Chuyện một phu nhân Tổng thống từng là dân Ông Tạ vừa ra đi và “Bệnh viện Bà Thiệu”

Cù Mai Công

18-10-2021

Bà Nguyễn Thị Mai Anh khi ở bên Mỹ. Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Mai Anh, đệ nhất phu nhân của nền Đệ nhị Cộng hòa (1967-1975) Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu vừa qua đời bên Mỹ ngày 15-10-2021, tại nhà người con trai lớn Nguyễn Quang Lộc ở miền nam California. Đúng 20 năm sau khi ông Thiệu ra đi (29-9-2001). Bà sanh năm 1931, mất 2021. 90 tuổi, kể cũng đại thọ.

Bà Mai Anh dân Tiền Giang, vùng đất ít nhất đã có hai hoàng hậu (Từ Dũ, Nam Phương – cùng ở Gò Công) và hai đệ nhất phu nhân: phu nhân Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng Đoàn Thị Giàu (Châu Thành) và phu nhân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu Nguyễn Thị Mai Anh (Mỹ Tho).

Vợ chồng ông Thiệu từng có lúc là dân vùng ven Ông Tạ trước 1963, khi ông ở cấp tá. Nhà ông bà trong khu cư xá sĩ quan Trần Hưng Đạo gần đầu đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai). Đây là khu cư xá sĩ quan đặc biệt, cấp tướng tá; đi bằng cổng riêng đối diện đường Trương Quốc Dung (nay là cổng vào khu tiêm chủng VNVC). Khu cư xá mini này có hai khu nhỏ: sát hàng rào song song Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) là khu cấp tá (bây giờ là khu khai thác các dịch vụ). Sâu chút xíu, xéo một chút, đối diện khu cấp tá bên ngoài là khu dành cho cấp tướng.

Ông bà Thiệu cắt băng khánh thành bệnh viện Vì Dân. Ảnh tư liệu

Hồi Mậu Thân 1968, lực lượng Biệt động thành từ đường Trương Quốc Dung đã tấn công vào Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa theo cổng vô khu cư xá này, nhưng bị chặn từ vòng ngoài.

Khu cư xá này chỉ vài chục căn xây dựng từ thời Pháp, không rộng lớn như cư xá sĩ quan Chí Hòa (nay là cư xá Bắc Hải). Một số tướng tá nổi tiếng của Việt Nam Cộng hòa ở đây trước 1963. Trong đó có tướng Trần Thiện Khiêm. Nhà đại tá Thiệu gần nhà tướng Khiêm; hai người khá thân nhau từ đó cho đến khi cùng chung một chuyến bay rời Sài Gòn sang Đài Bắc (Đài Loan) đêm 25 rạng 26-4-1975. Khi đó, ông Khiêm là thủ tướng Việt Nam Cộng hòa.

Khu vực Bảy Hiền năm 1966/1967 với chú thích hiện nay. Ảnh tư liệu

Hai ông chồng thân nhau thì hai bà vợ cũng cặp kè nhau. Khi còn ở khu vực “ngoại ô” Ông Tạ, hai bà thường mặc áo bà ba hơi bó, ngồi chung một xích lô đạp đi chợ Ông Tạ, ngang qua nhà tôi.

Hai bà thân thiết đến mức năm 1972, một người Mỹ làm việc tại Việt Nam đã xin phép lấy tên bà Nguyễn Thị Mai Anh đặt cho một giống lan: Brassolaeliocattleya Mai Anh. Còn bà Đinh Thúy Yến (phu nhân Thủ tướng Trần Thiện Khiêm): Brassolaeliocattleya Dinh Thuy Yen.

Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa, hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu, một số tướng tá không ở đây nữa mà tản đi khắp nơi. Chẳng hạn gia đình ông Khiêm mua một khu đất gần nhà thờ Ba Chuông (Đa Minh) cách chỗ cũ chừng 500m, xây một hơi mấy căn nhà lầu liền nhau.

Vợ ông Khiêm tên Đinh Thùy Yến. Chị ruột là Đinh Thùy Thanh cũng ở đó (sau 1975 là trụ sở Công an quận Phú Nhuận, hiện là một cao ốc), có lẽ cho tiện việc làm giám thị trường trung tiểu học Tân Sơn Hòa gần đó trước 1975 (nay là trường Ngô Sĩ Liên, Tân Bình). Con gái lớn của cô Thanh là Thanh Loan cũng là giáo viên Ngô Sĩ Liên đến lúc đi định cư ở Mỹ.

Gia đình ông Hoàng Đức Nhã, em hay cháu ông Thiệu gì đó ở cư xá Ngân hàng, đối diện trường Ngô Sĩ Liên cho đến tận 1975. Năm 1968, ông Nhã bí thư kiêm tham vụ báo chí (press secretary) cho ông Thiệu. Từ tháng 4-1973 đến 1975, ông làm tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi.

Từng là cư dân khu “ngoại ô” Ông Tạ nên có lẽ đây là một trong những lý do mà sau này bà Thiệu nhận đỡ đầu trường Quốc gia Nghĩa tử trên đường Võ Tánh (nay là trường cao đẳng Lý Tự Trọng trên đường Hoàng Văn Thụ, Tân Bình).

Bệnh viện Vì Dân lúc vừa xây dựng xong 1972. Ảnh tư liệu

Một hiệu trưởng trường Quốc gia Nghĩa tử là dân Ông Tạ 100%. Đó là ông giáo Cảnh, giáo dân xứ Sao Mai; nhà ở và mở trường Fatima trên trục đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân). Ông giáo cùng quê Sơn Tây với ông Nguyễn Cao Kỳ. Khi làm chủ tịch Ủy ban Hành pháp TW của Việt Nam Cộng hòa năm 1965, ông Kỳ đã bổ nhiệm ông giáo Cảnh làm hiệu trưởng Quốc gia Nghĩa tử.

Năm 1971, 1972, hai bà Thiệu và Khiêm lại nắm tay nhau xây dựng cùng lúc hai công trình: bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất, ngã tư Bảy Hiền) và dãy nhà ba tầng trường Tân Sơn Hòa.

Dãy nhà ba tầng ở trường Ngô Sĩ Liên mới tháo dỡ xây mới hồi tháng 9-2020. Còn bệnh viện Vì Dân tới giờ vẫn là bệnh viện hiện đại dành cho cán bộ trung cao cấp, dân các tỉnh phía Nam và khu vực lân cận; đồng thời làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe Trung ương.

Bệnh viện này xây sau trường Tân Bình (nay là Nguyễn Thượng Hiền) một năm – ngôi trường tôi học trước và sau 1975. Hai công trình đối diện nhau hai bên ngã tư Bảy Hiền, đều rất rộng rãi. Khi khánh thành bệnh viện, học sinh Tân Bình được điều sang làm dàn chào Tổng thống Thiệu và phu nhân.

Trước đó, khu vực xây dựng bệnh viện Vì Dân là nơi đóng quân của tiểu đoàn Nhảy dù Phạm Công Quân, rộng 3 hecta; còn phía sau khu vực xây dựng trường Nguyễn Thượng Hiền là nơi đóng quân của lính Đại Hàn.

Năm 1969, tôi chữa bịnh nám phổi cả tháng ở nhà thương Đại Hàn bên hông nơi đóng quân này, nhìn ra đường Võ Tánh (nay bệnh viện này vẫn còn, bên hông trường Nguyễn Thượng Hiền). Và tôi đều từng là học sinh của hai ngôi trường Nguyễn Thượng Hiền, Ngô Sĩ Liên.

Hội chợ Đồng Tâm kiếm tiền xây cất bệnh viện Vì Dân ở vườn Tao Đàn năm 1970. Ảnh tư liệu

Khi tổ chức xây bệnh viện Vì Dân, bà Thiệu là chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam phụng sự xã hội; xây bằng tiền quyên góp, mở hội chợ từ 1970… Nên bà con Ông Tạ gọi là bệnh viện “Bà Thiệu”. Xây xong, danh nghĩa là bệnh viện công nhưng chữa bịnh miễn phí cho dân; ưu tiên cho học sinh Quốc gia Nghĩa tử được đào tạo thành y tá và tá viên điều dưỡng tùy theo học sinh có bằng tú tài hay chưa, làm ở Vì Dân.

Theo Hammer, Ellen Joy (1987) trong cuốn “ A Death in November: America in Vietnam, 1963” (Một cái chết tháng 11-1963), năm 1971, khi chính phủ Nguyễn Văn Thiệu lần đầu tiên chấp thuận các lễ tưởng niệm công khai cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm nhân kỷ niệm tám năm ngày mất của ông (1963-1971), Đệ nhất phu nhân Nguyễn Thị Mai Anh được nhìn thấy là đã khóc trong một lễ cầu nguyện cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm ở Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

… Chắc chắn khu Bảy Hiền trước 1975 thuộc phạm vi bao trùm của khu Ông Tạ. Thậm chí khu này không có ngôi chợ nào mang tên Bảy Hiền của riêng mình (sau này có chợ Chăn nuôi trong khu Chăn nuôi sau trường Nguyễn Thượng Hiền, một khu chợ nhỏ thôi so “ông khổng lồ” chợ Ông Tạ).

