Vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG: Các lý do đằng sau việc Thanh tra Chính phủ tìm cách chậm trễ công bố kết luận thanh tra (kỳ 23)

Nguyễn Văn Tung

31-8-2017

Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: internet

Tính từ thời điểm kết thúc việc thanh tra toàn diện Mobifone mua AVG đã hơn 7 tháng, Thanh tra Chính phủ đang vi phạm nghiêm trọng thời hạn quy định về công bố kết quả thanh tra (như quy định tại Luật Thanh tra).

Cuối tháng 7 vừa qua, Tổng bí thư đã chỉ đạo đưa vụ AVG vào danh sách 11 vụ án trọng điểm trong nửa cuối năm 2017 của Ban Phòng chống tham nhũng trung ương.

Vậy lý do gì đã khiến Thanh tra Chính phủ vẫn tiếp tục lần lữa trong việc công bố quyết định thanh tra?

Nguyên nhân đầu tiên là vấn đề nhận tiền hối lộ, các lãnh đạo Mobifone có sai phạm (Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Phương Anh) đã chi khoảng 400 tỷ đồng (5% tiền lại quả của vụ mua bán) cho Ngô Văn Khánh (Phó Tổng Thanh tra Chính phủ) và một số cán bộ trong đoàn thanh tra.

Đầu mối chạy án là doanh nhân Lê Minh Diễn (con trai nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu).

Phần lớn số tiền này được quy thành một số bất động sản của Vin Group tặng cho thân nhân và bạn bè của thành viên đoàn thanh tra.

Nguyên nhân thứ hai là áp lực từ lãnh đạo Bộ Công an.

Không hiểu sao, Bộ Công an với chức năng bảo vệ an ninh quốc gia lại thò bút vào ký phê duyệt giá mua bán trong vụ Mobifone mua AVG (?).

Trong suốt thời gian diễn ra vụ việc Mobifone mua AVG, Bộ Công an không hề có một phát ngôn nào về vụ án này.

Nguyên nhân thứ ba là mức giá thực rất sốc.

Hồ sơ Mobifone mua AVG cũng gọn nhẹ nên các thanh tra viên thực hiện công việc rất nhanh chóng.

Các sai phạm trong vụ AVG đã được đoàn Thanh tra Chính phủ xác định ngay trong vòng 45 ngày làm việc (kể từ thời điểm bắt đầu thanh tra là đầu tháng 9 năm ngoái).

Cuối tháng 5 năm nay, Hội đồng định giá đã xác định chính thức giá trị của AVG chỉ ở mức 800 tỷ đồng (AVG đã bị âm vốn chủ sở hữu, số thuê bao thực chỉ vỏn vẹn 500 nghìn) trong khi Mobifone bỏ ra 8.900 tỷ đồng để mua 95% cổ phần của AVG.

Cùng thời điểm tháng 5 năm nay, Kiểm toán Nhà nước đã công bố mức giá của VTV Cab là 4.200 tỷ đồng (trong khi VTV Cab có quy mô và hiệu quả gấp 4 đến 5 lần so với AVG), đây là thông tin tham chiếu rất quan trọng để dẫn đến kết thúc việc điều tra.

Các sai phạm trong vụ tham nhũng Mobifone mua AVG là cực kỳ nghiêm trọng: bịa đặt thông tin công ty 8046 (Hồng Kông) đặt cọc 10 triệu USD để mua AVG với mức giá 700 triệu USD, tùy tiện quy định dự án Mobifone mua AVG là dự án bí mật quốc gia; Mobifone không lập dự án đầu tư nhóm A để báo cáo lên trên, không công bố thông tin vụ mua bán theo luật định, bỏ qua tình trạng âm vốn chủ sở hữu của AVG, lập lờ đưa 4 tần số 700 Mhz (là tài nguyên quốc gia) vào định giá (trong khi 4 tần số này phải đấu giá cấp lại như quy định của Luật Tần số), đưa ra số liệu dự báo kinh doanh lạc quan một cách vô căn cứ (không dựa vào thực tế là phải dự báo kinh doanh trong điều kiện AVG không được chuyển về Mobifone và AVG phải tiếp tục tự doanh), đổi thương hiệu AVG thành MobiTV gây thiệt lại về tài sản vô hình, gấp gáp chuyển 8.500 tỷ đồng của Mobifone cho Phạm Nhật Vũ trong 5 tháng đầu năm 2016 (mặc dù có công văn cảnh báo của Bộ KHĐT vào tháng 1/2016), bù chéo hơn 250 tỷ đồng lợi nhuận của Mobifone (tiền Nhà nước) sang AVG trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 để công bố “AVG có lãi”…

Số tiền Mobifone bỏ ra mua 95% cổ phần AVG là 8.900 tỷ đồng, trong khi giá trị thực tế của AVG chỉ là 800 tỷ đồng; như vậy, Nhà nước đã thiệt hại hơn 8.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, lợi nhuận của Mobifone bị giảm hơn 2.000 tỷ đồng – từ 7.200 tỷ đồng (năm 2015) thành 5.200 tỷ đồng (năm 2016).

Mobifone còn mất số tiền lãi ngân hàng (150 tỷ đồng/năm) do phải rút 8.500 tỷ đồng từ ngân hàng ra để chi trả cho Phạm Nhật Vũ.

Khi cổ phần hóa Mobifone trong năm 2018, giá trị của Mobifone sẽ giảm ít nhất 20.000 tỷ đồng do tác động của vụ AVG.

Cho đến nay, Thanh tra Chính phủ đã ra nhiều dự thảo kết luận thanh tra (theo hướng “không có sai phạm, nhắc nhở, phê bình”) nhưng đều bị Tổng Bí thư và Ban Bí thư bác bỏ vì các sai phạm và thiệt hại trong vụ án đã rõ mười mươi.

Cũng chưa rõ vì sao Thanh tra Chính phủ lại to gan như vậy? “Đánh đĩ 9 phương thì cũng phải để 1 phương lấy chồng” chứ, thưa ông Ngô Văn Khánh!

Hiện nay, cùng với vụ Trịnh Xuân Thanh, cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công An) vừa được Ban Bí thư và Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương giao cho thụ lý hồ sơ vụ án Mobifone mua AVG.

Danh sách các cá nhân của Mobifone liên quan đến vụ án đã được xác định, những kẻ chủ mưu (Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Phương Anh) đang bị trinh sát ngoại tuyến giám sát chặt chẽ.

Chúng tôi, nhóm cán bộ tâm huyết của Mobifone, đã và đang viết 22 loạt bài phóng sự điều tra về vụ đại án tham nhũng Mobifone mua AVG ròng rã trong gần 2 năm qua chỉ với một mong muốn là những sai phạm phải được đưa ra ánh sáng, Mobifone thu hồi được số tiền 8.500 tỷ đã chuyển cho Phạm Nhật Vũ.

Sai đến đâu thì phải xử nghiêm đến đấy! Chúng tôi mong muốn Tổng bí thư chỉ đạo quyết liệt Thanh tra Chính phủ phải công bố ngay kết luận thanh tra!

Mời xem lại: kỳ 21 và các kỳ trước: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG  —  Kỳ 22: Đại án tham nhũng Mobifone mua AVG

Bình Luận từ Facebook