Ký sự: Quân trường – Thao tập

Trần Tỉnh Lê

25-4-2021

Buổi chia tay với gia đình, thân nhân, bè bạn cùng trường cấp III Trần Phú đến tiễn biệt. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng, bà nghẹn lời, chìm trong tiếng nấc, tiếc nuối là “sinh con một bề” không có con gái để đỡ đần khi tuổi già, xế bóng. Dì Tiếp, chị Soạn, chị Vịn, chị Gái chắt, cứ xoắn xuýt quanh quẩn như không muốn rời xa tôi.

Các bạn cùng lớp 10A chuyền tay nhau viết vội vào cuốn lưu bút “ngày xanh” từ lớp trưởng Tạ Văn Kháng đến các bạn khác viết chật kín quyển sổ tay. Bịn rịn suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi cũng phải chia xa, khi “tiếng Tổ Quốc, gọi lên đường”. Tôi và 5 người “đối tượng của lệnh Tổng động viên lần này, khăn gói quả mướp, tòng quân” phải tự đi đến điểm tập trung ở thôn Thiệu Tổ, xã Trung Nguyên cách xa một cánh đồng chiêm, trũng khoảng hơn một Km.

Tân binh các nơi đổ về, hầu như ai cũng nghĩ đến nơi tập trung sẽ được cấp phát giày, dép, quân trang nên đa số họ đi chân không và mặc theo những bộ đồ cũ, rách, vá chằng, vá đụp. Điểm tập trung là sân đình làng đã bị con người ở đây làm biến dạng thành kho chất chứa lúa, ngô, khoai… của hợp tác xã nông nghiệp.

Bữa “cơm lính” đầu tiên không sao có thể nuốt nổi: Gạo nấu vừa sống, vừa khê lại bốc mùi khét lẹt, bên cạnh là một xoong quân dụng chứa lõng bõng nước với vài tóp mỡ trắng nổi lềnh bềnh chen lẫn mấy cọng rau muống luộc, đen thùi lùi. “Anh nuôi” Nguyễn Văn Bội” đứng trên hàng đầu, hai tay khua khua, thều thào: “Xin các đồng chí thông cảm vì điều kiện bếp ở đây không có củi, phải đun, nấu nhờ bằng rác, rơm, rạ xin được của dân, lại gặp phải cơn mưa rào bất chợt, nên nồi cơm không chín được. Các đồng chí ăn tạm, ngày mai lên đến đơn vị sẽ ăn bù”. Dù cơm khê, khét gì thì ai cũng phải nhắm mắt nuốt để lấy sức mà chịu đựng, hành trình.

“Bữa ăn như nước mắt chan mưa” ấy rồi cũng kết thúc. Tất cả lại rục rịch xếp hàng để nghe cán bộ huyện đội bàn giao cho phía binh sĩ đến nhận lính mới và mệnh lệnh hành quân bắt đầu. Mặt trời đang treo trên đỉnh đầu, ánh nắng tỏa xuống thêm gay gắt. Xa xa là rặng núi Ba Vì hiển hiện trong góc trời xanh ngắt. Giờ này, chắc dòng nước sông Hồng ngoài kia vẫn đang cuồn cuộn chảy.

Nhiều người thất vọng khi quân trang, giày dép không được cấp, phát để xứng danh ngay là “anh bộ đội Cụ Hồ”, khi bước vào hành quân. Cuộc hành trình ngay giữa trưa, nên không che giấu nổi hình ảnh đoàn người lê thê, lếch thếch như tàn quân, ô hợp với những bộ áo quần nhà nông rách rưới, lần lượt theo nhau bước tới mà cũng không biết sẽ dừng chân ở chốn nào.

Vào khoảng 23 giờ đêm, tức là gần 12 tiếng đồng hồ “vượt núi đồi, băng ruộng đồng, sông suối” mồ hôi nhễ nhại, nhiều người đôi bàn chân bị rát bỏng như đạp lên bếp lửa, trên những con lộ trải mặt đường bằng loại đất táng ong. Chúng tôi đến làng Tây Hạ, Tây Thượng, Bàn Giản, Đồng Ích… thuộc huyện Lập Thạch – Vĩnh Phú thì được hạ lệnh dừng và chia quân. Tất cả nhanh chóng “biên chế theo Tiểu đội (A), Trung đội (B), Đại đội (C)” ngay trong đêm. Mỗi tiểu đội được phân công “chiếm cứ” một nhà dân. Gần như bắt họ cũng phải “thi hành nghĩa vụ” như chúng tôi, chỉ khác là ép phải “nhường cho bộ đội” ít nhất là một hoặc hai gian nhà để binh sĩ ngủ, nghỉ ngơi, xếp đặt ba lô, quân trang, súng đạn.

Nơi địa phương trú đóng gồm mấy xã lân cận cũng đã trải qua 4, 5 đợt huấn luyện tân binh, nên người dân ở đây họ cũng biết “chai lỳ, chịu đựng”. Mỗi tiểu đội (A) được biên chế từ 12 đến 15 chiến sĩ và phải sống chung chạ với người dân. Nhiều gia đình có con gái lớn, họ phải tự cuốn rơm, trải rạ suốt năm này, tháng kia, ngủ ở dưới bếp để “nhường” cho bộ đội ngủ trên giường. Gia đình, tôi trú đóng có 6 nhân khẩu + thêm 13 quân nhân phải chung nhau sử dụng một giếng nước tắm, rửa, giặt rũ, sinh hoạt nấu cơm, nước uống nên thường xuyên cạn, kiệt. Đôi khi, tôi nhìn thấy nụ cười méo xệch, u uẩn của người chồng hay nét u uất của người vợ hoặc hành vi bẽn lẽn, sợ sệt vì bị những kẻ xa lạ soán đoạt hết những quyền tự do căn bản nhất của những đứa trẻ thơ trong ánh mắt chúng. Cả gia đình họ phải sống cảnh “lưu vong” hay bị “tạm giam” ngay trong chính ngôi nhà của mình.

“Biên chế” xong, sáng sớm hôm sau, chúng tôi được chiến sĩ quân nhu tên là Phẩm dẫn vào phía trong sàn ngôi đình làng, để mỗi người tự lựa chọn bộ quân phục cho mình. Ở đó là một đống áo quần chất cao của các lớp lính huấn luyện những đợt trước, họ trút bỏ trên nền gạch không được giặt giũ, hôi rình mùi ẩm mốc. Chúng tôi nhặt lên cứ tự vào mặc “ướm” thấy nó tương đối vừa với thân thể của mình thì chọn lấy đủ hai bộ mang về giếng nhà nơi trú quân mà tự làm sạch. Chẳng mấy chốc cái đống quần áo dơ bẩn, cũ rích kia cũng đã “bị dọn” hết sạch.

Mang được quân trang về thì khổ nỗi, không ai có được miếng xà phòng để giặt giũ. Có binh sĩ xin tro bếp của nhà dân để ngâm quần áo. Nhưng, tro bếp cũng là “tài sản” quý giá của nhà nông, để dành trộn phân bắc, phân bò, gà, vịt, lợn cho việc bón rau, trải ruộng … nên đâu dễ có dư thừa để cho các anh “bộ đội Cụ Hồ” xin xỏ. Cũng có người lợi dụng chủ nhà đi làm đồng vắng nên lén lút xuống bếp bốc trộm vài vốc tro để ngâm quân trang. Đã “ăn trộm” thì cũng vội vàng ngâm nhanh, rồi cọ sát xuống nên giếng cho mấy vết máu, mủ dính lâu ngày phai mờ bớt đi.

Những bộ quân phục bạc phếch, bẩn thỉu kia đã ủ biết bao mầm bệnh như hắc lào (lác) ghẻ, lở, bệnh tật của các người lính đi trước, khiến nó lây lan nhanh khắp cả đơn vị. Chẳng bao lâu, nhiều chiến sĩ mang bệnh ghẻ, hắc lào toàn thân cứ ra đến thao trường gặp những ngày nắng gắt, mồ hôi tứa ra, ngứa ngáy không sao chịu nổi. Có chiến sĩ lăn đùng ra một góc đồi rên la, kêu khóc thảm thiết như con lợn bị chọc tiết. Cả đại đội ít, nhiều đều bị lây nhiễm gần như 100%. Những chiến sĩ bị nặng nhất có đến cả trăm, đa số là họ đã ở tuổi trên 30, lại bị lây nhiễm ghẻ, lác toàn thân, nên thường xuyên cáo bệnh ốm, bỏ tập luyện.

Đã nhiều lần, viên y tá của đại đội kêu tất cả những quân nhân bị lây, nhiễm bệnh hắc lào lần lượt mỗi ngày luân phiên, tập trung vào trong hậu đình làng. Yêu cầu phải khỏa thân 100% và dùng móng tay tự gãi cho bật máu tất cả nơi, vùng kín có dấu, vết bị hắc lào. Sau đó, y dùng một cục bông gòn lớn, buộc chặt trên đầu thanh tre dài rồi nhúng trực tiếp vào cái thau đựng Iod đậm đặc kia và quét mạnh vào những vết hắc lào. Những tiếng la, hét, gầm rít, rên xiết, tiếp đó là phản ứng toàn thân co, giật, bật người, nhảy cẫng lên như kẻ bị nhiễm độc thần kinh choáng váng, điên loạn. Sự nhức, buốt như sát muối vào tim, óc.

Hình như viên y tá này đã quá quen thuộc với cách trị bệnh như “tra tấn, khủng bố” đồng loại như thế này, nên y lẩm bẩm như chửi thề, mắng trách những quân nhân kia không cố gắng mà chịu đựng. Đứng bên cạnh tôi là chiến sĩ Nguyễn Văn Thấy, quê ở xã Văn Tiến, không những la, khóc om xòm mà còn giơ hai tay tự đấm vào ngực mình thình thịch, rít lên: “Sao không chết đi Thấy ơi, để thoát khỏi cảnh đau đớn, cực hình như thế này”.

Xin khái quát cảnh luyện tập thời ấy để độc giả hình dung nó ghê rợn như thế nào. Nhân đây, cũng xin được giải thích về việc tôi lấy chủ đề: Quân trường – Thao Tập. Bởi, nơi chúng tôi trú đóng không thể gọi là Quân trường cho đúng nghĩa và Thao trường cũng càng sai hơn. Cũng vì, chưa thể tìm được danh từ nào hợp lý, hợp cảnh, đúng nghĩa ngắn gọn hơn, nên đành phải sử dụng cả bốn chữ bổ khuyết cho nhau để độc giả các thế hệ sau hiểu thêm thời thế, hoàn cảnh lịch sử:

Gần như quy luật là cứ 5 giờ sáng, mỗi khi nghe tiếng còi của cán bộ Trung đội rít lên hai, ba lần là tất cả phải bật dậy như những chiếc “lò so thép”. Mang giày, mặc quân phục bước nhanh ra sân trước nhà trú đóng để tập thể dục buổi sáng. Cũng bởi, trú quân ở nhà dân nên mạnh Tiểu đội nào thì tự tập ở sân riêng nơi gia đình ấy. Trung đội có ba Tiểu đội. Đại đội có bốn Trung đội và Tiểu đoàn có bốn đại đội. Số binh sĩ bất luận lý do, trồi, sụt ra sao thì lúc nào cũng phải hơn sáu trăm trở lên, thiếu thì đi tiếp tục lệnh xuống các địa phương phải “bắt lính nghĩa vụ” bổ sung.

Bài tập thể dục thường xuyên đã được huấn thị từng động tác hoặc cứ theo đài phát thanh Hà Nội mỗi buổi sáng mà tập hoặc yêu cầu của cấp trên lại mang bài “võ thể dục quân sự” ra mà múa may cho đủ hết 30 phút. Ấn tượng sâu sắc nhất cho mỗi quân nhân là phải hô khẩu hiệu khi sắp kết thúc. Cán bộ Tiểu hoặc Trung đội tham gia tập sẽ hô lớn: “KHOẺ” thì các chiến sĩ đồng thanh hô vang: “BẢO VỆ TỔ QUỐC” hoặc ngược lại. Cứ thế từ ba đến nhiều lần. Buổi sáng thanh vắng, lẽ ra những người nông dân, họ cần được nghỉ ngơi, yên tĩnh thêm ít giờ nữa thì cả khu vực mấy xã bị âm thanh khuấy động, ầm ĩ, quấy nhiễu như thế đã năm, sáu năm, qua nhiều đợt “huấn luyện tân binh, ở nhờ nhà của họ”.

Thời kỳ huấn luyện khẩn trương, ít khi nào thời gian “thể dục buổi sáng” là ba mươi phút mà thường là một tiếng đồng hồ. Nếu là báo động, dời nơi đóng quân hay chạy dã chiến vào bất cứ giờ khắc nào, khi nghe tiếng còi hiệu lệnh là tất cả binh sĩ phải mang vác đầy đủ vũ khí, trang bị, ba lô ra tập trung trước con đường làng để chạy nửa tiếng. Ai bỏ quên bất cứ thứ gì bị cán bộ Tiểu đội hoặc Trung đội vào kiểm tra mà thu được sẽ bị mang ra cảnh cáo trước hàng quân. Trước khi trở lại để tập thể dục, bắt buộc phải chạy vượt các con dốc đá, sỏi ở các quả đồi lân cận. Khi chạy, phải vừa hô vang khẩu hiệu. Và, mỗi ngày hay mỗi tuần mỗi binh sĩ phải tự “tăng số lượng cân nặng thêm” trên vai. Thời gian đầu chỉ là mang quân, tư trang và vũ khí với chiếc ba lô của mình. Tiếp theo là phải mang nhiều thứ khác mới “đáp ứng tăng trọng lượng trên vai”.

Không biết sự “phát kiến” của ai mà cấp trên phổ biến: Toàn quân, mỗi binh sĩ phải đan một cái sọt hình giống cái “rọ lợn” bằng nan, cật cây tre hoặc nứa để mỗi lần tham gia chạy buổi sáng phải nhặt bỏ thêm vào đó một cục đất, hòn gạch hay cục đá để “tăng trọng + tăng lực” khi chạy. Độc giả hãy tưởng tượng: Một cái sọt (rọ lợn) ờ ngoài miền Bắc được đan bằng tre với hai chiếc dây đeo hai bên cũng bằng tre, nứa khi đựng đất đá nặng mà đeo trên hai vai để chạy. Nó đã “cắt vào từng lớp da, thớ thịt” đến bầm tím, nứt máu hai bên nách. Vậy mà, có chiến sĩ ở trung đội 4 quê ở Phú Thọ, luyện tập luôn được cấp trên ngợi khen ở vị trí xuất sắc. Chỉ sau 4 tuần “đồng chí” ấy đã mang được trên vai cái “rọ lợn” với đất, gạch, đá lên đến 18, 20 kg. Điều đặc biệt là luôn mang trên vai trừ khi tắm rửa hay đi ngủ. Khi ra xếp hàng để ăn cơm cả hai bữa hay buổi tối “học tập chính trị” cũng luôn đeo trên vai hay không rời cái sọt đất đá ấy nửa bước. “Tấm gương sáng” ấy đã được cấp trên nêu danh, ngợi khen và bắt buộc cả đơn vị phải “học tập, noi theo”.

***

Viết đến đây, tôi thầm nghĩ, không biết ngày ấy Nguyễn Phú Trọng đã trốn nghĩa vụ quân sự bằng cách nào, mà hơn mười năm chiến tranh khốc liệt của cả nước, y đang ở độ tuổi phải nhập ngũ (1964 – 1975) lại trốn được. Thời kỳ ấy, không thanh niên, bất luận nam hay nữ nào ở tuổi 16 trở lên, không phải viết đơn “tình nguyện nhập ngũ”. Tôi biết thầy giáo dạy môn văn giỏi, uy tín nhất trường cấp III, Trần Phú ngày ấy, cũng còn phải thi hành nghĩa vụ quân sự và hành quân vào tới chiến trường Quảng Trị mà sao tên học trò Nguyễn Phú Trọng lại trốn biệt, không ai biết y đang ở đâu?

Mô tả về cảnh vệ sinh cá nhân, hầu như tất cả những người nông dân mặc áo lính, nhà nghèo, không có tiền lấy gì mà mua được cái bàn chải hay hộp thuốc đánh răng. Xà phòng giặt càng là “tài sản” vô cùng quý, hiếm. Ăn sáng xong, vào đúng bẩy (7) giờ là tất cả phải hành quân ra bãi tập.

Xin tóm lược cảnh “ăn sáng” của chúng tôi ngày ấy. Nơi “nhà bếp, anh nuôi” là khuôn viên của đình làng Tây Hạ. Gạo hay bột mỳ khi binh lính đi nhận, gánh về đổ thành đống ở nền hậu đình, cạnh bên đống quần áo, quân trang cũ, rách nát nên những đàn mối, mọt, chuột, bọ, khuẩn độc, trùng hại… tha hồ “tung tác, no nê”. Từng đàn chuột chạy nối đuôi, đuổi nhau như chỗ không người.

