Trần Tỉnh Lê
27-4-2021
Phần 3: Đồng đội thời binh lửa
Từ khi gia nhập quân ngũ tôi mới hiểu hơn hai chữ “đồng đội”, tiếp đó biết thêm về ngôn từ “đồng chí”. Và, mãi sau này lại hiểu, biết kỹ hơn về tình “chiến hữu, thân hữu” cùng các mối liên hệ máu thịt, sống chết của các thực thể, được gọi là Con Người có liên đới, liên quan hữu trách theo tháng năm, thế sự.
Xin được ghi, chép lại và giới thiệu với độc giả thân thương vài kỷ niệm về “đồng đội”. Tôi không có may mắn được sinh ra khi đất nước ta có hòa bình. Ngay từ khi 2 tuổi đã “đụng độ, nếm trải, suýt chết” vì chiến tranh. Mãi khi lớn lên có dịp đọc, sưu tầm lịch sử mới biết là binh lực từ núi rừng Việt Bắc của hai ông Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh mở chiến dịch năm 1952, với mưu đồ đánh, chiếm thị xã Vĩnh Yên để di, dời ATK (An Toàn Khu), thủ phủ của Việt Minh từ Tân Trào, Tuyên Quang về đây. Nhưng đã thảm bại trước sự phản kích của quân đội Pháp, mà gia đình tôi và nhiều xóm làng xung quanh đã bị hứng chịu cảnh đạn, bom ly tán.
Hai mươi năm sau, vào mùa hè năm 1972, cũng đã lặp lại ý đồ này của Trung ương Cục (R) với sự chỉ đạo của Lê Duẩn từ Hà Nội muốn đánh chiếm thị xã An Lộc để dựng lên thủ phủ (R) cũng thất bại. Tuổi thơ tôi không có “đồng đội” nên đến khi vào quân ngũ mới biết đến nó. Xin độc giả đừng dễ lầm tưởng là cứ ai được xếp sắp, biên chế trong một hàng ngũ, đội hình nào đó, thì được coi là “đồng đội”?
Đồng đội mà buổi sơ khai, tôi cảm nhận được đó là Trần Trọng Khiết. Khiết hơn tôi 3 hay 4 tuổi, có quê quán ở tận Đoan Hùng, Phú Thọ, địa danh mà tôi chưa từng đặt chân đến bao giờ. Chỉ nghe dân gian truyền miệng, nơi ấy cảnh đẹp và Đoan Hùng có vật sản quý là loại bưởi ngon lắm, mà tôi vẫn mơ một ngày nào đó được đến thăm.
Khiết có chiều cao khiêm tốn khoảng 1 mét 62, người đậm sức, nước da khá trắng trẻo của một chàng trai ở vùng có rừng cọ, đồi chè bên dòng Lô Giang, nước trong xanh đã qua vạn, triệu năm soi bóng, núi biếc với bạt ngàn rừng thẳm. Dòng sông này bắt nguồn từ nhiều thác, ghềnh, suối nhỏ của núi rừng Việt Bắc chảy đến, tạo thành nơi giao hòa của ngã ba Bạch Hạc gồm: Lô Giang (nước xanh) – Hồng Hà (nước đỏ) với Sông Đà (nước nhạt nhòa) mà trước đây mấy ngàn năm Vua Hùng đã xây cất Hoàng Thành và chọn nơi ấy là thủ phủ “nước” Văn Lang. Dưới làn nước biếc của Sông Lô còn tiềm ẩn trong các hang đất, hốc đá một loài cá Anh Vũ ngon tuyệt vời. Tương truyền loài cá này chỉ là để dành cung phụng bữa ăn hay tiệc tùng cho các đời Vua Hùng Vương.
Khiết là con trai một của gia đình nông dân nghèo, nhập ngũ trước tôi hai khóa đã được phong hàm Hạ sĩ, cấp trên phân nhiệm chức Tiểu đội phó và giữ lại để tiếp huấn luyện đợt này. Có lẽ trình độ học vấn khoảng lớp 4, nên viết chữ rất xấu. Tuy nhiên, Khiết cư xử với tất cả anh em từ cách sinh hoạt chỗ trú quân đến các nơi thao tập và cả thời gian vượt Trường Sơn, băng Đồng Tháp vào đến chiến trường tham gia một số trận mạc cùng tôi, đã lưu lại đúng ý nghĩa của tình “đồng đội”.
Và, rồi suốt mười năm chiến cuộc tang thương, tôi còn gặp thêm vô số các đồng đội khác. Có người vài ba năm rồi vĩnh viễn lìa xa như viên Trung đội phó Nguyễn Khánh Toàn (Phú Thọ), Út Chiến (Bến Tre), Ngô Văn Khả (Thanh Ba), Nguyễn Đình Chiến (Yên Lãng), Nguyễn Văn Môn (Văn Tiến), Năm Sơn (Thạnh Phú). Tám Ngọt (Mỹ Tho), Tư Toa (Long An), Ngô Nhật Hồng (Phú Thọ) Hai Tùng (Bến Tre)… Cũng có kẻ vừa mới cùng nhau chia lửa đạn được ít phút đã vĩnh biệt như Nguyễn Văn Sôn (Hải Dương), anh Xuân Bổ cởi áo băng vết thương cho tôi lúc quá nguy nan …
Có đồng đội sau hơn cả mười năm mới lại gặp nhau, trong một chuyến quân hành ngược lối như Đại úy Hoàng Đạc (Đồng Văn), người chỉ huy cũ của đoàn pháo binh Biên Hòa, đã tham gia trận pháo kích lỡ, lạc vào trường Tiểu học Cai Lậy giết chết nhiều trẻ thơ ngày ấy, hay Đặng Thế Khởi (Mỹ Tho) đã cứu sống tôi nhiều phen ngoạn mục … Có lẽ không thể liệt kê hết trong vài trăm trang giấy cùng những kỷ niệm riêng với họ. Nhưng, không viết được về họ thì tôi cảm thấy như mình có lỗi với vong linh của người đã khuất và mối nợ thâm sâu với những người còn sống.
Sau suộc “tao ngộ, đụng độ” với biệt kích của địch quân ở rừng Bắc Trang (Long An) vào đêm đầu tháng 10-1969. Phải công nhận tài trí, điều binh, ứng biến của hai vị chỉ huy, Ba Hẫm và Hai Trường là tuyệt chiêu. Chỉ ít số đồng đội trên một vài xuồng trúng đạn chết và bị địch quân bắt sống. Còn lại hầu hết là hơn 300 binh sĩ đã “xuyên qua” lửa, đạn “chọc thủng” mấy vòng vây địch quân di chuyển đến nơi “tập kết” an toàn, thật phi thường, từng ấy binh sĩ đã hành quân sang tận bên kia con đường “tử lộ 4” đến ém quân sát nách thị xã Mỹ Tho. Nơi trú đóng gồm ba xã: Bình Trưng, Hữu Đạo, Kim Sơn thuộc huyện Châu Thành, cận kề ngay “trước mặt” Bộ tư lệnh Sư đoàn 7 bộ binh của phía địch quân.
Hai trận đánh nghi binh được mở màn vào đêm 6 tháng 11 “pháo kích” cối 81mm vào đồn Mỹ Long và đêm 8.11 phục kích bằng súng hỏa lực mạnh B40 và B41 bắn vào xe cơ giới trên quốc lộ 4 giữa gianh giới xã Dưỡng Điềm tiếp giáp khu pháo binh ở Long Định. Bị tấn công bất ngờ với các loại vũ khí “hạng nặng” đã “thổi bùng khói lửa” đạn bom, chết chóc trên toàn bộ chiến trường được mệnh danh là “vùng 20 tháng7” kể từ sau chiến dịch Mậu Thân – 68.
Đại đội 1 đóng quân án ngữ bảo vệ Ban chỉ huy. Nhưng, đã bị lộ để cho các binh sĩ “ba sẵn sàng” mỗi chiều kéo ra quán tiệm “Chạp khô” của ông Hai Lướt mua đồ ì, xèo. Phía địch quân đã nhận định, tiên đoán được mối hiểm họa đang tàng ẩn quanh đây, nên họ đã mở các trận oanh kích bằng pháo binh và phi cơ liên tiếp vào những khu rừng đáng nghi ngờ.
