Sáp nhập tỉnh không phải là biện pháp để Việt Nam hùng mạnh

Nguyễn Ngọc Chu

16-7-2021

Nghe tin Bộ Nội vụ chuẩn bị phương án nhập tỉnh mà buồn. Buồn vì thấy rằng những nhà quản lý hiện tại không học được bài học thực tiễn 50 năm (1954-2004) chia tách và sáp nhập tỉnh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN).

Quản lý nhà nước cần phải nắm được quy luật lúc nào thì chia tách và sáp nhập tỉnh, và việc chia tách hay sáp nhập tỉnh dựa trên những nguyên tắc nào? Quản lý nhà nước thì phải học từ bài học thực tiễn đã có về tách nhập tỉnh của tiền nhân. Cả 3 vấn đề vừa nêu đều chưa được để ý.

1. KHI NÀO THÌ SÁP NHẬP TỈNH?

Địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã là vấn đề lịch sử truyền đời nhiều triều đại. Nó được hình thành, tồn tại và thay đổi theo quy luật. Nó là vấn đề quốc gia, không phải là vấn đề của cá nhân, nên không thể tuỳ tiện.

Nghiên cứu lịch sử thay đổi địa giới hành chính nội quốc gia cho thấy, việc hình thành, sáp nhập, chia tách tỉnh thường xuất hiện khi có một trong 2 điều kiện sau đây:

1- Lãnh thổ quốc gia thay đổi.

2- Thay đổi căn bản phương thức quản lý quốc gia.

Để thấy rằng, ngay đến sự chiếm quyền của triều đại mới thay thế cho triều đại cũ, cũng không phải là nguyên nhân để dẫn đến sự chia lại địa giới tỉnh thành.

Chiếu theo theo 2 điểm nêu trên, thì tại thời điểm hiện tại, không có nhu cầu cấp thiết cho việc chia lại tỉnh thành.

2. AI ĐƯA RA CHỦ TRƯƠNG SÁP NHẬP TỈNH?

Nhìn vào lịch sử, bao giờ thì thay đổi lãnh thổ quốc gia? Chỉ có chiến tranh mới thay đổi lãnh thổ quốc gia. Chỉ có người đứng đầu quốc gia đi xâm chiếm, hoặc bang giao, trao đổi, mua bán, mới thay đổi lãnh thổ quốc gia. Cũng chỉ có người đứng đầu quốc gia mới có thể quyết định thay đổi phương thức quản lý quốc gia.

Cho nên người đưa ra chủ trương sáp nhập tỉnh, thay đổi cấu trúc địa lý hành chính quốc gia là người đứng đầu quốc gia. Chính các bậc quân vương làm thay đổi biên giới quốc gia, nên thay đổi lại biên giới địa lý hành chính nội quốc. Chính các bậc quân vương, khi lên nắm quyền, thực thi phương thức quản trị mới, mà dẫn dến khả năng thay đổi địa giới hành chính nội quốc.

3. SỰ THẤT BẠI CỦA THỰC TIỄN NHẬP VÀ TÁCH TỈNH

Lịch sử Việt Nam, có lẽ chưa có thời nào, lại có nhiều nhập rồi tách tỉnh như giai đoạn từ năm 1954 cho đến năm 2004.

Thời cố TBT Lê Duẩn, sau khi thống nhất, chủ trương quản lý thẳng đến cấp huyện, 521 huyện là 521 “pháo đài”, biến cấp tỉnh thành khâu trung gian. Cho nên từ tháng 12/1975 về sau đã sáp nhập hầu hết các tỉnh trong cả nước. Từ 44 tỉnh miền Nam và 25 tỉnh thành miền Bắc đã sáp nhập còn lại 36 tỉnh, 3 thành phố và 1 đặc khu. Các tỉnh Hoàng Liên Sơn, Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên, Gia Lai – Kon Tum, Phú Khánh, Minh Hải… xuất hiện là vì thế.

