Trung Nguyễn
24-9-2017
Những tuần gần đây, cuộc khủng hoảng sắc tộc ở Miến Điện đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Bà Aung San Suu Kyi, một trong những biểu tượng của dân chủ Miến Điện, đã hứng chịu rất nhiều sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế. Nhìn vào bài học của Miến Điện có thể thấy tiến trình dân chủ hóa Việt Nam cũng có thể sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn mới tới đích.
Tổng quan về tình hình Miến Điện
Về vị trí địa lý, Miến Điện nằm giữa hai cường quốc tranh giành ảnh hưởng là Ấn Độ và Trung Quốc, với nhiều rừng núi hiểm trở. Ngoài ra Thái Lan cũng có ảnh hưởng. Trung Cộng (Đảng Cộng sản Trung Quốc) thậm chí còn huấn luyện các nhóm dân quân ở biên giới Miến Điện – Trung Quốc để gây rối.
Về dân tộc thì chính thức có 135 sắc dân được công nhận ở Miến Điện. Tuy nhiên, người Rohingya với đa số theo Hồi giáo thì không được công nhận và bị coi là nhập cư trái phép.
Người Rohingya đến Miến Điện từ năm 1824 đến năm 1948 dưới chế độ thuộc địa của thực dân Anh. Dù vậy, nhiều người Rohingya coi họ là dòng dõi của các thương nhân Hồi giáo đến Miến Điện từ thế kỷ thứ 9.
Đa số dân Miến Điện theo Phật giáo có thành kiến rất xấu với người Rohingya. Từ ngày 25/8, các tay súng nổi dậy người Rohingya đã tấn công 30 đồn cảnh sát và giết chết 12 cảnh sát. Sự việc đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong đa số dân Miến Điện và quân đội Miến Điện có cớ để tiến hành việc trả đũa, dẫn đến việc thảm họa nhân đạo khiến hơn 400 ngàn dân Rohingya phải đi tị nạn.
Về chính trị thì các tướng lãnh quân đội đã cai trị Miến Điện bằng bàn tay sắt từ năm 1962 tới 2011. Cũng giống như nhà cầm quyền ở Việt Nam, chế độ quân phiệt đã giam giữ những người bất đồng chính kiến, kể cả bà Aung San Suu Kyi, thậm chí đàn áp, giết người trong các cuộc biểu tình của dân chúng.
Hiện tại, quân đội vẫn được 25% số ghế trong Quốc hội, kiểm soát lực lượng an ninh, cảnh sát, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong chính phủ. Tổng tư lệnh quân đội, tướng Min Aung Hlaing không thể bị sa thải và không hề phải báo cáo công việc cho Tổng thống dân cử.
Thậm chí, trong Hiến pháp còn có điều khoản là trong tình huống khẩn cấp, Tổng tư lệnh có thể tước quyền tổng thống và kiểm soát chính phủ, trở thành nguyên thủ quốc gia.
Không chỉ vậy, các tướng lãnh quân đội còn nắm quyền kiểm soát kinh tế quốc gia qua nhiều công ty quân đội ở Miến Điện. Nguồn lợi khổng lồ từ các công ty này chưa bao giờ được công khai cho người dân biết.
Như thế, có thể thấy tiến trình dân chủ hóa Miến Điện còn vô vàn khó khăn, trở lực.
Đến tình hình chia rẽ sâu sắc ở Việt Nam
Nhìn lại Việt Nam, với chính thức 54 dân tộc và nhiều tôn giáo, chưa kể đến việc chia rẽ sâu sắc về màu cờ, ý thức hệ, việc đoàn kết quốc gia ở chế độ dân chủ sau này cũng sẽ là vấn đề khó khăn.
Năm 2004, ở Tây Nguyên, người Thượng đã biểu tình đòi tự trị, đòi đất, đòi tự do tôn giáo. Dù hiện tại tình hình tạm lắng nhưng gốc của vấn đề là chính sách đất đai, tôn trọng văn hóa của người dân tộc thiểu số vẫn chưa được thực thi đầy đủ ở Việt Nam, dẫn đến các nguy cơ lớn hơn trong tương lai.
Không chỉ ở Tây Nguyên mà cả ở Tây Bắc và Tây Nam Bộ cũng gặp nhiều vấn đề phức tạp về dân tộc, tôn giáo. Không phải ngẫu nhiên mà đảng cộng sản cầm quyền có hẳn ba ban, chuyên theo dõi ba vùng “Tây” này.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có vùng biên giới liền với Trung Quốc như Miến Điện nên nguy cơ trong tương lai, một Việt Nam dân chủ bị phiến quân do Trung Cộng “hà hơi tiếp sức” để quấy rối cũng có khả năng lớn.