Hai ngày liên tiếp sau đó, chúng tôi lại phải chui, rúc trong công sự đội bom, pháo, chiến đấu cơ của địch quân bắn phá, càn quét xung quanh xã Bình Trưng. Chiếc bồng dã chiến của tôi bị trúng đạn, bom bi nên bị rách nát bươm và không còn quần áo lành lặn để thay mặc. Vậy, mà vẫn còn may mắn là cuốn Nhật Ký nhỏ bé, thân thương và thân thể tôi không bị trúng một mảnh đạn, bom nào.
Đơn vị bắt đầu mở chiến dịch đánh lớn, như tập kích đồn Cả Mít (15 – 17.11). Phục kích trên cánh đồng Long Khánh, Long Tiên (18-11-1969). 37 tử trận và mấy chục binh sĩ khác thương vong. Hình ảnh ghi đậm nét trong tâm trí là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy sự chết chóc mịt mờ cảnh đêm tối, ghê rợn. Người chết hầu hết chưa ai kịp nhắm mắt, họ được quy tập lại nằm ngổn ngang trên một bờ kênh nhỏ. Dưới làn đạn đại pháo địch vẫn bắn vu vơ, loạn xạ và ánh pháo sáng trong cơn mưa vẫn rả rích.
Tôi nhìn rõ những đồng đội thân quen như Ngô Văn Khả, Nguyễn Văn Ngôn, bị trúng đạn AR15 bắn từ trước ngực ra phía sau chưa xuyên qua được. Viên đạn ghim chặt vẫn nhú ra một khúc trên thân xác. Thật ghê rợn bởi một mình tôi phải ở lại đợi chờ các xuồng, ghe chở dần tử sĩ đi phân tán, chôn cất. Các thi thể đều trần trụi mặc mỗi chiếc quần đùi. Bởi “mật lệnh” xung trận quy định là như thế. Họ được “khâm liệm” bằng một tấm nilon không có số quân hay để lại tên, tuổi, quê quán. Ngay cả nơi chôn cất (thực chất là nhanh chóng mang đi vùi, dập để phi tang) cũng phải giữ bí mật nên ít ai được biết đến.
Mười ngày sau, trận vận động chiến ở Kim Sơn, Vĩnh Kim (28-11) thêm gần 30 tử sĩ. Trận đánh đó, ngay từ lúc khai chiến đã bị pháo binh địch “dọn bãi” khốc liệt. Ngôi nhà cũ của dân chúng vừa bị bom, pháo thiêu rụi, còn trơ chiếc “trản xê = tăng xê” lộ thiên. Hàng chục binh sĩ chen nhau ẩn, náu trong đó.
Khi nhường chỗ cho Khiết và Nhâm thì tôi bị lọt ra ngoài, không thể cố “chêm thêm” vào được nữa. Ngồi cửa miệng hầm, một mình tôi “đội” không biết biết bao đợt đạn đại pháo. Khi lệnh xung phong, xuất kích tất cả phải lao ra ngoài cánh đồng trống trải, chịu biết bao làn đạn từ bộ binh, phi cơ địch xả xuống mà Trời thương, Phật độ, tôi vẫn không bị trúng một miểng đạn nào.
Còn hai đồng đội là Trần Trọng Khiết, Tạ Quý Nhâm (Nghĩa Hưng) vĩnh viễn nằm lại nơi này. Khiết bị trúng một hỏa tiễn của AH1 “cá lẹp” gần như cháy, nát toàn thân. Nhâm lĩnh trọn trái M 79, lảo đảo, gục gã từ trên bờ mẫu lao đầu xuống ruộng còn giãy giụa, phía đầu vẫn nổi lên những bọt nước sùng sục. Lần lượt hàng trăm chiến binh khác như Năm Sơn, Út Chiến… cũng vĩnh viễn trở về cát bụi. Xuân Thủy (Yên Đồng) không biết bị trúng đạn vào đâu, mà toàn thân anh run lên bần bật, thở rốc trước khi lịm đi. Anh chết trong trận đánh ở xã Hậu Mỹ Nam, ngay bên cạnh và tôi cũng bị thương trận ấy là lần thứ 3.
Chiến tranh, viết về chết chóc mãi cũng nhàm thật. Vào một lần nào đó, tôi nghe được người dân họ nói “các chú bộ đội chết đã quen rồi”. Nhưng, mấy ai hiểu được sự cay đắng, mỉa mai và chua chát ấy. “Chết là hết, chết là đại họa của một đời người, làm sao mà quen được”.
Sở dĩ, tôi muốn viết chủ đề “Đồng Đội” trước sự kiện “chiến thắng 30-4-1975” để tự nhắc nhở mình và những ai còn sống. Đặc biệt là những cựu chiến binh cần minh định lại trách vụ của mình trước những vong linh đồng đội đã khuất, cùng vô vàn những hy sinh của thân nhân, đồng bào, dân tộc, đất nước mình mà vẫn chưa tròn trách nhiệm: “Giành được độc lập, tự do cho Tổ Quốc”. Hãy nên, cùng nhau tự vấn mình!
Tôi tin hầu hết những “Liệt sĩ” họ vẫn đinh ninh nghĩ rằng, chết cho tương lai tốt đẹp của các thế hệ mai sau. Nhưng, cuôc nội chiến kết thúc đến nay đã 46 năm. Hàng chục triệu người chết, thương vong: Đất nước vẫn chưa hề có một ngày độc lập: Biển, đảo, đất biên cương vẫn mất vào mưu độc, kế hiểm của những kẻ là “đồng chí Phương Bắc” xâm lấn, chiếm cứ lên đến hàng triệu km2.
Nhìn sang đảo quốc nhỏ bé như Đài Loan, Nam Hàn, họ chưa hề mất một tấc đất, biển, đảo nào cho ngoại bang, kẻ thù. Mặc dù, bị băng đảng Cộng sản đe dọa chiến tranh đêm, ngày (24/24) suốt hơn nửa thế kỷ qua, đất nước họ vẫn an bình và khoa học, đời sống người dân của họ luôn phát triển rực rỡ. Nhân dân cả nước ta chưa ai thực sự được tự do, toàn cảnh xã hội Việt Nam vẫn bị một hệ thống cai trị như trong ngục tù mà một số chóp bu bạo quyền Cộng sản đang ngông nghênh như những tên “Cai ngục + quản giáo”.
Viết về “Đồng Đội” tôi khó có thể quên Dương Chiến Đoàn. Sinh năm 1952, nhập ngũ và vào Nam 1969, như vậy là Đoàn ở tuổi 17 đã gia nhập quân đội? Nhờ thân hình phát triển nhanh, cao lớn, vạm vỡ nên các trận chiến, cậu ấy tung hoành dọc ngang, xông xáo. Và, bởi chung quê, chung nghĩa tình nên Đoàn đề nghị được kết nghĩa cùng tôi và Nguyễn Minh Đức, chọn bí danh theo họ của tôi là Lê Hiếu Trung.
Từ những năm 1970-1972, chiến tranh càng trở nên khốc liệt. Ba “đồng đội” (Lê Hiếu Tử – Lê Hiếu Trung và Lê Hiếu Nghĩa) chúng tôi kết thân nhau hơn. Bởi, cũng cùng thoát chết nhiều phen trong tấc gang. Tôi nhớ một buổi sáng tinh sương vào một ngày hè tháng 9 năm 1970, chúng tôi trú đóng ở Ấp 7 xã Long Trung (Cai Lậy). Hôm trước tất cả đều đã biết “bếp ăn” tập thể không còn tiền và thức ăn gì nữa, ngoài một chai nước mắm cũng sắp cạn kiệt. Hơn chục binh sĩ chưa biết sẽ ăn uống, sống thế nào vào ngày mai.
Dương Chiến Đoàn sốt sắng rủ tôi và Ba Hò (Thanh Hòa – Cai Lậy) đi ra cánh đồng, bờ mẫu phía Ấp 9 giáp gianh Ấp 11 (Long Trung) để hái rau má (Loại rau cỏ, tập tàng) mọc lan phát hai bên vệ các bờ ruộng để mang về ăn với nước mắm “kho quẹt”. Sáng sớm hôm ấy, trời còn mờ hơi sương mù mịt, lần theo hai bên lõng nhỏ, lối đi cây cối um tùm, phủ kín cả trước mặt, phía sau. Tôi mang theo một túi nilon khá lớn. Bên hông lúc nào đi đâu cũng có thói quen, mang theo hai trái lựu đạn M26, đi ngay sau kế Đoàn, Đoàn mang theo khẩu AR15 với hai băng đạn. Hò đi sau cùng nên tôi không biết có mang theo gì nữa.
Đi ra khỏi chỗ ngủ chưa đầy 200 mét. Mỗi chúng tôi đi cách quãng nhau vài bước. Bỗng nghe tiếng “Phơộợụ”, nhìn thấy Đoàn gục xuống, tôi vẫn ngơ ngác thì những tiếng súng nổ liên thanh vang trời, dậy đất. Khói bay mịt mù quyện vào hơi sương, khiến mùi khét lẹt của đạn thêm đậm đặc. Ngồi xuống, xiết cò súng hết một băng đạn rồi Đoàn té tạt ngang sang hướng tôi.
Thế rồi cả ba rẽ tắt, cắt ngang các con đìa, hàng cây lao về nơi ngủ vội cuốn mùng, các thứ khác nhét tất cả vào chiếc bồng dã chiến, rồi theo nhau chạy ra bờ sông Trà Tân vượt sông sang Ấp 6. Nơi đó có một” bệnh viện dã chiến” của Trung Đoàn 1 trú ẩn. Khi hoàn hồn mới biết Dương Chiến Đoàn bị địch quân bắn nguyên một tạc đạn M79 trúng bụng bên phía tay phải, khiến phần gan xưng to lên như phụ nữ có chửa đến tháng thứ 3. Đoàn bắt đầu biết đau tấy toàn thân phải nằm điều trị luôn ở Viện này. Y sĩ, Nguyễn Quang A trực tiếp chăm sóc tận tình vài ngày, Đoàn mới bình phục.
Sau đó, chúng tôi được biết là kế hoạch tập hậu, đánh điểm của đội Biệt kích yếu khu Ba Dừa nhằm tiêu diệt toàn bộ nhóm chúng tôi đang trú đóng tại Ấp 7. Nếu, hôm đó Đoàn không rủ tôi và Hò đi hái rau má thì tất cả vẫn đang trong giấc ngủ nồng say. Chỉ ít phút nữa nhóm Biệt kích này sẽ làm chủ trận địa và giết sạch chúng tôi ngay từ loạt đạn đầu.
Khi trúng đạn quá nặng, Đoàn quỵ xuống. Nhưng vì khoảng cách với địch quân mang khẩu M.79 quá gần, nên viên đạn bắn ra chưa đủ vòng xoay để phát nổ. Vì thế mà nó lao thẳng vào bụng của Đoàn rồi rơi xuống đất. Với kinh nghiệm dày dạn chiến trường, Đoàn đã phản ứng phòng vệ cấp thời bằng cách bắn trả quyết liệt. Địch quân cũng bị phản công quá bất ngờ, ngoài kế hoạch tác chiến của họ, nên cũng bỏ chạy tán loạn. Không biết Hò đi phía sau có kịp ném trái lựu đạn nào không, nhưng nhiều tiếng nổ tiếp sau đó không còn khả năng giết chết người nữa.
Khi tất cả chúng tôi đã vượt sang bên kia sông Trà Tân thì Ấp 7 lại là nơi bị địch pháo kích cấp tập mãi đến gần 7 giờ sáng mới tạm yên. Thật là một phen hú hồn, hú vía, nếu hôm đó Đoàn cũng ngủ như mọi người thì kể như tất cả chúng tôi đã ngủ vĩnh viễn ở Ấp 7 xã Long Trung từ tháng 9 năm 1970 rồi.
Trận ấy, tôi đánh rơi mất tấm hình của cô gái “đồng đội” quê Mỏ Cày, Bến Tre có tên là Thu Vân tặng trên bờ kinh Mỹ Thiện hồi tháng 3, tấm ảnh không còn tìm lại được nữa trong nỗi lòng nuối tiếc vô biên. Mấy ngày sau trở lại tìm mãi cũng không biết nó rơi, mất ở điểm nào trong lần thừa chết, thiếu sống ấy.
Đồng đội Nguyễn Minh Đức (Lê Hiếu Nghĩa) bị trúng đạn của M113, ra đi vĩnh viễn trong trận chiến ở Long Khánh – Thanh Hòa vào đầu năm 1973. Dương Chiến Đoàn cũng ra đi để lại mình tôi, trong một trận đánh công kiên ở bót, kinh Bà Phủ (năm 1974 ở Cả Lân, Mỹ An giáp với xã Thanh Hưng). Đúng là nơi mà quê hương của chị Bảy Huệ đã ghi trong cuốn lưu bút của tôi. Khi đó, không biết chị Bảy còn sống, đang lưu lạc ở phương trời nào, hay… ?
Đồng đội, Dương Chiến Đoàn của tôi lại chết thật đau đớn, oán hờn. Đêm đó, Đoàn chỉ huy Đại đội 1 “chủ công” đánh vào lô cốt đầu cầu với hợp đồng tác chiến, cùng các binh sĩ bò, áp sát vào hàng rào địch nằm ém sẵn. Khi, phân đội hỏa lực DKZ 75 bắn trực xạ vào lô cốt ấy, dứt điểm 15 trái, thì sẽ giật nụ xòe bộc phá nổ tung hàng rào địch xông lên kiểm soát và làm chủ trận địa cho các mũi khác tiếp tục đánh, chiếm.
Thật xấu số và khốn nạn, Phân đội DKZ 75 vừa tác xạ được 13 trái thì trục trặc kỹ thuật hay súng bị hóc đạn. Nghe thấy ngưng tiếng súng hỏa lực mạnh, Đoàn cùng đồng đội cho nổ tung hàng rào, chớp nhoáng xông lên chiếm trọn lô cốt đầu cầu, thì bên kia khẩu DKZ cũng sửa xong, còn hai viên đạn theo hợp đồng bắn nốt thế là “hốt trọn, xóa sổ” cả binh sĩ Đại đội 1 và Đoàn cũng vĩnh biệt tôi từ đấy. Đoàn đã không chết do đạn địch qua hàng trăm trận mạc mà Đoàn đã phải chết vì đạn chính đồng đội của mình, mới thật oan khiên. Trận ấy lẽ ra đã thắng thì trở thành thất bại thảm hại. Thi thể Đoàn và các đồng đội đều bị địch quân ném xuống rạch, chảy theo con nước lớn, giòng, lềnh bềnh trôi ra sông lớn.
Không biết linh nghiệm nào đã báo, biết cho Đoàn sẽ chết, nên cậu ấy có viết để lại cho tôi ít dòng “di chúc và hình ảnh” căn dặn những lời cuối khi đang ở độ tuổi 22, 23, cất kỹ trong chiếc bồng dã chiến, mà tôi nhận và vẫn mang theo đến tận bây giờ.
Tôi còn mối nợ không những với Trần Trọng Khiết, Dương Chiến Đoàn và hàng ngàn, vạn, lớp lớp đồng đội đã nằm xuống mà khi nhắm mắt, trút hơi thở cuối cùng, họ vẫn mang hơi ấm trong tâm nguyện: “Độc Lập cho Tổ Quốc – Tự Do cho mỗi Con Người”. Vậy, mà đã 46 năm nay vẫn chưa thành sự thật. Tôi còn mang nợ nhiều, nhiều lắm với đồng bào của tôi mà hơn 30 năm qua sám hối, đáp đền vẫn chưa đặng.
Gánh nợ ấy vẫn luôn canh cánh bên lòng. Rất mong được độc giả, người yêu nước, những ai cùng chung chính kiến và các cựu chiến binh cả hai phía, hãy góp thêm bàn tay, chia sẻ gánh vác mối nợ chung cho quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta sớm trở thành vườn hoa Tự Do – Dân Chủ và một ngày không xa sẽ đơm hoa, kết trái ngọt lành.
Một điều chắc chắn là, nếu “tác giả” và các “đồng chí+đồng đội” của tác giả không “LÊN ĐƯỜNG VÀO NAM” chiến đấu…! Nhân dân VN cả hai Miền Nam&Bắc đã được hưởng những năm tháng “thanh bình, ấm no, hạnh phúc”… mà không phải mất công “tìm tòi, tranh đấu…” một cách vô cùng khó khăn, mệt mỏi như hiện nay !
Giờ mới xuất hiện nhân chứng sống cho biết CS đã pháo lầm vào trường tiểu học Cai Lậy. Báo chí CS và cả trên Wikipedia đều cho là tội ác của VNCH gây ra rồi đổ lỗi cho họ. Cảm ơn tác giả đã cho biết thông tin quý giá trên.