Cảm nhận về sự tham gia của người dân trong việc tạo lập chính quyền và sự khác biệt hóa Việt Nam – Trung Quốc

Lê Vĩnh Triển

15-4-2021

Đã cho rằng Việt Nam có mục tiêu hướng tới xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì khái niệm “dân chủ hóa” nên được nhìn nhận tích cực và biện chứng hơn. Khái niệm này về bản chất là tôn trọng và thúc đẩy sự tham gia của người dân, trực tiếp và gián tiếp vào các vấn đề của địa phương, của quốc gia. Và đó là việc nên làm một để phù hợp với quy luật phát triển văn minh và công bằng.

Cho đến khi dân chủ hay các giá trị dân chủ được chính các nhà nước, các nhà cầm quyền mà cụ thể là các lãnh đạo chính trị ra sức bảo vệ thì khi đó các chính quyền mới thật sự là đại diện của người dân bảo vệ cho quyền của dân – cũng là quyền của chính họ.

Chúng ta cần một thế hệ lãnh đạo bảo vệ và thúc đẩy sự tham của người dân vào các vấn đề của quốc gia vì người dân chính là chủ nhân của quốc gia mà họ đã, đang và sẽ sống cùng. Sự minh bạch và giải trình là việc làm hết sức tự nhiên của những người đại diện cho dân trông coi đất nước.

Một nhà nước dân chủ thực thụ là một nhà nước lý tưởng mà người dân các quốc gia đang hướng đến. Trên đường đến đó luôn gập ghềnh nhưng phải đi vì đó đạt được sự công bằng và bình đẳng cho mọi người – chọn được những người tốt nhất đại diện cho mình. Hiểu được như vậy sẽ không phải than van, thở dài khi các nền dân chủ vận động và chuyển mình. Các chính quyền giữ cho mình quyền cai trị vĩnh viễn là các chính quyền phản tự nhiên nhất, chắc chắc sẽ bị đào thải không sớm thì muộn.

Trung Quốc vì lợi thế về quy mô dân số có thể làm áp lực lên phần còn lại của thế giới như một mô hình phản dân chủ- hạn chế đến cùng sự tham gia và chia sẻ thông tin của người dân- mà không quốc gia nào có thể làm theo được. Dù có lợi thế về quy mô như vậy, dù có đảng hóa gần 100 triệu dân, Trung Quốc cũng không thoát khỏi quy luật phải trả chính quyền về tay nhân dân. Các nước nhỏ khác không dại gì phải đi vào vòng lẩn quẩn đó. Vì sự tham gia của người dân vào các vấn đề của quốc gia là biểu thị của sự văn minh và ngược lại, hạn chế người dân không tham gia vào các vấn đề của quốc gia là phản văn minh, phản phát triển, thậm chí là man rợ.

Với quy mô mang tính áp đặt đối với thế giới (mà không nước nào có được) cùng với các thành tựu kinh tế đã khiến Trung Quốc giới trí thức – vốn mang nặng ý thức thờ vua – ở Trung Quốc chọn con đường củng cố sức mạnh chính quyền và hạn chế sự tham gia của người dân vào các vấn đề của chính họ. Những tiếng nói của thiểu số văn minh đòi hỏi sự tham gia cho người dân sẽ dễ dàng bị dập tắt bởi số đông ủng hộ nhà cầm quyền do bị kiểm soát thông tin.

Trí thức và nhà nước Việt Nam cần hiểu rõ mình từ nhân dân, là nhân dân. Từ đó bảo vệ sự tham gia của người dân vào các vấn đề quốc gia cũng là bảo vệ quyền của chính mình. Con đường đi đến văn mình vì thế hoàn toàn khác với Trung Quốc. Đi trên con đường đó, trí thức và nhà nước Việt Nam hoàn toàn có thể đĩnh đạc chia sẻ trải nghiệm và học hỏi từ thế giới. Đích đến đạt được là một mô hình Việt Nam không rập khuôn mô hình nào và ở đó sự tham gia của người dân vào các vấn đề quốc gia là tối thượng. Việt Nam tự nhiên sẽ khác Trung Quốc vì cơ bản cách tiếp cận quyền lực nhà nước và sự tham gia của người dân trong tạo lập quyền lực này, là khác nhau!

“Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi đã chia

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương

Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau

Song hào kiệt thời nào cũng có.”

Cha ông ta đã minh định rõ ràng… Những ý tưởng này, mạch lạc hơn, tôi đã trình bày trong một phiên bản tiếng Anh, sẽ đăng trên the Diplomat trong thời gian tới.

Bình Luận từ Facebook