Có nên dẹp bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Thái Hạo

5-10-2023

Chủ trương thành lập ban đại diện cha mẹ học sinh ban đầu là với mục đích tích cực và tốt đẹp, gắn với những trách nhiệm giáo dục quan trọng đối với học sinh. Tuy nhiên, sau nhiều năm áp dụng, đến nay nó đã biến tướng gần như hoàn toàn, đến mức không còn nhận ra được nữa về mặt tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động.

1. Ban đại diện cha mẹ học sinh là một tổ chức độc lập và tự chủ trong nhà trường, do chính phụ huynh cử ra. Quy trình của nó là, đầu năm cha mẹ học sinh mỗi lớp sẽ họp, bầu ra ban đại diện lớp; sau đó các ban này tiếp tục họp với nhau để bầu ra ban đại diện trường. Tuy nhiên, nay hầu hết các nhà trường đều làm ngược lại: đầu năm, nhà trường sẽ nhóm họp ban đại diện các lớp, phổ biến những nội dung mà trong đó trọng tâm là thu chi; sau đó cái ban này sẽ về lớp của mình, triển khai lại cho toàn thể phụ huynh.

Đây là một quy trình ngược, trái hẳn với nguyên tắc đã được quy định. Chúng ta biết rằng ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ có “nhiệm kỳ” từng năm, hết năm học thì tự giải tán, sang năm lại bầu ban mới. Tuy nhiên, nhà trường vì những mục đích riêng của họ, mỗi đầu năm học không những tổ chức họp một cái ban đại diện đã bị giải tán mà còn phân công cho ban này làm những việc không có trong nhiệm vụ của họ.

Lưu ý, ban đại diện cha mẹ học sinh không phải là tổ chức do nhà trường lập ra mà là do chính phụ huynh thành lập để hoạt động và phối hợp ăn khớp với kế hoạch giáo dục của nhà trường. Nhiều người không hiểu điều này nên đã tự nguyện trở thành cánh tay nối dài cho nhà trường trong các việc không đúng chức năng quyền hạn, mà rõ ràng và nặng nề nhất là việc thu tiền thay.

2. Nhiệm vụ của ban đại diện cha mẹ không phải là “thu hộ”, họ được lập ra để phối hợp với giáo viên và nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Chính vì điều này mà thông tư 55 mới quy định những khoản tiền mà ban đại diện không được thu. Vậy họ được thu những gì? Chỉ được thu một khoản duy nhất, là tiền quỹ của chính cái ban này, do phụ huynh mỗi lớp tự thỏa thuận mức đóng và phân bổ sử dụng cho hoạt động của riêng mình. Họ cũng không có nhiệm vụ phải phổ biến, thông báo, thuyết phục phụ huynh lớp, phụ huynh trường về các khoản thu của nhà trường.

Tóm lại, ban đại diện cha mẹ học sinh hoàn toàn không dính dáng gì đến tiền bạc, tài chính trong nhà trường cả. Tuy nhiên, trên thực tế, cho đến nay, cái ban này dường như không làm gì nhiều nhặn liên quan đến công tác giáo dục, mà chủ yếu là đi thu tiền hoặc làm “thuyết khách” cho nhà trường trong việc thu tiền, thậm chí là làm “chim mồi”.

Sự biến tướng này đã khiến ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành đối tượng bị chán ghét, thậm chí tẩy chay ngầm bởi đã tiếp tay cho các hành vi thu tiền trái quy định của các nhà trường.

Cũng bởi sự biến tướng này nên mới có câu chuyện kinh khủng xảy ra ở trường THPT Lạc Long Quân (Hà Nội) khi một Trưởng ban đại diện của lớp vì phát biểu ý kiến trong nhóm zalo lớp mình mà dẫn đến việc con gái đã bị nhà trường đuổi học. Vị phụ huynh này đã phát biểu điều gì?

– “Nhưng mấy hôm nay, để chuẩn bị cho năm học mới nhà trường lại tiếp tục gây sức ép cho GVCN (giáo viên chủ nhiệm] ép tôi không được làm CHT PH [chi hội trưởng phụ huynh] lớp 12A3 để thay người khác mặc dù không chính thức bầu theo ý kiến của các bác” (phụ huynh lớp).

