Phải tự “kiểm điểm” lại tư duy của mình

Trương Nhân Tuấn

27-9-2024

Theo tôi, những người “lạc quan” về sự cải cách thể chế ở Việt Nam có lẽ phải tự “kiểm điểm” lại tư duy của mình.

Cá nhân tôi đã là một người trong nhóm “lạc quan tếu” này. Tôi “tư duy thành khẩn” và nghiệm ra rằng, thấy vậy nhưng không phải vậy.

Ngược thời gian đến Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị được cho là “tài liệu mật”, ban hành ngày 13-7-2023. Tài liệu “mật” này bị nhóm “Dự án 88” bật mí và được BBC News Tiếng Việt phân tích nội dung khá thấu đáo. Mục tiêu Chỉ thị nhằm “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng“.

Tôi có dẫn link bài viết của BBC bên dưới, để mọi người cùng nhìn nhận rằng mục đích của Chỉ thị 24 không hề để “bảo đảm an ninh quốc gia” mà chỉ nhằm củng cố sự lãnh đạo của đảng.

Ta cũng thấy là, Chỉ thị 24 “ngồi xổm” lên hiến pháp và pháp luật. Điều này đã được “Dự án 88” chỉ ra rành mạch. Chỉ thị 24 còn cho thấy, Việt Nam thân Trung Quốc, chống Mỹ và chống Tây phương.

Câu hỏi tôi trăn trở từ lâu là: Ai là (những) tác giả của Chỉ thị 24? Câu trả lời dĩ nhiên là ông Trọng rồi! Nhưng còn những ai nữa?

Điều tôi muốn biết, và có lẽ rất nhiều người cũng muốn biết, là trong Bộ Chính trị những ai thuộc phe “bảo thủ” và những ai thuộc phe “cải cách”?

Tôi thấy những người được ông Trọng tin tưởng, có nhiều khả năng sẽ lên thay thế ông Trọng như Thưởng, Huệ, Mai… lần lượt bị loại về “làm người tử tế”.

Theo tôi những người được ông Trọng tin cậy là những người bảo thủ, bằng hoặc kém hơn ông Trọng một chút.

Ai đã “loại” những thanh phần bảo thủ này ra khỏi cuộc đua quyền lực? Thưa, đó là ông Tô Lâm.

Từ đó “tư duy” của tôi “có vấn đề”. Tôi nghĩ rằng, ai “cũng nghĩ như mình”. Có vấn đề là vì, tôi đặt Tô Lâm vào phe “cải cách”. Nếu là tôi, thì tôi thả hết tù nhân chính trị, trước khi đi Mỹ.

Tô Lâm gặp Biden “bên lề” Hội nghị Liên Hiệp quốc. Công lao chuyến gặp gỡ là kết quả vận động của Bộ Ngoại giao. Chuyện này không có ý nghĩa gì cả.

Tô Lâm cũng cố gắng đi gặp gỡ một số nhân vật lãnh đạo các tập đoàn kỹ thuật số của Mỹ, thuyết phục họ đầu tư vô Việt Nam. Kết quả Tô Lâm chỉ gặp được “cấp phó” mà thôi.

Kết quả tồi tệ như vậy là vì Tô Lâm “không biết mình là ai”.

Nếu là tôi thì tôi biết tôi là ai. Tôi biết tôi là “tên đồ tể”, là “ông chúa ngục”, là kẻ “vi phạm nhân quyền”, là “miệng ăn bò dát vàng nhưng chỉ nói ra lời đạo đức giả”…

Đã đành “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Tô Lâm làm những chuyện đó chỉ vì “tuân thủ” hay “chấp hành” những chỉ thị của ông Trọng hay của Bộ Chính trị. Nhưng khi đã “đít ngồi hai ghế”, khi quyền uy đã “bao trùm khắp thiên hạ” rồi, thì tại sao không “ra uy” bằng cách thả hết tù nhân?

Tô Lâm cũng tham gia “forum” của Đại học Columbia. Ở đây Tô Lâm bộc lộ những yếu kém và thể hiện mình cũng chỉ là một ông Trọng.