Học sinh Nguyễn Thượng Hiền (đối diện Vì Dân) toàn con em Ông Tạ. Đến trước 1975, khu Bảy Hiền vẫn còn vắng vẻ lắm, toàn đường đất, không sầm uất như khu Ông Tạ. Trường Nguyễn Thượng Hiền trước khi có trại lính Đại Hàn là khu Trung tâm Thực nghiệm chăn nuôi từ thời Pháp, toàn cây điệp cổ thụ, hầu như không có dân. Đi chợ nào, học trường nào là dân khu đó.

Cô Đinh Thủy Thanh, chị bà Khiêm vừa qua đời năm ngoái 2020. Ngày 24-6-2021 vừa rồi, ông Khiêm theo chị vợ mình. Giờ 17-10, bà Thiệu cũng ra đi…

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Bức ảnh đẹp quá. Rất thần, khí. Tâm sinh tướng là vậy
    Nhìn lại đám” phu nhân xhcn” của Huy Đức mặt cứ đần đần, , ngu vãi lúa. Chỉ giỏi vác tiền đi xây đền chùa miếu mạo để hối lộ thần thánh, Phật và cũng để làm ăn cả.

  2. MỘT NÉN NHANG CHO BÀ NGUYỄN THỊ MAI ANH (CÔ BẢY MỸ THO) CỰU ĐỆ NHẤT PHU NHÂN NỀN ĐỀ NHỊ CỘNG HÒA MỘT NÉN NHANG CHO BÀ NGUYỄN THỊ MAI ANH (CÔ BẢY MỸ THO) CỰU ĐỆ NHẤT PHU NHÂN NỀN ĐỀ NHỊ CỘNG HÒA

    Thi Sĩ: BÙI CHÍ VINH

    Cô Bảy Mỹ Tho cùng tuổi với má tôi
    Má tôi chết trước cô 3 năm ở một xứ sở buồn như địa ngục
    Cô chết lưu vong nhưng cũng có những tháng ngày hạnh phúc
    Thượng thọ 90 còn gì nữa để ngậm ngùi

    “Đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời”
    Cô đã thuộc lòng lời ca thánh yêu thương khi ngồi trong lớp học
    Khi trở thành Đệ Nhất Phu Nhân cô càng biết rơi nước mắt
    Xây bệnh viện VÌ DÂN miễn phí giúp người nghèo

    Là phụ nữ miền Tây cô không thích nói nhiều
    Công, dung, ngôn, hạnh như Kiều Nguyệt Nga trong thơ Đồ Chiểu
    Cô đi không hậu ủng tiền hô, cô đến không slogan khẩu hiệu
    Thăm viện dưỡng lão, trại cô nhi như thăm viếng người nhà

    Cô Bảy Mỹ Tho ơi, làm sao không nén nổi xót xa
    Bệnh viện VÌ DÂN của cô ngày xưa bây giờ “VÌ QUAN” mà phục vụ
    Dân còn không có ăn thì lấy gì mà thuốc men, mà giường nằm, mà lót tay đủ thứ
    “Đâu thiếu tình yêu thương, ở đó thiếu Đức Chúa Trời”

    Cô Bảy Mỹ Tho ơi, bà Nguyễn Thị Mai Anh ơi
    Nếu Chúa có bỏ loài người thì lên thiên đàng bà làm ơn nhắc Chúa
    Rằng thơ của tôi vẫn còn nguyên “lưỡi lửa”
    Dù ma quỷ trùng vây che khuất Chúa Thánh Thần

    Chỉ biết thắp một nén nhang khóc bà trong cõi phù vân…

    Nguồn Mạng

  3. “Sau cuộc đảo chính 1-11-1963, lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa, hạ sát Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu, một số tướng tá không ở đây nữa mà tản đi khắp nơi. Chẳng hạn gia đình ông Khiêm mua một khu đất gần nhà thờ Ba Chuông (Đa Minh) cách chỗ cũ chừng 500m, xây một hơi mấy căn nhà lầu liền nhau.” hết trích
    3 triệu là cái giá mà người mỹ trả cho đám đáng nguyền rủa sau khi hạ sát anh em ông Diệm và một số sỹ quan trung thành, có tiền chia nhau thì cũng nên mua đất xây vila chứ ở ký túc xá làm chi.

  4. B
    Nhà thương Vì Dân, sau 30/4/1975 thì trở thành bệnh viện Vì Quan. Miền Nam đã mở mắt ra chưa hay vẫn còn có nhữn đứa hãnh diện gia nhập đảng mafia của việt cộng ? Đm đứa nào là dân từ vĩ tuyến 17 trở vào mà tham gia đảng việt cộng.

Comments are closed.