4-10-2017
Buổi sáng ngày 19 tháng 8, 1934 là ngày nhân dân Đức đi bỏ phiếu để hợp thức hóa vai trò lãnh đạo tối cao của Adolf Hitler. Một cột báo lớn trên trang nhất long trọng công bố “Hôm nay Hitler là biểu tượng của nhân dân Đức”. Tổng thống Paul von Hindenburg qua đời hai này trước đó. Hitler được chọn làm Thủ tướng vào tháng Giêng năm 1933 và chỉ cần hơn một năm để thực hiện hàng loạt các hoạt động vừa hợp pháp và bất hợp pháp để củng cố quyền lực. Sau cái chết của Tổng thống Hindenburg, Hitler nắm lấy cơ hội hủy bỏ chức vụ tổng thống và thay bằng quốc trưởng, lãnh đạo tối cao của toàn dân và toàn quân. Gần chín chục phần trăm nhân dân Đức đã bó phiếu cho Adolf Hitler vào chức vụ Quốc Trưởng và Lãnh Tụ Tối Cao.
Nhiều lý do giúp Hitler thôn tính quyền hành đã được thảo luận, trong đó gồm tham vọng chinh phục thế giới của y, đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1928, hiệp ước Versailles và khuynh hướng chủ hòa của phe đồng minh Anh Pháp. Tuy nhiên, các lý do đó không đủ để đưa một chính trị gia chỉ được 32% số phiếu bầu hai năm trước trở thành “lãnh tụ anh minh” với gần 98.9% cử tri Đức ủng hộ trong lần bầu cử 1934 và không đủ để đưa một Adolf Hitler bốn năm trước chưa phải là công dân Đức trở nên một “cứu tinh dân tộc”.
Lý do chính là tuyên truyền.
Vũ khí tư duy thâm độc này đã giúp Hitler nắm được quyền hành tuyệt đối tại Đức. Theo sử gia Sebastian Haffner ngay cả một số người Đức bỏ phiếu chống Hitler trước đó cũng quay sang ủng hộ Hitler. Bộ máy tuyên truyền đã dựng Hilter thành một một anh hùng dân tộc, một thiên tài quân sự, một con người thiêng liêng đầy huyền nhiệm.
Trong diễn văn tại đại hội Quốc Xã Đức ngày 28 tháng Tư, 1938, Hitler tóm tắt các công trạng của y: “Tôi đã vượt qua những hỗn loạn tại Đức, tái lập trật tự, gia tăng sản xuất một cách ồ ạt trong mọi lãnh vực kinh tế quốc gia…Tôi đã thành công trong việc đưa vào sản xuất 7 triệu người thất nghiệp …Tôi chẳng những đoàn kết nước Đức về mặt chính trị mà còn tái võ trang và bước xa hơn trong việc xóa bỏ Hiệp Ước Versailles. Tôi đã sáp nhập Đức các tỉnh bị chiếm đoạt từ năm 1919…Tôi đã hoàn thành các mục đích đó mà không nhỏ một giọt máu của nhân dân, và không gây ra sự chịu đựng cho người dân Đức cũng như các dân tộc khác.”
Câu “không nhỏ một giọt máu của nhân dân, và không gây ra sự chịu đựng cho người dân Đức cũng như các dân tộc khác” là những lời đường mật rót vào tai người dân Đức cho đến khi thế chiến thứ hai bùng nổ mọi hối hận đã trễ tràng.
Người có công lớn nhất trong việc đưa Hitler lên ngôi vị Lãnh tụ tối cao và Quốc Trưởng Đức (Führer und Reichskanzler) không ai khác hơn là Joseph Goebbels, Bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền Đức từ 1933 đến 1945.
Sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Heidelberg University 1921 với luận án nghiên cứu kịch nghệ lãng mạn Đức, Goebbels gia nhập đảng Quốc Xã Đức năm 1923. Joseph Goebbels ủng hộ chính sách diệt chủng Do Thái và là một trong những cố vấn của đề án này. Trong tất cả phụ tá thân cận Hitler, Joseph Goebbels gần gũi với Hitler cho đến giờ phút cuối cùng.
Dù được ca ngợi là một “thiên tài đen”, Goebbels không phải là cha đẻ của chính sách tuyên truyền tẩy não. Cha đẻ của kỹ thuật tuyên truyền thời hiện đại là các tổ CS trong đó có Lenin, Stalin và Mao Trạch Đông. Joseph Goebbels “học hỏi, vận dụng một cách sáng tạo” phần lớn các phương pháp tuyên truyền CS tại Liên Xô và ngay cả từ CS Trung Quốc dù lúc đo chưa chiếm toàn lục địa, để áp dụng tại Đức.
Dưới đây là những mục đích chính của tuyên truyền CS
Xóa bỏ nền văn hóa
Xóa bỏ nền văn hóa giáo dục cũ và thiết lập nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là mục tiêu đầu tiên và được tiến hành liên tục dưới chế độ CS.
Ngày 10 tháng Năm 1933, một buổi đốt sách do “đạo quân áo nâu” dưới quyền của Joseph Goebbels tổ chức tại Bebelplatz với khoảng 20 ngàn tác phẩm của các tác giả được yêu thích bị đem ra đốt. Thật ra, đốt sách là một trong những biện pháp xóa bỏ quá khứ mà các chế độ độc tài từ thời vua Jehoiakim xứ Judah trước Tây lịch đến Tần Thủy Hoàng từng sử dụng.
Khác với Đức Quốc Xã, tại các nước CS, chiến dịch đốt sách như một biện pháp đầu tiên và được thực hiện liên tục để xóa bỏ tận gốc rễ một nền văn hóa giáo dục.
Trong tác phẩm Quần đảo ngục tù Aleksandr Solzhenitsyn có nhắc đến các chiến dịch đốt sách tại Liên Xô. Tại Trung Cộng sau, ngay sau khi chiếm Trung Hoa lục địa năm 1949 cũng như nhiều năm trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa sau đó, không chỉ sách vở mà các di tích văn hóa đều bị phá hủy.
Trong số 20 ngàn tác phẩm bị Joseph Goebbels đem đi đốt tại Bebelplatz có một tác giả rất quen thuộc với độc giả Việt Nam. Đó là Erich Maria Remarque. Các tác phẩm của ông được dịch sang tiếng Việt và được tuổi trẻ miền Nam trước 1975 yêu thích như Chiến hữu, Một thời để yêu và một thời để chết, Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh. Chỉ trong vài ngày sau ngày 30 tháng Tư, 1975, các tác phẩm của Erich Maria Remarque lần nữa lại nằm trong số những sách bị đem ra đốt. Erich Maria Remarque qua đời năm 1970 nên không biết tin buồn từ CSVN.
Thuần khiết lãnh đạo
Hitler và Stalin, như cả thế giới biết là hai trong những kẻ sát nhân tập thể tàn bạo nhất nhân loại nhưng chính Hitler đã nhiều lần bày tỏ sự thán phục dành cho Stalin và ca ngợi y trong việc làm thuần khiết hóa đảng CS Liên Xô qua việc loại bỏ các mầm mống Do Thái như Leon Trotsky, Grigory Zinoviev, Lev Kamenev, Karl Radek khỏi nội bộ lãnh đạo đảng.
Không ai phủ nhận Joseph Goebbels có một năng khiếu đặc biệt về tuyên truyền và được nhiều nhà phân tích xem như là một “thiên tài đen” vì y đã khá thành công trong việc tiêm chích chủ nghĩa dân tộc cực đoan vào tâm lý nhân dân Đức. Tuy nhiên, so với Lenin, Joseph Goebbels chỉ thuộc vào lớp học trò.
Lenin đưa kỹ thuật tuyên truyền lên mức độ cao nhất khi khai thác mâu thuẫn giữa các thành phần xã hội thành cuộc đấu tranh giai cấp đẫm máu, không khoan nhượng. Các cán bộ tuyên truyền CS không chỉ tuyên truyền mà còn những chuyên viên sách động, tố cáo. Bắc Hàn, CSVN thừa hưởng các kỹ thuật tuyên truyền của Liên Xô và Trung Cộng, và đã vận dụng một cách tinh vi để thích hợp với điều kiện văn hóa Á Châu.
Trong diễn văn khá dài đọc trước đại hội đảng Quốc Xã vào tháng Chín, 1935, Joseph Goebbels phân tích chủ trương tuyên truyền CS “bắt đầu với nguyên tắc cứu cánh biện minh cho phương tiện. Đối với các đảng CS tại Á Châu, Joseph Goebbels cho biết “Tháng 11 1934, Thống chế Tưởng Giới Thạch công bố trước dư luận, riêng tại tỉnh Giang Tây khoảng một triệu người đã bị CS giết và sáu triệu người khác bị cướp sạch tài sản.” Cũng trong diễn văn này Joseph Goebbels tố cáo rất nhiều tội ác khác của CS diễn ra sau 1917 tại nhiều nơi ở châu Âu.