Một hình ảnh khó quên được là khu đình làng này có một người đàn ông không biết bệnh tâm thần hay loạn trí, chỉ thấy rằng y tha thẩn, lê la quanh cái đình Tây Hạ này cũng không biết đã bao năm rồi. Người ấy trạc tuổi hơn 30, quần áo rách rưới, bê bết bùn, đất vằn vện màu mồ hôi kết quánh đã nhiều tháng, năm không tắm, giặt. Da mặt, tay, chân đen xạm, mốc thếch.

Mỗi khi bữa ăn của bộ đội đều thấy y xuất hiện, lảng vảng để chìa tay ra xin bất cứ thứ thức ăn nào còn dư thừa lại trên xoong, chảo, bát dĩa. Y dùng mấy ngón tay đen đủi vơ vét, húp sạch hết những thứ cặn, bã ấy, khi mà “anh nuôi” chưa kịp dọn dẹp. Một điều thật lạ lẫm là y vẫn nhớ và có phản xạ khi người khác gọi chính tên của y là Hùng. Y tưởng gọi để cho ăn gì đó, nên xà đến gần hơn. Có những lần nhìn thấy y gặm những cục xương mà đàn chuột đã tha đi mấy hôm, gặm không hết nổi, nó nằm lăn lóc dưới đất mà “Hùng tâm thần” vẫn nhặt lên cố nhai ngấu nghiến cho đến hết.

Nhân viết về vấn đề việc ăn, uống, bồi dưỡng cũng xin kể thêm chuyện binh lính được phân công đi gánh gạo, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Có những lần, tôi được phân công đi làm “nhiệm vụ” ấy mới biết sự trộm, cắp của các quân nhân hết sức tệ, hại. Cũng bởi khu vực đóng quân và điều kiện thời ấy không thể có xe đạp, hay ô tô vận chuyển lương thực, quân trang, vũ khí, nhu yếu phẩm đến phân phối cho đơn vị được. Vì vậy, mà phải “nhờ đến đôi vai, nước sông công lính” đảm trách. Dọc đường “gánh” như thế có những chiến sĩ “ma giáo, ma le” cứ tụt tạt dần xa phía sau để thực thi hành vi trộm cắp. Họ dùng lá chuối hay tờ giấy để lấy, gói những bọc gao, ít gr đường, bột ngọt (mỳ chính) giấu trong một hang hốc nào đó trên dọc vệ, ven đường để rồi đêm, tối lẻn ra mang về cất, giấu làm của riêng.

Một lần đi lĩnh đường cát trắng (nước Cuba viện trợ) ở kho tận một làng gần sát bờ Sông Lô. Trời nắng nóng, đường thì xa, nước uống thiếu, các binh sĩ lấy bidon xuống ruộng lúa hai bên đường múc một ít nước rồi “xả láng” bốc đường thả đầy ắp vào trong đó, giả bộ để uống trên dọc đường đi. Thực ra là ý đồ “đen tối” đã nằm sẵn trong đầu óc họ rồi. Có người “say nắng” lăn ra vệ đường vì đang đói, khát mà lại “nốc” quá số lượng đường vào cơ thể nên không tiêu hóa kịp.

Thật tâm, cũng không nên viết những cảnh đau, xót, thê lương về con người, đất nước trong hoàn cảnh thời đó như thế. Nhưng, nó đã xẩy ra như thế và tôi cũng chỉ viết lại sự thật chứ không dám kết tội hay chê bai ai. Cũng bởi thời gian ấy, ai ai cũng túng quẫn, nghèo khổ, đói rách mà mình đã là chứng nhân trong thời kỳ lịch sử đó, không viết lại sự thật, sẽ mang tội lỗi với muôn đời sau.

Buổi sáng, xếp hàng theo đội hình Trung – Tiểu đội để mỗi quân nhân nhận được một cái bánh mì khoảng một trăm Gram (1 lạng). Bột mỳ màu trắng, chắc là do Liên Xô hay các nước Xã Hội Chủ Nghĩa Đông Âu viện trợ. Nó được những bàn tay thô kệch của các “anh nuôi, bần cố nông mặc áo lính” bốc nắm vội vàng rồi thả vào nồi nước sôi nên cũng phải chín “vội vàng” ít khi nào kịp chín đủ. Khó ai có thể đếm hết xác những con mọt đen, trắng nằm lẫn trong cái bánh mỳ ấy. Chỉ nhìn thấy nó trộn kín cả vòng trong, ngoài giống như một chiếc bánh gai, phủ đặc những hạt vừng (mè) đen, xám. Nhưng, ai cũng đói và quá đói nên không người nào có thể chối từ. Vừa đi, vừa ngồm ngoàm, nhắm mắt nhai nuốt để “đáp ứng” sự đòi hỏi của cái dạ dày đang trống rỗng kia.

