Trịnh Xuân Thanh: Trùm tham nhũng hay là nhà cải cách?

The Diplomat

Tác giả: Bennett Murray

Dịch giả: Trúc Lam

25-9-2017

Hình ảnh cựu giám đốc điều hành dầu khí Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh được nhìn thấy trên màn hình TV của đài truyền hình VTV, nói rằng ông ta tự nộp mạng tại một đồn cảnh sát ở Hà Nội, Việt Nam ngày 3/8/2017. Nguồn: REUTERS/Kham

Khi Đức gia tăng áp lực về vụ bắt cóc Thanh, cảnh ngộ của ông đã làm cho mọi người gia tăng chút cảm thông.

Một cựu viên chức cộng sản đào tẩu đã bị tóm trên đường phố Berlin giữa ban ngày bởi các gián điệp Việt Nam có vũ trang. Một chuyến đi bí mật qua Đông Âu cho một chuyến bay bí mật về Hà Nội. Một lời thú nhận trên truyền hình của đài truyền hình nhà nước Việt Nam, có thể bị cưỡng ép. Một Bộ Ngoại giao Đức bị xúc phạm và các nhà ngoại giao Đức tuyên bố, một nhà ngoại giao không được chào đón.

Tình huống bị cáo buộc phía sau vụ trở về của Trịnh Xuân Thành hồi tháng 7 là, theo lời của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, “người ta chỉ có thể thấy trong những bộ phim kinh dị thời Chiến Tranh Lạnh“. Việt Nam phủ nhận các cáo buộc, cho rằng Thanh trở về Hà Nội và tự nộp mình.

Đức đã tuyên bố “không có nghi ngờ” gì về trách nhiệm của Việt Nam, cho đến nay đã trả đũa bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao, đầu tiên vào ngày 2 tháng 8 và sau đó là vào ngày 22 tháng 9, cùng với việc đình chỉ “mối quan hệ chiến lược”.

Việc Đức giữ quyền phủ quyết đối với một hiệp định thương mại tự do còn đang treo, có thể cắt giảm hầu hết các mức thuế giữa EU và Việt Nam, mức độ trả đũa của Berlin hoàn toàn có thể nói là đáng kể.

Nhưng do sự không rõ ràng của nhà nước cộng sản độc đảng của Việt Nam, các động cơ cáo buộc bắt cóc rất khó xác định. Thanh được mô tả là một nhà điều hành tham nhũng nên bị trừng trị, đặc biệt là ở Việt Nam, hoặc là một nhà cải cách tự do bị thanh trừng bởi những người cộng sản cứng rắn.

Thanh từng giữ chức Chủ tịch Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) từ năm 2009 đến năm 2013, đã bắt đầu đi xuống đột ngột hồi tháng 5 năm 2016 sau khi những hình ảnh chiếc xe Lexus biển số công của ông ta trị giá 250.000 đô la Mỹ, xuất hiện trên mạng, mang biển số giả.

Mặc dù đã bị đuổi khỏi PVC, cánh tay xây dựng của công ty dầu khí của nhà nước, Thanh đã được cơ cấu trong bộ máy quan chức nhà nước ba năm và cuối cùng đã được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Trong số những phản đối của công chúng lan rộng khắp các tờ báo do nhà nước kiểm soát và trên các phương tiện truyền thông xã hội độc lập, đảng đã hứa điều tra. Các cáo buộc cũ rằng ông đã làm thất thoát 147 triệu đô la, thông qua các giao dịch mưu mẹo khi PVC nổi lên.

Nhưng khi một lệnh bắt giữ được đưa ra hồi tháng 9 [năm 2016], về các cáo buộc quản lý kinh tế tồi tệ, người ta chẳng biết ông ở đâu. Sau khi thông báo truy nã quốc tế vào tháng đó, Trịnh trở thành kẻ đào tẩu được săn lùng nhất của Việt Nam.

Không có bất đồng

Theo luật sư người Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf, ông Thanh là nạn nhân của một cuộc thanh trừng chính trị có ý đồ “nghiền nát các nhà cải cách trong Đảng Cộng sản và phục hồi, tăng cường vai trò của đảng dựa trên nền tảng hệ tư tưởng cộng sản“, báo Süddeutsche Zeitung, nhật báo của Đức đưa tin.

Bà Schlagenhauf đã không trả lời yêu cầu bình luận của tờ báo.

Tuy nhiên, những người cộng sản và các nhà hoạt động chống chính phủ Việt Nam đã đạt được sự đồng thuận hiếm hoi rằng, ông Thanh không phải là một nhà cải cách.

Ông Lê Đăng Doanh, cựu cố vấn kinh tế cao cấp của chính phủ và là đảng viên Đảng Cộng sản, chỉ ra rằng, không có hồ sơ nào nói rằng ông Thanh là người ủng hộ cải cách. Ông nói: “Nếu luật sư Đức tuyên bố ông bị ngược đãi vì lý do chính trị, hãy đưa ra bằng chứng”.

Không giống như các blogger, những người đã bị bắt và bị truy tố vì bày tỏ quan điểm của họ trên blog hay Facebook, hiện không có điều gì giống như thế đối với ông Trịnh Xuân Thanh“, ông nói thêm.

Ông Nguyễn Quang A, một doanh nhân đã nghỉ hưu và là cựu đảng viên, trở thành người bất đồng chính kiến, ủng hộ dân chủ, cho biết, bất kỳ kết quả nào giữa Thanh và chính phủ không thể bị gây ra bởi ý thức hệ.

Thanh không phải là người bất đồng chính kiến, chúng tôi không muốn các nhà bất đồng chính kiến ​​bẩn thỉu như thế“, ông nói thêm, phe “cải cách” của Đảng mà Thanh được cho là một thành viên, không tồn tại như bà Schlagenhauf mô tả.

Những người nước ngoài nghĩ rằng có hai phe, một phe bảo thủ, và một phe cải cách … nhưng đó là khái niệm sai lầm được sử dụng cho tình hình Việt Nam hiện nay“, ông nói.

Một sự hiểu biết chung ở nước ngoài là, Đảng Cộng sản Việt Nam được chia ra giữa các nhà cải cách theo phương Tây và những người cứng rắn thân Trung Quốc.

Phe cải cách mà người ta nói tới, trước đây được lãnh đạo bởi cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là người đã bị ép buộc lặng lẽ nghỉ hưu tại Đại hội Đảng hồi tháng 1 năm 2016, còn phe bảo thủ là do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là người trên thực tế lãnh đạo chính phủ.

Ông Thanh từng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT của PVC bởi ông Dũng bị thất sủng, liên minh với Đinh La Thăng, là người đã bị buộc phải rời khỏi Bộ Chính trị hồi tháng 5 vì vụ bê bối tại Petro Vietnam, mà nhiều người tin rằng nó nằm trong tầm ảnh hưởng của Dũng.

Giáo sư Zachary Abuza tại trường Cao đẳng Hải chiến Quốc gia ở Washington DC, đồng ý rằng, mặc dù có một sự chia rẽ giữa ông Trọng và các chính trị gia của phe cựu thủ tướng, các cuộc chiến về các quan điểm chính trị không giải thích thỏa đáng những rạn nứt bên trong nội bộ đảng.

Ông Abuza nói: “Nhiều người, trong đó có tôi, có xu hướng xem chính trị Việt Nam như là một cuộc chiến giữa các nhà cải cách và người bảo thủ”.

Ông nói thêm rằng, hiện có một sự đồng thuận rộng rãi trong đảng về nhu cầu cải cách, với cuộc tranh luận tập trung vào tiến độ và phạm vi thích hợp.

Khi Tổng bí thư ‘bảo thủ’ đang ngồi trong Nhà Trắng tán thành Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, kêu gọi thương mại và nhiều đầu tư hơn, chúng ta cần cân nhắc lại những chiêu bài này”, ông nói.

Ông Quang A cho biết, bất kỳ quan điểm cải cách nào trong lãnh đạo đảng đều tập trung vào kinh tế, không có thách thức nội bộ nào gây ra mối đe dọa đối với quốc gia kiên định, do độc đảng lãnh đạo như Việt Nam.

Ông nói tiếp: “Nếu bạn đang xem xét cải cách kinh tế, bạn thấy có nhiều cải cách, có lẽ tất cả họ đều là những nhà cải cách. Nhưng khi bạn xem xét về khía cạnh nhân quyền, dân chủ thì tất cả họ đều là bảo thủ”.

Tuy nhiên, đảng này đang bị chia rẽ, điều mà các nhà phân tích bên ngoài không có gì phải nghi ngờ. Ông Abuza cho biết, các mạng lưới đỡ đầu cho các đối thủ đang đụng độ, với những người có chỗ dựa lỏng lẻo như Thanh đang lãnh đạn.

Đó là cách bạn săn lùng người có quyền lực ở Việt Nam: bạn săn lùng tay chân của họ. Nếu bạn không thể bảo vệ họ, quyền lực của bạn sẽ giảm”, ông nói thêm rằng, ông không tin việc truy nã Thanh có động cơ thật là chống tham nhũng.

Bất kỳ lợi lộc tài chính nào của ông Thanh kiếm được cũng có khả năng bị chính phủ thu hồi, nhưng không đủ để bù đắp sự mất mác về ngoại giao và tiềm năng kinh tế khi bắt cóc ông ta, điều đó làm cho tôi nghĩ rằng, đây không phải là vấn đề kinh tế hoặc chống tham nhũng, mà tất cả đều là chính trị”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Quang A nói thêm rằng, nhóm người thuộc phe phái của ông Dũng, gồm cả ông Thanh, bị mang tiếng là tham nhũng đặc biệt ở Hà Nội, so với vây cánh của ông Trọng.

Tất cả họ đều thối nát, về mặt tiền bạc, họ là những kẻ tham nhũng nhất”, ông nói.

Ông Dũng không có ý thức hệ, ông ta chỉ có thể là một người có quyền lực và tiền bạc, nếu bạn muốn gọi đó là hệ tư tưởng”, ông nói thêm.

Abuza nói rằng, bất chấp động cơ là gì thì hành động bắt cóc một kẻ trốn chạy giữa ban ngày tại một thủ đô ở châu Âu, là vô cùng nghiêm trọng.

“Thật sự chính phủ Việt Nam muốn trả bao nhiêu để tóm anh chàng này?” Ông trầm ngâm.

Độ tin cậy trên mạng

Ông [Nguyễn] Quang A và ông [Lê Đăng] Doanh đồng ý rằng, ông Thanh đã bị khiển trách công khai trước khi ông ta chạy trốn.

Ông Doanh nói: “Vụ việc đã không bị chính phủ khơi mào”, và câu chuyện về chiếc Lexus xuất hiện trên mạng, ông cho biết thêm.

Ông nói thêm rằng: “Dân thường ở Việt Nam không thích những người tham nhũng và lạm dụng quyền lực”.

Ông Quang A nói rằng, chuyến bay của ông Thanh xảy ra trước khi có lệnh bắt giữ vài tuần, đã gây tổn thất lớn, làm cho Hà Nội mất mặt, và vụ việc nhận được sự chú ý.

Ông nói thêm rằng, việc kiên quyết chống tham nhũng, một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của đảng, là điều hết sức quan trọng đối với hình ảnh của đảng.

Họ luôn luôn nói rằng lực lượng an ninh của chúng tôi rất mạnh và hiệu quả, nhưng bất thình lình một con cá nhỏ như thế lại có thể đi qua châu Âu?” Ông nói.

Ông Lê Trung Khoa, biên tập viên của tờ báo điện tử song ngữ Việt – Đức, tờ thoibao.de ở Berlin, nói, ông nghĩ rằng hồ sơ xin tị nạn của ông Thanh sẽ có kết quả tốt đẹp.

Ông ta đã thuê một nhóm luật sư để giúp nộp hồ sơ xin tị nạn, những luật sư này rất nổi tiếng ở Đức, vì vậy cơ hội được nhận tị nạn là rất cao”, ông nói.

Hơn nữa, sự việc phức tạp hơn là khả năng Thanh trở về Việt Nam sẽ phải đối mặt với bản án tử hình. Chính sách của Đức là ngăn các vụ dẫn độ, nơi mà án tử hình vẫn còn bị hoãn vô thời hạn.

Tuy nhiên ông Quang A nhấn mạnh rằng, vi phạm luật pháp Đức, cũng là chống lại lợi ích của Việt Nam.

Ông Quang A nói: “Tôi nghĩ việc bắt cóc ông Thanh ngay giữa ban ngày, ở trung tâm Berlin, là hành động ngu ngốc nhất mà bạn có thể tưởng tượng”.

Một mặt, chúng ta chiến đấu chống lại tất cả những kẻ tham nhũng, tốt thôi, nhưng không thể lẫn lộn với mục đích, để chống tham nhũng có thể sử dụng các phương tiện bẩn thỉu là bắt cóc? Sử dụng luật rừng ư?

Ông Doanh nói ông tò mò muốn biết mối quan hệ Việt- Đức có thể được khôi phục như thế nào.

Ông vẫn lên kế hoạch có mặt trong Ngày Độc lập của Đức vào tháng 10, do Đại sứ quán Đức tổ chức và sẽ quan sát những hành động bất thường trong đám đông.

Tôi chắc sẽ tham gia như một người bạn của Đức, và tôi rất tò mò muốn biết ai từ phía Việt Nam sẽ đến và những gì mà ngài Đại sứ của Đức sẽ nói trong ngày này”, ông ấy nói.

Tác giả: Bennett Murray là một nhà báo có văn phòng tại Hà Nội. Theo dõi tin tức của anh trên Twitter tại @BDMurray.

© Copyright Tiếng Dân – Bản tiếng Việt

Bình Luận từ Facebook