Quyền trở thành người tốt

Phạm Đình Trọng

29-12-2024

Vâng. Ai cũng có quyền trở thành người tốt. Đó là quyền đương nhiên và chính đáng như quyền được sống, quyền được mưu sinh của mọi con người đang có mặt trong cuộc đời.

Nhưng cùng với quyền trở thành người tốt, con người còn có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về sự có mặt của mình trong cuộc đời, chịu trách nhiệm về mọi ứng xử, hành vi, việc làm của mình. Chịu trách nhiệm giữ gìn giá trị, phẩm giá con người của bản thân mình và của mọi người khác. Chịu trách nhiệm làm đẹp cho cuộc đời, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Vì vậy một người tốt phải được chứng minh, được thể hiện bằng cuộc sống có trách nhiệm, bằng hành xử đúng đắn, nhân văn với con người, bằng những việc làm tốt đẹp cho cuộc đời. Quyền con người luôn đi liền với trách nhiệm con người. Với những người khiêm cung, biết quý trọng giá trị cuộc sống, biết tôn trọng con người, dù có ý thức rất rõ về quyền sống, quyền mưu sinh, quyền là người tốt … vẫn luôn đặt trách nhiệm con người của mình lên trước và lên trên mọi quyền đương nhiên của con người.

Nếu chỉ có quyền được sống, quyền được là người tốt thì ngọn cỏ cũng có quyền được sống, quyền được là ngọn cỏ tốt mang lại màu xanh sự sống cho trái đất. Con hổ trong rừng cũng có quyền được sống, quyền được là con hổ tốt giúp cho tự nhiên có sự cân bằng sinh thái và làm cho thế giới tự nhiên thêm đa dạng, phong phú. Cây cối và muông thú có quyền sống và quyền trở thành cây cỏ, muông thú tốt nhưng không có trách nhiệm với cuộc sống vì cây cỏ và muông thú không có ý thức. Con người khác con thú ở ý thức. Con người có ý thức nên biết sống có trách nhiệm. Sống không có trách nhiệm thì loài người cũng chỉ là một bầy thú. Với những con người thú, sẽ là một xã hội rừng rú man rợ!

Một thành viên hội Nhà Văn Việt Nam, một người có vai vế, chức sắc cao trong hội, uỷ viên ban chấp hành, phó tổng biên tập tờ báo là tiếng nói của những nhà văn, những nhà văn hoá, tiếng nói của những giá trị nhân văn. Con người có vai vế trong hội Nhà Văn, có vai vế trong tờ báo nói tiếng nói nhân văn là người ở vị thế phải nêu tấm gương đẹp, tấm gương nhân văn nhưng lại bị tố cáo là một tấm gương phản nhân văn, bị tố cáo là một kẻ đồi bại, một kẻ chỉ có con người sinh vật, không có con người văn hoá, bị tố cáo đã nhiều lần dùng sức mạnh đàn ông khuất phục, cưỡng hiếp ngay nhân viên của báo và đã một lần bị nhiều công chức của báo bắt quả tang sức mạnh bạo lực đàn ông đó đang đè lên thân thể phụ nữ, tay đang bóp cổ nạn nhân không cho kêu cứu ngay trên bàn làm việc trong cơ quan báo, ngay trong toà nhà của văn hoá, nhân văn.

Vụ việc vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, xúc phạm nghiêm trọng danh dự phẩm giá con người rõ ràng, cụ thể và rất nghiêm trọng đã được tổ chức công đoàn của báo ghi nhận trong biên bản hồ sơ vụ việc, đã có đơn tố cáo và đã trở thành vụ việc xôn xao, nhức nhối trong đời sống xã hội, gây phẫn nộ dư luận xã hội, đòi hỏi chức sắc hội Nhà Văn bị tố cáo cưỡng dâm phải có trách nhiệm công khai giải trình, đối thoại, làm sáng tỏ vụ việc. Đòi hỏi lãnh đạo hội Nhà Văn phải có trách nhiệm kịp thời công khai xử lý thấu đáo, thoả đáng vụ việc và phải có tiếng nói trách nhiệm với hệ thống tổ chức hành chính và với dư luận xã hội theo quy định của pháp luật.

Dù sự việc xảy ra đã hơn hai mươi năm khi người bị tố cáo bạo lực cưỡng dâm chỉ là nhân viên hành chính làm công việc lái xe, tạp vụ ở báo, nhờ có mối quan hệ thân tình với biên tập báo mà có vài bài thơ ngâm vịnh đăng báo (Có dịp tôi sẽ viết về thứ thơ ngâm vịnh này. Văn xuôi là cơm, thơ là rượu thì thơ ngâm vịnh chỉ là nước si rô hồng hồng lờ lợ tràn ngập trong đời sống, tràn ngập trong các hội thơ và tràn ngập cả trong hội Nhà Văn), nhân viên hành chính bị tố cáo cưỡng dâm chưa có quyền lực trong hội Nhà Văn, chưa có chức sắc trong tờ báo của hội nhưng lời tố cáo khẩn thiết, đanh thép, đầy sức thuyết phục của nạn nhân bị cưỡng hiếp đã cất lên khi kẻ bị tố cáo cưỡng hiếp đã có chức sắc, đã có sức ảnh hưởng lớn trong giới văn nghệ sĩ và xã hội thì vụ việc càng đòi hỏi phải được làm sáng tỏ và xử lý nghiêm khắc.

Thời mọi giá trị đảo lộn, trong giới tinh hoa của trí tuệ và tâm hồn hôm này đang trà trộn, lẫn lộn nhiều thứ tạp nham và cả rác rưởi nhưng hội Nhà Văn vẫn là nơi tập hợp những tinh hoa của đất nước, là bộ mặt văn hoá đất nước, góp phần cốt lõi nhất tạo ra đời sống văn hoá xã hội thì vụ việc tố cáo cưỡng dâm ở hội Nhà Văn là cơ hội tốt để tổ chức văn hoá loại bỏ rác rưởi, giữ gìn vẻ đẹp của tổ chức tinh hoa, giữ gìn sự lung linh và sang trọng hội Nhà Văn của đất nước.

Đơn tố cáo, đơn kêu cứu trong xã hội Việt Nam hôm nay nhiều như lá rừng và thường bị những cửa công đường quan liêu, vô cảm lạnh lùng làm ngơ. Những tiếng kêu cứu về những thân phận, những phẩm giá bị chà đạp thường chìm vào im lặng, quên lãng. Văn học là tấm gương của tâm hồn con người, là nỗi trắc ẩn và sự chia sẻ với thân phận con người, Hội Nhà Văn không thể làm ngơ với tiếng kêu cứu của một tâm hồn đau khổ, một nhân cách, một phẩm giá bị chà đạp. Hội Nhà Văn càng không thể làm ngơ với nỗi đau thân thể phụ nữ bị xâm phạm, nỗi đau nhân phẩm con người bị xúc phạm của một nhà thơ làm việc ngay trong tờ báo của hội Nhà Văn.

Nhưng trước tiếng kêu cứu của một nữ nhân viên, một nhà thơ trẻ làm việc ngay trong tờ báo của hội Nhà Văn bị bạo hành cưỡng dâm và việc bạo hành xâm phạm thân thể phụ nữ diễn ra ngay trong toà báo của hội Nhà Văn, lãnh đạo hội Nhà Văn chỉ khẽ khàng, lặng lẽ mang ông nhà thơ ngâm vịnh bị tố cáo cưỡng dâm đi cất giấu làm yên dư luận bằng cách điều ông uỷ viên ban chấp hành, phó tổng biên tập tờ báo bị tố cáo cưỡng dâm về văn phòng hội ngồi chơi xơi nước. Đợi thời gian qua đi, “cứt trâu để lâu hoá bùn” rồi đâu sẽ lại vào đấy!

Làm ngơ lời tố cáo cưỡng dâm, bao che cho thành viên ban chấp hành hội Nhà Văn bị tố cáo cưỡng dâm, ông chủ tịch hội Nhà Văn của đất nước văn hiến coi chuyện thành viên ban chấp hành hội Nhà Văn của ông xâm phạm thân thể phụ nữ, cả thân xác đàn ông ngùn ngụt đòi hỏi đè lên thân thể phụ nữ, tay bóp cổ bịt tiếng kêu cứu của nạn nhân, ông chủ tịch hội Nhà Văn của đất nước văn hiến coi bạo lực đàn ông đã đè bẹp được sức chống trả, quyết chiếm đoạt bằng được thân thể cô gái trẻ mảnh mai chỉ là cãi lộn cá nhân! Ông chủ tịch hội Nhà Văn của đất nước văn hiến coi chuyện xúc phạm danh dự, nhân phẩm, coi sự chấn động tâm lí, suy sụp đời sống tinh thần, tình cảm của người phụ nữ bị bạo lực đàn ông khống chế, bức hại kéo dài hàng chục năm chỉ là “vấn đề nhạy cảm”. Văn học là nhân học, là những giá trị nhân bản nhưng ông chủ tịch hội Nhà Văn của đất nước văn hiến lại lạnh lùng, ráo hoảnh giải thích việc cất giấu tội lỗi của ông nhà thơ ngâm ngợi “vì những vấn đề đầy nhạy cảm, thì chúng tôi điều động anh An về văn phòng hội”.

Biểu hiện đầu tiên, không thể thiếu về người tốt phải là người dám chịu trách nhiệm, biết nhận trách nhiệm về mọi ứng xử, hành vi, việc làm của mình. Khi nói trên diễn đàn hội Nhà Văn rằng “Anh An có lỗi hay không có lỗi chúng ta chưa biết được” là ông chủ tịch hội Nhà Văn quốc gia đã thú nhận rằng ông nhà thơ ngâm ngợi bị tố cáo cưỡng dâm chưa thực hiện trách nhiệm giải trình vụ việc, chưa làm rõ được con người thật của ông là con người trong sạch hay tội lỗi, là người tốt hay người xấu. Bộc bạch trên diễn đàn hội Nhà Văn rằng “Anh An có lỗi hay không có lỗi chúng ta chưa biết được” ông chủ tịch hội Nhà Văn quốc gia cũng thú nhận rằng ông chủ tịch và cả ban chấp hành hội Nhà Văn của ông đã trốn tránh trách nhiệm, đã làm ngơ trước lời kêu cứu khẩn thiết của người phụ nữ đau khổ bị xâm hại thân thể, xúc phạm danh dự!

Lời nạn nhân bị xâm hại tình dục tố cáo đanh thép, đầy sức thuyết phục, chỉ đích danh thủ phạm xâm hại tình dục là ông nhà thơ ngâm vịnh trong ban chấp hành hội Nhà Văn chưa được ban chấp hành hội Nhà Văn làm rõ theo trách nhiệm, chưa được xử lý đúng pháp luật. Nạn nhân bị cưỡng dâm vẫn đang đau đớn, khắc khoải chờ lãnh đạo hội Nhà Văn xử lý thoả đáng vụ việc, trả lại danh dự phẩm giá. Lời tố cáo với đầy đủ bằng chứng và đầy sức thuyết phục với một thành viên ban chấp hành hội Nhà Văn Việt Nam cưỡng dâm vẫn đang treo lơ lửng trước ngôi đền thiêng hội Nhà Văn, vẫn đang là vết nhơ, nỗi ô nhục của ông nhà thơ ngâm vịnh bị tố cáo cưỡng dâm và cũng là vết nhơ, nỗi ô nhục với cả hội Nhà Văn Việt Nam.

Vết nhơ và nỗi ô nhục của ông uỷ viên ban chấp hành hội Nhà Văn bị tố cáo cưỡng dâm vẫn còn đó. Không làm rõ lời tố cáo cưỡng dâm nhằm vào ông uỷ viên ban chấp hành hội Nhà Văn, cả ban lãnh đạo hội Nhà Văn bao che cho ông thành viên ban lãnh đạo bị tố cáo cưỡng dâm cũng là vết nhơ, là nỗi ô nhục của cả ban lãnh đạo hội Nhà Văn và vết nhơ, nỗi ô nhục vẫn còn đó thì trên bục cao diễn đàn hội Nhà Văn ông chủ tịch hội Nhà Văn lại lớn tiếng đòi quyền được trở thành người tốt cho ông nhà thơ ngâm vịnh đang mang vết nhơ và nỗi ô nhục bị tố cáo cưỡng dâm “Vậy anh An có quyền trở thành một người tốt. Cũng như tôi cũng có quyền trở thành một người tốt”.

Mang vết nhơ và nỗi ô nhục bị tố cáo rất xác đáng tội cưỡng dâm mà cũng đòi là người tốt! Mang vết nhơ và nỗi ô nhục bao che cho kẻ bị tố cáo rất xác đáng tội cưỡng dâm mà cũng đòi là người tốt! Ông chủ tịch hội Nhà Văn có còn chút nào lương tâm con người không? Ông chủ tịch hội Nhà Văn có còn chút liêm sỉ nào không?

Vứt bỏ trách nhiệm trước pháp luật làm sáng tỏ vụ việc tố cáo cưỡng dân, vứt bỏ trách nhiệm trước pháp luật và trước lương tâm, chưa trả lời thoả đáng cho người tố cáo, vội vã phục chức cho người đang bị tố cáo cưỡng dâm, ông chủ tịch và cả ban chấp hành hội Nhà Văn đã thẳng thừng bác bỏ lời tố cáo, coi lời tố cáo ông thành viên ban chấp hành hội Nhà Văn cưỡng dâm với đầy đủ bằng chứng và nhân chứng chỉ là chuyện tào lao, không có thật! Một lần nữa ông chủ tịch và cả ban chấp hành hội Nhà Văn lại chà đạp lên cuộc đời và phẩm giá người phụ nữ bị xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự và phẩm giá!

Đòi quyền trở thành người tốt để giải thích việc phục chức cho người đang bị tố cáo cưỡng dâm, ông chủ tịch và cả ban chấp hành hội Nhà Văn đã thách thức dư luận xã hội, thách thức luân thường đạo lý, thách thức pháp luật, thách thức cả đạo lý con người, lương tâm xã hội, gây phẫn nộ dư luận xã hội, tô đậm thêm vết nhơ và nỗi ô nhục của hội Nhà Văn, một tổ chức văn hoá, nhân văn.

Bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những giá trị văn hoá, nhân văn là trách nhiệm và lương tâm con người. Không biết đến lẽ phải, không biết đến giá trị văn hoá nhân văn, vì cảm tính cá nhân nhắm mắt bênh vực, bảo vệ cái xấu, cái ngang trái.

Đó là căn tính của con người tiểu nông trong nền văn minh nông nghiệp, hành xử theo tình, không hành xử theo lý.

Đó cũng là căn tính bầy đàn của con người văn minh nông nghiệp, chưa có cá nhân. Cá nhân hoà tan, chìm nghỉm trong bầy đàn. Một thành viên ban lãnh đạo hội Nhà Văn bị tố cáo cưỡng dâm với đầy đủ nhân chứng, bằng chứng, gây phẫn nộ rộng rãi trong xã hội, là vết nhơ, nỗi ô nhục của cả hội Nhà Văn nhưng không một cá nhân nhà văn nào trong hội Nhà Văn dám lên tiếng. Vì hơn một ngàn hội viên hội Nhà Văn nhưng không có cá nhân. Có cá nhân trong hội Nhà Văn thì cá nhân đó đã rời bỏ hội Nhà Văn rồi.

Hơn một ngàn thành viên hội Nhà Văn hôm nay chỉ có một tiếng nói yếu ớt, lạc lõng, hùa theo sai trái là tiếng nói phản nhân văn, phản đạo lý, tiếng nói đòi phải được nhìn nhận là người tốt với kẻ bị tố cáo là quỷ râu xanh nhằm vô hiệu lời tố cáo xác đáng của nạn nhân. Tiếng nói bảo kê cho tội ác của ông đứng đầu hội Nhà Văn, ông nhà thơ Nguyễn Quang Thiều!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “Quyền con người luôn đi liền với trách nhiệm con người.”
    Nhai lại luận án tiến sỹ “khét tiếng” của Vương Tấn Việt, Hoàng Chí Bảo gọi là “thày Thích Chân Quang của chúng ta”.

  2. Hề… hề…, thưa ông Phạm Đình Trọng:
    1. Ai cũng có quyền trở thành người tốt, nhưng, thế nào là người tốt (Nguyễn Quang Thiều, chẳng hạn, coi Lương Ngọc An là người tốt nên mới phong chức trong giới văn nghệ cho ông ta) thì chính ông lại trật lấc vì giải thích tào lao chi khươn trong vấn đề ngữ nghĩa, cho nên, bài viết này của ông thật ra là không có giá trị gì!!
    2. Vậy thế nào là kẻ tốt người xấu, và, cái tốt xấu ấy phải dựa trên chuẩn nền tảng nào để định danh cho đúng, thì, trong bài viết của mình cũng cũng không thấy ông đề cập đến!!?
    3. Chính vì thế, tôi xin mạn phép định danh hộ ông: NGƯỜI TỐT là những người CÓ ÍCH (LẠI) cho người khác và cho xã hội, còn kẻ xấu thì ngược lại, chúng ĐÍCH THỊ là những kẻ VÔ LẠI, ông ạ!!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây