An toàn lao động trên công trình cầu Rọc Sen – Đồng Tháp

Lý Trực Dũng

6-1-2023

Hành nghề kiến trúc xây dựng hơn bốn chục năm nay, tôi không biết có nước nào mà công tác bảo hộ an toàn lao động bị coi thường và tệ hại gây nên rất nhiều cái chết thương tâm như ở Việt Nam. Chết vì sập đổ giàn giáo thi công, chết do chập điện trên công trường, chết do công nhân đi vận thăng chở vật tư, chết vì hàn gây chập cháy ở chợ, ở nhà xưởng đang hoạt động, gây nên cái chết nhiều người một lúc…

Thương tâm nhất là gián tiếp hay trực tiếp gây nên cả cái chết cho các cháu nhỏ, mà mới nhất, thê thảm nhất là cái chết của cháu Hạo Nam ở Dự án cầu Rọc Sen tỉnh Đồng Tháp.

Chủ đầu tư của công trình này: Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp. Nhà thầu thi công: Liên danh Công ty công trình cầu phà TP Hồ Chí Minh và công ty Thương mại Dịch vụ Vận tải xây dựng giao thông T&T.

Tại hiện trường vụ tai nạn thương tâm này không hề có rào bảo vệ, không có biển cảnh báo nguy hiểm mặc dù công trường phải khoan rất nhiều hố sâu hàng chục mét để chôn ống cọc bê tông…

Trong một clip được đăng tải trên mạng cho thấy có 4 cháu bé đang thoải mái tìm kiếm gì đó rồi các cháu đứng quây xung quanh một miệng hố chôn cọc bê tông và một cháu (cháu Hạo Nam) trượt chân rơi vào miệng hố và bị trôi tuột vào trong lòng ống bê tông sâu tới 35m. Ba cháu còn lại chạy đến nhìn xuống… hoảng loạn bỏ chạy kêu cứu…

Câu hỏi phải được chủ đầu tư và đơn vị thi công trả lời trước pháp luật: Trách nhiệm của họ trong vụ tai nạn chết cháu bé Hạo Nam.

Mà trước tiên là trách nhiệm của chủ đầu tư: Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp.

1. Họ có yêu cầu đơn vị thi công lập phương án thi công trong đó có phương án bản vệ và an toàn lao động trên hiện trường hay không?

2. Họ, chủ đầu tư có người giám sát trên công trường hay không?

Một thực tế nhức nhối trong xây dựng ở Việt Nam hiện nay tại các công trình đầu tư bằng ngân sách Nhà nước thì bên B – Đơn vị thi công phải lại quả cho bên A – chủ đầu tư trung bình 10-20% giá trị công trình. Nếu không tuân thủ luật ngầm này thì đơn vị thi công đừng mơ tưởng đến việc nhận được công trình, kể cả đấu thầu.

Ở rất nhiều công trình, bên A – Chủ đầu tư nhận tiền % của bên B rồi là phủi tay, chờ bên B thi công xong đến nghiêm thu là OK, trừ trường hợp có sự cố như tai nạn lao động hoặc tiến độ công trình bị đình trệ… mới xuất hiện.

Tôi cho rằng tại công trình Cầu Rọc Sen này Chủ đầu tư là Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp đã buông công tác quản lý nên mới xảy ra sự cố chết người nghiêm trọng này. Vì nếu có giám sát, họ đã phải bắt đơn vị thi công làm hàng rào che chắn công trình.

Về nhà thầu thi công, tên nghe rất oai và rất chuyên nghiệp: Liên danh Công ty công trình cầu phà TP Hồ Chí Minh và công ty Thương mại Dịch vụ Vận tải xây dựng giao thông T&T. Nhưng một cái hàng rào bằng kim loại để rào xung quanh chỗ đang thi công nguy hiểm chỉ tốn phí khoảng 15-20 triệu đồng thì họ đã không làm! Công ty của họ đứng ra thi công hay họ thuê một nhà thầu phụ khác thi công?

Đã 6 ngày trôi qua kể từ khi cháu Hạo Nam không may trượt chân rơi xuống hố có cột bê tông sâu 35m, cho đến lúc này: 19h ngày 6.1.2023 đáng thương cháu đã qua đời nhưng vẫn chưa có tin lực lượng cứu hộ đã đưa được thi thể của cháu lên trên mặt đất vì cứu hộ trong trường hợp này là vô cùng khó khăn phức tạp. Xin được chia buồn sâu sắc đến bố mẹ của cháu.

Sự cố nghiêm trọng này là một hồi chuông cảnh tỉnh cho công tác bảo hộ lao động trong ngành xây dựng ở Viêt Nam. Mong từ nay tai nạn lao động sẽ được giảm nhiều, không bao giờ còn xảy ra một vụ tai nạn quá thương tâm như thế này nữa.

Bình Luận từ Facebook