“Quân trường” là những ngọn đồi trọc, lúp xúp mấy cây bạch đàn èo uột không còn sức sống, đứng ngả, nghiêng, chơ vơ chống trả với nghiệt ngã của thời gian. Nhìn chúng mà thương xót cho một miền quê trung du ngập tràn, nắng gió, đất cằn khô. Nhưng, điều đáng trách hơn cả là kẻ nào đã ký kết với Trung Cộng để nhập những cây giống bạch đàn, tàn hại này về trồng trên đất Việt Nam.

Thời kỳ đó, không ai khác là trách nhiệm của hai ông Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng. Từ gốc, rễ, thân, cành, lá cây bạch đàn đều gây ra trăm thứ độc, hại cho môi sinh. Nó cũng không thể che nắng, tránh mưa hay chế biến thành vật liệu xây dựng hay gia dụng được. Ngay cả việc làm củi để nấu ăn cũng không thể, vì khi đốt thì cột khói bốc lên đen kịt cả một góc trời, xoong, nồi cháy đen nhẻm, rồi nó phả “hơi” vào nồi cơm, thức ăn, uống… không khác chi bị nhiễm hóa chất độc nặng.

Nắng “tháng tám, rám cành bưởi”. Vậy, mà ngày nào cũng 8 tiếng đồng hồ phơi mình trên cái đồi trọc sỏi đá ấy và cứ lặp đi, lặp lại những động tác nhàm, chán: Đặt cái bia bằng giấy sơn đen dán kết vào nhau, có vẽ 10 vòng tròn màu trắng. Đặt cách xa 100 m rồi thay nhau đứng “chỉ huy” ra lệnh chiến sĩ kia nằm xuống ở một bệ tỳ. Khẩu súng CKC hay K44, khi ngắm điểm đen đúng vòng mười thì bóp cò “tạch” là xong rồi lại hô cho nhau đứng dậy về chỗ đứng. Đồng chí khác lại tiếp tục cứ như thế cho đến hết 8 tiếng đồng hồ.

Ban đầu, cấp trên không cho phép quân nhân nào được ngồi, thì họ đối phó bằng cách “nằm thêm lâu hơn ngắm điểm bắn”. Nhưng, hai, ba tháng sau chẳng ai có thể đứng mãi dưới cái nắng chang chang như thế được, đành phải tự tìm chỗ ngồi, chờ đến lượt mình. Khi nào nhìn thấy cấp trên từ xa đến kiểm tra thì tất cả lại đứng xếp hàng nghiêm chỉnh để đối phó. Nhiều chiến sĩ phải mò xuống đồng lúa dưới chân đồi để múc nước ruộng mà uống vì quá khát.

Hàng rào “dây thép gai” được các “đồng chí” trước ăn cắp thân cây chuối của nhà dân, phơi héo, khô đi rồi tước nhỏ ra cột, buộc vào nhau tạo dáng, hình như các loại hàng rào của “Mỹ, Ngụy” để tập chui, chống, ôm, đánh bộc phá. Các đơn vị sau lại cũng phải ăn trộm cây chuối nhà dân để bổ sung, chắp vá những chỗ “dây thép gai” đã quá rách rưới. Bộc phá thì mỗi chiến sĩ cũng phải tự moi đất ở các hờm bờ sông hay lấy trộm đất 1, 2 kg ở bờ ao, bờ ruộng của dân mà gói, buộc, tập… Cảnh tượng hư thế sao có thể được gọi là “quân trường”?

17 giờ, ra khỏi nơi thao tập là phải đi tham gia “sản xuất” trồng, tưới rau xanh tiếp giúp thực phẩm thêm cho bếp ăn. Mảnh đất “rau xanh” này là do lãnh đạo đơn vị liên hệ xin ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp cho phép khoảng một sào Bắc Bộ (360m2) chia đều ra cho 4 Trung đội và văn phòng đại đội cùng phải có nghĩa vụ. Trồng rau, nhưng không có phân bón nên các “anh bộ đội Cụ Hồ” phát kiến “tiểu tiện” ngay vào một cái chĩnh vỡ “tăm tia” được ở trong làng mang ra “xả nước đái” rồi pha loãng thêm bằng nước mưa, nước ruộng để tưới lên những luống rau mà ăn.