Vị phụ huynh này bất bình với hành vi ấy của nhà trường nên đã đưa ra những nhận xét và suy nghĩ của mình trong nhóm zalo của lớp, và sau đó tai họa ập xuống con gái của vị ấy như chúng ta đã biết. Rõ ràng sự can thiệp thô bạo vào việc bầu ban đại diện (chi hội trưởng) của mỗi lớp là sai quy định, vì đây là việc nội bộ của phụ huynh, họ ưng bầu ai thì bầu, nhà trường không có liên quan gì cả. Nhưng tại sao trường Lạc Long Quân lại làm thế? Câu trả lời có lẽ mỗi chúng ta đều đã có.

Hành động của trường Lạc Long Quân là một điển hình cho động cơ thiết lập một “ban đại diện tay sai”. Những ai mà họ không vừa lòng hay không sai bảo được thì họ quyết gạt ra để thay người khác vào. Và ai ý kiến thì gặp rắc rối, như cha con vị phụ huynh đã nhắc ở trên. Một cái ban diện được chọn ra theo cách thức như thế, thì thử hỏi làm sao nó không biến tướng cho được?

Sự biến dạng hoàn toàn này về tổ chức, nhiệm vụ và hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh là phổ biến trên cả nước chứ không riêng gì trường Lạc Long Quân. Chính nó đã tiếp tay và tham gia gây ra rất nhiều tiêu cực nhức nhối trong giáo dục và xã hội suốt nhiều năm qua. Câu hỏi đặt ra là, có nên tồn tại nữa không cái ban đại diện cha mẹ học sinh như thế?

3. Giáo dục là trách nhiệm không phải chỉ giao phó cho nhà trường, mà đó còn là sứ mệnh chung của cả gia đình, xã hội, cho nên một cái ban đại diện là cần và hữu ích. Tôi không chủ trương dẹp bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng tôi thấy rằng nếu muốn giữ nó thì cần phải có những thay đổi mạnh mẽ để ban đại diện làm đúng phận sự, chức năng và nhiện vụ của mình.

Để xảy ra tình trạng đại loạn như bây giờ, trách nhiệm thuộc về các cấp quản lý, vì đã thả nổi và dung túng cho các nhà trường làm bậy. Người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc này là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp dưới của họ, vì đây thuộc về trách nhiệm quản lý đã được quy định. Đến hôm nay, khi mọi thứ đã bung bét thì chính các cá nhân lãnh đạo và cơ quan nói trên phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Để ngăn chặn tình trạng xây dựng những “ban đại diện cha mẹ tay sai” thì các cấp nói trên phải thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, giám sát, kiểm tra và xử lý thẳng tay các cơ sở giáo dục vi phạm trong tất cả các vấn đề có liên quan; chứ không phải suốt ngày ở phòng lạnh ngồi chơi xơi nước rồi mỗi khi có việc xảy ra thì chạy theo chữa cháy và đòi kỷ luật người này người nọ, mà tuồng như mình không liên quan gì!

Các cơ quan quản lý nói trên phải phổ biến cho toàn thể phụ huynh hiểu rõ về bản chất của tổ chức này trong nhà trường. Loa phường loa thôn thì phát điếc tai mỗi ngày về đủ thứ trên trời dưới đất, làm khổ bao nhiêu người vì ô nhiễm tiếng ồn, nhưng những tuyên tuyền thiết thực liên quan đến cuộc sống và học tập của người dân thì không thấy nói tới. Các đài truyền hình, cơ quan báo chí cần được sử dụng đắc lực vào những nội dung gắn chặt với các nhu cầu và đời sống của người dân, bớt ca ngợi lại.

Riêng phụ huynh thì xin bớt chút thời gian lướt mạng để đọc Thông tư 55, nắm và hiểu những quy định của nhà nước về ban đại diện cha mẹ học sinh. Có biết mới làm đúng được, còn không thì lúng túng và rồi kiểu gì cũng lại trở thành “cánh tay nối dài” hoặc một tổ chức vô dụng trong trường học. Đọc Thông tư 55 ở đây.

Sau cùng, nếu các cấp quản lý xét thấy mình không làm được như đã nêu, để lại tiếp tục duy trì tình trạng bát nháo như bây giờ thì nên kiên quyết dẹp bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh. Vì một sự tồn tại như thế không những không có ích lợi gì cho việc giáo dục học sinh, mà còn gây ra biết bao hệ lụy, biến nhà trường thành nơi chứa chấp cho các sai trái và phản giáo dục, gây nên tình trạng bất ổn ngày càng lớn trong xã hội.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Có người đại diện hội phụ huynh lớp nhưng không có con học tại lớp, đó là do nhà trường đưa lên, vì họ chính là những người kêu gọi đóng góp số tiền lớn cho trường, họ là người bợ đỡ trường để tìm lợi ích cho con họ, mà loại người này giờ nhiều lắm, nhà trường luôn tìm và cấu kết với hạng người này, chỉ khổ cho các bậc phụ huynh nghèo. Vì vậy nên xóa bỏ hội phụ huynh là thượng sách, nhà trường sẽ chẳng có cớ để moi tiền mà không chịu trách nhiệm!

  2. (“Hội phụ huynh” là cách gọi trước đây, còn tên chính thức trên văn bản giấy tờ bây giờ là “Ban đại diện cha mẹ học sinh”, giống kiểu như “thu phí” với “thu giá” vậy).

    Với kinh nghiệm 3 năm liền làm Trưởng ban đại diện CMHS lớp, Phó trưởng ban đại diện CMHS trường (ở một trường tiểu học tại TP.HCM) tôi cho rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo nên cân nhắc bỏ hẳn cơ cấu “Ban đại diện CMHS” hiện nay tại tất cả các trường công.

    Theo dõi câu chuyện lạm thu hơn 15 năm nay ở các trường (kể từ khi mới bước chân vào nghề báo, cho đến khi thực tham gia trực tiếp vào hoạt động của ban đại diện CMHS mới đây) tôi thấy hoạt động chủ yếu, tích cực và xuyên suốt của hầu như tất cả các ban đại diện chỉ có một, đó là: THU TIỀN QUỸ.

    Thực ra cũng không cần trải nghiệm thực tế, chỉ để ý quan sát một chút cũng thấy ngay, đầu mối của tất cả các khoản lạm thu được phản ánh trên báo chí những năm trước và thời gian gần đây đều ở một chỗ đó là: BAN ĐẠI DIỆN CMHS (HỘI PHỤ HUYNH).

    Vậy mà, thật đáng ngạc nhiên, bấy lâu nay chưa thấy ai đặt câu hỏi về việc có nên hay không để tồn tại một cơ cấu ban đại diện CMHS này trong các trường công?

    Qua trải nghiệm ba năm trong ban đại diện của mình quả thực tôi thấy vai trò của ban đại diện CMHS trong việc phối hợp, hỗ trợ nhà trường trong việc nuôi – dạy các con là vô cùng hạn chế. Hạn chế đến mức, tôi có thể nói chắc rằng có hay không ban đại diện CMHS cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng dạy – học và hoạt động của học sinh tại trường.

    Vậy tại sao các Ban đại diện CMHS vẫn được lập ra? Và ai sẽ là người sốt sắng lập nên Ban đại diện CMHS này nhất? – Xin thưa, tất cả những ai từng có con học trong hệ thống trường công đều có thể dễ dàng trả lời ngay đó là: BAN GIÁM HIỆU.

    Như đã nói ở trên, nếu không có cơ cấu gọi là ban đại diện CMHS các ban giám hiệu các trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn với các khoản tiền cần “xã hội hóa” hàng năm để: mua máy chiếu, mua tivi, mua rèm cửa… vân vân và vân vân. (Một điều kỳ lạ là năm nào cũng có những khoản kiểu như thế này, như thể sau mỗi năm học, qua một kỳ nghỉ hè, ngôi trường lại rơi vào thế giới của Kafka, trang thiết bị năm cũ đột nhiên biến mất hết không một dấu tích vậy).

    Mỗi lần nghe các vị lãnh đạo các trường lên báo chí giải thích về các khoản thu của cha mẹ học sinh đều là “tự nguyện”, “đồng thuận”… nói thật tôi thấy buồn nôn kinh khủng (“mắc ói dễ sợ” – nói theo kiểu miền Nam).

    Cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị là gì?

    – Là bóng gió gợi ý (nhiều khi là thẳng tuột luôn), là giả đò lấy ý kiến, rồi phổ biến cho ban đại diện trường, rồi đưa xuống cho giáo viên chủ nhiệm, đưa xuống cho ban đại diện lớp, rồi lấy biểu quyết ở lớp theo cùng một mô-típ như sau: Sẽ có vài vị phụ huynh có điều kiện đứng lên ủng hộ nhiệt thành, thậm chí còn đòi tăng thêm các khoản đóng góp. Sẽ một vài ý kiến yếu ớt chất vấn, hay phản đối. Sẽ nói qua nói lại một hồi, rồi hết thời gian họp phụ huynh. Biểu quyết. Đa số đồng ý. Xong.

    Khốn thay, trong một trường, hay một lớp học bao giờ cũng thế, những gia đình, những phụ huynh có điều kiện nhất là những người mạnh miệng (lớn tiếng) nhất. Ở chiều ngược lại, những gia đình, những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nhất lại chính là những người ít có tiếng nói nhất. Họ là những người yếu thế. Họ không dám lên tiếng. Hoặc có thể tệ hơn, vừa nghe đến những khoản thu kiểu như vậy thì họ đã ngay lập tức xây xẩm mặt mày, vội nghĩ cách xoay xở cho ra cái khoản đó để kịp đóng góp cho con, chứ làm gì đã nghĩ đến chuyện lên tiếng phản đối hay chất vấn.

    Như thế, cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị thực ra chỉ là “ném đá giấu tay”, mượn tay ban đại diện thực hiện các mục tiêu của mình, và lấy đa số (to tiếng) áp đặt thiểu số (yếu thế) không có tiếng nói.

    Nói đến đây tôi chắc phải dừng lại một chút, để có vài lời thanh minh. Thứ nhất, tôi không nói tất cả các trường, các ban giám hiệu đều như thế (bản thân tôi cũng đã có may mắn gặp được những thầy, cô giám hiệu thực sự hết lòng vì các con), nhưng hầu như chắc chắn các trường có chuyện lạm thu phụ huynh đều như thế. Thứ hai, có lẽ mọi phụ huynh đều nghĩ những khoản quỹ đóng góp cho ban đại diện CMHS là để lễ tết thầy cô, để tỏ lòng biết ơn. Nhưng thực tế, như cá nhân tôi nhìn nhận, quả tình thầy cô cũng không có mặn mà gì với các món quà của phụ huynh đâu, họ thường cảm thấy miễn cưỡng, khó xử khi nhận được các món quà này hơn là thích thú. Trong đa số trường hợp, thầy cô, nhất là thầy cô chủ nhiệm cũng là nạn nhân của nạn lạm thu này (vừa chịu o ép từ trên ban giám hiệu, vừa phải chịu tiếng oan o ép phụ huynh)

    Nói tiếp về chuyện lạm thu. Việc lạm thu của Ban đại diện CMHS diễn ra ở tất cả các cấp học, nhưng nó đặc biệt tệ hại với cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nhà nước đã chủ trương miễn học phí để mọi trẻ em đều có thể đến trường, phổ cập tiểu học (tiến tới phổ cập trung học cơ sở), thế nên, việc lạm thu đầu năm ở các trường không gì khác là phá hoại chính sách đúng đắn, nhân văn này.

    Điều cuối cùng, nếu cần có tiếng nói, có sự tham gia của cha mẹ học sinh trong việc giáo dục con cái tại trường, chúng ta có thể cân nhắc thiết lập một mô hình khác hiệu quả hơn đó là thiết lập các học khu (có thể phân theo phường, xã), mội học khu sẽ có một Ban giám học là đại biểu nhân dân, giáo chức về hưu hoặc những nhà chuyên môn khác có quan tâm đến giáo dục, để hỗ trợ, theo dõi, giám sát hoạt động giáo dục tại tất cả các trường công trong phạm vi học khu của mình. Tôi tin, “Ban giám học” này sẽ có nhiều chuyên môn, trách nhiệm và sẽ có khả năng mang lại hiệu quả hỗ trợ, giám sát, nâng cao chất lượng giáo dục các trường công tốt hơn nhiều các “Ban đại diện CMHS” hiện nay.

    NĐK

  3. Hề… hề…, Bây giờ phần lớn các trường học đã trở thành CTY GIÁO DỤC rồi, thì, BAN PHỤ HUYNH học sinh được lập ra với tư cách là CÔNG ĐOÀN để BẢO VỆ QUYỀN LỢI CHO HỌC SINH (cũng chính là lợi ích của chính mình) thì có nên không!?

Comments are closed.