Corona và những con cua (Phần 2)

Nguyễn Thọ

8-8-2021

Tiếp theo Phần 1

Vụ 8 con hổ bị chết sau khi được giải cứu từ trại súc vật ở Nghệ An khiến một số người lôi tác phẩm “Trại Súc vật” (Animal Farm) của Georg Orwell để gán cho xã hội Việt Nam.

Nhưng đó không phải là ý tưởng của Orwell. Ông dùng các con vật để miêu tả những thói xấu tiềm ẩn trong con người: Tham lam, dã man, đạo đức giả… chứ không ám chỉ ai đó là con vật.

Ra đời vào tháng 8.1945 Animal Farm là một chuyện ngụ ngôn giả tưởng được viết thông qua câu chuyện của những con gia súc trong một nông trại ở Anh. Đàn gia súc trong trại của lão nông dân Johnes keo kiệt lười nhác đang khổ sở vì bị lão già bỏ đói khát lâu nay. Dưới sự lãnh đạo của đàn lợn, những con vật được coi là thông minh nhất, bọn gia súc đã tiến hành một cuộc cách mạng lật đổ lão Johnes. Sau khi cách mạng thành công, “Học thuyết loài thú” (Animalism) ra đời, khẳng định sự “Công bằng và tính ưu việt của xã hội gia súc”.

Vì tạo hóa luôn sinh ra những con thú khôn ngoan hơn, táo tợn hơn những con khác nên bọn này đã tìm ra cách kéo cái lợi về phía mình, từ đồ ăn đến chỗ ngủ. Bọn lợn không chỉ đàn áp các giống vật khác, mà chúng còn tiêu diệt lẫn nhau để giành miếng ăn. Cuối cùng thì xã hội gia súc cũng bất công như xã hội loài người.

Câu chửi nổi tiếng của bọn thú là: “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có những con bình đẳng hơn bọn còn lại.”

“Animal Farm” ra đời sau chiến tranh thế giới II, vào lúc phương Tây không cần liên minh với Liên Xô nữa. Chế độ Stalin lại bị chỉ trích nên tác phẩm được coi là nhắm vào chế độ XHCN ở Liên Xô. Nhưng tư tưởng của “Animal Farm” không chỉ nhắm vào nền chuyên chế cộng sản đương thời. Nó vạch ra nguy cơ tan rã của xã hội loài người bởi chính những thói xấu tiềm ẩn trong từng chúng ta.

Trong mỗi con người luôn chứa đựng những bản năng ác và thiện. Tùy theo điều kiện sống, tùy theo ảnh hưởng của gia đình, xã hội mà cái ngưỡng kìm hãm cái ác ở mỗi người khác nhau. Cái ngưỡng bên trong đó chính là phẩm chất con người.

Bên cạnh đó, những quy ước, tập quán của xã hội tạo ra cái ngưỡng bên ngoài. Đó là phẩm chất của xã hội.

Đại dịch Covid-19 là một thử thách lớn cho loài người, khiến cho phẩm chất của từng cá nhân, từng xã hội được bộc lộ. Tôi không muốn đem súc vật để so sánh với người, nhưng xin học Orwell để nói về con người trong đại dịch Covid-19.

Giờ đây nhân loại cảm thấy phần nào an ủi vì đã có gần chục loại vaccine chống covid-19 ra đời. 4,4 tỷ liều vaccine đã được tiêm cho hơn 3 tỷ người [1].

Tuy vậy còn lâu mới có thể tiêm hết cho gần 8 tỷ Homo Sapiens (người tinh khôn) nhằm tạo ra miễn dịch toàn cầu. Bên cạnh những nước nghèo không đủ tiền mua thuốc còn có những nước vì tin rằng dùng các biện pháp cách ly tuyệt đối có thể khoanh vùng được con virus nên sao nhãng mục tiêu tiêm chủng. Việt Nam là một ví dụ. Hàng năm trời cả nước hân hoan “đã chiến thắng Covid”, nhưng khi nhận ra rằng chỉ có tiêm chủng mới chủ động chống dịch được thì ngay cả cái tủ lạnh âm sâu cũng thiếu.

Một trong những lý do chính làm cho tốc độ tiêm chủng từ nay về sau chậm lại còn là thái độ chống tiêm chủng của những người mà tiếng Đức gọi là “Querdenker” (kẻ nghĩ ngang).