Đó là một vi phạm “tiên đề”. Vì không tuân thủ nguyên tắc tuần tự từ trên xuống dưới, bỏ qua cấp tỉnh để quản lý cấp huyện, chẳng khác gì chỉ huy quân từ tổng tư lệnh tối cao đến cấp trung đoàn mà bỏ qua quân khu và sư đoàn. Cũng từ chính sách quản lý cấp huyện này, mà có một số đại diện cấp huyện đã vào Trung ương, trong đó có cựu TT Nguyễn Tấn Dũng.

Vi phạm “tiên đề” thì thất bại. Việc sáp nhập tỉnh lớn năm 1975 -1978 không đưa lại những thay đổi có lợi gì cho kinh tế và quản lý quốc gia. Cuối cùng phải tách tỉnh lại như cũ vào các năm 1989-1997.

Sự vi phạm “tiên đề” này lặp lại trong điều hành kinh tế khi cựu TT Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm trực tiếp các tổng giám đốc các tập đoàn, bỏ qua cấp Bộ. Hậu quả là nhiều tập đoàn lao đao phá sản.

Năm 2004, thời cựu TBT Nông Đức Mạnh lại xuất hiện chia tỉnh. Lai Châu thành Lai Châu và Điện Biên. Đắk Lắk thành Đắk Lắk và Đắk Nông. Cần Thơ thành Cần Thơ và Hậu Giang.

4. SÁP NHẬP TỈNH – CÓ PHẢI LÀ BIỆN PHÁP GIẢM BIÊN CHẾ HIỆU QUẢ?

Hãy nhìn vào thực tiễn. Việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội có giảm được biên chế không? Câu trả lời là không! Chưa nói đến lãng phí thời gian cho việc di chuyển làm việc. Cụ thể là một bộ phận cán bộ Thành uỷ phải di chuyển từ trung tâm Hà Nội xuống Hà Đông để đảm bảo tính đáp ứng cục bộ và không để văn phòng Tỉnh uỷ Hà Tây trống rỗng. Các ban ngành khác cũng tương tự.

Lại câu hỏi khác, nếu vì giảm biên chế thì tại sao lại thành lập thành phố Thủ Đức trong TP.HCM? TP.HCM không thể bằng Bắc Kinh về cả dân số lẫn diện tích.

Có rất nhiều câu hỏi, và thí dụ thực tiễn đã chứng minh, rằng việc sát nhập tỉnh không đưa đến giảm biên chế. Muốn giảm biên chế phải nhờ vào biện pháp khác.

5. THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ – HIỆU QUẢ QUẢN LÝ KHÔNG NẰM Ở KHÂU SÁP NHẬP TỈNH

Những thay đổi to lớn của công nghệ đã làm thây đổi hẳn chất lượng quản lý nhà nước. Muốn tăng hiệu quả quản lý nhà nước, muốn giảm biên chế một cách mạnh mẽ, thì phải áp dụng công nghệ và thay đổi chất lượng nhân sự. Công nghệ và chất lượng nhân sự mới là chìa khoa của vấn đề, chứ không phải tách nhập tỉnh. Áp dụng công nghệ và thay đổi tỉnh trưởng quan trọng hơn sáp nhập tỉnh với những ông tỉnh trưởng kém chất lượng.

6. TÍNH KHOA HỌC CỦA CÁC TIÊU CHÍ SÁP NHẬP TỈNH?

Bộ Nội vụ đưa ra 2 tiêu chí chính để sáp nhập tỉnh. Đó là dân số và diện tích. Đối với các tỉnh miền núi, diện tích không nhỏ hơn 8.000km2, dân số lớn hơn 900 000 dân.Đối với các tỉnh không phải miền núi, diện tích lớn hơn 5.000km2, dân số lớn hơn 1,4 triệu dân.

Nói về diện tích thì hãy nhìn vào TP.HCM, chỉ 2.095,239km2 mà phải thành lập thành phố Thủ Đức trong TP.HCM, nghĩa là tách tỉnh, thì sao dưới 5.000km2 phải nhập tỉnh?

