Nguyễn Đình Cống
3-1-2022
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4
9- Phần III (B): Cơ sở hạ tầng vô tổ chức
Đó là sự kém tổ chức ở nông thôn dưới Triều Nguyễn, đặc biệt là các làng xã ở phía Nam, từ Thừa Thiên trở vào dân cư sống rải rác. Đúng ra dân cư phải sống tập trung. Sự tản mát của làng gây tai hại về quốc phòng, nhân sinh, xã hội, văn hóa, kinh tế (ý mới).
Sự đô hộ của Pháp đã gây ra ba thảm họa. Một là Tây phương hóa bắt buộc. Bị bắt buộc vì dân chúng không muốn, không có kế hoạch, không được hướng dẫn. Vì bị bắt buộc nên lợi ít, hại nhiều. Hai là xã hội bị tan rã, giá trị tiêu chuẩn cũ đã mất mà giá trị tiêu chuẩn mới không có, xã hội không còn biết tin váo cái gì, tin vào ai. Ba là sự gián đoạn trong lãnh đạo quốc gia.
Tùng Phong viết: “Quan niệm quét sạch tàn tích trước để xây dựng tương lai là rất ấu trĩ của quần chúng không được huấn luyện về văn hóa. Không người lãnh đạo có lương tri nào, kể cả những người cách mạng cuồng nhiệt nhất có quyền nuôi một ý tưởng như vậy. Bởi vì không có hành động nào có hại cho một dân tộc bằng hành động quét sạch tàn tích trước để xây dựng tương lai (trùng ý, ngưng bình luận).
Rồi chuyện phân chia lãnh thổ. Đó là một trở lực lớn của phát triển. Dân cả hai miền đều cảm nhận sự phân chia này như là một phần của tổ tiên bị cưỡng đoạt. Họ đều có mong ước được thống nhất. Phân chia lần này khác với phân chia Trịnh Nguyễn về mục đích cũng như đường lối về quản trị và phát triển xã hội. Tùng Phông nhận đinh: “Một sự thống nhất không thể nào thực hiện được mà không mang đến những trạng huống đau khổ cho toàn dân, bởi vì một sự thống nhất như vậy sẽ tạo ra một số người thất cước là phân nửa dân tộc trong một thế hệ”. (Thất cước: mất chân).
Về nguyên nhân của sự phân chia, Tùng Phong viết: “Từ chính sách thuộc địa thiển cận của Pháp và sự không thấu triệt vấn đề của một số nhà lãnh đạo của chúng ta, chẳng những tạo ra một cuộc tranh giành độc lập vô cùng tiêu hao, lại còn dẫn đến tình trạng phân chia ngày nay, một trở lực vô cùng tai hại cho công cuộc phát triển dân tộc”.
Sự không thấu triệt ở chỗ không biết lợi dụng mâu thuẫn của khối Cộng sản và Tây phương để đưa VN ra khỏi vòng ảnh hưởng của hai khối – (Trùng ý).
Vấn đề quan trọng là phát triển. Vậy phải thống nhất trước rồi phát triển sau hay là hai miền cứ phát triển rồi thống nhất sau.
Để thống nhất trước thì sẽ tiêu hao nhiều sinh lực của dân tộc đáng lẽ để phát triển. Nếu thống nhất do Bắc Việt thực hiện thì không tránh khỏi sự chi phối của Trung Cộng và rồi họ sẽ thực hiện được dã tâm. Nếu thống nhất do Nam Việt thực hiện thì cũng bị Tây phương chi phối.
Khi hai miền đều phát triển trong hòa bình, đến lúc phát triển đủ cao thì sẽ thống nhất. Phương án này cũng gặp trở ngại là hai miền sẽ phát triển theo ý thức hệ khác nhau. Tuy vậy có nhiều khả năng khắc phục được vì VN theo sát Nga Xô mà khi Nga Xô phát triển cao thì quan niệm về CS của họ sẽ thay đổi để gần với văn minh nhân loại.
10- Phần III (C): Vai trò của Miền Nam
Tuy đầu đề như thế nhưng nội dung chỉ có một đoạn đầu nói về vai trò của Miền Nam. Đó là trong khi Miền Bắc chịu áp lực của Trung Cộng thì còn có Miền Nam.
Tùng Phong viết: “Các nhà lãnh đạo miền Bắc khi tự đặt mình vào sự chi phối của Trung Cộng đã đặt chúng ta trước một viễn ảnh nô lệ kinh khủng. Hành động của họ, nếu có hiệu quả, chẳng những sẽ tiêu diệt mọi phát triển của chúng ta mà lại còn đe dọa đến sự tồn tại của dân tộc… Giả sử Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính thì sự Trung Cộng thôn tính VN chỉ là một vấn đề thời gian. Trong hoàn cảnh hiện nay, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa đảm bảo một lối thoát cho các nhà lãnh đạo CS, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Xô”.
Tiếp theo, Tùng Phong trình bày vài ý kiến về vốn nhân lực, về khuôn khổ chính trị của miền Nam. Rồi ông đi sâu phân tích về phương pháp độc tài đảng trị của CS. Sau khi trình bày, đánh giá phương pháp, ông nhận xét về Nga Xô, nước này đã TPH theo phương pháp độc tài đảng trị, tuy có đạt một số thành tích, nhưng không thể bảo đảm được sự thành công của việc phát triển dân tộc toàn diện.
Tùng Phong trình bày tiếp về vấn đề “Thăng bằng động tiến” (Giữ cân bằng trong phát triển, trong hoạt động). Đây là vấn đề nặng về lý thuyết. Rồi ông phân tích các nhược điểm của miền Nam ảnh hưởng đến sự phát triển như là dân số ít, người dân thiếu tính khí (ý chí, bản lĩnh), vô tổ chức. Ông trình bày tiếp về tổ chức quần chúng và tổ chức chính trị, cách tổ chức và sự hoạt động, vai trò của các tổ chức đó trong xã hội. Đoạn cuối ông trình bày về vốn tài nguyên, về nhu cầu dài hạn của tập thể, về đóng góp trang bị kỹ nghệ.
Bình luận: Phần này Tùng Phong viết quá lan man.
11- Phần III (D): Đường lối phát triển
Mỗi quốc gia có đường lối phát triển riêng, không giống nhau. Tùng Phong viết: “Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo là tìm cho được các yếu tố quy định đường lối phát triển thích nghi với dân tộc… Chủ trương một đường lối phát triển riêng cho dân tộc không có nghĩa là phủ nhận những kinh nghiệm của các quốc gia đã đi trước và phủ nhận những điều tương đồng trong công cuộc phát triển của các quốc gia. Trái lại chỉ có sự nghiên cứu các kinh nghiệm phát triển, ở mọi nơi, mới tạo đủ điều kiện cho các nhà lãnh đạo…”
Đầu tiên, ông đưa ra mục tiêu về kinh tế, cho rằng: “Mục tiêu càng cao sự đóng góp của nhân dân càng nặng, thời gian càng ngắn sự gian nan của nhân dân càng sâu đậm”. Rồi ông dẫn ra trường hợp Trung Cộng. Họ đã lợi dụng được mâu thuẫn giữa phương Tây và Nga Xô để phát triển, nhưng vì mộng xâm lăng và những sai lầm mà họ đã đẩy nhân dân vào những thảm họa.
Trường hợp Việt Nam, Tùng Phong cho rằng VN không gặp những khắc nghiệt như Trung Quốc, nếu biết lợi dụng mâu thuẫn giữa Nga Xô và phương Tây thì trong 20 năm vừa qua đã có được sự phát triển đáng kể.
Lãnh đạo VN vẫn không thoát khỏi tâm lý thuộc quốc. Đã có điều kiện thuận lợi để thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Hoa, đặc biệt là văn hóa, nhưng, theo Tùng Phong thì “Các nhà lãnh đạo CS Bắc Việt không tỏ ra ý thức tính cách quan trọng của cơ hội này… Từ hai mươi năm nay cơ hội phát triển đã đến với chúng ta, nhưng chúng ta chưa nắm được. Từ mười năm nay Bắc Việt chưa thực hiện được những mục tiêu phát triển đáng kể. Các thực hiện phát triển của Nam Việt đều bị du kích quân của Bắc Việt phá hoại… Như thế thì, các nhà lãnh đạo của chúng ta có phải đã đi đúng hướng hay không”.
Bình luận: Tùng Phong cho rằng VN không gặp những khắc nghiệt như Trung Quốc. Không gặp khắc nghiệt này thì lại gặp thứ khác khắc nghiệt hơn. Đó là trong khi Nga Xô và Trung Cộng xem CS chỉ là lý thuyết để đấu tranh thì lãnh đạo CS Bắc Việt xem nó là chân lý và tôn thờ như một Giáo lý.
(Còn tiếp)