23-6-2024
Ngoài kia, nguyên chủ tịch mặt trận trở thành một trong tứ trụ. Và khi một đương chủ tịch được bổ sung vào bộ chính trị thì, nghe đâu cũng rộng cửa về thủ đô. Như thể, cứ từ “khối đại đoàn kết dân tộc” mà lành, mà phát.
Trong này thì một đương phó bí thư thành ủy lại kiêm thêm bí thư đảng đoàn, rồi sẽ bầu giữ chức chủ tịch mặt trận thành phố, lần đầu tiên luôn, thường trực thành ủy về lãnh, chỉ đạo trực tiếp cơ sở.
Thử vậy đi cho tương xứng với các vị trí phó bí thư kia, một là phó bí thư – Chủ tịch HĐND TP, một phó bí thư – Chủ tịch UBND TP; thì giờ một phó bí thư khối mặt trận, đoàn thể, mà không chỉ phụ trách như trước, giờ là trực tiếp nhúng tay, là có luôn bộ công cụ để tiến hành. Chỉ là hiệu quả phát huy đến đâu, đây sẽ là thước đo nhiều chiều cho cả người lãnh đạo lẫn tổ chức mặt trận và các thành viên.
Và cách thức này là cần thiết, hợp lý trong tình hình hiện nay, bởi một trong những lý do là “mặt trận” này, nhất là nhiều tổ chức thành viên trong nhiều năm qua bị rơi vào bệnh hành chánh hóa, thiên về hình thức, ít phát huy giá trị thực tiễn nên tính tập hợp không mấy thực chất.
Thử nhìn lại một số tổ chức chính đảng trong lịch sử: Đảng Lao động Anh dựa trên sức mạnh của lực lượng nghiệp đoàn thợ thuyền, Đảng Dân chủ Công giáo ở Ý dựa trên sự ủng hộ của các tổ chức công giáo… thì ngay trong chính vai trò, sức mạnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Liên minh các Lực lượng dân chủ và hòa bình – sau này là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – ở những thời điểm lịch sử đã cho thấy điểm tựa chính danh. Nếu làm tốt, làm thực chất thì kết quả mang lại hẳn nhiên tương ứng.
…
Chỉ có chút “áp lực” không nhỏ cho các liền anh liền chị áo xanh khi có vị thủ trưởng kiêm phó bí, nghe đồn… được cái khó tánh và sạch! Nhưng bù lại, là cơ hội tiếp tục cống hiến của ông-mặt-trận Nguyễn Thành Trung, đẹp trai, hiền lành, siêng năng nhất quả đất mà tui biết.
Chúng ta đã lạc lối, lạc lối trong tư duy dẫn tới lạc đường trong hành động. Có lẽ vậy nên mấy chục năm sau ngày đất nước thống nhất, người Việt ta vẫn phải lần mò tìm lối đi cho mình, cũng chẳng hiểu đích tới là gì và cho đến lúc nào ta mới đi tới đích.
Thời trước, tư duy người nghèo là cao quý, người giàu, người có chữ là tầng lớp bóc lột, tầng lớp tiểu tư sản dễ dao động trước gian khổ khó khăn. Tư duy lệch lạc đó đã dẫn tới cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh mà có thời ta gọi đó là cuộc “cách mạng long trời lở đất”. Biết bao nhiêu người có chút ruộng đất, có chút của cải đã bị cướp trắng chia cho người nghèo để rồi đất nước tất cả đều nghèo. Người có năng lực, có trí thức không dám sử dụng khả năng lẫn kinh nghiệm của mình để làm ra của cải vì sợ một lần nữa bị quy kết là tầng lớp bóc lột. Còn những người nghèo những bần cố nông ở nông thôn hay dân nghèo thành thị ở thành phố, được chia ruộng đất, quả thực của địa chủ của tư sản lại không biết cách làm ăn, chỉ sau một hai năm, của thiên trả địa nghèo lại hoàn nghèo. Thế là, cả nước cùng nghèo, chẳng ai hơn ai đó là bộ mặt của xã hội miền Bắc một thời cũng là bộ mặt của xã hội Việt Nam trước thời đổi mới. Cũng may, trong tầng lớp thượng tầng đã có những người tỉnh ngộ, họ nhận thấy mình tự trói mình, tự trói dân về tư duy nên đã tìm cách cởi trói cho dân, nếu không có cuộc cách mạng tự cởi trói thì có lẽ chúng ta sẽ có cuộc sống giống người Bắc Hàn hay người Cu Ba.
Sau thời đổi mới, tư duy của nhiều người Việt trong đó có một bộ phận không nhỏ trong tầng lớp lãnh đạo lại quay ngoắt 180 độ. Từ ghét giàu trọng nghèo tới thích giàu khinh nghèo là bước thay đổi lớn kể từ khi tiến hành đổi mới. Làm giàu bằng năng lực và trí thức của mình là chính đáng, đây là điều mà các thể chế văn minh tôn trọng. Nhưng làm giàu bất chấp luật pháp, làm giàu bằng quyền lực là điều đáng lên án. Hãy quan sát nơi ở cách tiêu pha của gia đình nhiều quan chức cấp huyện, cấp sở, cấp tỉnh, cấp bộ thuộc tầng lớp trên của xã hội ta thời nay ta sẽ thấy bao nhiêu người trong số họ giàu có bằng năng lực và sức lao động của mình! Hãy quan sát những đại gia hiện nay xem có bao nhiêu phần trăm làm giàu từ đất. Thời cải cách, lấy đất của người giàu chia cho người nghèo là sai nhưng không đáng trách như thời nay, bằng các dự án này nọ có sự liên kết giữa tư nhân và quan chức, đất của người nghèo được chuyển cho người giàu và các quan tham. Những vụ khiếu kiện đông người ở Thủ Thiêm, Dương Nội, Văn Giang… là minh chứng cho việc chuyển tài sản của nông dân nghèo cho tầng lớp giàu có.
Thời nào cũng vậy, không phải mọi thứ đều sai, thay đổi tư duy để hành động là một việc nên làm, có vậy đất nước mới tiến lên. Nhưng phủ định hoàn toàn cái cũ kể cả những điều tốt đẹp là một sai lầm trong việc thay đổi tư duy. Trước thời đổi mới học sinh từ bậc phổ thông tới bậc đại học không phải đóng học phí. Thời nay thì sao, Thái Lan là nước theo thể chế tư bản ở gần ta nhưng học trò phổ thông ở các trường công không phải đóng học phí, Philippines cũng gần ta, sinh viên tại các trường đại học công cũng không phải đóng học phí. Thể chế ta tự cho là thể chế của dân, do dân và vì dân sao ta không học người Thái, người Phi trong cách điều hành nền giáo dục. Lẽ nào cứ phải thu học phí cao nền giáo dục mới đủ sức sánh vai cùng với bè bạn.
Có tư duy đúng để định hướng đúng lối đi là việc cần làm không chỉ đúng với mỗi người dân bình thường mà rất cần với những người thuộc tầng lớp lãnh đạo. Có người cho rằng “người Việt ta, kể cả tầng lớp tinh hoa, lúc thì quá tả, lúc thì quá hữu trong tư duy” xem ra không sai. Muốn đưa đất nước đi lên, cần có tư duy đúng, đấy là việc cần làm, nhưng thế nào là tư duy đúng, xin nhường cho các bạn!
Nguồn mạng.
“Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Liên minh các Lực lượng dân chủ và hòa bình – sau này là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – ở những thời điểm lịch sử đã cho thấy điểm tựa chính danh”
Rất đúng, rất chính xác!
“Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Liên minh các Lực lượng dân chủ và hòa bình”, tiếng u là instrumental, công cụ đắc lực cho công cuộc giải phóng miền Nam . Công cụ đắc lực cho ai, có thể nói cho nhân dân