Không thể khép tội dân về các ý kiến diễn đạt

Trương Nhân Tuấn

1-3-2023

Luật hình sự Việt Nam trừng phạt nặng những pháp nhân có hành vi xâm hại đến “lợi ích của nhà nước”.

Dĩ nhiên hình phạt nặng nhẹ sẽ tùy thuộc vào mức độ “thiệt hại” (về lợi ích) của nhà nước (gây ra do hành vi phạm tội của đối tượng).

Nhà nước là “ai”? Ai đại diện cho “pháp nhân” nhà nước? Lợi ích của nhà nước gồm các hạng mục nào?

Theo hiến pháp Việt Nam “nhà nước” là “của dân do dân và vì dân”. Theo công pháp quốc tế “Nhà nước – State – Etat” là “pháp nhân đối tượng của công pháp quốc tế, bao gồm lãnh thổ, nhân dân và một chính phủ đại diện”.

“Nhà nước” không phải “đảng”, cũng không phải “của đảng” hay do đảng, vì đảng.

“Nhà nước” càng không phải là công an hay tòa án. Hệ thống công an và tòa án chỉ là công cụ của nhà nước nhằm phục vụ nhân dân.

Vậy cái gọi là “lợi ích của nhà nước” là “lợi ích” của ai?

Hiển nhiên là lợi ích của nhân dân.

Các vụ án kiểu Thiền Am, vụ bà Phương Hằng, vụ các luật sư… đều liên quan đến điều 331.

Không một người nào trong các vụ án này có mục đích “chống lại lợi ích của nhân dân” hết cả. Họ có thể, vì quyền và lợi ích của họ, chống lại một vài cá nhân khác.

Trong một xã hội luôn có xung đột lới ích giữa cá nhân này với cá nhân khác, hay pháp nhân với cá nhân, pháp nhân với pháp nhân khác… Làm thế nào người thi hành luật (công an) có thể kết luận rằng, pháp nhân này “làm hại lợi ích của nhà nước”, còn pháp nhân kia thì không?

Xung đột về lợi ích giữa cá nhân với cá nhân trong xã hội không thể xử bằng luật hình sự. Ngay cả sự xung đột về lợi ích giữa công an và một pháp nhân cũng không thể xử bằng luật hình.

Ông Tô Lâm nghe nói có viết cuốn sách “chủ quyền không gian mạng“. Tôi chưa đọc sách này nhưng hành vi bắt bớ tùy tiện và xét xử theo chỉ đạo của công an và tòa án, hai ngành trực thuộc trách nhiệm của tác giả Tô Lâm, trong khi áp dụng điều 331 BLHS. Tôi hoài nghi về giá trị của cuốn sách.

Khi nói tới “chủ quyền” là nói tới quyền lực cao nhứt của quốc gia. Theo hiến pháp Việt Nam, quyền lực này thuộc về nhân dân. Tức là, nếu có cái gọi là “chủ quyền không gian mạng” thì quyền lực đó của (hay thuộc về) nhân dân.

Tôi không nghĩ là “nhà nước” Việt Nam đã khẳng định được chủ quyền “không gian mạng”. Việt Nam chưa hề có một đóng góp bất kỳ nào để kiến tạo “không gian” này.

Người dân sử dụng “không gian mạng” như một phát minh khoa học hay họ đang là “sống” dưới không gian thuộc chủ quyền của Việt Nam?

Cách nào thì cũng không thể khép tội họ về các ý kiến diễn đạt.

Một luận văn về lịch sử chiến tranh Việt Nam viết bằng ChatGPT. Người sử dụng ChatGPT có bị phạm tội “xuyên tạc lịch sử”, “nói xấu lãnh đạo”, “tuyên truyền chống nhà nước XHCN”… hay không?

Hiển nhiên là không. Vậy đâu là “chủ quyền không gian mạng” của ông Tô Lâm?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ông Tô Lâm nghe nói có viết cuốn sách “chủ quyền không gian mạng“
    Bể phốt nhà tôi có không gian tôi đồng ý, còn “không gian mạng” thời tôi cho vào bể phốt, vì lẽ không thể nào phân ra rõ rệt ranh giới nào tạo ra hình thể của hệ thống internet toàn cầu, chỉ có việt cộng bó người dân trong xiềng xích nó tạo nên, kể cả cái lồng tư tưởng Marxism tròng lên trên nữa mới hình dung ra không gian mạng là con khỉ gió gì.

Comments are closed.