Xây dựng “con người mới”
CS tin tưởng vào việc tái sản xuất con người. Lý lịch ba đời không chỉ duy trì tính kế tục về dòng giống mà còn bảo đảm mục đích của chế độ được hoàn thành trong chính sách ngắn hạn cũng như dài hạn. Stalin phê bình quan điểm chủng tộc của Hitler và gọi đó là Phát Xít nhưng chính trị lý lịch qua đặt tính giai cấp xã hội vốn là nền tảng cho tính kế thừa của chế độ CS.
Không lấy làm lạ khi các lãnh tụ CS thích hôn nhi đồng. Hình ảnh “hiền từ” của họ bên cạnh nhi đồng là hình ảnh tuyên truyền phổ biến nhất trong thế giới CS bởi vì mục tiêu hàng đầu của tuyên truyền tẩy não CS là đào tạo những con người tuân phục từ khi mới ra đời. Lenin từng nói “trao cho chúng tôi một em bé và trong vòng tám năm, em bé đó sẽ mãi mãi là người CS”.
Từ khi biết nói, tuổi thơ tại các nước CS đã bắt đầu được đoàn ngũ hóa dưới tổ chức Thiếu Nhi Tiền Phong. Các cháu được giáo dục để tuân phục và hãnh diện được thuộc về lãnh tụ. Các cháu thi đua sống và làm việc theo gương lãnh tụ vĩ đại. Sự phát triển tâm lý xã hội đóng vai trò quan trọng trong đời sống của thiếu nhi. Lễ gia nhập vào đội Thiếu Nhi Tiền Phong là biến cố quan trọng đầu tiên trong đời một em bé vì đó là bước thay đổi đầu tiên trong đời em bé. Mỗi em bé được nhận một cà-vạt đỏ và lớn lên với niềm kiêu hãnh vì đã trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội CS.
Joseph Goebbels áp dụng hầu hết các phương pháp tuyên truyền của Lenin vào việc phát triển chủ nghĩa Quốc Xã tại Đức.
Xây dựng “trật tự xã hội mới”
Trước các hung thần khát máu Heinrich Himmler, Heinrich Müller của Đức Quốc Xã, hung thần đầu sỏ của các chính sách trấn áp tại Liên Xô là Felix Dzerzhinsky.
Tên đồ tể khát máu này gốc Ba Lan nhưng là người thành lập cơ quan mật vụ Cheka khủng khiếp nhất tại Nga ngay sau khi cách mạng CS 1917. Sau khi một lãnh đạo tổ chức Cheka bị ám sát hụt tại St. Petersburg, Dzerzhinsky ra lịnh bắt 800 người và tất cả đều bị xử bắn không qua một phiên tòa nào. Chỉ trong vòng một tháng từ tháng Chín đến tháng Mười 1918, ước lượng đã có 10 ngàn đến 15 ngàn người bị giết. Danh từ “Khủng bố Đỏ” xuất hiện trong giai đoạn này.
Dzerzhinsky kiêm nhiệm hàng loạt chức vụ cấp bộ trưởng ngoài việc điều hành ngành an ninh Sô Viết. Y thông thạo nhiều ngoại ngữ mặc dù học hành bị dang dở vì tham gia hoạt động CS, bị tù nhiều lần trong đó có lần bị lưu đày tận vùng băng tuyết Siberia. Vượt thoát khỏi Siberia và hoạt động CS tại Đức. Là nhân vật nổi tiếng trong phong trào CS Đông Âu, sau 1917, Felix Dzerzhinsky thay vì hồi cư về Ba Lan đã quyết định ở lại Nga và được bầu vào đảng ủy CS thủ đô Moscow. Felix Dzerzhinsky chia sẻ quan điểm của Lenin về vai trò toàn trị của Soviet và là người đầu tiên nhận trọng trách thành lập cơ quan an ninh CS.
Joseph Goebbels cũng rập theo khuôn mẫu đó và tung ra chiến dịch tôn sùng cá nhân với khẩu hiệu “Hitler vì nước Đức” và “Toàn nước Đức của Hitler”.
Những điểm khác nhau giữa tuyên truyền Đức Quốc Xã và tuyên truyền CS
– Bộ máy tuyên truyền Đức Quốc Xã đặt nặng vai trò của trung ương tức Bộ Tuyên truyền, nơi kiểm soát, phân phát chỉ thị và điều hành mọi hoạt động tuyên truyền trong lúc dưới các chế độ CS tuyên truyền là cả một hệ thống hiệu quả từ trung ương cho đến từng tổ ba người.
– Mặc dù sở hữu và khai triển hệ lý luận Quốc Xã trong đó có cả sự quan tâm về một “chủ nghĩa xã hội” trong tương lai Đức, Joseph Goebbels không có nhiều thời gian để thực hiện chủ trương vừa tận diệt tàn tích cũ và để trồng lên một lớp người mới với nhận thức mới như chủ trương của Lenin và các thế hệ lãnh đạo CS đàn em ở Liên Xô cũng như tại các nước CS khác.
– Hàng ngũ cán bộ tuyên truyền của Đức Quốc Xã đều là những cán bộ mới được đào tạo, vừa học tập vừa tuyên truyền, không sở hữu một căn bản lý luận vững chắc, trong lúc đó, tại các nước CS khả năng tuyên tuyền là tiêu chuẩn xác định trình độ chính trị và chủ nghĩa Cộng Sản của mỗi đảng viên.
– Tuyên truyền Quốc Xã chỉ trở nên hữu hiệu khi sau khi Hitler nắm được chính quyền, trong lúc đó, khi hoạt động trong bí mật các đảng viên CS đã thực hiện công tác tuyên truyền, sống sót nhờ vũ khí tuyên truyền, tờ báo bí mật Pravda của trung ương đảng CS Nga cũng ra đời trong thời gian hoạt động bí mật.
– Đối tượng tuyên truyền của Đức Quốc Xã là nhân dân Đức và đối tượng để tiêu diệt là người Đức gốc Do Thái, trong khi đó đối tượng tuyên truyền lẫn tiêu diệt tại các nước CS đều là dân của các nước đó.
Lý thuyết Marx, kể cả Tuyên ngôn Đảng CS do Mác và Friedrich Engels soạn, cũng còn trong phạm vi triết học và lý luận, chỉ được thực tế hóa một trách triệt để sau khi Lenin và đảng CS Nga chiếm được quyền lực sau Cách mạng CS tháng 10, 1917.
Boris Efimov, họa sĩ hí họa tuyên truyền chính trị thời CS Liên Xô thú nhận ông đã dành 70 năm chỉ để làm công việc bôi đen nhận thức của bao nhiêu thế hệ con người trong mười lăm nước thuộc Liên Xô. Ông không có chọn lựa. Anh ruột của ông bị Stalin xử bắn nhưng có lẽ nhờ tài năng ông được cho phép sống để vẽ hí họa tuyên truyền. Theo Boris Efimov, hệ thống tuyên truyền CS vô cùng khủng khiếp và có khả năng thôi miên cả một dân tộc. Không ít người Việt Nam đã từng và đang bị thôi miên như thế.
Hôm nay, bức tường tuyên truyền CSVN còn dày nhưng so với 42 năm trước đã có nhiều kẻ hở. Ánh sáng tự do dân chủ theo cuộc cách mạng tin học tràn vào và giúp làm thay đổi nhận thức của một số người. Có thể chưa đủ làm nên một lực lượng cách mạng nhưng rõ ràng mỗi ngày một đông và sẽ đông hơn. Một ngày không xa, những con nước nhỏ hôm nay sẽ làm nên thác lũ.
_____
Tham khảo:
– Ian Kershaw, The Führer Myth: How Hitler Won Over the German People, SPIEGEL ONLINE International
– Joseph Goebbels, Communism with the Mask Off, speech was delivered to the annual congress of the Nazi Party on 13 September 1935.
– Jean Marie Domenach, Political Propaganda, Kỹ Thuật Tuyên Truyền Chính Trị, bản dịch của Thế Uyên, nxb Thái Độ Sài Gòn 1969.
– Michael Mccarty, The Historical Roots Of Chinese, Communist Propaganda, Baylor University.
– Archie Brown, The Rise and Fall of Communism, HarperCollins, New York, NY 2011