Bài báo đã bị gỡ “Tập đoàn Tây Giang: Cả bộ máy biến mất bí ẩn!”

LTS: Bài báo này đăng trên báo Tầm Nhìn chẳng được bao lâu thì bị gỡ bỏ. Xin được đăng lại tại đây để quý độc giả chưa được đọc từ báo Tầm Nhìn, có thêm thông tin.

Xin nhắc lại, năm 2013, tập đoàn Tây Giang đã từng làm việc với ông Phạm Duy Cường, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bái và có tặng cho tỉnh này 5 tỷ đồng. Năm 2015, ông Phạm Duy Cường nhận chức Bí thư Tỉnh ủy, sau đó bị bắn chết ngày 18-8-2016 trong một vụ án mà cả ba lãnh đạo cao cấp của tỉnh đều bị bắn chết, gây chấn động cả nước hồi năm ngoái.

____

27-6-2017

Các bạn ấy (ý nói cán bộ Tập đoàn) đi công tác hết rồi, còn lãnh đạo thì đi Úc hoặc ở đâu đó,… Đó là câu trả lời của bà Phạm Thu Hằng – phó Giám đốc công ty TNHH Tây Giang (trực thuộc Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Tây Giang) khi phóng viên đến liên hệ làm việc.

Cùng liên quan với vợ chồng chị Hường anh Tuấn Maritime Bank (Nguyễn Thị Nguyệt Hường cựu ĐBQH). Ảnh: internet

Trong thời gian vừa qua, Báo Tầm nhìn đã phản ánh những vấn đề sai phạm trong quá trình hoạt động, sản xuất của Nhà máy Gang Cẩm Giàng (công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang – gọi tắt là Tập đoàn Tây Giang). Phóng viên đã liên hệ làm việc với lãnh đạo nhà máy, tuy nhiên đã bị từ chối với lý do bận không sắp xếp được thời gian. Vì vậy để tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi đã tìm đến đơn vị chủ quản của Nhà máy này là Tập đoàn Tây Giang, có trụ sở tại địa chỉ tổ 22, đường 3/10, phường Sông Bằng, Tp Cao Bằng.

Chụp cùng Bí thư tỉnh uỷ Yên Bái Phạm Duy Cường (bị bắn chết). Ảnh: internet

Tìm đến địa chỉ trên, thì đây là tòa nhà có biển quảng cáo là “Khách sạn Tây Giang”. Ở ngoài cửa ra vào của khách sạn có gắn biển trụ sở “Công ty Cp Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang”. Nhưng khi phóng viên vào trong khu vực sảnh của khách sạn, hỏi nhân viên trực lễ tân về khu vực làm việc của Tập đoàn thì người này cho biết đây chỉ là khách sạn, thuộc Công ty TNHH Tây Giang, còn không có văn phòng làm việc của doanh nghiệp nào khác. Còn việc vì sao khách sạn có biển hiệu Tập đoàn Tây Giang gắn ở cửa thì phải hỏi lãnh đạo khách sạn mới biết.

Khách sạn Tây Giang là nơi đăng ký trụ sở của Tập đoàn Tây Giang chỉ có biển tên doanh nghiệp gắn ở cửa ra vào chứ không có bộ máy hoạt động.

Ngay sau đó, phóng viên đã gọi điện thoại liên lạc với bà Phạm Thu Hằng – Phó Giám đốc điều hành Khách sạn Tây Giang, bà Hằng nói đây là khách sạn Tây Giang không liên quan đến Tập đoàn. Nhưng khi phóng viên hỏi vậy sao lại có biển trụ sở của Tập đoàn Tây Giang gắn ở cửa khách sạn thì bà Hằng nói rằng: các bạn ấy (ý nói cán bộ Tập đoàn) đi công tác hết rồi, còn lãnh đạo thì đi Úc (ý nói nước Úc), ít có mặt ở Việt Nam,… Còn khách sạn Tây Giang là đơn vị kinh doanh độc lập nên không biết được thông tin của lãnh đạo Tập đoàn.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần gần nhất (thứ 7) thể hiện rõ địa chỉ, số điện thoại đã tìm kiếm nhưng không thấy.

Do không thể liên lạc được với lãnh đạo Tập đoàn Tây Giang qua địa chỉ trên, phóng viên đã tìm đến cơ quan quản lý Nhà nước về đăng ký kinh doanh của tỉnh Cao Bằng là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo thông tin quản lý của Sở thì Tập đoàn Tây Giang được thành lập năm 2010 do bà Trần Thị Tuyết là Chủ tịch HĐQT. Đến năm 2014 thì doanh nghiệp này đã thay đổi thông tin đăng ký tới 7 lần, và hiện tại do ông Phạm Thanh Lâm là Chủ tịch HĐQT. Địa chỉ trụ sở từ đầu tiên đến nay vẫn là địa chỉ mà phóng viên đã tìm đến ở trên. Số điện thoại liên hệ là: 026.3 952 952 (mã vùng 026 của tỉnh Cao Bằng hiện nay đổi thành 0206). Tuy nhiên khi liên hệ vào số điện thoại này thì phía người nghe trả lời đây là số giao dịch của Khách sạn Tây Giang. Theo ông Nguyễn Thái Hà – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cao Bằng thì Sở cũng không nắm được thông tin gì khác, và cũng không liên lạc được với doanh nghiệp này.

Phóng viên đã tiếp tục tìm đến một cơ quan quản lý Nhà nước khác của tỉnh Cao Bằng là Sở Công Thương để tìm hiểu thông tin về hoạt động Tập đoàn Tây Giang. Ông Nguyễn Đặng – Giám đốc Sở cho biết Tập đoàn Tây Giang ngoài khách sạn Tây Giang còn đầu tư sản xuất 3 nhà máy khác tại Cao Bằng là: Nhà máy Gang 30/4, Nhà máy Gang Cao Sơn Hà và nhà máy sản xuất Fero Mangan. Nhưng chỉ còn nhà máy Fero Mangan là đang hoạt động, vì vậy có thể lãnh đạo Tập đoàn Tây Giang đang điều hành ở đó.

Nhà máy sản xuất Fero Mangan hiện đã cho công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và công trình mỏ thuê sản xuất. Ảnh: báo Tầm Nhìn

Vậy là phóng viên lại tiếp tục đến xã Ngũ Lão, huyện Hòa An nơi có Nhà máy Fero Mangan đang hoạt động để tìm hiểu về Tập đoàn Tây Giang. Tuy nhiên khi làm việc với Giám đốc điều hành nhà máy là ông Nguyễn Thanh Hải thì được biết toàn bộ hơn 200 người đang làm việc ở nhà máy này không có ai là người của Tập đoàn Tây Giang hết, mà thuộc Chi nhánh Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và công trình mỏ do ông là Giám đốc. Phía nhà máy của Tây Giang đã dừng sản xuất từ lâu nên công ty ông Hải đã thuê lại để hoạt động sản xuất từ ngày 01/05/2016 đến nay với số tiền thuê một năm là 20 tỷ đồng. Để xác thực việc này thì ông Hải đã cung cấp cho phóng viên hợp đồng hợp đồng thuê nhà máy giữa đơn vị này với Công ty Cp Khoáng sản Tây Giang (trực thuộc Tập đoàn Tây Giang). Hợp đồng cho thuê nhà máy từ 1/5/2016 – 1/5/2017. Hiện đã ra hạn thuê thêm đến hết năm 2017.

Công ty Cp Tập đoàn công nghiệp Tây Giang có số vốn điều lệ đăng ký kinh doanh lên đến hàng ngàn tỷ đồng, một trong những doanh nghiệp lớn nhất của tỉnh Cao Bằng. Tuy nhiên cả bộ máy của Tập đoàn này lại “biến mất” một cách bí ẩn và giờ họ ở đâu đang là một dấu hỏi lớn với dư luận.

___

Mời đọc thêm: Sử dụng lao động “chui” người Trung Quốc tại nhà máy Gang Cẩm Giàng, Bắc Kạn  —  Huyện Bạch Thông, Bắc Kạn: Nhà máy Gang Cẩm Giàng “hại” dân (Tầm Nhìn)  —  Bí thư Tỉnh ủy Phạm Duy Cường thăm một số cơ sở sản xuất của Tập đoàn Tây Giang tại hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang  —  Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang (báo Yên Bái) — Công ty con của bà Nguyệt Hường bị kiện đòi 23,3 tỷ đồng (VN Finance).

Bình Luận từ Facebook