BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên đưa tin: Ông Tập Cận Bình trao huân chương cho người xây dựng trái phép ở Trường Sa. Hôm nay, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã trao huân chương cho 29 đảng viên đảng CSTQ, trong đó có một người từng tham gia hoạt động xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Lễ trao huân chương trên diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh và được truyền hình trực tiếp, khi đảng CSTQ chuẩn bị tổ chức sự kiện mừng đảng này tròn 100 tuổi vào ngày 1/7 sắp tới.
Nguồn tin từ Hoàn Cầu thời báo tiết lộ, cựu binh Vương Thư Mậu đã được trao “huân chương 1.7”, là huân chương danh dự cao nhất của đảng CSTQ, cho việc ông này tham gia xây dựng ở quần đảo Trường Sa, phát triển các “lực lượng dân sự” ở đó để bảo vệ “quyền hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”. Tại lễ trao huân chương, Tập Cận Bình cũng kêu gọi các đảng viên đảng CSTQ tiếp tục trung thành với đảng và phục vụ người dân.
Báo Tiền Phong đưa tin: Hàn Quốc lần đầu tham gia tập trận chung với Mỹ – Úc. Hôm qua, Hàn Quốc xác nhận, lần đầu tiên nước này sẽ cử lực lượng tham dự chương trình tập trận chung Talisman Sabre của Mỹ và Úc vào tháng sau. Talisman Sabre là chương trình huấn luyện song phương quy mô lớn nhất giữa Mỹ và Úc, diễn ra định kỳ 2 năm, là một trong những nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm kiềm chế TQ. Chiến dịch năm nay dự kiến diễn ra vào tháng 7, nhưng sẽ giảm một nửa quy mô vì đại dịch.
Theo nguồn tin từ hãng Yonhap, Hải quân Hàn Quốc sẽ cử 200 binh lính và tàu khu trục 4.400 tấn đến tham gia. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seun-chan thông báo: “Chúng tôi sẽ tham gia đợt tập trận năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, với mục tiêu cải thiện năng lực triển khai hoạt động phối hợp”.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Để tránh đối đầu, Philippines xua đuổi tàu Trung Quốc bằng… giọng nữ. Theo nguồn tin từ báo Inquirer, 81 nữ sĩ quan thuộc lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) đã hoàn tất khóa huấn luyện sử dụng vô tuyến điện. Họ sẽ tham gia vào các chuyến tuần tra, để đọc các thông điệp “xua đuổi” tàu TQ cũng như tàu nước khác và khẳng định các nguyên tắc hòa bình, tôn trọng luật quốc tế trên biển.
Khóa học đặc biệt có tên “Angles of Sea” (tạm dịch: Thiên thần biển cả) kéo dài 2 tuần, với toàn bộ học viên là nữ. Họ được đào tạo các kiến thức về luật biển của Philippines, các quy định liên quan an toàn hàng hải và an ninh trên biển. PCG xác nhận, một số nữ sĩ quan đã lên tàu tuần tra và hiện đang thực hiện các cuộc diễn tập ở một số vùng biển bao gồm Biển Đông.
Ông Sisoulith, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào đang có chuyến thăm Việt Nam từ hôm qua. Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và TBT Sisoulith, Việt Nam, Lào bàn về Biển Đông và nguồn nước Mekong, theo báo Tuổi Trẻ. Hai bên đã chia sẻ đánh giá về một số vấn đề khu vực và quốc tế, gồm Biển Đông: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
Mời đọc thêm: Hàn Quốc gửi thông điệp gì khi lần đầu tập trận cùng Mỹ và Australia? (ATNĐ). – Hé lộ những tài liệu về kế hoạch của Mỹ tại Thái Bình Dương (NA). – Tiếng nói chủ quyền từ Hoàng Sa (TN). – Công ước Luật Biển 1982 và vị thế của Việt Nam (DV). – Giải mật vụ Đài Loan bắt giữ tàu chở dầu Liên Xô (Tin Tức).
Các vụ “ăn” đất
Báo Công Thương có bài: Tiêu cực trong lĩnh vực đất đai còn rất lớn. Trong hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai”, do Ban Kinh tế TƯ cùng với Ban Cán sự Đảng TAND tối cao vừa tổ chức tại TP Hà Nội, một số đại biểu đã chỉ ra các vụ sai phạm, bê bối liên quan đến khiếm khuyết của Luật Đất đai VN 2013.
Từ năm 2013 đến nay, các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai chiếm tỉ lệ trên 60% trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng mạnh, từ mức chiếm 64,2% năm 2015 lên trên 80% năm 2020, còn số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số vụ án TAND tối cao thụ lý, giải quyết. Những vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội phức tạp.
Báo Thanh Niên đưa tin: Hàng loạt khu đất ‘vàng’ tại TP.HCM bị lãng phí, thất thoát. Cả các dự án bất động sản và khu công nghiệp ở thành Hồ đều dính các sai phạm về đất đai, các khu đất công do nhà nước quản lý cũng đang rơi vào tình trạng lãng phí, thất thoát. Nhất là khu đất “vàng” 14-16-18 Nguyễn Huệ, Quận 1, được nhà nước xác lập bán cho VietinBank với diện tích 1.186,5 m2, số tiền hơn 282 tỉ đồng vào năm 2012.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra, tại thời điểm thanh tra, khu đất này vẫn chưa được bàn giao cho VietinBank, chưa thực hiện đầu tư xây dựng dự án, cơ sở nhà đất hiện vẫn do Công ty cổ phần dịch vụ thương mại Thành phố sử dụng, còn một hộ dân đang ở, nghĩa là thực hiện không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP HCM chưa có biện pháp xử lý theo quy định.
Diễn biến mới vụ “chảy máu” đất công ở Khu công nghệ cao: Chuyển vụ việc lên UBND TPHCM, báo Lao Động đưa tin. Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) xác nhận, vụ việc sai phạm đã vượt quá thẩm quyền xử lý của Ban Quản lý SHTP. Cho nên, Ban Quản lý SHTP đã chuyển toàn bộ vụ việc lên UBND TP HCM để có hướng xử lý.
Đối với thông tin tố cáo rằng, một số đơn vị liên quan tổ chức bán trái phép nhà chuyên gia, nhưng được lách luật bằng hợp đồng thuê nhà ở dài hạn 50 năm, ông Thi cho biết: “Nhà chuyên gia không thể cho thuê cùng lúc 50 năm được, hợp đồng thuê cùng lắm là vài năm, chứ không có chuyện ký cho thuê cùng lúc 50 năm đâu. Đối tượng ở mà không làm bất kỳ công việc gì tại Khu Công nghệ cao TPHCM cũng là trái với quy định”.
Hôm nay, TTCP công bố kết luận vụ thanh tra đột xuất, toàn diện, việc chấp hành quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu liên hợp thể thao quốc gia, đã chuyển 2 vụ sai phạm tại Khu liên hợp thể thao quốc gia sang cơ quan điều tra, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Đó là khu đất làm bãi đậu xe với diện tích hơn 94.417m2, chủ thể quản lý là Khu liên hợp thể thao quốc gia, nhưng lại không trực tiếp quản lý, sử dụng, mà bàn giao mặt bằng cho Công ty Khai thác điểm đậu xe.
Sai phạm xảy ra từ năm 2003, Ban quản lý dự án Khu liên hợp thể thao quốc gia ký hợp đồng với Công ty TNHH Tân An Bình hợp tác đầu tư xây dựng trạm phân phối gas, giao cho công ty này sử dụng 865m2 đất nằm trong khuôn viên khu đất Cung thể thao dưới nước. Nhưng trong hợp đồng hợp tác đầu tư lại không có quy định nghĩa vụ tài chính về đất đối với Công ty TNHH Tân An Bình. Nghĩa là, từ đó đến nay, công ty này không phải nộp một đồng nào tiền thuê đất cho Nhà nước.
Mời đọc thêm: Tình trạng vi phạm về đất đai còn phổ biến, phức tạp (VTV). – Truy tố cựu tổng giám đốc và kế toán lấy đất công viên phân lô bán nền (TN). – Khánh Hoà thanh tra việc cho thuê ‘tùm lum’ khu đất vàng trung tâm Nha Trang (TP). – “Chảy máu” đất công tại TPHCM: Đại biểu Quốc hội Khóa XIV đề nghị thanh tra (LĐ). – Trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ sai phạm đất đai lớn nhất Cần Thơ (TT).
Tin giáo dục
Báo Gia Đình VN đưa tin: Giáo viên Trường mầm non Sao Việt – Thái Bình nhét giẻ vào miệng trẻ. Vụ việc liên quan đến một clip đang lan truyền trên mạng xã hội, dài khoảng 10 giây ghi lại cảnh người phụ nữ bạo hành, ghì chặt tay chân, khống chế và nhét giẻ vào miệng một cháu bé, mặc cho cháu kêu khóc, giãy giụa. Sự việc xảy ra tại lớp mầm non tư thục Sao Việt ở tổ 8, phường Tiền Phong, TP Thái Bình. Còn người quay đoạn clip là một giáo viên, từng làm việc tại lớp mầm non Sao Việt.
Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND phường Tiền Phong xác nhận sự việc, nhóm lớp mầm non tư thục Sao Việt đóng trên địa bàn phường do bà Lê Thị Hương G làm chủ. Trước đây, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở tổ chức nuôi dạy trẻ khi chưa đủ các điều kiện, chưa được cấp phép, phường đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu đình chỉ hoạt động.
VTC có clip về vụ việc ở Thái Bình: Điều tra vụ bé 11 tháng tuổi bị nhét giẻ vào miệng.
UBND TP Thái Bình vừa tạm đình chỉ cơ sở mầm non nơi ‘cô giáo’ nhét giẻ vào miệng trẻ, theo báo Tuổi Trẻ. UBND TP Thái Bình có công văn yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động cơ sở mầm non tư thục Sao Việt tại phường Tiền Phong, để làm rõ dấu hiệu bạo hành trẻ khi ‘cô giáo’ tại đây nhét giẻ vào miệng trẻ. Bên cạnh đó, công an điều tra vụ trẻ mầm non bị nhét giẻ vào miệng ở Thái Bình, theo báo Giao Thông. Lãnh đạo UBND phường Tiền Phong cho biết, vụ việc đã được báo cáo Phòng GD&ĐT TP Thái Bình, đồng thời yêu cầu công an phường khẩn trương xác minh, làm rõ.
Bố của cháu bé nạn nhân cho biết: “Lúc đầu cháu khá thân thiện với cô giáo, nhưng thời gian sau gia đình thấy cháu có biểu hiện lạ, đêm ngủ hay bị giật mình tỉnh giấc, hoảng loạn chạy quanh giường khóc. Gia đình có hỏi các cô thì được biết ở lớp con vẫn ngoan, ăn tốt, cho đến khi được xem video, mọi người chết lặng”.
Báo Giáo Dục VN có bài về vụ “văn mẫu giáo án”: Thưa Bộ trưởng Sơn, các mẫu giáo án, kế hoạch 5512 là hình thức cần bỏ hẳn. Tác giả trình bày: “Thưa Bộ trưởng, Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Phụ lục IV là hình thức, đã và đang gây ra áp lực, phản ứng của giáo viên, không có tác dụng nâng cao chất lượng dạy học dù đã trở thành ‘tài liệu tham khảo’ theo Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH. Thế nhưng, nó vẫn đang là hòn đá tảng, lực cản vô hình, ngăn cản sự sáng tạo của giáo viên. Để hoàn thành bài thu hoạch mô-đun 4, giáo viên vẫn phải thực hiện hiện theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Phụ lục IV”.
Mời đọc thêm: Diễn biến mới nhất vụ bé trai 11 tháng tuổi nghi bị nhét giẻ vào miệng tại lớp học mầm non (GĐ). – Đình chỉ hoạt động lớp mầm non tại Thái Bình do nghi bạo hành trẻ em (Tin Tức). – Công an TP Thái Bình vào cuộc vụ trẻ mầm non bị người phụ nữ nhét giẻ vào miệng (SS). – Người nhét giẻ vào miệng bé trai hơn 10 tháng tuổi ở Thái Bình là ai? GDTĐ). – Trường học 35 năm tuổi ở xã miền núi Hà Tĩnh xuống cấp, cả thầy và trò bất an! (HT). – Hải Phòng cấm giáo viên dạy thêm tại nhà (Zing). – Ngổn ngang tâm trạng vì ‘trắng tay’ sau mùa thi lớp 10 ở Hà Nội (VNN).
***
Thêm một số tin: Làn sóng chỉ trích Việt Nam trên mạng xã hội Trung Quốc sau sự cố phân bổ vắc-xin (RFA). – Kỹ nghệ đồ gỗ Việt Nam sợ Mỹ trừng phạt vì mua gỗ lậu (NV). – Lịch sử: Vì sao nhiều điệp viên, biệt kích VNCH bị bắt khi ra miền Bắc? (BBC). – Hạ viện Mỹ sắp bỏ phiếu về dự luật điều tra cuộc bạo loạn ngày 6/1 (VOA).
Thả biệt kích ra Bắc là một sai lầm qúa tai hại trong chiến lược của Mỹ,do đó chỉ
kéo dài 2,3 năm thì bị dẹp bỏ. Điều đó chứng tỏ người Mỹ không hiểu gì vê cách
kiểm soát rất chặt chẽ người dân trong chế độ CS.
Hơn nữa,cái tai hại lớn nhất là đã vô tình góp phần tuyên truyền cho CS. là phải
chống Mỹ cứu nước !