Người “nghĩ ngang” là người hay phản biện dòng tư tưởng chính thống trong một đảng phái hay trong xã hội. Những “con cua tư tưởng” này thường là người giỏi, có cá tính, đáng nể.

Nhưng bọn cua chống lại các biện pháp xử lý Corona đang đe dọa cuộc sống của toàn xã hội. Anh có thể chống lại dự luật này, chính sách kia mà không ảnh hưởng đến tính mạng của người xung quanh. Nhưng với Covid thì đừng có đùa. Cái vỏ cua cứng của anh sẽ là cái sọt cửu vạn tha virus đi khắp nơi.

Cái khó của xã hội dân chủ ở chỗ không thể chụp mũ tất cả bọn cua này là phản động rồi bắt nhốt hay đè ra tiêm. Trong số những người chống tiêm chủng, phản đối các biện pháp lock down có nhiều người thuộc “Phong trào Chống tiêm chủng” từ hàng chục năm qua. Những người này kiên quyết không tiêm chủng chống lại tất cả các loại bệnh dịch cho mình và cho cả con cái. Họ cho là tự miễn dịch tốt hơn miễn dịch bởi vaccine [2].

Vì quyền chọn cách phòng bệnh (trong trường hợp này là quyền nhận cái chết) là quyền con người nên phong trào này lâu nay được xã hội chấp nhận một cách cay đắng.

Thấy vậy, bọn cáy, ốc, sên cũng chui vào các ổ cua để đục nước “béo sên”. Bọn này bao gồm cả cực hữu, cực tả, phát xít mới, bọn mê thuyết âm mưu v.v.. Cả những con sên bự như Trump, Bolzonaro hay Lukashenko cũng vỗ ngực nhận là cua càng. Hậu quả là nhiều kẻ không “ngang” cũng nghi ngờ khẩu trang, lock down và tiêm chủng. Chưa hết, các thuyết âm mưu, tin thất thiệt chúng tung ra khiến người dân lúc thì hoảng loạn, lúc thì coi thường covid.

Trong khi các nước nghèo đang đào không ra vaccine thì ở châu Âu hàng chục triệu liều đang chờ đổ đi. Chờ vì không dám mang đi cho nước khác, trong khi mà mới có khoảng 50% dân mình tiêm đủ 2 liều.

Ở các xứ độc tài, bọn này sẽ được nhét chung vào cái cối, xay vụn để nấu thành một nồi canh cua (nhưng rối như canh hẹ).

Trong một xã hội dân chủ thì cua cũng có quyền sống, quyền lập đảng. Thậm chí bọn cáy, ốc, sên cũng có quyền nấp đằng sau. (Hôm nay ở Pháp có hơn 200.000 người biểu tình chống chính phủ, phần đông là đám Le Pen). Cảnh sát ngại nhất là đi dẹp đám này, vì trông cô cậu nào cũng có vẻ rất “dương tính”.

Biểu tình tại Cologne phản đối các biện pháp chặn corona của chính phủ. Ảnh trên mạng

Cho đến nay chưa nước dân chủ nào dám ra luật bắt toàn dân phải tiêm chủng. Người ta chỉ tìm cách rủ rê bằng tiền, bằng bia, bánh ngọt… mà thôi.

Đòn nặng nhất để trị bọn cua và giả cua đang được Mỹ và Pháp thông qua là: Bắt buộc viên chức nhà nước và người lao động trong những ngành dịch vụ công cộng phải tiêm chủng. Quy định có tính chất nghề nghiệp này là cách để tránh các vụ kiện trước tòa án hiến pháp và nhân quyền.

Không ăn thua! Vì số này chỉ chiếm 20% lực lượng lao động ở Pháp (chứ không phải 20% dân số). Vậy mà ngay cả việc đó cũng khiến người Đức tranh cãi mệt mỏi.

Dân chủ cũng mệt mỏi thật. Nhưng bọn đã hưởng nó rồi, quyết không chịu từ bỏ.

(Còn tiếp)

*Ghi chú:

[1] https://www.nytimes.com/interactive/2021/world/covid-vaccinations-tracker.html.

[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Vaccine_hesitancy

Bình Luận từ Facebook