Bàn về các khái niệm Luật Hiến pháp, Rule of Law và Rechtsstaat

Đỗ Kim Thêm

27-9-2022

Luật khoa

Khoa học luật pháp có ba phạm vi chủ yếu. Thứ nhất liên hệ đến các phạm trù triết học tổng quát mà mục đích là lý giải các khái niệm trừu tượng như công bình, dân chủ, nhân quyền, tự do và một số nguyên tắc nhất định về chế độ chính trị. Khảo hướng này không đào sâu chi tiết trong các vấn đề thuộc kỹ thuật lập pháp và lập quy.

Thứ hai, làm luật là thực hiện về chính sách lập pháp. Nhà lập pháp đề ra những quy phạm, mang hình thức và nội dung cấm đoán để áp dụng. Luật được soạn thành văn bản theo một trình tự và kỹ thuật  định sẳn, nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể, thí dụ như xin tỵ nạn chính trị hay trợ cấp xã hội.

Thứ ba, tìm hiểu về các tác dụng của luật trong thực tại xã hội, một khía cạnh thuộc về xã hội học, thí dụ như hiệu lực của luật giao thông, ly dị hay phá thai qua thời gian sau khi luật ra đời.

Các nhà tội phạm học, tâm lý luật học và tâm lý xã hội học đo lường về hiệu năng luật pháp dựa trên thành quả chấp pháp của dân chúng mà thống kê về tinh thần trọng pháp là phương tiện. Nhờ các kết qủa này mà các nhà lập pháp có thể đề ra các biện pháp cải cách.

Hiến pháp

Nhìn chung trong ba khía cạnh của khoa luật, Luật Hiến pháp đóng một vai trò cao cả đặc biệt.

Hiến pháp là một văn bản quy định về nguyên tắc tổ chức nhà nước, tạo ra thẩm quyền hoạt động cho các cơ quan công quyền, các chế độ kinh tế, văn hoá, xã hội và những luật cơ bản về bảo vệ dân quyền và nhân quyền để cho các cơ quan phải tôn trọng.

Hiến pháp có một giá trị tự tại, nghĩa là, không cần quy chiếu hay trưng dẫn các luật khác để tạo ra giá trị chấp hành. Đặc thù này có thể được giải thích qua hai khía cạnh khác nhau.

Trong khi các sử gia tìm hiểu về nguồn gốc và sự thành hình Hiến pháp qua thời gian, thì các triết gia giải thích các nguyên tắc tạo ra giá trị nội dung cho Hiến pháp, thí dụ như các nguyên tắc chính thống và tính hợp pháp của chế độ và thể chế, phân loại thẩm quyền lập hiến và hiến định và bảo vệ quyền tư hữu.

Thực ra, Hiến pháp nêu lên một lý tưởng   cao cả, đó là ý chí chính trị của toàn dân trong việc quyết định chung sống trong một trật tự xã hội dân chủ và công bình.

Vì có động lực chính trị thúc đẩy và tầm vóc liên quan đến tổ chức đất nước, chính quyền, xã hội và con người, mà ảnh hưởng của luật Hiến pháp vượt ra khỏi phạm vi luật học trở thành một giá trị quy phạm ràng buộc trong toàn diện.

Thẩm quyền lập hiến và hiến định

Các học thuyết về lập hiến đều đồng ý một quan điểm chung là quyền soạn thảo Hiến pháp thuộc về toàn dân, không ai khác hơn, cơ hội hành sử không bị giới hạn, chuyển nhượng và không bị ràng buộc vào bất cứ một luật thủ tục hình thức nào.

Sieyès phân biệt đặc điểm đầu tiên là khái niệm thẩm quyền lập hiến (pouvoir constituant) qua đó mà Hiến pháp thành hình và quy định quyền lực cho các cơ quan nhà nước.

Thẩm quyền lập hiến không đồng nghiã với quyền lực nhà nước, mà là điều kiện tiên quyết để tạo ra quyền lực cho nhà nước. Tùy theo hình thức thể hiện mà thẩm quyền lập hiến tác động đến nội dung của quyền lực nhà nước.

Quyền của các cơ quan nhà nước có được là do hiến pháp quy định, nên Sieyès gọi là thẩm quyền hiến định (pouvoir constitué), vì nằm trong phạm vi và bị ràng buộc bởi Hiến pháp.

Khi tổng hợp hai chiều hướng giải thích này, các học giả kết luận là thẩm quyền lập hiến là một quyền lực chính trị tối thượng của toàn dân nhằm lập ra hay thay đổi Hiến pháp để làm căn bản sinh hoạt cho đất nuớc.

Vì có tính cách tối thượng nên người Mỹ goị luật Hiến pháp là luật của luật (Rule of rules) và người Việt gọi nôm na là luật mẹ của các luật khác.

Rule of Law

Về nguồn gốc, Rule of Law là một khái niệm trong học thuyết của luật học (legal doctrine) và không phải là một quy định pháp luật (legal rule), bắt nguồn từ Anh và sau đó lan rộng đến Hoa Kỳ,

Khái niệm Rule of Law được tạm dịch là tinh thần thượng tôn pháp luật hay trọng pháp, tinh thần này đề cao vai trò quyết định của pháp luật trong việc cai trị đất nước, bảo vệ các tự do cơ bản của người dân, đặc biệt nhất là quyền tự do chính trị và quyền tự do dân sự mà không phải bởi con người (rule of men).

Trong khi Montesquieu giải thích Hiến pháp của các nước Tây Âu theo ý nghĩa tam quyền phân lập, thì Edmund Burke, Benjamin Franklin và Allan Remsey nhận xét Hiến pháp Hoa Kỳ là một sự tiếp nối lịch sử các truyền thống luật pháp của Anh, nhưng có chiều hướng canh tân hơn, vì Hoa Kỳ không có các vấn đề thuộc điạ, mà có tinh thần cách mạng và tư tuởng tự do của Locke và Sidney.

Trong chiều hướng tổng hợp này, các học giả đồng ý là cần phân biệt thẩm quyền lập hiến của người dân và thẩm quyền lập pháp cuả Quốc hội, nghiã là, Quốc hội không thể nhân danh nhân dân và lý tưởng của luật pháp mà giới hạn quyền tối thượng của người dân. Quốc hội chỉ nhằm bảo vệ dân quyền và không thể vì bất cứ danh nghĩa gì mà thay thế quyền dân tộc tự quyết. Cả hai nguyên tắc Rule of Law và Rule of the People có một mối quan hệ chặt chẽ khi đưa đến ý niệm chung là người dân có quyền tự quyết trong tinh thần trọng pháp.

Adam nghi ngờ khả năng giải quyết các vấn đề của chính quyền trong chế độ dân chủ, vì trong một xã hội đa dạng có quá nhiều đòi hỏi bất hợp lý của dân chúng và thái độ mị dân cuả một thiểu số quý tộc nắm quyền là không hề khan hiếm.

Nền Cộng hoà của Hoa kỳ là kết quả của sự cai trị của toàn dân, nhưng ý niệm về toàn dân sẽ không có được ý nghĩa khi không có luật Hiến pháp và những nguyên tắc bảo vệ người dân.Toàn dân không phải chỉ là một đa số thầm lặng, mà quyết định cho vận mệnh của mình. Quyền lực của nhân dân phải song hành trong tinh thần thượng tôn luật pháp hay uy lực pháp quyền (rule of law), và quyền lực này không phải là do con người cai trị (rule of men).

Để đạt lý tưởng này, Adam đề xuất ý niệm kiểm soát và quân bình quyền lực (checks and balances), đây là một phương tiện hữu hiệu nhằm bảo vệ quyền tự do của ngưòi dân và chính quyền không được xâm phạm  khi theo đuổi những tham vọng riêng.

Adam không phủ nhận giá trị cao đẹp của quyền dân tộc tự quyết, nhưng muốn đề cao phương thức kiểm soát và quân bình trong việc xây dựng các định chế chính trị, vì đó là một cách gián tiếp làm dung hoà và duy trì quyền dân tộc tự quyết trong thực tế.

Sự phát triển và áp dụng khái niệm Rule of Law của Anh tại Hoa kỳ là một tiến trình sinh động và phức tạp. Không phải chỉ có giá trị tự tại của Hiến pháp Mỹ, mà các án lệ đã có nhiều luận giải xuất sắc làm cho khái niệm Rule of Law sáng tỏ thêm, nhờ đó mà nó có một được giá trị cao đẹp như ngày nay.

Cho dù trong thực tế là có sự xung đột giữa chính trị và luật pháp, nhưng tinh thần thượng tôn luật pháp là đặc điểm chính nhằm đề cao vai trò pháp luật trong việc cai trị đất nước, chính tinh thần này quyết định và không phải do con người.

Tóm lại, khái niệm Rule of Law có các điểm chủ yếu là:

Người dân không chỉ có đi bầu và đóng thuế, mà có thẩm quyền tối thượng để quyết định vận mệnh của đất nước và thể hiện bản sắc chính trị của dân tộc.

Ý chí cúa toàn dân, ý chí của nhà nước và thẩm quyền lập pháp của quốc hội không đồng nghĩa. Thẩm quyền lập hiến của toàn dân khác với thẩm quyền lập pháp của quốc hội. Nhà nước cũng phải tự đặt mình trong khuôn khổ của luật pháp.

Khi ý chí của nhà lập hiến trong quá khứ không còn phù hợp với nguyện vọng hiện tại của dân chúng thì hiến pháp phải được tu chỉnh.

Rechtsstaat

Khái niệm Rechtsstaat là một công trình mà các học giả Đức đã thu thập từ các học thuyết của Locke, Rousseau và Montesquieu, rồi vận dụng vào hoàn cảnh của Đức sau thời kỳ Khai sáng thường được dịch là nhà nước pháp quyền

Vào cuối thế kỷ XVIII, các luật gia quan tâm chủ yếu đến việc bảo vệ quyền tự do của người dân và cho là việc áp dụng luật phải làm sao cho được hữu hiệu, cho dù ý chí của nhà lập pháp có mạnh đến đâu. Luật phải nhằm bảo đảm quyền tự do, không thể chỉ dựa trên thẩm quyền lập pháp của Quốc hội, vì lẽ Quốc hội có khả năng và ý chí hủy diệt các dân quyền khi cần.

Từ giữa thế kỷ XIX, Lorenz von Stein và Otto Bähr, hai học giả Đức đã tổng hợp khái niệm của Hobbes và Montesquieu để định hình cho vai trò của nhà nước và đã vận dụng thành công nguyên tắc tam quyền phân lập.

Từ cuối thế kỷ XIX, nguyên tắc hợp pháp không những áp dụng cho cơ quan tư pháp trong việc xét xử, mà còn cho các cơ quan hành chánh trong thẩm quyền lập quy và phương cách chấp pháp.

Về sau, Rodolf von Jhreing với học thuyết nhà nưóc tự giớí hạn và Georg Jellinik với học thuyết về tố quyền của người dân như là một chủ thể pháp luật đã bổ sung làm cho giá trị Rechtsstaat được gia tăng.

Dĩ nhiên, với trình độ dân trí cao và những yếu tố văn hoá và lịch sử, tất cả đã làm cho  việc thực thi luật pháp của Đức qua học thuyết này được thành công.

Điểm tương đồng

Về cơ bản, Rule of Law không quá cách biệt với Rechtsstaat trong việc xác định quyền của tự do cùa người dân là một quyền hiến định.

Trong sinh hoạt của một nhà nước hiện đại, cả hai có điểm tương đồng khác là các khái niệm luật pháp đều mang tính phổ quát, hình thức, hợp lý, hợp pháp và có thể tiên liệu hậu quả. Hiến pháp quy định các đặc tính này khi đề ra sự bảo vệ quyền tự do cá nhân.

Sự ràng buộc của Quốc Hội vào Hiến pháp là phù hợp với truyền thống của Anh, nhưng phải dựa vào nguyên tắc hợp pháp theo Rule of Law, nghĩa là, Quốc Hội phải có tinh thần trách nhiệm khi theo dõi sự lạm quyền của hành pháp.

Nhưng làm sao dung hoà được sự bảo vệ quyền tự do với quyền lực của nhà nước và vai trò Quốc hội, đó là điểm khác biệt.

Điểm dị biệt

Việc áp dụng Rule of Law có phần khác biệt với Rechtsstaat, đặc biệt là Dicey không đề cao luận thuyết tam quyền phân lập của Montesquieu.

Nhưng điểm dị biệt là cả hai Rule of Law và quyền tối thượng Quốc hội bổ sung cho nhau trong việc bảo vệ tự do. Rule of Law được hữu hiệu hay không là nhờ vai trò toà án. Đó là sự khác biệt giữa Dicey, Montesquieu và Rousseau.

Theo Dicey, luận thuyết của Montesquieu và Rousseau không thuyết phục vì quan điểm về một nền tư pháp độc lập là một điều trái ngược với truyền thống Anh. Dicey không tin vào vai trò trung dung của toà án mà toà án chỉ là một phương cách thực hành ý chí của nhà lập pháp.

Kinh nghiệm cho thấy việc áp dụng luật pháp không thể coi là máy móc, nhưng Anh nhờ có một hệ thống án lệ hoàn chỉnh, nên có thể giúp cho việc bảo vệ dân quyền được hữu hiệu hơn.

Nguyên tắc Rule of Law chỉ là một khởi đầu trong tiến trình dài để phát huy nền dân chủ. Nhưng đâu là sự chính thống của luật pháp? Sự chính thống này không phải là hiển nhiên hay Quốc hội Anh có tính chất dân chủ.

Theo Dicey, vấn đề tùy thuộc vào mức độ áp dụng luật pháp tại toà án. Chính tòa án là nơi xét trước tiên nguyên tắc hợp hiến và hợp pháp của luật pháp, do kết qủa này, lúc đó toà mới xác định được là luật pháp có dân chủ và chính thống hay không. Đặc điểm này được áp dụng trong truyền thống của Anh.

Rechtsstaat mang tham vọng sâu xa hơn khi đề cao tố quyền của người dân trong trường hợp chính quyền vi phạm các quyền tự do cơ bản, chú trọng về luật nội dung hơn là luật thủ tục, sau khi thế chiến kết thúc, thì ngược lại.

Nhìn chung, hiện nay nhiều học giả Đức muốn lý tưởng hoá vấn đề hơn khi có ý định mở rộng phạm vi áp dụng tố quyền hiến định của người dân trong các thủ tục tố tụng liên quan đến các yêu sách an sinh xã hội.

Nhà nước pháp quyền

Tại Việt Nam, khái niệm Nhà nước Pháp quyền XHCN được du nhập khá muộn màng vì lý do trong cuộc đấu tranh chuyên chính vô sản, giới lãnh đạo cách mạng cho luật pháp là một công công cụ của giới tư sản bóc lột cần phải loại trừ.

Trong khuôn khổ Đổi mới 1989, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII năm 1991 và Hội nghị toàn quốc khoá VII năm 1994 mới nêu ra tầm quan trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Về sau, trong Đại hội lần thứ X và XI, Đảng có liên tục đề cập đến việc thực hiện mà kết qủa là Hiến pháp năm 2013 ra đời và Điều 2 khẳng định nội dung: “ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.”

Trong thực tế, phải hiểu nội dung của Luật Hiến pháp có bản chất chính trị, một bản sao nghị quyết của Đảng, mà quyền lực của Đảng định hình là Đảng đứng trên và đứng ngoài Hiến pháp và luật pháp để điều khiển toàn bộ mọi hoạt động của nhà nước.

Đảng tuyên bố là người dân có thẩm quyền tối thượng để quyết định vận mệnh của đất nước, nhưng Đảng lại nhân danh dân chúng mà sử dụng quyền này. Người dân chưa lần nào tham gia một cuộc trưng cầu dân ý mà chỉ đi bầu Quốc hội theo đúng thủ tục Đảng cử Dân bầu. Nhà nước cũng không tự đặt mình trong khuôn khổ của luật pháp. Lòng dân, ý chí của nhà nước và quyền tối thượng của Quốc hội phải tùng phục với ý chí độc tài của Đảng.

Theo thông tin gần đây, các Ủy viên Trung ương Đảng.sẽ thảo luận về đề tài „tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.“

Về mặt thủ tục, theo dự kiến, Hội đồng Lý luận Trung ương phụ trách soạn thảo đề tài này. Sau khi hoàn tất kế hoạch, Hội đồng sẽ trình cho Bộ Chính trị duyệt xét và Ban Chấp hành Trung ương quyết định sau cùng.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền có nghĩa là bám sát và thực hiện đúng Cương lĩnh đã được Đảng cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong chiều hướng này, dù có cải cách đến đâu về nhà nước pháp quyền, thì cũng chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ cho Đảng tiếp tục nắm quyền.

Do đó, các khái niệm được đề cập trong bài viết ở đây có giá trị tham khảo hơn là một khảo hướng mở lối cho các cải cách trong tương lai.

__________

Bài liên quan: Bàn về khái niệm Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa  —  Bàn về khái niệm tự do hiến định

Bình Luận từ Facebook