Nói về dân số, ít người rồi sẽ tăng người. Đó không phải là tiêu chí để nhập tỉnh. Như tỉnh Kon Tum diện tích 9.674,2km2 – là tỉnh thuộc loại lớn của Việt Nam. Kon Tum có dân số 540.438 người. Vậy Kon Tum sẽ nhập vào tỉnh nào? Quay lại Gia Lai ư? Hay nhập vào Quảng Ngãi? Đăk Lắk sau 1975 cũng chỉ có dân số khoảng 500.000 người mà nay đã 2 triệu dân. Dân số Kon Tum rồi sẽ đạt 900.000 và còn hơn thế nữa. Dân số thưa là điều mừng, còn có đất mà tăng dân số.

Dựa vào đâu để Bộ Nội vụ đưa ra các con số trên. Lập luận khoa học của nó ở đâu?

Sao là 8.000km2 mà không là 7.000km2? 9.000km2, 10.000km2? Đó là, chẳng hạn, để cho xe chạy từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh trong vòng 4 tiếng? Hay là để cho khoảng cách từ tỉnh lỵ đến huyện lỵ không nơi nào quá 50km? Nghĩa là phải có nguyên nhân tại sao lại chọn 8.000km2? Và nguyên nhân phải được bảo vệ bởi những luận cứ khoa học không chối cãi.

Nếu nói về tiêu chí diện tích rộng? Thì thử xem 1 tỉnh (bang) của Canada? Canada chỉ có 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ. Một tỉnh như Quebec có diện tích 1.542.056km2 (lớn gần gấp 5 lần diện tích Việt Nam). Họ có chia nhỏ thành 180 tỉnh cho diện tích trung bình mỗi tỉnh tương đương với diện tích các tỉnh của Việt Nam không? Thế nào diện tích rộng? Hẹp?

Nói về dân số, thì một tỉnh như Quảng Đông Trung Quốc gần sát với Việt Nam có dân số 113 triệu người, lớn hơn cả Việt Nam. Trung Quốc có 1,4 tỷ dân với diện tích 9.596.961km2 nhưng chỉ có 27 tỉnh cùng 6 thành phố và đặc khu. Thế nào đông dân? Thế nào là ít dân?

Có thể đưa ra nhiều đề xuất tranh cãi. Là chỉ còn 50 tỉnh thành. Là chỉ còn 30 tỉnh thành. Là chỉ còn 10 tỉnh thành… Lúc đó lại phải nhìn lại bài học sáp nhập chỉ còn 40 tỉnh thành và đặc khu các năm 1975-1978.

Không có cơ sở nào để xác định con số 5.000km2, 8.000 km2, 900.000 dân hay 1,4 triệu dân của Bộ Nội Vụ. Đó là các con số cảm tính tự nghĩ. Không thể sáp nhập tách tỉnh dựa trên cảm tính. Sáp nhập tách tỉnh, như trên đã đề cập, phải được đề xuất bởi các minh quân từ đòi hỏi thực tiễn chính đáng.

7. SÁP NHẬP TÁCH TỈNH PHẢI TÔN TRỌNG TÍNH KẾ THỪA

Nếu không có các nguyên nhân mang tính căn bản (radical) như trên đã đề cập – đột biến về lãnh thổ, thay đổi phương thức quản trị – thì việc sáp nhập tỉnh không được đề ra.

Bởi vì việc quản trị địa lý hành chính quốc gia luôn phải tôn trọng tính kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ chính thể này sang chính thể khác. Cơ cấu địa lý hành chính các tỉnh thành là sản phẩm lịch sử của đời sống kinh tế và văn hoá, nó mang tính kế thừa truyền đời, không phải tuỳ thích muốn thay đổi mà được. Không tôn trọng tính kế thừa là vi phạm tiên đề.