18 giờ, tắm rửa, giặt giũ 30 phút lại tập trung mang sọt đất, đá lên vai, ra bếp để “anh nuôi” cấp, phát cơm và thức ăn. Mang tiếng, mỗi quân nhân “bồi dưỡng luyện tập” để ra chiến trường là 18 kg gạo/tháng. Nhưng, không khi nào được ăn no. Tiêu chuẩn thịt, cá, thực phẩm lúc nào cũng thấy kế toán, trợ lý hậu cần công bố “đầy đủ”, rồi mỗi tháng họp hội đồng quân nhân góp ý chán chê cũng vẫn “vũ như cẩn” thức ăn như bôi ra gọi là có thịt.

Mâm cơm “bồi dưỡng” đặt ra trước sân đình chỉ sợ một cơn gió thoảng, có thể kéo, bay đi hết những tóp mỡ nổi lềnh bềnh trong xoong hay nồi quân dụng. Khi ăn, mỗi quân nhân phải sử dụng đũa hai đầu. Một đầu để gắp thức ăn để chung trong xoong, đĩa quân dụng. Còn đầu đũa kia là tự và, lùa thức ăn, cơm vào miệng của mình. Viết đến đây, tôi suy ngẫm hiện giờ 6 tháng, tôi không ăn hết 18 kg gạo, mà ngày xưa ấy: 18 kg gạo ăn một tháng vẫn không khi nào được no?

19 giờ: “Tập huấn chính trị”: Bài học đầu tiên là “Lịch sử và truyền thống đảng Cộng sản Việt Nam” tiếp theo là: Lịch sử, truyền thống của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam” hay “chủ nghĩa Mác – Lenin bách chiến, bách thắng” hoặc “nghĩa vụ của thanh niên trong công cuộc chống Mỹ cứu nước”…

Mỗi cuộc tập huấn như vậy kéo dài cả tuần lễ hay 10 ngày. Sau đó là bước vào thời gian khoảng 10 ngày liên tiếp để kiểm điểm, phê và tự phê và viết bản thu hoạch, tóm tắt lý lịch và đơn tình nguyện ra chiến trường. Trong các buổi tập huấn căng thẳng như vậy, nên chính trị viên thường mời gọi các chiến sĩ tham gia văn nghệ như đọc thơ, hát hò mừng đảng, ngợi ca “công ơn Bác Hồ”. Nhưng, ba bài hát không thể không hát tập thể mỗi lần khai mở các sinh hoạt là bài: Vì nhân dân quên mình và bài “Tiến bước dưới quân kỳ hay Giải phóng miền Nam”.

Không hiểu ai đã đặt ra tiêu đề “Tập huấn chính trị”. Thực chất nó chỉ là sử dụng quyền lực để ép, buộc “nhồi sọ” những kẻ bị trị phải thực thi ý đồ đen tối, tội ác những kẻ chóp bu cai trị, điều hành. Chính trị thực sự là phải có bàn thảo, tranh luận, phản biện tối đa để tìm đến sự đồng thuận tối ưu mới đi đến kết luận và quyết định chung và trách nhiệm chung. Hệ thống cai trị bạo quyền của Cộng sản không bao giờ chấp nhận điều đó. Như thế không thể gọi là chính trị đúng nghĩa nghiêm túc của nó.

21 giờ, giải tán “lại hành quân về chỗ ngủ. Tuy nhiên, mỗi chiến sĩ phải thay nhau canh gác một tiếng đồng hồ từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Nhiệm vụ canh gác là phải di chuyển, đi lại quan sát các động tĩnh trong đêm khu vực đóng quân. Khi hết giờ phải đi gọi đồng chí khác thay thế. Nỗi khổ tâm nhất của tôi là khi nào bị phân công canh gác vào khoảng 3 hay 4 giớ sáng. Nhiều lúc không thể cưỡng lại được những cơn mệt mỏi rã rời và ngủ gật.

