Mối quan hệ của Trung Quốc với Nga và cuộc chiến ở Ukraine (Phần I)

BPB

Sabine Peschel phỏng vấn Zhang Yunhua

Thục Quyên phỏng dịch

13-10-2022

Zhang Junhua sinh năm 1958 tại Thượng Hải, là Phó Giám đốc cấp cao tại Viện Nghiên cứu Châu Âu về Châu Á ở Brussels, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển và Chuyển đổi Châu Á ở Berlin, và là giáo sư thỉnh giảng tại Freie Universität Berlin. Ông học triết học và lấy bằng tiến sĩ ở Frankfurt am Main.

***

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng bên cạnh Nga trong cuộc chiến Ukraine. Điều này đưa tới những hậu quả chính trị nào cho Trung Quốc, trong nước cũng như toàn cầu, và người khổng lồ châu Á rút ra bài học gì từ cuộc chiến tranh này? Sau đây là đánh giá của nhà khoa học chính trị Zhang Junhua.

Thế đứng và vai trò của Trung Quốc

Trong giai đoạn đầu, Trung Quốc là nước ủng hộ rất tích cực hoạt động quân sự của Nga. Mọi chuyện bắt đầu với cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình và Putin trong Thế vận hội mùa Đông hồi tháng 2 năm 2022. Không lâu trước đó, hai nguyên thủ quốc gia Vladimir Putin và Tập Cận Bình đã ra một tuyên bố chung, trong đó đề cao tình hữu nghị song phương vô bờ bến giữa Nga và Trung Quốc.

Lý do từ đâu?

Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012/13, ban đầu ông ta không mấy chú ý đến Nga. Vào thời điểm đó, ông muốn hợp lực với Mỹ, với quan niệm rằng hai cường quốc sẽ đóng vai trò hàng đầu trên thế giới. Ý tưởng về một thế giới lưỡng cực này đã không gặp nhiệt tình từ Tổng thống Mỹ Obama. Tuy nhiên, ông Tập tiếp tục cho rằng Mỹ sẽ vẫn thân thiện với Trung Quốc. Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể hưởng lợi dài hạn từ việc phương Tây – đặc biệt là Đức – sẵn sàng chuyển giao công nghệ. Trễ nhất là với chính quyền Trump, Tập Cận Bình đã nhận thấy suy nghĩ này là sai lầm và quay sang tiếp cận Nga.

Kể từ đó, Tập đã gặp Putin nhiều lần – một con số đáng kinh ngạc: 40 lần trong 17 năm qua.

Cả hai nhanh chóng cảm mến nhau, họ có những điểm giống nhau, và vui vẻ chúc nhau sinh nhật. Putin ngưỡng mộ những thành tựu kinh tế to lớn của Trung Quốc, và Tập ngưỡng mộ Putin về quyết tâm và cứng rắn đối với phương Tây. Bối cảnh này đã mở đường cho những thỏa thuận mà Trung Quốc đạt được với Nga vào tháng Hai năm nay.

Những thỏa thuận Trung Quốc và Nga đạt được vào tháng 2/2022

Những thỏa thuận này nằm trong thông cáo chung về “Hợp tác không biên giới” song phương. Ngay khi đó, thấy trước rằng phương Tây sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga, Putin đặt niềm tin vào Trung Quốc là một đối tác đáng tin cậy. Do đó, các thỏa thuận song phương sâu rộng đã được ký kết, bao gồm một thỏa thuận về cung cấp khí đốt và dầu trong tương lai.

Trước Thế vận hội, Tập Cận Bình có lẽ cũng không được thông báo rõ ràng và chính xác về cuộc tấn công của Putin, nhưng Tập đã được loan báo ý định. Biết rằng phương Tây sẽ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt nếu nổ ra chiến tranh, Tổng thống Nga đã đến Trung Quốc với ý định tìm biện pháp đối phó. Chính phủ Trung Quốc trước đây đã không đặt vấn đề về NATO. Nhưng vì lý do ý thức hệ – có chung thái độ thù địch với phương Tây, chế độ chuyên quyền, chủ nghĩa dân tộc – ông Tập đã quyết định ủng hộ quan điểm của Putin, không những chỉ trích NATO mà còn sử dụng các phương tiện truyền thông Trung Quốc để sỉ nhục Liên minh quân sự phương Tây. Giọng điệu này đã trở thành một phần quan trọng trong công tác tuyên truyền của Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau khi bắt đầu Thế vận hội Mùa đông vào ngày 4/2/2022 tại Bắc Kinh. Nguồn: © picture-alliance / AP

Sự phụ thuộc kinh tế giữa Trung Quốc và Nga

Một gói dự án lớn đã được sửa sọan cho nhiều năm: Đó là cái gọi là quá trình thay thế đồng đô la, có nghĩa là đồng đô la sẽ bị mất dần địa vị tiền tệ chủ chốt trong dài hạn. Vì Putin đã thấy trước hậu quả của các lệnh trừng phạt trong lĩnh vực tài chính, nên chủ đề này đặc biệt quan trọng đối với ông. Đó là lý do tại sao ông ta đến Trung Quốc để thỏa thuận các giao dịch trong tương lai nên được thực hiện bằng đồng rúp hoặc đồng nhân dân tệ. Trên thực tế, sự phát triển đồng Nhân dân tệ, một trong những loại tiền tệ nhỏ trên thế giới, đang ngày càng tăng ảnh hưởng. Hiện tại, đồng Nhân dân tệ chiếm khoảng 2% tổng số tiền tệ toàn cầu, nhưng xu hướng trong hai hoặc ba năm nữa, nó có thể lên tới 7%.

Nga là nhà cung cấp dầu khí lớn thứ ba của Trung Quốc. Thỏa thuận được ký kết vào tháng Hai vừa qua có hiệu lực trong 25 năm tiếp theo và dự kiến Trung Quốc sẽ mua dầu và khí đốt từ Nga với khối lượng 100 tỷ Euro.

Phụ thuộc kinh tế lẫn nhau có ảnh hưởng quyết định trên vị thế của Trung Quốc đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga. Trung Quốc cần Nga như một đối tác. Nếu không, bản thân Trung Quốc cũng có thể bị cô lập, điều mà Tập Cận Bình không muốn. Thêm vào đó là niềm tin mù quáng của phía Trung Quốc rằng Nga đang và sẽ vẫn hùng mạnh về mặt quân sự. Đó là lý do quan trọng khiến Trung Quốc chỉ trích gay gắt NATO sau cuộc họp và có lập trường cứng rắn như vậy đối với phương Tây. Trung Quốc có lòng tin mãnh liệt rằng Nga sẽ chiến thắng trong bất kỳ cuộc xung đột nào, dù dưới hình thức nào.

Trong bối cảnh Trung Quốc muốn thay thế than bằng khí đốt trong dài hạn, Tập Cận Bình đang tin tưởng vào việc Nga sẽ đáp lại sự hỗ trợ của Trung Quốc bằng cách bán khí đốt với giá rẻ và dễ dãi cho Bắc Kinh.

Tập Cận Bình sẽ ủng hộ Putin tới mức nào?

Từ cuối tháng 3, Trung Quốc đã thay đổi luận điệu của mình khi Tập nhận thấy thành quả chiến tranh của Nga không mấy tốt. Kể từ đó, Trung Quốc chùn bước, giảm cứng rắn về mặt ngoại giao đối với phương Tây và đổi giọng, khoa trương thái độ trung lập của mình trong cuộc chiến Ukraine. Tiếc thay đó chỉ là những lời ngụy biện. Trên thực tế, Trung Quốc ủng hộ Nga ở mức độ lớn, chỉ không mạo hiểm quá nhiều. Vì Trung Quốc lo ngại, nếu họ hỗ trợ vũ khí cho Nga thì các biện pháp trừng phạt quốc tế sẽ lan rộng qua nước họ, đặc biệt là trong tình hình kinh tế suy sụp do các hạn chế vì đại dịch Covid.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tập Cận Bình coi Putin là một người bạn thật sự.

Sự thay đổi chính sách toàn cầu và liên minh quyền lực

Liên minh Trung-Nga có ý nghĩa gì đối với sự thay đổi chính sách toàn cầu và liên minh quyền lực? Cả hai đều sử dụng nhau một cách cơ hội và thực dụng.

Thí dụ, Nga chưa bao giờ quan tâm đến “Câu hỏi Đài Loan”. Nhưng sau cuộc họp hồi tháng 2, lần đầu tiên Nga lên tiếng tuyên bố Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Mối quan hệ của đôi bên là cho và nhận. Nếu Trung Quốc cố gắng chiếm lại Đài Loan về mặt quân sự trong vài năm tới, hạm đội Nga nằm ngoài khơi Vladivostok có thể hỗ trợ Trung Quốc trong các cuộc tấn công chống lại Đài Loan – với điều kiện quân đội Nga vẫn mạnh sau chiến tranh Ukraine. Đây không phải là điều viển vông, mà hoàn toàn có thể xảy ra.

Trung Quốc biết rằng một cuộc tấn công vào Đài Loan sẽ kích hoạt Mỹ, Nhật Bản, Úc, có thể cả Ấn Độ và các nước khác đứng về phía Đài Loan và Trung Quốc phải suy nghĩ cách đối phó. Đó là lý do Trung Quốc cần có một thế lực khác bên ngoài đứng vào phe mình.

Sự chống đối Hoa Kỳ có vai trò gì?

Cả hai nước Trung Quốc và Nga đều rất kiên định về mặt tư tưởng, do đó họ dễ dàng tìm thấy điểm chung và tiếng nói chung. Rõ ràng là hiện nay, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí rất quan trọng và là đầu tàu chính trị. Mặc dù hai hệ thống chuyên quyền ở Nga và Trung Quốc khác nhau ở một số khía cạnh, nhưng chúng cũng có cơ sở chính trị chung. Tập Cận Bình đã về hùa với phán quyết của Putin rằng sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm kịch cho nhân loại. Tập tuyên bố, ngày nào ông còn đương chức ông sẽ không bao giờ cho phép Trung Quốc trở thành một Liên Xô thứ hai.

Mặt khác, Nga đang học hỏi từ Trung Quốc cách kiểm soát internet và thực hiện kiểm duyệt rộng rãi. Trung Quốc đang cung cấp công nghệ cần thiết cho việc kiểm soát và việc chuyển giao công nghệ này chắc chắn sẽ tiếp tục trong tương lai. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phải để mắt thăm dò Mỹ, để tránh bị trừng phạt nhiều hơn.

Thân Nga, liệu Trung Quốc có được lợi về mặt địa chính trị?

Trung Quốc được hưởng lợi vì một nước Nga yếu kém đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể đòi hỏi nhiều hơn từ Nga. Sự kiêu ngạo trước đây của Nga đối với Trung Quốc đã nhường chỗ cho điều ngược lại: Bây giờ chính Nga mới phụ thuộc vào Trung Quốc.

Có ảnh hưởng trên một nước láng giềng rộng lớn với nhiều tài nguyên là một lợi lạc cho Trung Quốc. Mặt khác, sự trung lập bằng mồm của Trung Quốc thậm chí còn cho nước này triển vọng có thể tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine sau chiến tranh.

Mối quan hệ của Trung Quốc với Ukraine trước chiến tranh như thế nào?

Cho tới trước chiến tranh, có khoảng 6.000 công dân Trung Quốc đang ở Ukraine học tập hoặc làm việc. Sau khi phong trào ủng hộ dân chủ bị dập tắt vào năm 1989, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, đáng chú ý nhất là lệnh cấm vận vũ khí. Do đó, Trung Quốc đã tìm kiếm các đối tác mới và tìm thấy họ, ví dụ như ở Nga, Ukraine và Israel.

Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc lách lệnh cấm vận. Trung Quốc hiện có ba tàu sân bay, và chiếc đầu tiên trong số này đến từ Ukraine. 3.000 kỹ sư Ukraine đã làm việc tại Trung Quốc và giúp phát triển vũ khí.

Trung Quốc mua tàu sân bay đầu tiên của Liên Xô cũ từ Ukraine vào năm 1998. Nguồn: © picture-alliance/ DPA

Trung Quốc nợ Ukraine rất nhiều. Mặt khác, khoảng ba năm trước, Mỹ đã áp lực ngăn cản Trung Quốc mua một nhà máy sản xuất máy bay ở Ukraine – điều này tất nhiên khiến Trung Quốc vô cùng tức giận. Chính phủ Ukraine đã nhận thấy Trung Quốc cần thiết cho họ. Ví dụ, Ukraine cuối cùng đã không ủng hộ một kiến ​​nghị của Liên Hiệp Quốc chống lại các chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương.

Ngược lại, Trung Quốc cũng tỏ ra khá thận trọng đối với Ukraine kể từ khi Crimea bị sáp nhập năm 2014, và cho đến nay chưa bao giờ chính thức công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook