Về chuyện thu phí bản quyền âm nhạc

Hoàng Linh Vương

19-9-2017

Nhạc sĩ Phó Đức Phương. Nguồn: báo NLĐ

Vài tháng qua, trong nước ồn ào vụ nhạc sĩ  Phó Đức Phương tuyên bố sẽ thu phí khi khách xem tivi tại phòng lưu trú khách sạn hoặc các lĩnh vực kinh doanh, cũng như bất kỳ nơi nào có sử dụng âm nhạc, dù là bệnh viện hay các cơ sở từ thiện… gọi là tiền tác quyền.

Công bằng mà nói, thì ai làm ra cái gì thì nó là sở hữu của người đó. Họ có quyền bán, cho thuê, biếu, thậm chí… quăng đi mà không ai có quyền làu bàu hùng hổ, miễn là sản phẩm đó không phương hại đến người khác, không bẩn mắt, chướng tai xã hội.

Sản phẩm cơ bản có 2 loại: Loại vật chất như cái cuốc, cái cầy… (không bàn ở đây) và loại không sờ được như bài thuốc (cũng không nói ở đây), ca khúc v.v…

Về ca khúc, trước hết là những người làm ra sản phẩm, đó là những nhạc sĩ, là tác giả sáng tác ra những bài nhạc. Đã không may cho nhạc sĩ Việt là những tác phẩm của họ bị các ca sĩ (nhưng không phải tất cả) và giới thương mại xử dụng vô tội vạ. Có trường hợp nhạc sĩ rón rén đến hỏi ca sĩ đã hát bài của mình thì bị mắng ngay vào mặt, rằng tôi hát cho là may, không có tôi hát thì ai biết đến bài này v.v…

Chuyện nhạc sĩ chạy xe ôm hay đạp ba gác là chuyện thường ngày ở ngoài vỉa hè, về nhà còn bị vợ con hất hủi cũng là chuyện như cơm bữa trong nhà. Đã có nhạc sĩ viết những tác phẩm để đời chết với manh chiếu rách ngoài bến xe miền Tây.

Hội tác quyền được lập ra là do nhu cầu đòi sự công bằng cho người nhạc sĩ. Họ đòi tiền tác quyền ở những nơi sử dụng, giữ lại phần công cho mình và phần còn lại trả về cho các nhạc sĩ. Việt Nam ta có hội tác quyền – cũng độc quyền luôn – có cái tên là “Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc Việt Nam” (VCPMC) do ngài Phó Đức Phương làm giám đốc.

Ông Phó Đức Phương này – cũng là nhạc sĩ – do là cây đa cây đề sao đó nên miệng lưỡi có gân có cốt, phán ở đâu là nơi đó nằm rạp như lúa gặp phải bão. Khốn cái là ông này có trái tim “đá”, không có duyệt trình “yêu” nên ai bị ông “sờ” tới thì cũng giống như đụng phải… lưỡi lê đau thấu cật.

Chuyện thu phí tác quyền này lẽ ra phải có sự can dự trước hết là của các nhạc sĩ và sau đó là của luật pháp chứ không phải của riêng ông Phương, nói như giời nói.

Liệu việc ông Phương đòi tiền tác quyền “vô nhân đạo” ở những nơi làm việc mang tính xã hội như nhà thương và các cơ sở cho người già, trẻ mồ côi hay thiện nguyện v.v… có hợp với ý của những thành viên là các nhạc sĩ đã uỷ quyền cho ông Phương hay không? Tôi đồ rằng không!

Và liệu luật pháp với những điều luật liên quan có mang tố chất nhân bản để đem đến sự an lạc hạnh phúc cho người dân hay không thì chúng ta phải chờ những ngày sắp tới, khi mà vụ việc được đưa lên bàn mổ. Hay mọi việc sẽ lại cứ chìm xuồng, chỉ có ông nhạc sĩ Phó Đức Phương là nổi, mưa gió kiểu gì cũng được, để mọi người đi đâu cứ phải đeo phao theo đấy?!

Việc này không mới, cứ “copy” cách thu tiền bản quyền của các nước tiên tiến mà áp dụng, chẳng cần gì phải thử nghiệm này nọ hay “sáng tác” ra những dạng luật lệ “quái đản” làm gì để dân mất công phải… ói!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Một số Nhạc sỹ làm ăn lương nhà nước, Tức là tiền lương dân trả để sáng tác phục vụ cho dân. tức là Dân thuê các Ông sáng tác, Thế sao giờ lại đòi dân trả tiền bản quyền sáng tác hả ông Phương.

Comments are closed.