Về tôn giáo, nhiều người Thượng theo đạo Tin Lành phải qua Campuchia, Thái Lan tị nạn. Gần đây cũng có nhiều vụ tôn giáo bị bức hại, cưỡng chế đất đai như chùa Liên Trì, đan viện Thiên An… Nhiều giáo dân hoạt động dân chủ bị bắt bớ. Mới đây nhất là có một nhóm người hung hăng, mang theo súng đạn, đòi “đối thoại” với linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân, giáo xứ Thọ Hòa, giáo phận Xuân Lộc. Không thể kể hết các vụ việc được.
Mọi người dân Việt Nam, kể cả những gia đình có “truyền thống cách mạng” vẫn có thể bị cướp đất “đúng quy trình” với chế độ chính trị hiện tại. Không chỉ cướp đất mà còn rất nhiều hình thức bóc lột người dân khác qua nhiều sắc thuế, phí vô lý gây mâu thuẫn sâu sắc giữa đa số người dân Việt Nam bị trị và một thiểu số lãnh đạo cộng sản thống trị.
Các cuộc phản kháng gần đây cũng cho thấy mâu thuẫn xã hội chực chờ bùng nổ: người dân dùng tiền lẻ phản đối các trạm thu phí BOT sai quy định như ở Cai Lậy; dân Đồng Tâm, Hà Nội quyết liệt giữ đất, các trí thức Việt Nam qua báo chí cũng quyết liệt phản đối việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12%…
Trong giới đấu tranh dân chủ, chúng ta không khó để đọc thấy rất nhiều từ ngữ thù hận với người cộng sản mỗi ngày. Có người thậm chí còn xăm chữ “sát cộng” lên tay. Câu sáo ngữ “đấu tranh bất bạo động” có lẽ chỉ là do họ không có vũ khí trong tay để mà “bạo động”.
Ở mặt ngược lại, lực lượng an ninh cộng sản cũng sẵn sàng trút đòn thù lên “thế lực thù địch” là những người đấu tranh dân chủ. Có những người đấu tranh đã bị tàn phế, rất nhiều người bị bắt bớ, tù tội.
Nhìn sâu hơn vào lực lượng đảng cộng sản, bản thân giới nghiên cứu của đảng cộng sản như Tiến sỹ Nhị Lê cũng phải thốt lên:
“Khi các nhà chính trị liên kết với bọn tài phiệt tài chính thì nguy cơ sụp đổ của một nền chính trị, rất gần, thậm chí cận kề. Điều đó mới là đáng nói về tai họa tham nhũng, vào chính lúc này đây.
Tôi không thể hình dung ra được, trong Đảng lại xuất hiện bao nhiêu bè nhóm, đẳng cấp. Nói rộng ra, tôi không thể hình dung ra được một đất nước mà có tới cả hàng chục, thậm chí trăm ‘sứ quân’ — ‘nhóm lợi ích’.”
Tức là bản thân giới lý luận trong đảng cộng sản đã nói tới chuyện “sụp đổ” và chỉ riêng đảng cộng sản thôi cũng sẽ bể ra thành hàng trăm mảnh.
Trong khi đó, giới đấu tranh dân chủ cũng phân mảnh không kém với rất nhiều tổ chức, cá nhân có đường hướng khác nhau, từ “sát cộng” tới “thân cộng”. Việc “đấu tố” hoặc tung tin đồn thất thiệt nhằm hạ bệ lẫn nhau trong giới đấu tranh dân chủ không phải là hiếm gặp.
Nghĩa là, một Việt Nam tương lai bị chia rẽ, thậm chí nội chiến, trả thù như tình trạng Miến Điện hiện tại là hoàn toàn có thể.
Nếu năm 2015, Miến Điện có tới 92 đảng ra tranh cử thì ở Việt Nam con số chắc chắn sẽ còn cao hơn. Riêng đảng cộng sản bể ra cũng đã tới “hàng trăm” đảng nhỏ như tiến sỹ Nhị Lê đã dự báo.
Và nếu các đảng trong quốc hội ở Việt Nam tương lai không làm việc được với nhau, bộ máy Nhà nước không vận hành được thì có lẽ tình hình sẽ đúng như một câu chuyện cười: một đảng đã khổ quá rồi, nhiều đảng còn khổ hơn.
Và có lẽ người dân Việt Nam lúc đó sẽ lại có nhu cầu cần phải có một nhà độc tài hay một đảng độc tài để ổn định tình hình. Nghĩa là rất có thể thế hệ tương lai của Việt Nam phải làm lại từ đầu, xây dựng lại nền dân chủ từ đầu.
Nhu cầu đoàn kết quốc gia
Nhắc đến Miến Điện và điểm sơ qua tình hình Việt Nam để thấy việc giải quyết vấn đề Việt Nam không hề đơn giản một chút nào. Chống đối với đảng cộng sản cầm quyền, hô hào “tự do, dân chủ, nhân quyền” hay kêu gọi “xuống đường biểu tình” vẫn chưa phải là giải pháp toàn diện lâu dài.
Một giải pháp lâu dài cho Việt Nam cần chính những đảng viên cộng sản, lực lượng an ninh, công an, quân đội đồng tình ủng hộ. Các đảng viên cộng sản cũng là công dân, cũng là những người chủ của đất nước. Và quân đội, công an cực kỳ cần thiết để giữ gìn trật tự xã hội và bảo vệ quốc gia.
Giải pháp đó không phải để cho một cá nhân hoặc đoàn thể nào thắng mà phải hướng đến việc cả dân tộc cùng thắng, nghĩa là chuyển đổi qua thể chế dân chủ trong hòa bình, ổn định, không có chuyện trả thù, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc thiểu số, các tôn giáo, cộng sản hay không cộng sản đều được tôn trọng và bình đẳng trong quốc gia Việt Nam.
Thế thì không có giải pháp nào khác hơn là phải đoàn kết quốc gia trên nền tảng pháp luật chuẩn mực. Người dân trong một nước đoàn kết với nhau chính là cùng nhau tôn trọng nền pháp luật chuẩn mực ấy. Pháp luật chuẩn mực bắt nguồn từ một bản hiến pháp chuẩn mực, do toàn dân phúc quyết.
Nước Mỹ là Hiệp Chủng Quốc với rất nhiều sắc dân, nhiều tôn giáo, nhưng nước Mỹ vẫn vững bền vì mọi người đều tôn trọng bản hiến pháp đã trải qua hơn 200 năm của nước Mỹ. Không chỉ vậy, khi đã có nền tảng quốc gia là bản Hiến pháp chuẩn mực thì người Mỹ đã xây dựng quốc gia của họ thành siêu cường.
Việt Nam chưa có nền tảng quốc gia là bản hiến pháp chuẩn mực nên mọi giải pháp khác đều chỉ là chắp vá, không bền vững.
Tư tưởng Việt Nam để đoàn kết dân tộc trên nền tảng pháp luật chuẩn mực
Để làm ra Hiến pháp, pháp luật chuẩn mực đòi hỏi một tư tưởng lớn và một tâm hồn bao dung. Tôi tạm gọi đó là tư tưởng Việt Nam với 22 chữ: đa nguyên hợp tác, đoàn kết quốc gia trên nền tảng pháp luật chuẩn mực, với tinh thần dân tộc cởi mở.
Đa nguyên hợp tác chứ không phải là đa nguyên chống đối hay đa nguyên chống phá. Dù ý kiến có khác biệt nhưng mọi người cần hợp tác, thỏa thuận với nhau để tìm ra giải pháp.
Tinh thần dân tộc cởi mở nghĩa là coi mọi dân tộc trong đất nước Việt Nam đều bình đẳng và đều được tôn trọng. Chẳng hạn như không phải vì Trung Cộng đang xâm lấn Việt Nam mà người dân Việt Nam lại kỳ thị hay bài người Hoa ở Việt Nam. Người Hoa cũng là một bộ phận của cả dân tộc Việt Nam.
Cần nhận thức rằng đa số đảng viên cộng sản thật ra cũng chỉ là thành phần bị trị trong xã hội. Lực lượng vũ trang như công an, quân đội thì bị chính thành phần cai trị là giới lãnh đạo cộng sản miệt thị gọi là “công cụ bạo lực” cho họ. Các bạn “dư luận viên” thì bị nhồi sọ từ bé nên không hiểu rất lệch lạc về chính trị.
Chúng ta phản đối các hành vi đàn áp, xâm phạm quyền con người nhưng chúng ta không thù hận cá nhân những con người gây ra các hành vi đó. Những ai gây ra tội ác thì sau này họ sẽ phải trả lời trước tòa án độc lập với pháp luật chuẩn mực.
Mở rộng ra, tư tưởng Việt Nam đòi hỏi từ người dân tới lãnh đạo phải coi nước Việt Nam là một, không chấp nhận tái lập phân chia Nam – Bắc, coi người Việt là đồng bào, dù là người cộng sản hay không cộng sản cũng là đồng bào với nhau và không có thù hận với nhau, và coi trách nhiệm đối với xã hội là trách nhiệm chung, mỗi người đều có nghĩa vụ tham gia vào việc chính trị – xã hội.
Người dân có tư tưởng Việt Nam thì không lo gì nội chiến, trả thù sau này.
Lãnh đạo quốc gia có tư tưởng Việt Nam, các đại biểu quốc hội có tư tưởng Việt Nam thì pháp luật của Nhà nước sau này mới dung hòa lợi ích của mọi thành phần trong xã hội để mọi người dân có thể sống hài hòa, bình đẳng với nhau, điều kiện tiên quyết của pháp luật chuẩn mực.
Trở lại với Miến Điện, do các tướng lãnh quân sự và người dân không có tư tưởng đoàn kết quốc gia nên người thiểu số Hồi giáo Rohingya mới bị đàn áp.
Thậm chí ngay cả bà Aung San Suu Kyi cũng đòi vượt trên hiến pháp và pháp luật Miến Điện khi tuyên bố trong lúc tranh cử năm 2015: “Tôi sẽ ở trên Tổng thống, đó là một thông điệp rất đơn giản”.
Ngay cả một biểu tượng của dân chủ như bà Suu Kyi trong tư duy cũng còn rất khiếm khuyết về nhà nước pháp quyền, hay nói cách khác là pháp luật chuẩn mực. Thậm chí vì sợ mất phiếu của đa số dân theo Phật giáo ghét Hồi giáo mà bà cũng không thể lên tiếng phản đối các tướng lãnh trong việc đàn áp người Rohingya.
Lãnh đạo không chỉ có nhiệm vụ chiều theo ý thích của số đông, lãnh đạo còn phải dẫn dắt họ, chỉ cho người dân thấy con đường đúng và thuyết phục họ ủng hộ mình. Nếu chỉ lo chiều theo số đông thì nền dân chủ thực chất đã quay lại nền chuyên chính của đa số.
Người Việt Đoàn Kết cho một Việt Nam Đoàn Kết
Xã hội Việt Nam rõ ràng đang có nhu cầu cần thay đổi. Chiếc áo chính trị “chuyên chính vô sản” đã quá chật chội với nền kinh tế và xã hội đa nguyên, đang đòi hỏi nhà nước pháp quyền.
Mọi sự thay đổi đều bắt nguồn từ tư tưởng trong mỗi người. Tư tưởng hướng dẫn hành động. Và càng đông người có tư tưởng đoàn kết quốc gia trên nền tảng pháp luật chuẩn mực (tư tưởng Việt Nam) thì xác suất càng cao là Việt Nam sẽ thay đổi trong hòa bình. Những người như vậy có thể gọi là Người Việt Đoàn Kết.
Càng đông các cá thể Người Việt Đoàn Kết, thì cái tổng thể là một Việt Nam Đoàn Kết trên nền tảng Pháp Luật Chuẩn Mực trong tương lai sẽ là hiện thực. Đó chẳng phải là một mục tiêu xứng đáng để mọi thành phần, mọi đoàn thể trong xã hội, kể cả người cộng sản, cùng tham gia vào ư?
Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Và đoàn kết quốc gia đòi hỏi quyết tâm, kiên trì, lòng bao dung rất lớn. Cứ thêm một Người Việt Đoàn Kết thì sẽ lại bớt đi một Người Việt Chống Đối, Người Việt Thù Hận. Việc có đa số Người Việt Đoàn Kết trong xã hội sẽ khiến các thành phần chủ trương chia rẽ dân tộc trở thành thiểu số và không có sức ảnh hưởng tới chính trường Việt Nam sau này.
© Copyright Tiếng Dân
Bài viết này quá tồi về mặt phân tích lý luận!
Chín người mười làng.., khi người dân được tự do thật sự thì việc có trăm đảng hoặc nghìn đảng là chuyện bình thường trong môi trường chính trị công bằng bình đẳng trước pháp luật. – Sao phải cần một nhà độc tài để làm ổn định xh..?
Thật sự, tội lo cho trình độ lý luận của các nhà DÂN CHỦ việt nam!
(*) Tớ không hiểu trong khi tự xưng tụng nhau là Cộng Sản chân chính này nọ, họ lại xem từ “Việt Cộng” là phỉ báng . “Việt Cộng” là người Cộng Sản Việt Nam . Hay là khi họ đã trở thành người Cộng Sản, họ không còn là người Việt Nam ? Tớ đề nghị 1 từ mới “Việt Cộng chân chính”. Nếu họ không chịu nữa mà cứ khăng khăng đòi cho được cái danh hiệu “Cộng Sản chân chính”, tớ đành phải kết luận là nếu đã trở thành người Cộng Sản chân chính, họ không còn gì Việt Nam . Đúng định nghĩa về người Cộng Sản của chủ nghĩa Mác . Họ đúng .
Một vài lỗ hổng toang hoác trong bài, có thể vì nhu cầu “khép lại quá khứ”
1- Lịch sử Miến Điện tóm tắt 1962 trở về trước, aka chân lý “không” cụ thể: Ông Aung San, cha của bà Aung San Suu Kyi, lập ra đảng Cộng Sản mong giành lại độc lập qua con đường này -nhờ Trung Quốc giúp đỡ, như Bác Hồ nhà mềnh-, nhưng về sau đã bỏ đảng & lý tưởng Cộng Sản . Chính vì lý do này -quyết định từ bỏ Đảng & lý tưởng Cộng Sản của ô Aung San-, Anh quyết định trả lại độc lập cho Miến qua thương thuyết với ô Aung San . Năm 1962, Cộng Sản Miến ám sát ô Aung San làm đảo chính & lên nắm quyền . Những năm 80’s dân biểu tình chống -hổng phải “tạo niềm tin cho Đảng”- chính quyền, đảng Cộng Sản Miến cần 1 người lãnh đạo có thể đối phó đã bầu cho Tướng Ne Win, ông dùng quân đội đàn áp biểu tình với phương châm “Nhắm thẳng nhân dân (theo Bác Hồ nên hổng thèm viết hoa) mà bắn”. Trở lại hiện tại, nhóm “quân đội” trong chính phủ thật ra là đảng Cộng Sản . Bài học của Miến cho thấy hòa hợp hòa giải với Cộng Sản thì, trích lại tác giả “có thể thấy tiến trình dân chủ hóa Miến Điện còn vô vàn khó khăn, trở lực”
2- “một Việt Nam dân chủ bị phiến quân do Trung Cộng “hà hơi tiếp sức” để quấy rối cũng có khả năng lớn” Let’s see, nếu Trung Cộng ủng hộ 1 nhóm nào đó để quấy phá Việt Nam, các bạn có thể đoán ra ai là candidate? Giải pháp tình thế; phải “hòa hợp hòa giải” với những người Cộng Sản chân chính Việt Nam, aka Việt Cộng (*) chân chính ? Chuyện cần làm bây giờ ? Dẹp tư tưởng Hồ Chí Minh trong mớ “Việt Cộng chân chính”. Vì nếu còn, họ sẽ lại bò qua Trung Cộng xin đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị thật sự như thời Đảng của Bác Hồ cho mà xem nhá. Sau khi lấy lại chính quyền, họ lại sai trí thức bẻ chữ biện hộ như với công hàm Phạm Văn Đồng bây giờ, hoặc bí quá thì (lại) kêu gọi “khép lại quá khứ”.
Bác Trung Nguyễn này có rất nhiều tư tưởng (tếu không thể tả!) tương đồng với bác Nguyễn Trung, 1 trong những trí thức hàng đầu của giới trí thức xã hội chủ nghĩa . Từ tư duy “Cứu Đảng là cứu nước”, ta có thể thay thế tất cả những “Việt Nam” bằng “Đảng” trong bài của bác này .
“Mở rộng ra, tư tưởng Đảng đòi hỏi từ người dân tới lãnh đạo phải coi Đảng là một, không chấp nhận tái lập phân chia Nam – Bắc, coi Đảng viên là đồng bào, dù là người cộng sản hay không cộng sản cũng là đồng bào với nhau và không có thù hận với nhau, (tớ thêm) miễn là cùng nhau xây dựng Đảng, và coi trách nhiệm đối với Đảng là trách nhiệm chung”
“Đảng Viên Đoàn Kết cho một Đảng Cộng Sản Đoàn Kết”
“Cứ thêm một Đảng Viên Đoàn Kết thì sẽ lại bớt đi một Đảng viên Chống Đối, Đảng Viên Thù Hận”
Câu này chắc lỗi tại anh đánh máy, thừa 1 vài chữ
“Các đảng viên cộng sản (cũng là công dân, cũng) là những người chủ của đất nước”
Thực tế chỉ ra họ là chính chủ của đất nước .