Bây giờ Ukraine có cần phải đàm phán với Putin?

NZZ

Tác giả: Markus Bernath

Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ

28-9-2024

Ukraine bây giờ có phải đàm phán với Putin? KHÔNG. Năm sai lầm lớn nhất về một nền hòa bình

Tình hình đang không diễn ra tốt đẹp đối với Ukraine. Ở phương Tây, người ta nghi ngờ về mục đích của việc cung cấp vũ khí. Ukraine được cho là nên tìm kiếm hòa bình với Nga. Điều đó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Lễ thượng cờ tại một học viện quân sự ở Lviv, miền tây Ukraine: Mùa thu năm chiến tranh thứ ba có nguy cơ gặp khó khăn. Thiếu binh lính và vũ khí để ngăn chặn bước tiến của Nga. Nguồn: Jeff J. Mitchell/ Getty

Hòa bình thông qua sức mạnh là ý tưởng lớn của Volodimir Zelensky. Nga nên bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán bởi những thành công quân sự của Ukraine. Nhưng tổng thống Ukraine đã thất bại với “kế hoạch chiến thắng” ở Washington tuần này. Mỹ sẽ không cung cấp bất kỳ tên lửa tầm xa nào chống lại các mục tiêu ở Nga*.

Về mặt quân sự, cuộc chiến đang không diễn ra tốt đẹp đối với Ukraine. Điều này đặc biệt truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động vì hòa bình ở Đức. Vào ngày nghỉ lễ quốc khánh 3/10, BSW, Cánh Tả và SPD (bbt: Ba đảng thuộc cánh Tả trong đó SPD là đảng đang cầm quyền ở Đức) sẽ biểu tình ở Berlin và yêu cầu đàm phán với Putin. Họ đã sai rồi. Năm quan niệm sai lầm về hòa bình ở Ukraine:

1. Dù thế nào Ukraine cũng không thể thắng

Rất dễ để nói ra như vậy, vì đó là một ý tưởng phổ biến: Ukraine rất lớn (đó là quốc gia về diện tích lớn nhất châu Âu), nhưng Nga thậm chí còn lớn hơn, có nguồn tài nguyên vô tận, có những con người kiên nhẫn chịu đựng và những xưởng sản xuất đầy đủ vật liệu chiến tranh, từ Urals đến bờ biển Thái Bình Dương.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nói với các đồng nghiệp của mình ở EU rằng, Nga là bất khả chiến bại về mặt quân sự. Vậy người Ukraine có nên vẫy cờ trắng ngay bây giờ và yêu cầu hòa bình thay vì chờ đợi và mất thêm nhiều người và đất trong quá trình này?

Việc đó coi như là chấp nhận đầu hàng. Những ai viện dẫn huyền thoại về nước Nga bất khả chiến bại nên nói rõ như vậy.

Đó cũng sẽ là việc phương Tây đầu hàng. Bởi vì nếu Ukraine không thể giành chiến thắng trước Nga, thì về mặt logic, phương Tây cũng không thể, vốn đã bơm hàng tỷ đô la và vũ khí vào Ukraine trong hai năm rưỡi qua và đã tách nền kinh tế Nga ra khỏi châu Âu và Mỹ. Đó có phải là điều chúng ta muốn?

Sự thật là: Cuộc kháng chiến thành công của người Ukraine kể từ tháng 2 năm 2022 bản thân nó đã là một thắng lợi, trước những kẻ xâm lược Nga và trước chủ nghĩa đế quốc mới của Điện Kremlin. Kế hoạch của Vladimir Putin nhanh chóng chiếm Kiev và lật đổ chính quyền  đã thất bại. Quân đội của họ đang chịu tổn thất nặng nề, Nga đang sống nhờ vay nợ tín dụng với nền kinh tế chiến tranh và GDP vẫn thấp hơn Ý. Ukraine không cần phải để nền hòa bình của họ bị áp đặt bởi một nước Nga như vậy.

2. Chấm dứt viện trợ vũ khí sẽ mở đường cho hòa bình

Đây là một suy nghĩ say lầm nữa. Việc ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine sẽ mang lại lợi thế quân sự cho Nga. Ngoài ra không có gì khác nữa. Hiệu ứng này đã được nhìn thấy vào mùa đông và mùa xuân vừa qua khi đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ chặn việc cung cấp vũ khí và đạn dược. Thêm nhiều người Ukraine chết vì các cuộc tấn công bằng tên lửa và bom lượn vì không thể phòng thủ được nữa. Thêm nhiều km vuông đất rơi vào tay quân đội Nga. Putin sẽ tận dụng lợi thế quân sự của việc ngừng viện trợ vũ khí và không chấp nhận đó như một lời mời đàm phán hòa bình. Tại sao họ phải đàm phán?

3. Cần thỏa hiệp để có hòa bình

Nghe có vẻ hợp lý, nhưng ẩn chứa một ý tưởng mỉa mai: Trong các cuộc đàm phán hòa bình, Ukraine nên từ bỏ lãnh thổ do người Nga chiếm đóng hoặc chinh phục – phía nam, Donbass, Crimea, chẳng bao lâu sẽ là một phần tư lãnh thổ quốc gia của họ.

Đây là điều mà những người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả và cánh hữu ở châu Âu khuyến nghị, trong đó có ông Petr Pavel, Tổng thống Séc theo chủ nghĩa tự do và là cựu tướng NATO. Ngay cả quyết định gia nhập NATO của Ukraine cũng có thể bị ảnh hưởng.

Đổi lại, Nga sẽ từ bỏ – chính xác là gì? Giải tán nhà nước Ukraine? Ttiếp tục giành lãnh thổ? Đồng hóa cưỡng bức trẻ em Ukraine bị bắt cóc?

Một “hòa bình thỏa hiệp” như vậy sẽ khó được chấp nhận. Điều đó có nghĩa là châu Âu chấp nhận một cuộc chiến tranh xâm lược và sự thay đổi bạo lực về biên giới quốc gia trên lục địa của mình.

4. Nga cũng quan tâm về an ninh

“Các chính trị gia hòa bình” ở Đức hiện đang hình dung ra một kiến ​​trúc an ninh mới cho châu Âu. Viên đá nền tảng sẽ là một thỏa hiệp ở Ukraine. Một Ukraine trung lập, một ngày nào đó là thành viên của EU, là dự án của các chính trị gia hòa hoãn mới.

Kết quả là, phải chia sẻ an ninh với Vladimir Putin. Điều đó thật ngây thơ. Chính sách chiến tranh của Putin là mở rộng bờ cõi. Ông ta muốn đẩy lùi NATO khỏi Đông Âu, mở rộng Liên bang Nga và gây ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia ở ngoại vi Nga. Thật khó để điều này được chấp nhận như một lợi ích an ninh hợp pháp cho Nga mà có thể được giải quyết tại một hội nghị hòa bình. Một dự án như vậy đòi hỏi một nhà lãnh đạo mới, khác biệt ở Moscow.

5. Hòa bình không phải là tất cả. Nhưng mọi thứ sẽ chẳng là gì nếu không có hòa bình

Câu nói của cựu Thủ tướng Willy Brandt và là nhà lãnh đạo SPD của Đức trong bài phát biểu năm 1981, ngày nay phải được đọc một cách chính xác. Không phải là chủ nghĩa hòa bình mang lại an lành hay như lời kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình Ukraine bằng bất cứ giá nào. Nhưng với tư cách là nhiệm vụ cho một chính sách có trách nhiệm: Hòa bình là một phần thiết yếu của trật tự quốc tế, nhưng nó không phải là thành phần duy nhất của trật tự đó. Tự do, luật pháp và công lý cũng là một phần của nó.

Người Ukraine biết điều này. Họ biết sự bình yên trong nghĩa địa mà chế độ độc tài quy định cho công dân của mình. Hơn bảy mươi năm thời Cộng hòa Xô Viết và nạn diệt chủng của Stalin thông qua nạn đói có tổ chức vẫn còn trong ký ức của dân tộc Ukraine. Một nền hòa bình kiểu Putin ở Đông Âu, nơi người dân không còn có thể quyết định về cuộc sống và nhà nước của mình, không có giá trị gì nhiều.

_________

Chú thích:

Lúc 05:42 ngày 29.9.2024, phát ngôn viên của Tổng thống Zelensky nói về việc cho phép dùng vũ khí tầm xa đánh sâu vào lãnh thổ Nga: Người Nga sẽ là người đầu tiên biết (theo NTV).

Theo phát ngôn viên của Tổng thống Ukraine, vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ Nga. Ông Serhiy Nykyforov giải thích trên chương trình thời sự Ukraine 24/7 rằng vẫn “chưa có quyết định cuối cùng, rõ ràng” về vấn đề này.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “đã tổ chức thảo luận với tất cả các bên mà quyết định này phụ thuộc vào – Ý, Pháp, Anh và tất nhiên là cả Hoa Kỳ”.

Người phát ngôn của ông Zelensky nói: “Chúng ta phải hiểu rằng, người Nga sẽ là người đầu tiên biết về việc được phép xâm nhập sâu vào lãnh thổ Nga. Họ sẽ là người đầu tiên biết, và sau đó sẽ có thông báo chính thức”.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây