Trân Văn
27-2-2024
Các cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam đã bảo vệ và thực thi pháp luật như thế nào mà “chạy án” trở thành vấn nạn lưu cữu và chi phí chạy án không những càng ngày càng cao mà mức độ trắng trợn, tính chất càn rỡ còn hơn cả các đại án?
Lần trước, trong “Vụ án Vạn Thịnh Phát: Tòa án sẽ xử thế nào?”, người viết bài này đã đề cập đến sự bất nhất – khi cùng nhận tiền, quà để “bao che, bưng bít cho các sai phạm của Trương Mỹ Lan và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB); báo cáo các cấp không trung thực, không đầy đủ, sai lệch kết quả thanh tra theo hướng giảm nhẹ sai phạm để tạo điều kiện giúp cho SCB tiếp tục được tái cơ cấu, dẫn đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại SCB”, cùng tạo ra hậu quả như đã biết nhưng cả ngành công an, lẫn kiểm sát lại nhận định, kết luận khác nhau về tội mỗi viên chức đã phạm.
Chẳng hạn chỉ có bà Đỗ Thị Nhàn – Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát Ngân hàng (TTGSNH) của NHNN (1) bị xem là “nhận hối lộ”, những người còn lại chỉ được xem là “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như các ông, bà: Nguyễn Văn Dũng (Phó Giám đốc Chi nhánh TP.HCM của NHNN), Võ Văn Thuần (Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGSNH Chi nhánh TP.HCM của NHNN), Phan Tấn Trung (Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGSNH Chi nhánh TP.HCM của NHNN), Nguyễn Tín – (Phó phòng Thanh tra hành chính, Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng, Cục TTGSNH TP.HCM thuộc Cơ quan TTGSNH NHNN), Nguyễn Thị Phi Loan (Phó Chánh Thanh tra phụ trách TTGSNH Chi nhánh TP.HCM của NHNN)…
Đáng lưu ý là ngay cả ông Nguyễn Văn Hưng (Phó Chánh thanh tra của Cơ quan TTGSNH của NHNN) – nhân vật mà cả Kết luận Điều tra (KLĐT) lẫn Cáo trạng cùng xác định “vì vụ lợi, động cơ mục đích cá nhân đã chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn – Trường đoàn thanh tra, Nguyễn Thị Phụng – Phó Trưởng đoàn, Tổ Tổng hợp (Nguyễn Tuấn Anh, Vũ Khánh Linh)…” làm sai chức trách và cho dù ông Hưng thừa nhận đã cầm 139.000 Mỹ kim của SCB song ông Hưng cũng được xem là không… “nhận hối lộ”. Bất chấp các tình tiết đã được ghi nhận trong KLĐT và Cáo trạng cho thấy ông Hưng giữ vai trò “chủ mưu”, công an và kiểm sát chỉ xác định ông Hưng đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”!
Có sự khác biệt rất lớn về hình phạt giữa “nhận hối lộ” với “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. “Nhận hối lộ” như bà Nhàn sẽ đối diện với khung hình phạt từ “20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”, còn “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” như ông Hưng và các ông, bà khác, hình phạt chỉ dao động trong khoảng từ “10 năm đến 15 năm”. Khi các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, kiểm sát, tòa án) bất chấp các qui định trong luật hình sự, tùy tiện diễn giải, vận dụng các qui định này và hoàn toàn vô sự, đó chính là khyến khích và dung dưỡng… “chạy án”! Thực tế cho thấy, giá “chạy án” tỉ lệ thuận với quy mô và tính chất vụ án, thiệt hại do hành vi phạm pháp gây ra càng cao, giá trị tài sản do phạm tội mà có càng lớn thì chi phí “chạy án” sẽ… thăng thiên!
Đâu phải tự nhiên mà ông Nguyễn Minh Quân (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức) chi khoảng 60 tỉ đồng để “chạy án” cho ông. Đâu phải tự nhiên mà tham gia dịch vụ “chạy án” có cả các doanh nhân, Thượng tọa Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lẫn các Điều tra viên cao cấp của Bộ Công an (Bùi Trung Kiên, Lê Thanh An) và riêng Bùi Trung Kiên ẵm 2,2 triệu Mỹ kim (2)! Không tin có thể chạy chọt được, ông Quân sẽ không mạnh tay chi nhiều tiền đến như vậy!
Chính sự “linh hoạt” của các cơ quan tiến hành tố tụng khi xem xét – xử lý trách nhiệm hình sự của các bị can, bị cáo đã nuôi dưỡng niềm tin và hỗ trợ dịch vụ “chạy án”… không ngừng phát triển. Hãy quay trở lại với KLĐT và Cáo trạng “vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan”. Phải hiểu thế nào khi công an đã xác định được 25 cá nhân là viên chức có vai trò thừa hành đã nhận tiền, quà của SCB trong khi thi hành công vụ để làm sai chức trách hoặc bỏ qua không làm những chuyện phải làm nhưng có bảy người bỗng nhiên được công an bỏ qua “không xem xét trách nhiệm hình sự” bởi “không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Trưởng đoàn trong quá trình thanh tra”?
Trong bảy người vừa kể, có ba nhận 100 triệu đồng, ba nhận 9.000 USD và 100 triệu đồng, một nhận 6.000 USD và 50 triệu đồng, thế thì tại sao 18 người còn lại cũng “không giữ chức vụ, vai trò thứ yếu, bị động, phụ thuộc theo ý kiến chỉ đạo, áp đặt của Trưởng đoàn trong quá trình thanh tra”, thậm chí một số người nhận ít tiền, quà hơn (chỉ khoảng 6.000 Mỹ kim và 40 triệu đồng), chưa kể trong “quá trình làm việc với cơ quan điều tra”, phần lớn trong số họ cũng được xác định là “thành khẩn, chủ động khai báo về sai phạm và việc nhận tiền trong quá trình thanh tra, đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận từ SCB, hợp tác tích cực giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ vụ án” mà vẫn phải hầu tòa vì bị xem là… có tội (3)?
***
Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ tự vấn: Các cơ quan tiến hành tố tụng tại Việt Nam đã bảo vệ và thực thi pháp luật như thế nào mà “chạy án” trở thành vấn nạn lưu cữu và chi phí chạy án không những càng ngày càng cao mà mức độ trắng trợn, tính chất càn rỡ còn hơn cả các đại án?
(Còn tiếp)
Chú thích
(1) https://www.voatiengviet.com/a/vu-an-van-thinh-phat-toa-an-se-xu-the-nao-phan-1-/7498150.html
(3) https://www.voatiengviet.com/a/vu-an-van-thinh-phat-toa-an-se-xu-the-nao-phan-2-/7498161.html
Thì từ ngày xưa các cụ đã dạy ” nén bạc đâm toạc tờ giấy”.
Mà “tờ giấy” thời 4.0 này nó mỏng manh biết bao !