Nhà văn Phi Long
10-8-2022
Trước khi đặt bút viết về một người, về một nhân vật khá nổi tiếng như Lê Phú Khải, tôi rất thận trọng. Tôi tự hỏi chính mình, phải gọi danh xưng gì đây về ông mới đúng; mới xứng tầm. Ông là nhà báo nổi danh từ lâu, ai cũng biết. Sự nghiệp cầm bút của ông cả ngàn bài viết, đủ thể loại, tin, bài, phóng sự, phóng sự điều tra dài kỳ như vụ án thế kỷ Tăng Minh Phụng.
Ngoài báo chí, ông còn có trên 10 đầu sách, đủ thể loại: bút ký, biên khảo, chân dung nhân vật, bình luận sự kiện. Đặc biệt là 6 tác phẩm về Đồng bằng sông Cửu Long với tư cách là một phóng viên thường trú của Đài Tiếng Nói Việt Nam hơn 10 năm tại địa bàn này. Những tác phẩm của ông là một kho tư liệu quý về vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà hơn 45 năm qua, ít có tác phẩm nào tập trung viết về vùng đất trù phú, tươi đẹp, đa dạng này… Hãy liệt kê những đầu sách mà tác giả Lê Phú Khải đã cho ra đời: Rắn độc trong tay người, Đồng Tháp Mười hôm nay, Viết từ Đồng bằng sông Cửu Long, Hồ sơ Đồng bằng sông Cửu Long, Chung sống với lũ, Đồng bằng sông Cửu Long – 40 năm nhìn lại.
Khẩu hiệu về đồng bằng sông Cửu Long: “Chung sống với lũ” mà ngày nay cả nước đều nhắc đến, có xuất xứ từ một bài viết của Lê Phú Khải trên báo Xuân Sài Gòn giải phóng 1992! Các tác phẩm khác của ông là những thiên phóng sự, khảo cứu có giá trị như: Paris trong mắt tôi, Nguyễn Khắc Viện, Tại sao Điện Biên Phủ? Nhà báo-Anh là ai? v.v…
Là một nhà báo dấn thân, tiên phong trong hệ thống báo chí của Đảng cầm quyền, được nhiều giải thưởng báo chí quốc gia, quốc tế, như giải thưởng của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc năm 2000, Lê Phú Khải đã trở thành một cây bút của “lề trái” khi ông nhận ra công cuộc đổi mới của Đảng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là trò lừa bịp. Nông dân, đội quân chủ lực của cách mạng năm xưa nay trở thành nạn nhân khốn khổ nhất của những thế lực mafia cướp đất, cướp ruộng tràn lan trên toàn dải đất hình chữ S.
Lê Phú Khải có mặt trong các đoàn quân đi biểu tình đòi đất với nông dân. Bằng nghiệp vụ của mình, ông đã cho ra đời những phóng sự điều tra về ruộng đất gây được tiếng vang lớn. Như “Thư ngỏ gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về nạn cướp đất ở Đồng bằng sông Cửu Long”; những tấm hình ông chụp được trong các cuộc biểu tình của nông dân miền Tây Nam Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh mà các phóng viên khác đều bị cướp máy ảnh (riêng ông vẫn có), bắt về đồn công an… đã được ông trao tận tay cho những người lãnh đạo cao nhất ở Hà Nội.
Lê Phú Khải bị coi là “thế lực thù địch” khi ông gửi thư ngỏ cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh qua trang mạng của Đài BBC Tiếng Việt; phản đối dự án Bauxite ở Tây Nguyên. Hơn thế nữa, Lê Phú Khải luôn có mặt trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, đả đảo Tập Cận Bình đến Hà Nội… Trong đội ngũ những nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam hiện nay, ông là một gương mặt rất ấn tượng: Một cây bút từ “lề phải” rẽ sang “lề trái” được nhiều người hâm mộ.