Thời gian huấn luyện phải đặt “kỷ luật trong cũi sắt” về thời gian và hành động, nên cấp trên lúc nào cũng phải nắm chắc tư tưởng, suy nghĩ từng chiến sĩ. Ngoài những bản viết “thu hoạch” nhận thức trách nhiệm, lý lịch trích ngang thường xuyên, liên tục được báo cáo hàng ngày, hàng giờ lên thượng cấp. Đại đội được biên chế hai viên đại đội trưởng và chính trị viên đều mang hàm cấp Trung úy, đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Một viên đại đội phó cấp Thiếu úy tốt nghiệp trường sĩ quan Sơn Tây và một viên Chuẩn úy làm phó chính trị, tham chiến ở cánh đồng Chum bên Hạ Lào 1962 – 1963.

Thời gian suốt 7 ngày trong tuần, hầu như không có lúc nào được gọi là “rảnh rỗi, thảnh thơi” mà nghĩ tới việc riêng cá nhân. Sáu ngày, từ thứ hai đến thứ 7, luyện tập khít khao từ 5 giờ sáng đến 21 giờ tối. Chưa kể bị báo động thường xuyên cấp A, B, C, D. Ngày chủ nhật thì phân công, thay nhau đi lên rừng chặt, vác củi, gánh quân trang, nhu yếu phẩm … phục vụ cho nhà kho, “anh nuôi” nhà bếp. Khi đi ăn, phải ngồi theo đội hình Tiểu đội để giám sát lẫn nhau. Bất cứ sự vắng mặt của binh sĩ nào thì Tiểu đội ấy hay cán bộ Trung đội sẽ phải mất ăn, mất ngủ để truy tìm.

Quân trường (Thao Tập): Chỉ sau bốn mươi lăm ngày, đơn vị đã hoàn tất chương trình huấn luyện căn bản của một chiến binh đủ để bước vào mặt trận: Cách gói, ném, đánh bộc phá bằng thuốc nổ TNT và C4. Giật nụ xòe, ném lựu đạn các tầm, hướng. Bắn đạn thật các bài 1, 2, 3 mục tiêu cố định, di động, ban đêm. Cách đánh công kiên, tập kích, vận động chiến … hành quân nhanh, mang vác nặng…

Nhưng, chiến trường vẫn “chưa cần”, thế là các cuộc báo động hành quân dã chiến liên miên. Khi thì có lệnh chạy để tránh bom B52 của địch. Lúc thì chạy để tránh bị địch phục kích và có nhiều lần: Chạy, để kiểm tra quân, tư trang. Và, thêm một tuần lễ tập bơi, vượt qua sông rồi hành quân đến thị xã Vĩnh Yên để luyện tập cách tác chiến trong thành phố như leo, trèo cột điện, đục khoét mái nhà, vượt tường nhà cao tầng bằng dao găm hay sử dụng vũ khí để đánh, chiếm từng góc phố, ngôi nhà, bắt tù binh, băng bó vết thương, chuyển thương binh, tử sĩ nơi đô thị…

Có những điếu khó có thể nói, viết ra được về một thời quá khứ hãi hùng mà tôi đã trải nghiệm. Ví như, trong đơn vị quân đội lúc đó, tôi thuộc người trẻ tuổi nhất, có học vấn cao nhất và thoát ly, biết tự lập, thích nghi cuộc sống tập thể ngay từ khi khởi sự chiến tranh “chống Mỹ” năm 14 tuổi trước ngày 5 tháng 8 năm 1964.

Trong huấn luyện, sự lo lắng nhất của tôi là rất dễ bị cấp trên nghi ngờ, nhận xét, đánh giá mình là thành phần “Tiểu tư sản” nên việc viết Nhật Ký luôn phải lén lút và tuyệt đối không được phép ghi tên, họ một ai hay địa danh đơn vị đóng quân, diễn biến trận đánh. Nếu cấp trên phát hiện có thể bị kỷ luật: Tước quân tịch. Nhưng, tôi đã vượt qua sống đến hôm nay, trang trải những dòng viết này. Bài học về “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” vẫn còn đó. Cũng bởi vì viết nhật ký mà đến khi chết thảm khốc như thế cũng chưa thể được tay bí thư “anh Hai Quảng Nam” đồng ý để kết nạp vào tổ chức đảng Cộng sản đấy.

Bốn tháng qua mau, nơi “quân trường, thao tập” tôi luôn giành được thành tích cao. Và chỉ 45 ngày sau đã được cấp trên thăng, thưởng “hai sao” lên Binh Nhất và được nghỉ phép hai ngày về thăm nhà, trước khi nhận mệnh lệnh ra chiến trường.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây