15-2-2023
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 và Phần 3
Phòng tư liệu khoa Văn trường Tổng hợp những năm 70 khá nhỏ, cỡ 20 mét vuông, chỉ bằng một nửa thư viện khoa của bác Chinh, cùng tầng 2 nhà C1. Phụ trách phòng tư liệu là cô Quý, vợ thầy Đỗ Hồng Chung. “Lính” của cô là những cây đa cây đề, những tên tuổi lừng danh, trong đó có thầy Cao Xuân Hạo, thầy Phan Ngọc. Hai thầy bị quy dính vào Nhân văn giai phẩm nên chính quyền truất dạy, còn chút thương tình “tài thì nên trọng mà tình nên thương” cho làm ở phòng tư liệu. Cũng là một dạng án treo. Nhiệm vụ của các thầy là dịch tác phẩm văn học nước ngoài (Pháp, Anh, Nga, Trung, Đức)…) làm tư liệu cho khoa.
Nếu ai đã đọc những bản dịch “Chiến tranh và hòa bình” (của L.Tolstoi, người dịch Nhữ Thành và Trường Xuyên), “Những dòng nước mùa xuân” (Tsekhov, người dịch Nhữ Thành), “Triết học Hegel” (Nhữ Thành), “Con đường đau khổ” (A.Tolstoi, Cao Xuân Hạo dịch), “Cây phong non trùm khăn đỏ”, “Người thầy đầu tiên” (T.Aitmatov, Cao Xuân Hạo dịch), “Sử ký Tư Mã Thiên” (Nhữ Thành)… thì hẳn biết tầm của các thầy lớn, cao, thậm chí vĩ đại tới mức nào.
Nhữ Thành là bút danh của thầy Phan Ngọc, còn Trường Xuyên là thầy Cao Xuân Hạo. Chúng tôi không có cái may mắn được học hai thầy bởi các đấng bậc khi ấy đang chịu án treo, nhưng dẫu sao vẫn còn chút an ủi được nhìn thấy họ làm việc, được thừa hưởng những thành quả tuyệt vời của họ.
Kể lại chuyện này, lại nhớ đến bao nhiêu tài năng sáng chói đất Bắc năm tháng đó bị vùi dập. Phùng Quán bị cấm xuất bản nên phải viết chui, nhờ người khác đứng tên, mà cũng năm thì mười họa chứ không dễ dàng gì.
Ai đã đọc những tác phẩm tuyệt vời của nhà văn Paustovski, nhất là “Bông hồng vàng”, “Chuyến xe đêm”, “Chiếc nhẫn bằng thép” đều khâm phục dịch giả Vũ Quỳnh tài hoa trác tuyệt, chuyển tải ngôn ngữ hay không thể tả, nhưng ít người biết đó là bác Vũ Thư Hiên, người bị treo bút bởi cái án vớ vẩn “Nhóm xét lại chống đảng”. Bác chịu cảnh tha phương lưu lạc xứ người gần ba chục năm sau khi ra tù, vừa trở về cố hương hồi tháng 1, hiện ở Hà Nội, ai không tin cứ hỏi bác là rõ.
Tương tự bác Hiên và nhà văn Phùng Quán, nhà thơ Đoàn Phú Tứ công lao hãn mã với cách mạng cũng bị cấm in sách bởi sự ghét bỏ của nhà cai trị, phải mượn bút danh Tuấn Đô, dịch các tác phẩm văn học Pháp cổ điển để kiếm chút nhuận bút còm sống qua ngày.
Biết bao nhiêu tài năng, trí thức bậc thầy đã bị chính quyền cộng sản vô hiệu hóa khả năng đóng góp cho đất nước, cho đời, phải sống trong sự đè nén bức bối “oan này còn một kêu trời nhưng xa“, không phát huy được tài đức của mình. Nói cho cùng, đó cũng là tội ác, mà nhà cai trị cộng sản là thủ phạm.
Quay về với thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Tại phòng tư liệu của cô Quý, thầy Hạo, thầy Ngọc, tôi lần đầu được đọc Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Lam Vị Thủy, Đinh Hùng, Tô Thùy Yên, Bùi Giáng…, những tập thơ in trên giấy đen sì, quay roneo, mới vỡ ra, biết rằng thơ của họ đâu phải như mình từng nghe tuyên truyền, chửi bới, rằng nọc độc này, rác rưởi nọ.
Suốt bao năm, bị đọc mãi nghe mãi giọng thơ sắt máu, ùng oàng, giờ được lẩm nhẩm trong cảnh lén lút phòng tư liệu những câu như “Trả núi sông ta! lời dĩ vãng/ Thiên thu còn vọng đến tương lai/ Trả ta sông núi! Câu hùng tráng/Là súng là gươm giữ đất đai” (Vũ Hoàng Chương) hoặc “Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết/Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu/Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau/Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại” (Nguyên Sa)…
Từ cái phòng tư liệu con con chật chội ấy, tự thấy mở ra một thế giới mới khác hẳn những gì mình được nhồi nhét, bị bít bùng, nhưng không phải dạng “cơm áo là đây, hạnh phúc đây rồi”.
Năm 1977, tôi vào Nam nhận việc. Những khi rảnh, mượn chiếc xe đạp từ quận 5 mò lên quận 1, lang thang đường Lê Lợi, Đặng Thị Nhu mua sách cũ. Sau cuộc đốt sách (may mà họ không giết học trò) bài trừ “văn hóa đồi trụy” năm 1975 – 1976, vẫn còn sót lại những tàn dư, người ta bán lén lút trên hè phố.
Tôi mua được cả tác phẩm của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Hàn Mạc Tử, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Phụng… Lúc ấy bần thần tự vấn, sao “bọn ngụy” nó lại không cấm sách những người phục vụ cho chế độ ngoài bắc nhỉ. Sao nó không sắt máu, cấm đoán, đè bẹp như ngoài kia đã làm nhỉ… Cuốn “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân được in trên giấy lụa có hoa văn chìm, đẹp vô cùng. Cuốn này ngay cả khi Nguyễn Tuân còn sống cũng bị miền Bắc xếp kho.
Thầy Vy vào trước một năm, có lần kể cho tôi nghe chuyện Vũ Hoàng Chương không đi di tản, hình như ông còn hơi tin tin vào sự tử tế của “bên thắng cuộc” (khi ấy chưa có mấy chữ này, mà là “phe giải phóng”), ông cũng không bị bắt bớ, đi tù, nằm trại cải tạo như nhiều văn nghệ sĩ bạn bè ông, như Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Mạnh Côn, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam… Tưởng là may, nhưng chỉ một năm sau, họ tóm ông nhốt vào Chí Hòa, được mấy tháng thả về thì ông qua đời. Không chết trong tù thì cũng coi như chết bởi tù. Một bi kịch thời đại.
Đọc hết loạt bài của tác giả, tôi xin phép nói thêm 2 điều :
Thứ nhất là tác giả là người có chính kiến vững vàng, tức là không để mình bị nhồi
sọ và tẩy não nhưng thẳng thắn xác nhận có vụ đốt sách sau 1975. Trái lại,nhà văn
Hồ Anh Thái khi đưọc đảng cử đi Hàn quốc tham dự một cuộc hội thảo văn học thì
diễn tả dài dòng qua kịch bản trong đó ông cậu của HAT. chuẩn bị đốt sách thì anh
traì HAT. xuất hiện kịp thời đã không cho đốt sách chế độ cũ, chỉ vỉ ông cậu đã lầm
tưởng rằng “tất cả những sản phẩm tri thức của chế độ cũ sẽ không còn giá trị” và
rằng “để tránh bị quy kết” v.v.
Hội Văn Bút Việt Nam là thành viên của Văn Bút Quốc Tế và đây là 1 trong những
tổ chức thuộc xã hội dân sự đúng nghĩa, là hoàn toàn độc lập với chế độ chính trị
(miền Bắc CS.toàn trị thì làm gì có hội này).
sách ấy đều phải bị đốt để khỏ bị liên lụy !
Xin lỗi.Tôi chưa kịp xóa câu cuối trước khi gửi đăng.