Bùi Tín
22-9-2017
Trên nhiều mạng tự do truyền đi lá thư của ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam gửi nhà văn – nhà báo Phan Nhật Nam thời Việt Nam Cộng hòa hiện sống ở Hoa Kỳ, và lá thư công khai trả lời của tác giả «Mùa hè đỏ lửa.»
Hai bức thư rất đáng đọc và suy nghĩ, cả người Việt sống trong nước và người Việt sống ở hải ngoại cần tìm đọc, trên trang Facebook của nhà văn Trần Mạnh Hảo.
Phải chăng lãnh đạo đảng Cộng sản nghiêm chỉnh muốn thăm dò để thực hiện việc hòa giải và hòa hợp dân tộc họ cố tình bỏ quên suốt 42 năm nay?
Tại sao bộ máy trong nước làm rùm beng về việc trong sách giáo khoa mới, các danh từ «ngụy quân, ngụy quyền» không còn được dùng, thay vào đó là «chính quyền, quân đội của Việt Nam Cộng hòa»? một sự chậm trễ đến hơn 40 năm?
Phải chăng lãnh đạo đảng đã thành thật sám hối về việc bội ước, nuốt chửng lời hứa «Hòa hợp hòa giải dân tộc» mà họ đã cam kết trên giấy trắng mực đen trong Hiệp ước Geneve 1954, và lắp đi lắp lại trong Hiệp ước đình chỉ chiến sự ký tại Paris năm 1973? nhất là lời cam kết «tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, không dùng vũ lực để thôn tính nhau»… và nay họ chủ động giang tay thân thiết để thật sự hòa giải và hòa hợp anh em ruột thịt với nhau nhằm chung sức xây dựng đất nước thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh?
Tôi từng sống chung gần gũi với Hữu Thỉnh khi báo Quân đội Nhân dân và tạp chí Văn nghệ Quân đội của Hữu Thỉnh ở sát bên nhau, chung một bếp ăn trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội. Tôi rất hiểu, Hữu Thỉnh không có được cái tâm của nhà văn Nguyễn Minh Châu khi cất tiếng lên án «nền văn học minh họa», không có cái dũng của các nhà văn Chế Lan Viên, Nguyễn Khải… cuối đời thương xót ăn năn cho ngòi bút tay sai viết thuê tệ hại của mình.
Tôi cũng từng nhiều lần gặp Phan Nhật Nam, từ tháng 1/1973 trong 60 ngày ở Sài Gòn trong Ban Liên hợp 4 bên, cùng đi trên trực thăng đến Qui Nhơn, Cần Thơ, Pleiku, lại cùng đi trên C130 ra Hà Nội, thăm trại giam Hỏa Lò, cùng ăn cơm trên đường Bà Triệu với những trao đổi có lúc căng thẳng, cũng có lúc rất thư giãn, trong lòng không hề hận thù nhau, có lúc còn tâm sự với nhau rằng, chúng mình là con đẻ của thời thế (thời thế thế nào tất mình phải thế), rằng nếu cậu ở miền Bắc cậu sẽ có thể như mình, nếu mình ở miền Nam sẽ có thể như cậu…
Để rồi đến khi sang Hoa Kỳ gặp lại nhau, chúng tôi trở thành thân quen, khi Phan Nhật Nam kết rất thân với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ở chung một nhà, Nam hay gọi tôi là «ông anh đáng quý» và tâm sự với nhau.
Tôi rất hiểu Nam. Anh sống giản dị, rất tình nghĩa, ngay thật với chính mình, ngay thật với mọi người. Đúng là người lính cầm bút, vâng lệnh đồng bào của mình, tổ quốc của mình, trung thành đến cùng với trách nhiệm.
Phải chăng đến nay ông tổng Trọng và Bộ Chính trị đang bị bủa vây bởi quá nhiều vấn đề nan giải, hóc búa, bế tắc về kinh tế, tài chính, môi trường, đối ngoại, xã hội… nên phải tìm ra lối thoát, vuốt ve, gạ gẫm theo kiểu chiêu hồi khi Nghị quyết tranh thủ bà con hải ngoại từ mấy năm trước đã tan thành mây khói? Nhưng chậm quá rồi!
Lá thư của Hữu Thỉnh yếu thế lắm. Viết văn, làm văn học mà ngớ ngẩn vụng dại, sơ hở đến thế là cùng. Vẫn là kiểu chiêu hồi cũ rích. Vẫn là kiểu trịch thượng cố hữu vô duyên, không có cách nào từ bỏ. Lại còn mồi chải thớ lợ, sẽ chi các khoản vé máy bay, ở khách sạn, chi tiêu cho khách đặc biệt…
Lẽ ra phải có lời xin lỗi, hay như lời của Giáo sư Đào Công Tiến, là phải có lời sám hối và xin lỗi vì đang Cộng sản đã chủ động gây nên cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, phải chịu trách nhiệm chính về biết bao chết chóc, thương vong, đau khổ, mất mát cho dân tộc, của các bên, kéo quá dài, quá sức chịu đựng của nhân dân. Đây là món nợ máu do sùng bái bạo lực, sùng bái học thuyết Mác – Lênin đã bị toàn thế giới lên án là tội ác chống nhân loại.
Cho nên Người lính-cầm bút trả lời rất thẳng thừng, chững chạc, dứt khoát, đá lại quả bóng về phía đối phương.
Nếu các ông muốn hòa giải, hòa hợp, xin hãy hòa giải trước hết với những người đã chết. Hãy để bà con ở hải ngoại về chăm sóc các nghĩa trang Biên Hòa, Thừa thiên – Huế, mộ các chiến sĩ chống Trung Quốc xâm lược ở Hòang Sa, Trường Sa, Gạc Ma… Hãy hòa giải với hàng trăm công dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, chống bành trướng đang bị cầm tù ở trong nước. «Nếu được vậy, chúng tôi sẽ về ngay, về rất đông, về hết.»
Có nhà bình luận cho rằng nhà văn Phan Nhật Nam đã trả lời rõ ràng, như một cái tát đích đáng, lịch sự, vả vào mặt nhà văn Hữu Thỉnh.
Một cái tát làm cho ông tổng Lú cũng cảm thấy đau lây trên chiếc má hom hem của mình.