Tôi tiếp cận Hồi ký “Lời ai điếu” in tại Mỹ năm 2016 của Lê Phú Khải một cách rất tình cờ. Một hôm, nhà văn-nhà sưu tầm nổi tiếng Trần Thanh Phương vừa cho ra mắt tập sách mang tên: “Rượu trong đời sống văn học”, ông mời bạn bè đến dự tiệc tại tư gia. Tại cuộc gặp gỡ đó có rất nhiều nhà báo, nhà văn tới dự, trong đó có tôi. Người ta đã tranh luận sôi nổi về cuốn hồi ký “Lời ai điếu” của Lê Phú Khải. Nhiều người không tin tính chân thật của các câu chuyện mà tướng Công an Lê Hữu Qua-chú ruột của tác giả kể do tác giả ghi lại. Người lớn tiếng phản đối và bôi bác Lê Phú Khải nhất là nhà văn Triệu Xuân (người cùng công tác ở Đài Tiếng Nói Việt Nam với tác giả). Vì chưa đọc Lời ai điếu nên tôi đứng ngoài cuộc tranh luận không có trọng tài này!
Tan tiệc, nhà văn Trần Thanh Phương bảo tôi: Phi Long là người sôi nổi, có khiếu cãi nhau mà hôm nay lại im lặng hoàn toàn. Có lẽ Phi Long chưa đọc Lời ai điếu. Nói xong, anh Phương tặng tôi cuốn hồi ký dày cộm. Anh nói: “Tôi tin là đã đọc xong, Phi Long sẽ có ý kiến xác đáng, vì tôi biết Phi Long đã có thời gian hoạt động cùng Lê Phú Khải ở địa bàn tỉnh Tiền Giang trong nhiều năm. Tôi đã đọc, vợ tôi cũng đã đọc, thấy cuốn hồi ký này được lắm, nhưng tôi không có khiếu “cãi lộn”!”
Cầm tập sách dày cộm trên 700 trang, tôi thấy hơi ái ngại! Nhưng cuộc tranh luận bất phân thắng bại hôm nay và sự chân tình của nhà văn nổi tiếng là hiền lành tốt bụng Trần Thanh Phương, tôi miễn cưỡng nhận lời.(!)
Sau khi về nhà, đánh một giấc ngủ ngon đến ba giờ chiều, tôi bắt đầu đánh vật với Lời ai điếu! Chao ôi! Tôi đã đọc một hơi từ 3 giờ chiều hôm ấy đến 5 giờ sáng hôm sau. Đọc xong, xem lại một số đoạn. Nhiều trang, nhiều đoạn tôi phải lấy bút màu đánh dấu. Càng đọc càng cuốn hút! Tôi đã khước từ mọi lời mời nhậu nhẹt, bù khú…Khoảng 5 giờ chiều hôm sau đọc kỹ Lời ai điếu. Ký ức của tôi về những năm tháng làm phóng viên, biên tập viên báo Văn Nghệ tỉnh Tiền Giang đã hiện về như một cuốn phim. Những nhân vật trong “Lời ai điếu” mà Lê Phú Khải khắc họa (thời gian cùng tôi sống ở Tiền Giang) hiện lên vô cùng sống động. Với trình độ, bản lĩnh, tay nghề của một nhà báo đã thành danh ở Hà Nội, vào một vùng đất mới với nhiều đề tài hay, nhiều cảm xúc lạ, các tin bài anh viết về Tiền Giang, và sau này là cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên báo chí địa phương như báo Ấp Bắc (Tiền Giang), trên đài Tiếng nói Việt Nam, trên báo Nhân Dân, báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã gây được sự chú ý đặc biệt của bạn đọc và lãnh đạo tỉnh. Vào thời điểm đó, những năm 80, các chân dung nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, các vấn đề về sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, khai hoang vùng Đồng Tháp Mười, v.v… ít được xuất hiện trên phương diện thông tin báo chí của cả nước. Lê Phú Khải đã làm được việc đó cùng với sự ra đời của các cuốn sách anh xuất bản về Đồng bằng sông Cửu Long.
Có một chuyện khá khôi hài xảy ra thời gian đó…Hôm ấy, Sáu Cao với tư cách Thường vụ Tỉnh Ủy-Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh triệu tập một cuộc họp mở rộng, đối tượng tham gia gồm các trưởng, phó Ty đầu ngành của tỉnh, có sự tham gia của các cơ quan tuyên truyền báo, đài trong ngoài tỉnh để triển khai về Mô hình hợp tác xã nông nghiệp theo kiểu miền Bắc xã hội chủ nghĩa tại Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đây là tỉnh đầu tiên xây dựng hợp tác xã nông nghiệp trên đất miền Nam. Nếu thành công, sẽ nhân rộng mô hình này khắp các tỉnh thành phía Nam.
Đã 8 giờ rồi mà chưa vào họp. Phó ban tuyên huấn là nhà thơ Lê Hà nói: “Khai mạc đi anh Sáu!”. Sáu Cao thủng thỉnh đáp: “Đang chờ một người!” Ai cũng tưởng là sẽ có một nhân vật quan trọng nào sắp đến (!) Khoảng 15 phút sau, một gã đàn ông cao lêu nghêu, khô đét, vai đeo túi vải, lững thững đi vào hội trường. Sáu Cao từ trên bục đi xuống, cầm tay gã đàn ông này giới thiệu: “Đây là anh Lê Phú Khải, phóng viên Đài Tiếng Nói Việt Nam thường trú ở tỉnh ta, mới viết mấy bài về Nông trường khai hoang Tân Lập trong vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh ta trên Đài Tiếng Nói Việt Nam và báo Nhân dân, đề nghị chúng ta hoan nghênh…”.Vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt…Tôi biết Lê Phú Khải từ đó. Tôi có ý định làm quen, nhưng nhìn thấy vẻ kiêu căng của Lê Phú Khải nên lại thôi! Nhưng sau này gặp gỡ trong các buổi họp, các sự kiện, các chuyến đi thực tế thì chúng tôi quen nhau. Tôi âm thầm theo dõi, đọc hầu hết các bài viết của anh, đặc biệt là các bài Bút ký Văn học của anh trên báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam. Tôi thừa nhận những phóng sự, ký sự, bút ký của anh khá phong phú, bình diện đề tài phản ánh đa dạng. Nhiều bài được người đọc đánh giá cao. Thông tin của anh nhanh nhạy, chắt lọc, kịp thời…Anh là một nhà báo có tay nghề vững vàng, một cây viết giàu cảm xúc…Anh là một tác giả có nhiều tác phẩm báo chí, văn học về Đồng bằng sông Cửu Long, một mảnh đất còn nhiều tiềm năng thiên nhiên và con người ít được báo chí, văn học khám phá dù đã gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất nhưng giữa tôi và anh chỉ dừng ở mức độ …quen và biết. Gặp hau không mặn mà, không vồ vập, chừng mực, đúng liều lượng.
Sau khi Lời ai điếu xuất hiện, được đưa lên mạng, được in lậu thành sách bán chui ở trong nước, nhiều người đọc trong giới văn chương chữ nghĩa, biết tôi quen với tác giả Hồi ký Lời ai điếu. Họ cho rằng Phi Long là người trung thực, thẳng thắn, nhận thức con người và văn chương có chiều sâu, cần phải có tiếng nói đánh giá thực chất về tác phẩm này. Ai cũng nghĩ Lê Phú Khải là một kẻ bất mãn với chế độ, hoặc hiềm khích cá nhân, hoặc bị bạc đãi, cấp trên đối xử ghẻ lạnh…Vì vậy, câu chữ trong sách là vu khống, bịa đặt…Tác giả mượn lời tướng công an Lê Hữu Qua là chú ruột của mình để tỏ sự hằn học trong lòng mình để nói xấu chế độ chăng?
Sau nhận Lời ai điếu từ tay Trần Thanh Phương, tôi đã đọc ngấu nghiến như đã kể ở phần trên, tôi đã đọc với thái độ nghiêm túc và đôi lúc thấy bần thần, cố nghĩ lại những ngày cùng chung hoạt động báo chí với anh ở Tiền Giang, nhớ những lời nói rất khôi hài của Sáu Cao năm xưa: “Tao bảo thằng Khải Bắc Kỳ nó đến đây để bày cho mày…cách viết báo!”. Cuối cùng tôi gọi điện cho Lê Phú Khải, chúc mừng anh viết được cuốn hồi ký có tầm vóc. Tôi hẹn gặp anh để trao đổi sâu hơn về tập sách này. Tôi nhớ đến bài thơ tôi đã viết từ năm 1981, nórất hợp với quan hệ của tôi và tác giả Lời ai điếu:
Tự nói với mình
Có một thời mải miết ra đi
Chẳng kịp nghĩ những gì được, mất
Ta cứ tin vào những điều…không có thật
Để tự mình đánh mất…chính mình đi.
Quá vô tư nên chẳng kịp nghĩ suy
Già chưa tới, nhưng đâu còn trai trẻ.
Thời gian trôi bao tháng ngày hoài phí
Để bạn bè vô ý…lướt qua nhau.
Khi đứng gần, ta chẳng nhận ra đâu
Lúc xa cách…mới nhìn nhau rõ nhất
Điều đó thật, tưởng như là…không có thật.
Mình giẫm đạp mình, có hay biết gì đâu.
1981
Quen nhau, sống chung địa bàn 4 năm, nhưng tôi thực sự mới biết và hiểu Lê Phú Khải từ khi đọc Lời ai điếu.
Tôi đã photo 10 cuốn Lời ai điếu tặng cho những người cần tặng và đón nghe ý kiến của họ. Thật bất ngờ có khá nhiều ý kiến song trùng với tôi, họ “sung sướng” hơn cả tôi khi đọc tập Hồi ký này.
Phải công nhận Lời ai điếu có nhiều điều lý thú, những bộ mặt thật, sự việc thật lâu nay bị bưng bít, che giấu được tác giả khai quật, phơi bày tênh hênh trên trang giấy. Đây là chân dung của bộ trưởng công an Trần Quốc Hoàn mà Cục trưởng cục trại giam Lê Hữu Qua luôn gọi là “tên H lưu manh”, tác giả ghi lại: “lưu manh, dốt nát nhưng hay khoe mẽ, ích kỷ, dối trá, thích cấp dưới tâng bốc mình, ghét người trung thực, loại bỏ trí thức ra khỏi bộ máy” (trang 120-121). Còn Lê Đức Thọ thì qua lời người em gái họ của tác giả là phó trưởng ban Tài chính quản trị Trung ương đảng kể: “Lê Đức Thọ luôn lo sợ người ta giết mình, nên trước khi đi ngủ đều nắn bóp chăn bông, xem có ai gài mìn không (?). Cho đến một tối, cái chăn bông rách bung, bông bay khắp phòng, khiến ông ta ho sặc sụa…nên mới kêu nhân viên Ban quản trị đem đổi chăn bông khác! Một ông cục trưởng là thiếu tướng Hoàng Mai, khi đi công tác, ra khỏi Hà Nội được 60 ki-lô-mét thì bắn được một con chim gáy. Ông ta bèn cho xe quay về, chạy hộc tốc lên lầu, biếu, tặng vợ bộ trưởng Trần Quốc Hoàn con chim gáy đó. Và, Hoàng Mai luôn được…Hoàn khen là cán bộ tốt! Cò ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì chính tai tác giả nghe được, tại Hội nghị Khoa học toàn quốc năm 1978, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, sau chiến thắng năm 1975 ông đã chỉ đạo: Ta làm khoa học theo kiểu Việt Nam, đi tắt đón đầu, đuổi kịp và vượt phương Tây trong vòng mười lăm, hai mươi năm…như Cù Chính Lan chạy tắt rừng, đón đầu xe tăng địch mà đánh! Tác giả chua chát viết: Đất nước đi về đâu với những ông thủ tướng ba hoa, phét lác, lố bịch và hoang tưởng như thế…Còn đám trí thức ngồi dưới nghe chỉ biết vỗ tay và ngậm miệng ăn tiền!”.
Không chỉ phê phán, tác giả còn dành nhiều trang để mô tả, kể lại những người cộng sản tuy đi nhầm đường, nhưng họ là những người yêu nước thực sự, trong sạch, có nhân cách cao thượng và được nhân dân hết sức yêu quý, kính trọng. Đó là hình ảnh ông Trưởng ban Tài chính của Đảng Nguyễn Lươg Bằng, chỉ huy đoàn ngựa thồ chở toàn đồ quý của nhân dân vùng tạm chiếm ủng hộ kháng chiến lên Việt Bắc. Ông có cái khăn rửa mặt đã rách, phải nhờ mẹ của tác giả khíu lại để dùng, bát cà bung đã vữa vì để từ sáng đến chiều, nhưng ông vẫn không cho đổ đi, dành lại ăn, mặc dù ông đang quản lý cả một đoàn ngựa thồ chất đầy của cải, hàng hóa quý giá, đắt tiền! Trong Lời ai điếu, tác giả có dành hẳn những chương dài có nhan đề là: Ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Viết Thanh…những câu chuyện thật lý thú được kể về ba nhân vật này do tác giả trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện, cùng dong ruổi trên đường đời…Bốn mươi năm sau, Tướng Giáp mới “được phép” lên thăm lại chiến trường xưa khi các đối thủ chính trị của ông đã về nơi chín suối. Những lần kỷ niệm trước, cán bộ lãnh đạo ở Điện Biên Phủ nhận được “lệnh mồm” là không được đón đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nay vì không thấy ai ra lệnh nên Phó ban Tuyên huấn huyện Điện Biên lặn lội về tận Hà Nội, đến tận nhà riêng 30 Hoàng Diệu mời đại tướng. Trong hầm tướng De Castries, lúc đó chỉ có đại tướng, hai sĩ quan quân đội và tác giả, ông hỏi: Hầm tướng giặc thì được giữ gìn tu tạo thế này, thế thì hầm tướng ta đâu?! Không ai trả lời cả, vì hầm chỉ huy của tướng Giáp ở Mường Phăng đã bị “lãng quên” và không có ai coi giữ, tu tạo cả!
Nói về ông Thủ tướng dân Nam Bộ Võ Văn Kiệt, tác giả kể, khi đi kiểm tra dịch tôm chết năm 1994 tại Cà Mau, Thủ tướng hỏi một chủ tịch huyện: Vì sao tôm chết? Trả lời: Thưa Thủ tướng tôm chết vì nó…không thể sống được!
Tất cả đã cười rần! Đứng ngay cạnh Thủ tướng, tác giả nghĩ rằng…chắc ông Võ Văn Kiệt giận lắm, sẽ mắng vị chủ tịch huyện này…Nhưng lạ thay, chẳng thấy ông nói gì (!). Đã thế, khi về đến Sài Gòn, trong cuộc hội nghị khoa học lớn, bàn về nguyên nhân tôm chết ở Đồng bằng sông Cửu Long để tìm cách chữa trị, ông Võ Văn Kiệt còn mở đầu, nhắc lại câu trả lời: Tôm chết vì nó…không thể sống được! Làm cả hội nghị lại cười thêm một trận cười nghiêng ngả. Phải là một nhà văn “vững tay” thì Lê Phú Khải mới nhặt ra được những chi tiết đắt giá như thế để khắc họa về tính cách con người Nam Bộ, con người Võ Văn Kiệt: cởi mở, khoáng đạt, hóm hỉnh, …vô tư (!)
Ba mươi năm làm báo quốc doanh, nhà báo Lê Phú Khải đã nhìn rõ thực trạng suy thoái của báo chí Việt Nam, của các ký giả trong chế độ toàn trị. Đó là cảnh các nhà báo sáng mắt lại chìa tay nhận “bao thư” từ bàn tay run run của ông Huỳnh Là-Chủ tịch Hội người mù thành phố Hồ Chí Minh (!) Rõ ràng, “Lời ai điếu” không phải là sự bất mãn của tác giả mà theo tôi, đó là cái dũng khí của một người cầm bút đã thôi thúc ông, đến mức không thể kìm hãm được những dồn nén trog lòng mình trước cái xấu, cái ác…“Lời ai điếu” là tiếng chuông cảnh báo từ lương tâm của tác giả, muốn minh bạch, rạch ròi trên giấy trắng mực đen, ai là thiện, ai là ác. Có tên tuổi, chức danh cụ thể, suốt quãng đường đời của tác giả đã chứng kiến dù những con người đó đều tồn tại trong một thể chế, một sự “nhầm lẫn” của lịch sử!
Người ta có thể đọc một hơi hết cuốn Hồi ký 700 trang này, theo tôi, là nó có những điều mà chưa ai biết, hoặc biết mà không dám nói, đúng như lời tâm sự của tác giả: Ngoài những chuyện đời của tôi, từ lúc sinh ra ở Hà Nội đến tuổi cổ lai hy, nó đích thực là một cuốn hồi ký; song, tôi chỉ viết những điều chưa ai biết về những con người mà ai cũng biết mà tôi đã gặp trên đường đời của một nhà báo. Đó là những Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Hà Phan…Người ta rất bất ngờ khi nghe tác giả viết, Võ Nguyên Giáp có đóng góp riêng cho “môn ngôn ngữ học”! Nhân dân Việt Nam, và nhất là giới trí thức có lương tri đã biến một danh từ chung thành một danh từ riêng. Hiển nhiên là ở đây Việt Nam, một ai đó nói: Tôi vừa được gặp đại tướng, thì người ta hiểu rằng, người đó vừa được gặp ông Võ Nguyên Giáp, chứ không ai lại hiểu rằng, anh ta vừa khoe được gặp ông Lê Đức Anh, ông Mai Chí Thọ, đặc biệt là ông đại tướng xôi thịt ngu dốt Lê Hồng Anh, ông Phùng Quang Thanh, ông Trần Đại Quang, v.v…mặc dù các ông ấy đều là đại tướng! “Đại tướng” từ một danh từ chung, đã trở thành một danh từ riêng trong ngôn ngữ của người Việt Nam đương đại, chỉ để dành cho Võ Nguyên Giáp! Với người Pháp thì danh từ riêng “Điện Biên Phủ” lại được người ta biến thành một động từ chỉ hành động “đánh mạnh”, “đánh thật mạnh”, đánh cho “không còn mảnh giáp”. Danh từ Điện Biên Phủ biến thành động từ “đienbienphuer”. Cái đuôi “er” của tiếng Pháp gắn vào chữ Điện Biên Phủ viết liền trở thành “đánh mạnh”! Nếu một sĩ quan Pháp ra lệnh cho binh lính: Đienbienphuer! Có nghĩa là hãy tấn công mãnh liệt vào đối phương!
Những điều kể trên thực sự là những phát hiện của tác giả Lời ai điếu làm cho cuốn hồi ký này cuốn hút người đọc.
Có thể khẳng định rằng: Nhà báo Lê Phú Khải là một hiện tượng lạ, ông xuất thân từ một giáo viên dạy văn ở tỉnh lẻ, rồi trở thành phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam qua một cuộc tuyển chọn cũng rất lạ. Ông làm cả báo nói, báo hình (truyền hình), báo viết, cuối đời lại làm báo mạng. Từ báo trung ương “Thăng tiến” dần đến báo địa phương (bước tiến giật lùi)…Hơn thế nữa, ông cùng các nhà trí thức, các nhà khoa học có uy tín tham gia đấu tranh bảo vệ nền dân chủ mà nhà nước Việt Nam xem như thế lực thù địch. Suốt đời ông chỉ là một phóng viên, ông khước từ vào Đảng để được làm lãnh đạo trong nghề báo như trưởng phòng biên tập, trưởng ban biên tập, tổng biên tập, v.v…Chỉ là một phóng viên “hạng bét” như ông tự nhận, nhưng ông có thể gặp bất cứ ai, bất cứ lúc nào, từ ông nông dân giỏi ở Đồng bằng sông Cửu Long như chú Hai Chung, chú Bảy Nhỏ ở Tiền Giang, chú Ba Nở, Sáu Đức ở An Giang đến ông chủ tịch tỉnh, ông bí thư tỉnh ủy, ông Thủ tướng, ông Tổng Bí thư đương thời, ông đại tướng lừng danh thế giới Võ Nguyên Giáp…Nhưng nếu chúng ta chiu khó suy nghĩ một chút thì sẽ thấy, trong chế độ độc tài toàn trị, mọi giá trị không được thiết lập xác đáng. Giá trị của một nhà báo không phải là chức danh hành chính phó phòng, trưởng phòng, giám đốc, v.v…Giá trị của một nhà báo là tác phẩm báo chí. Ông đi bất cứ đâu, có thể gặp bất cứ ai, vì người ta biết ông qua đài, báo, qua những cuốn sách mà ông là tác giả. Jean LaCouture và Burchette có làm trưởng phòng biên tập bao giờ (?) Các vị ấy suốt đời làm phóng viên và đã đi khắp thế giới. Tôi có lần đọc được trên trang mạng Bauxite Việt Nam, ngày 16-10-2020 một bài của tác giả Giang Tử viết về các hồi ký ở Việt Nam trong vòng mấy chục năm qua. Ông này cho rằng, các hồi ký này là những sám hối “cho kịp thời đại”. Nó chấn chỉnh sách lịch sử chính thống và là văn học không hư cấu theo nghĩa rộng, là được viết thành văn bản đa dạng, độc đáo mang tính lịch sử. Ông chọn tám cuốn hồi ký là: “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiê, hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh, của Trần Quang Cơ, Lời ai điếu của Lê Phú Khải, Chiều chiều của Tô Hoài, Hồi ký của nhà văn Nguyên Ngọc, tiểu thuyết tự truyện Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn và cuối cùng là Lê Vân “Yêu và sống”.
Tôi đã đọc cả 8 cuốn hồi ký này và thấy tác giả Giang Tử có cơ sở để nhận định như thế.
Lẽ ra bài viết này có thể dừng ở đây, song có một sự việc khá lý thú. Đó là khi đang viết đến phần cuối “phê bình” sách Lời ai điếu này thì một người bạn lớn đến chơi. Ông nguyên là một trong những lãnh đạo cơ quan thường trú của Đài Tiếng Nói Việt Nam tại miền Nam đóng tại thành phố Hồ Chí Minh, là thủ trưởng trực tiếp của nhà báo Lê Phú Khải. Ông là người rộng rãi, khoáng đạt, sống có tình nghĩa với các phóng viên dưới quyền ông. Thấy tôi đang viết bài bình về tập Hồi ký của Lê Phú Khải, ông đề nghị tôi cho ông đọc một số đoạn trong bài viết. Nghe xong ông nói: Được đấy, rất đúng những vấn đề mà cha Khải hay đề cập. Tao bổ sung mấy ý: Có thời gian lãnh đạo đài đề xuất cha này lên phó phòng, nó (Lê Phú Khải) lấy lý do không đảng viên. Lãnh đạo đài nói, chưa đảng thì kết nạp đảng chớ khó gì (!). Hắn xua tay: “Ông để tôi tự do, có khi chưa vào Đảng tôi tốt, có chút Đảng lại thêm quyền, tôi thành người xấu, đếch dại!”. Biết hắn ưa tự do, không lệ thuộc vào ai, lãnh đạo tấn phong cho nó chuyên viên. Đã là chuyên viên thì không ai quản lý, thích gặp ai thì gặp, đề tài thì thích gì viết nấy! Có điều lạ, hắn chỉ là một phóng viên thường nhưng quen biết khá nhiều cỡ bự! Như thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải đều chơi khá thân.
Hắn gặp mặt, với tứ trụ triều đình rất đơn giản thoải mái. Những nhân vật lớn như Võ đại tướng như gặp người anh trai cả trong gia đình, trong khi đó, nó chỉ là thằng “phóng viên hạng bét” như hắn tự nhận, sinh hoạt…vô chính phủ!!!
Có một chuyện “ly kỳ”. Đó là nhà báo Phan Quang-Tổng Giám đốc Đài- Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam vào thành phố Hồ Chí Minh “đề xuất” với Phú Khải bố trí cho Phan Quang gặp được ông Võ Văn Kiệt (lúc này đang làm cố vấn ban chấp hành trung ương). Khải trả lời: “Ông muốn gặp ngày nào, mấy giờ, thời gian gặp bao lâu, nói rõ để tôi sắp xếp”…
…Sau đó hắn…bố trí gặp thật, gặp thân mạt, thoải mái, không hạn chế thời gian. Trước khi về, Võ Văn Kiệt vỗ vai Phan Quang: “Khi nào ông muốn gặp mình, bảo cả Khải đi cùng cho vui”. Mày thấy cha Khải này có ghê không? Theo tao: May nên đưa chuyện này vào cái kết của bài viết. Vâng! Tôi đã làm đúng theo lời ông gợi ý. Lấy cái kết là một câu chuyện kể của người lãnh đạo đài Tiếng nói Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh về nhà báo Lê Phú Khải.
Nói chung, bài viết cũng không có gì đáng chê trách nhưng cách đặt tiêu đề nghe
không ổn. Đó là không nên phân chia phái- trái làm gì cho…rách việc mà lẽ ra nên
viết là LPK.một nhà báo biết tôn trọng sự thật và lẽ công bằng !
Ông Khải Bắc kỳ nhưng dân nam bộ kính trọng ông, không phải những việc ông làm mà bản chất của con người ông khẳng khái như người Nam kỳ…