Chính sách Hoa Kỳ với Việt Nam qua tân Đại sứ Marc E. Knapper

Nhã Duy

3-2-2022

Đại Sứ Marc Knapper và phu nhân chúc Tết người dân Việt Nam. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại HN

Những ngày đầu năm Nhâm Dần, truyền thông Việt ngữ và cộng đồng mạng đã chia sẻ khá nhiều về lời chúc Tết năm mới của Tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Marc E. Knapper.

Đã từng sống và làm việc tại Việt Nam, cũng như là tân đại sứ đến Việt Nam chỉ vài ngày trước Tết, Đại sứ Knapper chúc Tết người dân Việt Nam là một nghi thức ngoại giao thông thường. Điều quan trọng hơn là cần tìm hiểu thêm về người thay mặt chính phủ Hoa Kỳ và đứng đầu cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ tại Việt Nam là ai, quan điểm như thế nào, để từ đó có thể ít nhiều hiểu thêm về chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong thời gian tới ra sao.

Các tài liệu chính thức không ghi tuổi của Đại sứ Knapper, tuy nhiên vào trang mạng của Đại Học Princeton, nơi ông đã tốt nghiệp chuyên ngành Chính Trị học, ưu hạng, khoá 1991 thì ông vào khoảng 52-53 tuổi hiện nay.

Đại sứ Knapper cũng đã tốt nghiệp Cao học tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ, theo học về Đối Ngoại tại Đại học Tokyo, từng tham gia khóa huấn luyện tại MIT và chương trình tiếng Nhật chuyên sâu tại Đại học Middlebury. Ông thông thạo tiếng Nhật, Đại Hàn và Việt Nam, có vợ Nhật và một con trai, cũng như cha ông là một Đại tá Thủy quân Lục chiến, từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam.

Trên trang mạng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và theo công văn đề cử của tòa Bạch Ốc vào tháng 4-2021 thì Đại sứ Knapper là một nhà ngoại giao cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, là đương kiêm Phó Phụ tá Bộ trưởng về Nhật Bản và Nam Hàn tại Văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương Sự vụ, khi được Tổng thống Joe Biden bổ nhiệm. Ông cũng từng đảm nhận chức vụ Tham Tán ngoại giao tại Seoul và là cấp lãnh đạo sứ quán tại Việt Nam và Baghdad. Trong khoảng thời gian phục vụ tại Việt Nam từ năm 2004-2007, ông là một cố vấn chính trị sự vụ của Đại Sứ quán Hoa Kỳ.

Theo các hồ sơ nhân thân kể trên, Đại sứ Knapper là một nhân viên ngoại giao cao cấp và thâm niên trong gần 30 năm qua, kể từ năm 1993 và bậc tương đương cấp Bộ trưởng, qua những vai trò ngoại giao quan trọng tại khu vực châu Á. Ông cũng đã nhận được các huân chương ngoại giao cao nhất của Bộ Ngoại giao và giải thưởng tổng thống dành cho nhân viên cấp cao của chính phủ liên bang.

Để hiểu hơn về quan điểm và các mục tiêu ngoại giao của tân Đại sứ Knapper, có thể đọc lại bản điều trần của ông trước Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 2021. Các tuyên bố của ông bao gồm các điểm quan trọng theo sau:

Thứ nhất là ông cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác về an ninh quốc gia giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, thông qua sự giúp đỡ của Hoa Kỳ về hàng hải nhằm giữ vững luật pháp quốc tế và những hành động khiêu khích ở Biển Đông và khu vực sông Mê-kông.

Thứ nhì là vấn đề mậu dịch và đầu tư, ông sẽ vận động cho các tập đoàn và những nhà đầu tư Mỹ được tiếp cận thị trường công bằng, bao gồm cả các dịch vụ kỹ thuật Internet (như các dịch vụ mạng xã hội) và các mặt hàng canh nông.

Thứ ba là những vấn đề di sản chiến tranh và sứ mạng nhân đạo, tiếp tục nỗ lực tìm kiếm lính Mỹ mất tích, giảm thiểu các rủi ro do bom đạn chiến tranh còn sót lại và tiếp tục viện trợ nhân đạo, giúp đỡ người tàn tật, nhằm mở rộng mối quan hệ trong việc xây dựng sự tin cậy giữa hai quốc gia.

