19-2-2024
Truyền thông cần nắm rõ văn hóa tín ngưỡng Nam Bộ, không nên để các nhóm lợi ích điều khiển, khuynh loát, lợi dụng: Ngày mồng 10 tháng giêng, Nam bộ cúng thần đất, thổ thần, ông địa.
Gần đây, cứ dịp ngày 10 tháng giêng, một số báo mạng ra rả chuyện ngày vía Thần Tài 10 tháng giêng, cùng với đó là chuyện mua bán vàng. Cứ như là thiệt với một “phong trào” mới rộ lên khoảng chục năm nay ở vài đô thị như TP.HCM, lan ra Hà Nội…
Báo Tuổi Trẻ Online hôm qua 18-2-2024 (mùng 9 tháng giêng) đã có bài khác hẳn nhiều bài báo trên một số báo mạng lớn: “Bỗng lù lù đâu ra ông Thần Tài? Nếu lậm quá lại thành ra mê tín”: https://tuoitre.vn/bong-lu-lu-dau-ra-ong-than-tai-neu-lam-qua-lai-thanh-ra-me-tin-20240218112200858.htm
Xin nói thẳng, coi ngày 10 tháng giêng vía Thần Tài là phong trào, là trend, nói theo nhau và làm loa cho… các tiệm vàng, ở một số nhóm người , kể cả một số cây bút, nhà báo “thủng”, thiếu, hổng cốt nền văn hóa Nam bộ, nhưng lại cố ra vẻ, chứng minh mình am hiểu.
Bài báo trên Tuổi Trẻ hôm qua đã nói rõ về mặt lý luận, kiến thức của nhà nghiên cứu có uy tín Huỳnh Ngọc Trảng. Ở đây, tôi chỉ xin nói về thực tế.
Cách đây hơn thế kỷ, khu vực Bệnh viện Thống Nhất hiện nay ở ngã tư Bảy Hiền vốn là đất khẩn hoang của dòng tộc anh Giang Ngọc Phương, hiện là phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông bà cố anh xưa ở Hạnh Thông Tây (thiệt ra, tên đúng là Hanh Thông Tây, gọi sai riết thành đúng, kiểu như Hàng Xanh/ Hàng Sanh) Gò Vấp tìm đến đây khẩn hoang, trồng rau, vì đây cùng là đất của tổng Dương Hòa Thượng cùng Hạnh Thông Tây. Lúc đó, chưa có phi trường Tân Sơn Nhứt. Từ Hạnh Thông Tây có thể nhìn suốt tới ngã tư Bảy Hiền, đi một nước là tới.
Anh Phương nhớ mồn một: Mâm cúng đặt trên đất, một ký ức ẩm thực không thể quên thời khẩn hoang của ông bà cố anh.
Cách ngã tư Bảy Hiền 15 cây số, Nguyễn Thùy Dương (cô gái ném dép Thủ Thiêm) vốn dòng họ làm dân trên đất Giồng Ông Tố 300 năm nay cho biết: Từ khuya, người trong nhà đã đi cắm câu, rạng sáng đi thăm câu. Mấy con cá lóc quẫy mạnh trong giỏ tre được đem về rộng trong khạp.
Bà cố lọ dọ đi hái rau lang, chuẩn bị trầu cau, thuốc vấn… Đồ cúng là một cây bông vạn thọ, cơm, rau lang luộc, mắm nêm, cá lóc nướng trui… Đồ ăn không để trong chén mà trong lá chuối cuộn lại làm chén đựng.
Bà cố Thùy Dương khấn vái như sau: “Hôm nay, mùng 10 tháng giêng, con tên Nguyễn Thị… Cả nhà con có miếng ruộng ở đây, nhờ ơn ông bà qua lại trông coi, dạy dỗ mà nên. Tụi con có làm quấy gì xin ông bà chủ bỏ qua cho. Xin ông bà chủ phù hộ tụi con làm ăn thuận lợi. Công ơn ông bà tụi con không dám quên. Nay xin kiếng ông bà ít lễ“.
Thùy Dương hỏi “ông bà chủ” là ai, sao phải nhớ? Bà cố bảo: “Xưa miền Nam là đất hoang hóa, những người đầu tiên đi khai hoang lập ấp phải chịu cảnh dưới sông cá sấu, trên bờ cọp kêu. Họ là ông bà khai làng, dựng chợ đưa đường cho dân về ở. Mỗi năm cứ vào mùng 10 từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch là người dân cúng lễ nhớ ơn ông bà chủ đất. Cái ơn khai phá, ơn lập ấp đưa đường, ơn ông bà bỏ mạng khai hoang…”.
Trong các ngày vía tháng giêng, dân Nam Bộ cũng như bà con Sài Gòn – Gia Định xưa gọi là ngày vía Thổ Thần. Ông thần đó có từ lúc nào khó ai nói được. Chỉ biết là trước đó, bà con Khmer cũng cúng ngày 10 tháng giêng, gọi là cúng Ông Tà (Thần Đất – chủ đất – theo tín ngưỡng Khmer). Sau này, người Minh Hương tới, mang theo Ông Địa.
Dân Nam Bộ xưa có câu: “Đất Ông Tà, nhà Ông Địa”. Chắc chắn ngày 10 tháng giêng âm lịch trong văn hóa, cách thức cúng của bà con Nam Bộ rất nhân văn là cúng, nhớ ơn các bậc tiền hiền mở cõi, Thần Đất của người Việt chứ không phải Thần Tài để cầu lợi bạc vàng. Thành ngữ Nam Bộ: “Mùng 9 vía Trời, mùng 10 vía Đất”.
Thần Tài hiện nay người Hoa ở Chợ Lớn vẫn cúng ngày mùng 5 tháng giêng và mâm cúng không có cá lóc. Vào ngày này, người Trung Hoa xưa dậy sớm dọn dẹp nhà cửa và đốt pháo nghinh đón Thần Tài.
Sau đó, họ đến những nơi rước Thần Tài để đốt nhang, cúng bái, cầu bình an, công việc thuận lợi; không ai mua vàng.
Còn phong tục, thông lệ Nam Bộ xưa nay cúng Tài Thần vào ngày 25 hoặc 26 tháng giêng – tùy nơi; như bà con Giồng Ông Tố gọi là cúng những ông bà giao thương, mua bán qua lại xưa.
Có người nói giờ đất là vàng nên cúng Thần Đất như cúng Thần Tài (!). Nói vậy e cũng khó vì việc cúng kiếng hai ông này thiệt ra bản chất khác hẳn nhau: Một ông cúng để nhớ ơn, một ông vía để cầu lợi.
______
Một số hình ảnh từ tác giả: