Tác giả: Jakub Trybull
Cù Tuấn, biên dịch
27-9-2023
Đề xuất đổi tên trường Linacre College thành ‘Thao College’ đã bị hủy bỏ sau khi “việc quyên góp mang tính thay đổi” cho Trường không thành hiện thực do những hạn chế ở Việt Nam.
Hai năm trước, trường thông báo sẽ nhận được khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh từ Tập đoàn SOVICO và dự định đổi tên thành ‘Thao College’ theo tên nữ chủ tịch tập đoàn và tỷ phú Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo. Tuy nhiên, theo báo Telegraph, các cựu sinh viên được thông báo rằng, trường không còn mong đợi nhận được số tiền do những hạn chế về tài trợ ra ngoài nước do chính phủ Việt Nam quy định.
Khoản quyên góp này trước đó đã bị chỉ trích vì việc chuyển tiền ra khỏi Việt Nam, quốc gia nghèo hơn Vương quốc Anh, cũng như bị chính phủ Anh điều tra vì cáo buộc bà Thảo có liên hệ với Chính phủ Việt Nam. Năm 2022, bà Thảo cũng vướng vào vụ kiện tụng lên Tòa án cấp cao, liên quan đến số tiền tương tự “món quà tặng để mua tên”.
Những lo ngại khác mà các cựu sinh viên nêu ra với Cherwell bao gồm sự khó chịu về điều mà một số người coi là nỗ lực của một tỷ phú nước ngoài nhằm gắn tên của họ với uy tín của một trường đại học Oxford trong khi tên hiện tại của nó bắt nguồn từ Thomas Linacre, một bác sĩ và học giả nhân văn người Anh.
Vào thời điểm đó, Maria Kawthar Daouda, giảng viên tại Đại học Oriel, đã viết trong một lá thư gửi cho Daily Mail: “Có rất nhiều điều trong cái tên của trường này. Nó mang một lịch sử sâu sắc và không nên thay đổi chỉ vì một món tiền lớn. Lòng biết ơn đối với số tiền của bà Thảo có thể được thể hiện theo những cách mà không xóa bỏ mục đích hỗ trợ trường của khoản quyên góp”.
Mặc dù không có gì lạ khi các trường Oxford college được đặt theo tên của các nhà hảo tâm, như trường hợp của các trường Lincoln, Wadham và Balliol, nhưng người ta vẫn lo ngại về thông điệp mà điều này gửi đến các nhà tài trợ tiềm năng hoặc tương lai.
Tương tự, sau khi tin đổi tên được công bố lần đầu tiên, nhóm khí hậu Chiến dịch Công lý Khí hậu Oxford (OUJC) đã chỉ trích quyết định chấp nhận khoản tài trợ của Trường và tuyên bố rằng, SOVICO đã làm việc cùng với các công ty nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả công ty dầu mỏ Zarbezneft của Nga.
Lưu ý rằng, họ lo ngại nó có thể mâu thuẫn với các chính sách khác của Oxford về việc hạn chế nhiên liệu hóa thạch, OUJC nói với Cherwell: “Vì không có công ty nào liên quan đến khai thác nhiên liệu hóa thạch hoặc hàng không có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này, chúng tôi thực sự nghi ngờ liệu lời hứa của chính nhóm SOVICO có trở thành công ty không phát thải hay không”.
Linacre là một trong những trường college trẻ nhất của Oxford, được thành lập năm 1962, với tư cách là một hội sau đại học dành cho cả nam và nữ. Nó trở thành một trường college độc lập của trường vào năm 1986, thông qua Royal Charter. Khoản quyên góp này sẽ được sử dụng để tài trợ cho học bổng và xây dựng một trung tâm sau đại học mới. Một phần đáng kể của khoản quyên góp dự định sẽ được chuyển tới quỹ tài trợ chung của trường, với tổng trị giá 17,7 triệu bảng Anh vào năm 2018, để hỗ trợ hoạt động hàng ngày của trường.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tài sản ròng ước tính khoảng 2,1 tỷ USD, giảm so với khoảng 3,1 tỷ USD vào năm 2022. Ngoài chức vụ Chủ tịch Tập đoàn SOVICO, bà còn đầu tư vào HD Bank và bất động sản, trong đó có 3 khu nghỉ dưỡng ven biển. Bà hiện đứng ở vị trí thứ 1368 trong danh sách các tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes.
Tôi ngờ là bà này chơi trò “hứa cuội” kiểu Trạng Quỳnh để thu hút sự chú ý của thiên
hạ trước đã và như vậy là bà ta đã thành công vang dội (vì được báo chí quốc tế đưa
tin) còn chuyện thực hiện được hay không thì “hồi sau sẽ rõ” !
Bởi vì bà ta cũng biết là chế độ CS. quản lý tất tần tật mọi lãnh vực hay TOÀN TRỊ mọi
việc, kể cả làm ăn kinh doanh có liên quan đến tiền bạc lại càng bị kiểm soát, chứ làm
gì được tự do hoàn toàn như các nước tự do dân chủ mà bà ta muốn hiến tặng cho một
tỏ chức (có yếu tố) nước ngoài nào cũng được, nếu chưa xin phép đảng CS.
Vụ này kể như đại học Anh phần nào đã bị “ê mặt” vì mang tiếng tham tiền … bẩn ?