Khi phải sáp nhập hay tách tỉnh, là thừa nhận sự bất hợp lý trong cấu trúc địa lý hành chính quốc gia, một cách gián tiếp là phủ định lãnh đạo đời trước. Sự phủ định phải biện minh bằng sự cần thiết chính đáng.

8. BÀI HỌC SÁP NHẬP VÀ TÁCH TỈNH

Khi người Pháp tham gia quản lý, họ chấp nhận địa giới hành chính nhà Nguyễn, không sáp nhập hay tách tỉnh, chỉ bổ sung Bắc Kỳ, Trung Kỳ ở chế độ bảo hộ và Nam Kỳ ở chế độ thuộc địa, trực thuộc liên bang Đông Dương. Năm 1945 nước ta có 69 tỉnh thành phố.

Thời VNDCCH, miền Bắc năm 1954 có 34 đơn vị hành chính, Bắc Bộ có 26 tỉnh, 2 thành phố, Trung Bộ có 4 tỉnh và 1 đặc khu, đến năm 1975 có 25 tỉnh thành. Việt Nam Cộng hoà trước năm 1975 có 44 tỉnh.

Điểm lại thực tế, các tỉnh sáp nhập thời VNDCCH như Phú Thọ hợp Vĩnh Phúc thành Vĩnh Phú, Hưng Yên hợp Hải Dương thành Hải Hưng, hay các tỉnh hợp trong thời CHXHCNVN Hà Nam Ninh, Bình Trị Thiên… sau hơn chục năm thì tất cả lại tách tỉnh quay về tên cũ. Nghĩa là đã làm những điều vô ích. Chỉ sinh ra tốn kém.

Bài học sáp nhập tỉnh năm 1975-1978 luôn phải ghi nhớ. Bài học chia tỉnh năm 1989-1997, 2004… luôn phải ghi nhớ. Trong 76 năm tồn tại nước VNDCC và CHXHCNVN việc nhập tách tỉnh huyện xã đã tiến hành nhiều lần; thực tiễn kiểm nghiệm cho thấy không lần nào chứng minh được lợi ích, ngoài sự thiệt hại.

Việc chia tách tỉnh là việc hệ trọng. Nó phải xuất phát từ những bộ óc sáng với những đòi hỏi thực tiễn căn bản.

Những bậc quân vương thay đổi địa giới hành chính là vì họ mở rộng biên giới quốc gia, và vì họ đổi thay căn bản phương thức quản trị đất nước. Thiếu 1 trong 2 nhân tố đó, đừng phá tính kế thừa lịch sử của địa giới hành chính nội quốc. Vẽ lại địa giới hành chính nội quốc không làm nên lịch sử.

Mấu chốt vấn đề là cơ chế tuyển chọn nhân sự bộ máy quản lý nhà nước, cơ chế vận hành bộ máy nhà nước và công nghệ, chứ không phải là sáp nhập tỉnh.

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Nói về chuyện khoa học để Sáp và Chia thì tớ không đủ trình độ tiến sĩ xhcn để bàn.
    Nhưng xuất phát từ ý đảng lòng dân của nước đảng thì tớ cho rằng là chuyện Sáp hay Chia là luôn ” phù hợp”. Tỉ dụ
    1.Hà nội mở bờ cõi đến Son Tây, Hà Tây: rất chi là phù hợp ý đảng lòng dân. Nếu Hà nội không mở bờ cõi thì con cháu Đảng tất cả chui vào Hà nội chết ngạt hết. Ngược lại từ thị trấn, thĩ xã Sơn tây, Hà tây, tự dưng bỗng một đêm mở mắt ra đã làm người Hà nội, thía thì còn gì bằng. Giá trị con ng, giá trị đất đai tăng đột biến. Quả là phúc tổ 3 đời không dám mơ như thía.
    2. Hiện nay, theo thằng tôi đánh giá thì thế lực thù địch trong đảng lớn hơn thế lực thù địch trong dân, nguy cơ lớn đến sự tồn vong của Đảng nếu không biết cân đo đong đếm quyền lợi vì vậy: Sáp nhập để thanh trừng, loại bỏ ” thế lực thù địch trong đảng”
    Chia là để phân phối lại quyền và lợi cho hài hòa. Vì thế Sáp Và Nhập diễn biến luôn xảy ra do yêu cầu về tính ổn định chế độ.
    3. Với cái đà tất cả là thế hệ hochimeo, thì một ngày không xa, Hà nội sẽ mở bờ cõi đến tận mũi Cà Mau. Thế là hòa giải hòa hợp toàn cõi. Nước Đảng sẽ đổi tên là nước hochimeo. Đời đời bền vững.

  2. Giống chuyện cổ tích Cây tre trăm đốt. Khắc nhập, khắc nhập… giờ lại nhập nữa. Tui khoái 4 tỉnh nhập lại là Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum và Plei Ku sẽ có một cái tên rút gọn là Đồng Lắc Kon Ku.

  3. Giống chuyện cổ tích Cây tre trăm đốt. Khắc nhập, khắc nhập… giờ lại khắc nữa. Tui khoái 4 tỉnh nhập lại là Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum và Plei Ku sẽ có một cái tên rút gọn là Đồng Lắc Kon Ku.

  4. Để giảm biên chế cấp tỉnh, đồng thời kích thích thi đua, gia tăng cường độ xây dựng phát triển đất nước về mọi phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục…, Việt Nam nên gom, sáp nhập các tỉnh lại để chỉ còn 2 tỉnh, lấy vỹ tuyến 17 làm ranh giới giữa 2 tỉnh

  5. Muốn “phản biện” bài này, nhưng chắc thôi để các bác cứ tin vào những gì mình tin .

    “Sáp nhập tỉnh không phải là biện pháp để Việt Nam hùng mạnh”

    Dạ thưa, sáp nhập là biện pháp duy nhất để Việt Nam có thể hùng mạnh, như 1 tỉnh . Đúng như Ts Nguyễn Ngọc Chu “phải xuất phát từ những bộ óc sáng với những đòi hỏi thực tiễn căn bản”, none of them exist trong phạm vi cái-gọi-là Việt Nam .

    Nói cho “tiến sĩ” thiệt -hahahaha- Nguyễn Ngọc Chu biết, ở bên đây cứ 2 năm lại lục đục chia tỉnh, gọi là re-district. Thống đốc Terminator gọi là gerrymandering baby, giảng về nó trên du túp, tức là tùy theo số dân mà chia làm sao có lợi cho bầu cử . Mấy đứa con nít nhà tớ cứ phải kiếm bạn mới vì có bạn chừng 2 năm, bạn nó lại phải đến trường mới học vì redistrict. Cái gì ở Mỹ có sớm muộn gì VN cũng có, chỉ chưa có gian lận bầu cử thôi . Một chuyện nữa ở Mỹ đã có, nên chắc VN cũng sẽ có . Puerto Rico được hưởng quy chế tiểu bang, dân PR vô Mỹ không cần passport. Tiếng Sì vẫn là official language, nhưng documents thì phải làm 2 thứ tiếng . Tiếng u cũng được dạy như 2nd ngôn ngữ bắt buộc bắt đầu từ lớp 2, tới lớp 8 là chuyển hẳn qua tiếng em, và ngôn ngữ tự chọn thứ 3 cant be tiếng sì . PR có quyền bầu nghị sĩ sẽ automatically là nghị sĩ đi họp ở DC. Thấy Puerto Rico sướng chưa!

  6. Ơ Hơ! Còn cái khoản Động dao động thớt cho ruồi muỗi bu lại không thấy nhắc đến, nguồn cơn chính là cái này đấy. Cứ ngồi trên trốc thiên hạ phán này phán nọ, nhưng ăn thì phải biết. Lại còn vẽ thêm bàn cờ chùi mép nữa cơ.

Comments are closed.