Sai lầm lặp lại

Nguyên Đại

20-8-2021

Những người đàn ông có vũ trang tham dự một cuộc tập họp, tuyên bố ủng hộ lực lượng an ninh Afghanistan và họ sẵn sàng chiến đấu chống lại Taliban, ở ngoại ô Kabul, Afghanistan, vào ngày 23/6/2021. Ảnh: Reuters

Đất nước Afghanistan rộng gấp hai lần Việt Nam, hiện nay do Taliban kiểm soát. Quân đội gần 300.000 quân của chính phủ Afghanistan thân Mỹ đã tháo chạy kể từ khi Taliban khởi động các cuộc tấn công trở lại vào hơn ba tháng trước.

Nhiều ngàn tỉ đô la Mỹ đã tiêu tốn ở quốc gia này cùng với hơn 3000 binh sĩ Mỹ và Đồng Minh thiệt mạng ở đây. Có thể thêm vào danh sách này nhiều thứ, bao gồm sự hỗn loạn hiện nay, thiệt hại hậu chiến và nguy cơ bị khủng bố cao hơn ngay trong nội địa các quốc gia đã tham chiến tại chiến trường này.

Sẽ là vấn đề còn gây tranh cãi nhiều năm để giải thích cho việc một quân đội được huấn luyện hơn hai mươi năm và trang bị vũ khí hiện đại, lại tháo chạy “thần tốc”, bỏ ngõ một quốc gia rộng hơn 652.000 km vuông cho một đội quân không được đào tạo một cách chính quy như những người “học trò Hồi Giáo” Taliban chiếm giữ hoàn toàn.

Ngày 29-2-2020, tại Doha, đại diện của chính phủ Trump đã ký một hiệp ước bao gồm 4 điểm với Taliban, trong đó: (1) Taliban hứa không dung chứa các tổ chức khủng bố chống lại Hoa Kỳ và Đồng Minh trên lãnh thổ Afghanistan. (2) Quân Mỹ và Đồng Minh rút khỏi Afghanistan, (3) Sau khi Hoa Kỳ và Đồng Minh công bố và bảo đảm lịch trình rút quân trong vòng 14 tháng, phía Taliban sẽ tiến hành các cuộc thảo luận nội bộ (intra-Afghan negotiations) với “các nhóm Afghan” (Afghan sides), và điểm cuối cùng là (4) Lịch trình ngưng bắn lâu dài và toàn diện sẽ là một đề tài trong các cuộc thảo luận nói trên.

Hiệp ước Doha dù ghi rõ rằng, Hoa Kỳ không công nhận Quốc Gia Hồi Giáo Afghanistan (Islamic Emirate of Afghanistan), không có dòng nào về chính phủ hoặc quân đội đương nhiệm ở Afghanistan lúc đó, thay vào đó là cụm từ hết sức mù mờ “các bên Afghan” (Afghan sides) là lực lượng mà Taliban cần phải tiến hành thương thảo về các vấn đề nội bộ của đất nước Afghanistan, sau khi hiệp ước được ký kết.

Mỹ đồng ý chỉ duy trì một lực lượng gồm 8.600 quân, trong vòng 135 ngày đầu tiên, kể từ khi hiệp ước được ký. Sau đó, toàn bộ quân Mỹ và Đồng Minh sẽ hoàn tất việc rút quân hoàn toàn trong vòng 9 tháng rưỡi sau đó.

Ngày 4-5-2021, Taliban bắt đầu mở đợt tấn công quy mô vào miền Nam tỉnh Helmand. Liên Hiệp Quốc công bố con số thường dân bị giết hay bị thương trong tháng Năm và Sáu của năm này là 2.400 người. Ngày 15-8-2021, quân Taliban tràn ngập Kabul.

Có quá nhiều điểm tương đồng trong việc chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan trong những ngày này, với sự sụp đổ của Saigon năm 1975. Nhiều tấm hình chụp lại cứ giống như bản sao của nhau từ máy photocopy.

Hiệp định Paris được ký khi ông Richard Nixon thuộc đảng Cộng Hòa đang là Tổng thống Hoa Kỳ. Cũng vậy, hiệp ước Doha được ký lúc ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa đang tọa vị ở Tòa Bạch Ốc. Hai năm sau khi hiệp định Paris được ký, Saigon mất tên. Hơn mười sáu (16) tháng từ lúc hiệp ước Doha ráo mực, Taliban chiếm Kabul.

Cho dù ông Gerald Ford thuộc đảng Cộng Hòa kế tục ông Nixon, sau vụ bê bối Watergate, Jimmy Carter là tổng thống thuộc đảng Dân chủ phải giải quyết tất cả các vấn đề hậu chiến sau khi quân đội miền Nam Việt Nam sụp đổ. Tương tự, Tổng thống Biden của đảng Dân Chủ phải giải quyết tất cả những di sản mà hiệp ước Doha dưới thời chính quyền Trump để lại.

Trong cuộc chiến với khối Cộng Sản, mặc dù tiến quân vào lãnh thổ Đức và duy trì lực lượng quân sự tại đây, Chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức là một chính phủ độc lập, được thành lập và phát triển vững mạnh. Ngược lại, khi Mỹ tiến quân vào Nhật, họ tước vũ khí hoàn toàn quân phiệt Nhật Bản. Dù vẫn duy trì triều đại Nhật Hoàng, trong khoảng hơn nửa thế kỷ, quân đội Nhật coi như không tồn tại. Người Mỹ đã không rõ ràng và dứt khoát như vậy đối với Việt Nam trước đây, và hiện nay đối với Afghanistan.

Dĩ nhiên tình hình ở mỗi nước khác nhau, nhưng không thể phủ nhận sự thất bại về chiến lược trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam và Afghanistan. Việc đưa quân Mỹ tham chiến ở các quốc gia này không giúp chấm dứt được chiến tranh tại đây, ngược lại làm cho quân đội và chính phủ ở đây phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của Mỹ.

Việc rút quân của Mỹ và Đồng Minh đã làm sụp đổ nhanh chóng chính phủ và quân đội ở các quốc gia này. Kinh nghiệm đã không được học thuộc, nên sai lầm ở Việt Nam đã lặp lại ở Afghanistan sau gần nửa thế kỷ.

Tham khảo:

https://www.state.gov/wp-content/uploads/2020/02/Agreement-For-Bringing-Peace-to-Afghanistan-02.29.20.pdf

https://www.reuters.com/world/timeline-talibans-rapid-advance-across-afghanistan-2021-08-15/

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Nhiệt liệt hoan nghênh Taliban tiến quân thần tốc giải phóng Kabul.

    Từ nay trở đi, không một đế quốc to nào dám dòm ngó đến Afghanistan nữa.

    Nước non Afghanistan vững bền !

  2. Mỹ nó mà không đến giúp miền Nam Việt Nam, giờ này tg chưa chắc được làm shipper chứ nói gì được chém gió từ xa. Hạ giọng xuống một chút, thực tế hơn một chú nhé!

Comments are closed.