như vậy.
bởi vì
tôi khao khát Tự Do
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó tôi gặp những người ngay,
ở nơi đó đồng loại tôi đang sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó giam giữ Tự Do,
giam giữ những trái tim khao khát sống.
nếu một ngày tôi phải vào tù,
tôi muốn được vào nhà tù cộng sản,
ở nơi đó giam giữ những nhà thơ,
giam giữ kẻ ngủ hoang
để thức tỉnh muôn đồng bào vô thức,
bắt nhà thơ giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thiên thể Tự Do,
bắt Tự Do giam vào trong ngục tối,
là mở ra ngàn thơ tứ Con Người,
nếu một ngày tôi phải vào tù,
thì chắc chắn là nhà tù cộng sản,
bởi vì tôi khao khat Tự Do.
Trích tập thơ chính luận “HÃY NGẨNG MẶT” người thơ Nguyễn Đắc Kiên.