Cuối cùng là thiết lập mối quan hệ công chúng (P2P) nhắm đến lợi ích giữa người dân Mỹ và dân Việt Nam, bao gồm sự qua lại của công dân hai quốc gia và vấn đề du học của sinh viên Việt Nam, lẫn các đoàn thiện nguyện từ Mỹ sang Việt Nam giúp đỡ người dân.

Trong phần kết luận, ông cũng nêu ra thử thách giữa hai quốc gia trước vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, về các vụ sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện và bất hợp pháp, kết án oan hay kêu án nặng với các nhà báo và các nhà hoạt động. Ông cam kết, nếu được Quốc hội chuẩn thuận, ông sẽ thúc giục Việt Nam tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, tụ họp và tự do tôn giáo nhằm đạt đến tiềm năng cao nhất của mối quan hệ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, mối hợp tác này là nhắm đến việc giúp đỡ cho sự phát triển phú cường và độc lập của Việt Nam. (*)

Trong điều trần này, nói đến những hành động khiêu khích ở biển Đông nhưng ông không nhắc thẳng tên Trung Quốc. Tuy nhiên, nắm giữ các cương vị ngoại giao quan trọng tại châu Á, ông cũng từng hoạch định các chính sách liên kết đồng minh trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực.

Tại hội thảo về triển vọng hợp tác Hoa Kỳ và Nam Hàn trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, do tổ chức think tank Brookings và Học Viện Đông Á tổ chức vào tháng 11 năm 2020, Đại sứ Knapper là diễn giả chính đã phát biểu thẳng thắn hơn. Ông bảo, bất kể các mối quan hệ mậu dịch với Trung Quốc thế nào thì trách nhiệm của Mỹ, Nhật và Nam Hàn, nhân danh dân chủ và tự do, cũng cần binh vực người Duy Ngô Nhĩ hay vấn đề Hồng Kông, Đài Loan và lên tiếng trước các hành vi xấu xa của Trung Quốc. Đại sứ Knapper cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và các nước Đông Nam Á nên cùng hợp tác với Hoa Kỳ và với nhau để bảo đảm các dữ liệu của công dân nước mình không lọt vào tay Trung Quốc.

Chính sách và quan điểm của Hoa Kỳ thông qua tân Đại sứ Marc Knapper khá rõ ràng và minh bạch với nhiều thiện ý, sự chọn lựa còn lại tùy thuộc vào giới lãnh đạo Việt Nam thế nào, để giúp cho người dân và đất nước Việt Nam được phú cường và phát triển trong năm mới này.

_____

Nguồn tham khảo:

(*) https://www.foreign.senate.gov/imo/media/doc/071321_Knapper_Testimony.pdf

(**) https://www.reuters.com/article/us-usa-southkorea-japan/u-s-urges-japan-and-south-korea-to-speak-out-on-china-idUSKBN27T291

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. MÀY LẠI VỀ QUÊ “ĂN TẾT”
    TRẦN VĂN LƯƠNG

    https://mail.google.com/mail/u/0?ui=2&ik=bffed5bda7&attid=0.1&permmsgid=msg-f:1723870344309127854&th=17ec6af1d7603aae&view=fimg&fur=ip&sz=s0-l75-ft&attbid=ANGjdJ9B4VxSYSer3MAcx-ynZwp77v0GH1zqyaeP2F-QEZ6DjspZ7eXbZPJE6_AXWBuk9zs0PAZQOwvIVaHJLUD7BpwzOn4awG7M6t933IVjCLeepc7xsT3T3hLcE6c&disp=emb

    Mày Lại Về “Ăn Tết”

    (Mượn lời người còn kẹt lại VN nói với đứa bạn
    đã từng vượt biên và đã từng mang danh “tỵ nạn”)

    Tao mới biết mày luôn về “ăn Tết”,
    Nhưng mày hằng trốn biệt chẳng tìm tao,
    Vì ngại tao túm áo hỏi tại sao
    Mày không nghĩ đến đồng bào đất nước.
    Hãy nhớ lại vài chục năm về trước,
    Khi Việt nam vừa được Mỹ bang giao,
    Mày đã quên lời thề thốt đêm nao,
    Vội lén lút xé rào về “ăn Tết”.
    Tao bắt gặp, mày bèn thề sống chết,
    Rằng về đây, cương quyết chỉ một lần,
    Mục đích là để thăm viếng người thân,
    Và cải táng mộ phần cho bố mẹ.
    Nhìn mắt mày rưng lệ,
    Tao phân vân rồi khe khẽ mủi lòng,
    Thầm nghĩ ai chưa quên hẳn giống dòng,
    Ắt còn có chút gì không đến nỗi.
    Sau lần đó, mỗi thằng đi một lối,
    Tưởng mày đà biết nghĩ tới quê cha,
    Có ngờ đâu những lời nói thiết tha
    Ngày xưa đó hóa ra là láo hết.
    Tao đau lòng được biết,
    Bấy lâu nay, hễ Tết đến Xuân về,
    Mày hầu bao rủng rỉnh ghé “thăm quê”,
    Lo đàn đúm hả hê không biết mệt.
    Tao nghe nói, có năm gần trước Tết,
    Mày lên đồ lính trận thiệt oai phong,
    Xuống Bolsa, hùng dũng giữa đám đông,
    Hô chống Cộng, trông vô cùng lẫm liệt.
    Nhưng sau đó, khi Sài Gòn đón Tết,
    Bỗng có mày về lê lết ăn chơi,
    Sáng la cà, chiều du hí khắp nơi,
    Thỉnh thoảng lại giở trò chơi “từ thiện”.
    Đám bè bạn xưa theo mày vượt biển,
    Đã lắm thằng giờ hiện ở nơi đây,
    Cùng mày luôn họp thành lũ thành bầy,
    Đêm trác táng, ngày no say “thoải mái”.
    Tao nhớ mãi, lần đầu mày trở lại,
    Mày vẫn còn ái ngại một vài phân,
    Nhưng ngày nay mày ắt đã quen dần
    Nên mặt mũi càng câng câng vênh váo,
    Khác hẳn lúc năm xưa mày đã bảo,
    Chỉ về đây để báo hiếu mẹ cha,
    Nhân tiện thăm bè bạn với thăm nhà,
    Trước khi phải rời xa quê mãi mãi.
    Mày xui xẻo giờ bị tao gặp phải,
    Chẳng sượng sùng, còn lải nhải biện minh,
    Nào đi xa nên nhớ quá quê mình,
    Nào tiếng gọi gia đình không dám cãi!
    Mày có biết khi xênh xang trở lại,
    Mày vô tình đã làm hại quê hương,
    Đã góp phần nuôi dưỡng bọn bất lương,
    Đưa đất nước vào con đường hủy diệt.
    Chuyện quá khứ mày đà quên hết tiệt,
    Quên vợ con mày chết ở Biển Đông,
    Quên những ngày trại tỵ nạn long đong
    Khúm núm sợ phật lòng thằng gác Thái.
    Tao chỉ hỏi lần này rồi mãi mãi
    Quyết sẽ không gặp lại bản mặt mày,
    Đứa chối từ thân phận để về đây
    Đạp lên nỗi đắng cay toàn dân Việt.
    Mày có thấy thường dân bị đánh giết,
    Khách trên đường chỉ liếc mắt rồi thôi,
    Vẫn thản nhiên, vẫn phớt tỉnh nói cười,
    Nhân tính của người thời nay thế đó!
    Mày có thấy bầy công an cán bộ
    Bắt con dân yêu nước bỏ vô tù,
    Bao nhà nông tài sản bị tịch thu
    Chỉ còn biết ngậm căm thù, nuốt lệ?
    Mày có thấy đám đầu xanh tuổi trẻ,
    Trai rạc rài chẳng kể đến ngày mai,
    Gái bán rao trinh tiết tận nước ngoài?
    Đấy, hy vọng cùng tương lai nước Việt!
    Mày có thấy năm nay về “ăn Tết”,
    Bắc đến Nam, nhốn nháo Chệt đầy đường,
    Trong lòng mày có thoáng chút buồn thương
    Cho vận mệnh của quê hương đất nước?
    Hay mày vẫn còn vênh vang như trước,
    Kệ quê nhà, miễn mày được vui chơi,
    Được rượu chè cùng trai gái thảnh thơi,
    Mặc nước mất vào tay người dị tộc?
    *
    * *
    Thêm một lần Bắc thuộc,
    Leo lét buồn ánh đuốc giữa đêm đen.

    Trần Văn Lương
    Cali, 1/2022

  2. Chỉ nói thế này, Đế Quốc Mỹ KHÔNG BAO GIỜ giúp Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội . Which can only mean Mỹ sẽ làm hết sức mình để vực dậy mồ ma tư bản, aka Ngụy, aka kinh tế thị trường ở Việt Nam .

Comments are closed.