Ông Trọng nào cũng bảo thủ hết cả.

_______

BBC: Thấy gì từ tài liệu mật bị rò rỉ của Bộ Chính trị Việt Nam về ‘đảm bảo an ninh quốc gia’

1-3-2024

Ông Nguyễn Phú Trọng và ông Võ Văn Thưởng
Ông Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguồn: Getty Images

Một chỉ thị mật của Bộ Chính trị về “an ninh quốc gia” trong bối cảnh hội nhập quốc tế vừa bị rò rỉ đang gây ra những ý kiến khác nhau trong giới quan sát về khả năng Đảng Cộng sản Việt Nam gia tăng đàn áp các cá nhân, tổ chức và hoạt động được cho là gây nguy hiểm cho sự toàn trị của đảng này.

Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 về “Bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng” (CT24), đóng dấu “Mật”, vừa được Dự án 88 (một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam) tiết lộ, cho thấy văn bản này được ký chỉ hai tháng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng cấp quan hệ với Hà Nội lên đối tác chiến lược toàn diện.

BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với một số nguồn tin trong nước để xác minh tính xác thực của CT24. Chúng tôi nhận được câu trả lời từ một số cán bộ đang làm việc tại các cơ quan cấp bộ trong lĩnh vực văn hóa, thông tin rằng họ được phổ biến nội dung chỉ thị, nhưng không trực tiếp tiếp cận văn bản.

Có tổng cộng chín nội dung được đưa ra trong CT24 để các cấp ủy đảng thực hiện, trong đó đáng chú ý là:

Về xuất cảnh: Quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công dân Việt Nam ra nước ngoài công tác, học tập, trao đổi, tham quan, du lịch.

Về dân chủ: Không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước.

Về tuân thủ thỏa thuận quốc tế về quyền người lao động: Không để thành lập tổ chức của người lao động dưới hình thức dân tộc, tôn giáo; Rà soát, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các tổ chức của người lao động thành lập và hoạt động không đúng pháp luật.

Về hợp tác quốc tế: Đề cao cảnh giác, phòng ngừa các mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia như: “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là trong xây dựng chính sách, pháp luật, làm suy yếu chế độ ta từ gốc, từ bên trong, đe dọa lợi ích quốc gia, dân tộc, sự tồn vong của chế độ; phai nhạt bản sắc văn hóa dẫn đến suy giảm sức mạnh quốc gia; mơ hồ, mất cảnh giác khi tham gia các sáng kiến, chiến lược của các nước lớn; để nước ngoài đầu tư “núp bóng”, thâu tóm thị trường, doanh nghiệp trong nước, chiếm lĩnh một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu, vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng độc lập, tự chủ của nền kinh tế và ổn định chính trị; lợi dụng các định chế, cam kết quốc tế Việt Nam tham gia, ký kết để vận động, hình thành tổ chức chính trị đối lập, thúc đẩy “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”.

Về tài trợ quốc tế cho Việt Nam: Tăng cường quản lý việc tiếp nhận viện trợ từ nước ngoài, nhất là các dự án liên quan đến xây dựng chính sách, pháp luật; không tiếp nhận tài trợ nước ngoài đối với các dự án xây dựng pháp luật có nội dung phức tạp, nhạy cảm và hạn chế tối đa đối với các trường hợp khác.

Về tự do ngôn luận: Phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong đấu tranh với các trào lưu của chủ nghĩa dân túy, bất tuân dân sự, quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, hành vi cổ xúy cho văn hóa ngoại lai…

Về quyền hội họp: Đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thủ địch, phản động, đối tượng chống đối chính trị, các loại tội phạm, nhất là hoạt động cài cắm nội gián, kích động biều tình, bạo loạn…

Về kinh tế, xã hội, văn hóa và đối ngoại: Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại.

Về giám sát: Quan tâm xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vững chắc, nhất là tại các cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, nơi tập trung đông người lao động.

Một làn sóng đàn áp mới?

Biden
Tổng thống Biden gặp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Hà Nội. Nguồn: Getty Images

Dự án 88, tổ chức đầu tiên công bố CT24 và báo cáo phân tích do Ben Swanton và Michael Altman-Lupu thực hiện, chỉ rằng văn bản này “là một cuộc tấn công toàn diện vào quyền lợi của 100 triệu công dân Việt Nam” thông qua nỗ lực “chấm dứt các ảnh hưởng của nước ngoài vào việc ra chính sách;… ngăn chặn việc các tổ chức nước ngoài và Việt Nam tăng cường sử dụng hợp tác quốc tế như một phương tiện để thúc đẩy xã hội dân sự và các nhóm chính trị đối lập trong nước”.

“Về bản chất, chính sách này nhằm mục đích củng cố chế độ độc đảng… Trong nhiều năm, Mỹ và Liên minh châu Âu luôn cho rằng tăng cường mối quan hệ với Việt Nam sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền của nước này. Nhưng CT24 đã đặt dấu chấm hết cho quan điểm này,” Dự án 88 cho hay.

Dự án 88 chỉ ra rằng với CT24, ĐCSVN đã chính thức hóa việc vi phạm luật quốc tế và vi phạm Hiến pháp Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam đã viện dẫn “an ninh quốc gia” để biện minh cho việc cấm người dân hội họp, lập nhóm, biểu tình, cấm xuất nhập cảnh, ngăn chặn tài trợ quốc tế cho các dự án của các tổ chức xã hội dân sự.

Trong khi đó, luật pháp quốc tế chỉ cho phép các nhà nước hạn chế nhân quyền trong một số tình huống rất giới hạn. Theo Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam phê chuẩn năm 1982, chính phủ có thể hạn chế quyền biểu đạt, lập hội và hội họp ôn hòa để bảo vệ an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Việt Nam không thể viện dẫn an ninh quốc gia chung chung để biện minh cho bất cứ sự hạn chế nhân quyền nào, theo Dự án 88.

Luật pháp quốc tế giới hạn rất ngặt nghèo khái niệm an ninh quốc gia, đó là nhà nước chỉ có thể hạn chế quyền biểu đạt, lập hội và hội họp ôn hòa chỉ khi để “bảo vệ sự tồn vong của quốc gia hoặc sự toàn vẹn của lãnh thổ hoặc sự độc lập về chính trị trước vũ lực hoặc đe dọa vũ lực”.

Theo luật pháp quốc tế, bảo vệ một ý thức hệ nào đó, hoặc một đảng chính trị nào đó, không được coi là bảo vệ an ninh quốc gia, Dự án 88 nêu rõ.

Việc Việt Nam kiểm soát tài trợ nước ngoài cho hoạt động dân sự bằng nhiều rào cản là “đáng lo ngại” theo luật quốc tế. Do đây là nguồn cơ bản, thiết yếu để các tổ chức này hoạt động, giám sát chính phủ và thực hiện các chiến dịch vận động… – nhằm thúc đẩy một Việt Nam phát triển lành mạnh, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Không những thế, Việt Nam còn “hai mặt” khi một mặt cho hay sẽ phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhưng trong CT24 lại đề cập việc chỉ “thí điểm” thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp, bên cạnh đó tiếp tục xây dựng Công đoàn Việt Nam – tổ chức công đoàn cấp quốc gia duy nhất tồn tại ở nước này – “vững mạnh”.

Trong khi Hiến pháp 2013 nêu rõ ràng các tổ chức và thành viên ĐCSVN hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp, thì việc CT24 được xếp dạng “mật” cho thấy không ai bên ngoài tầng lớp lãnh đạo của ĐCSVN được tiếp cận văn bản này. Như vậy, ĐCSVN đã vi phạm Điều 4 Hiến pháp vốn đảm bảo người dân được giám sát các quyết định của đảng.

CT24 cũng vi phạm Điều 25 Hiến pháp vốn đảm bảo công dân có quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin.

Vi phạm điều 5 Hiến pháp về đảm bảo các nhóm người dân tộc thiểu số được giữ gìn bản sắc và văn hóa truyền thống của họ khi thúc đẩy xây dựng một hệ giá trị gia đình Việt, nhằm “đồng hóa” 53 nhóm dân tộc thiểu số của Việt Nam.

Theo phân tích của Dự án 88, nếu được thực hiện, chỉ thị này sẽ dẫn đến vi phạm có hệ thống và nghiêm trọng nhân quyền, bao gồm quyền nhóm họp, tự do ngôn luận, tự do báo chí, và tự do đi lại, giết chết các tổ chức xã hội dân sự.

“Việc ĐCSVN lo sợ sự can thiệp của nước ngoài đã được biết đến từ lâu. Những tuyên bố và hành động trước đây của đảng cho thấy phần lớn sự đàn áp của chính phủ đối với xã hội dân sự đều xuất phát từ mối lo ngại này. Ví dụ, vào năm 2016, ban lãnh đạo đảng đã thông qua Nghị quyết 04-NQ/TW, thể hiện thái độ thù địch với chính khái niệm xã hội dân sự.

Tuy nhiên, điểm mới của CT24 là thay vì chỉ bày tỏ những lo ngại, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã vạch ra một kế hoạch hành động toàn diện để giải quyết chúng bằng cách vi phạm quyền của công dân nước này,” báo cáo của Dự án 88 nêu.

‘Ám ảnh sâu sắc’ của các lãnh đạo Việt Nam

Đại diện các tổ chức xã hội dân sự gặp Tổng thống Mỹ Obama ngày 24/5/2016 tại Hà Nội. Đó được coi là khoảng thời gian xã hội dân sự Việt Nam có không gian hoạt động nhất. Vài năm gần đây, hoạt động của xã hội dân sự tại Việt Nam được cho là bị "bóp nghẹt".
Đại diện các tổ chức xã hội dân sự gặp Tổng thống Mỹ Obama ngày 24/5/2016 tại Hà Nội. Đó được coi là khoảng thời gian xã hội dân sự Việt Nam có không gian hoạt động nhất. Vài năm gần đây, hoạt động của xã hội dân sự tại Việt Nam được cho là bị “bóp nghẹt”. Nguồn: Getty Images

Giáo sư Carl Thayer, người có kinh nghiệm hơn 40 năm nghiên cứu về chính trị, xã hội Việt Nam, nhận định CT24 cho thấy “các nhà lãnh đạo Việt Nam bị ám ảnh sâu sắc bởi việc kiểm soát toàn diện mọi khía cạnh trong quá trình ‘chủ động và tích cực hội nhập’ của Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu”.

“Họ dường như coi bất kỳ sự tương tác kinh tế, chính trị và xã hội nào với các quốc gia, tổ chức và cá nhân nước ngoài đều có khả năng thách thức tính hợp pháp của nhà nước độc đảng và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Phản ứng của họ là tăng cường giám sát, quản lý và đàn áp tất cả những hoạt động mà họ cho là đi ngược lại lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam,” Giáo sư Carl Thayer nói với BBC News Tiếng Việt.

Tuy nhiên, ông Carl Thayer cho rằng chỉ thị này “không báo hiệu một làn sóng đàn áp mới đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự và dân chủ mà chỉ là ‘hoạt động bình thường’, tức là tiếp tục đàn áp bất kỳ hoạt động độc lập nào của các nhóm vận động, xã hội dân sự và các nhà hoạt động dân chủ thách thức quyền lực tuyệt đối của ĐCSVN”.

Vậy tại sao Bộ Chính trị Việt Nam lại cho soạn thảo và phổ biến cho các cấp ủy đảng CSVN chỉ thị này vào thời điểm tháng 7/2023?

Theo phân tích của GS Carl Thayer, Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của ĐCSVN tháng 1/2021 đã đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao, vào năm 2030-2040.

Năm 2023, Việt Nam đã bước vào giai đoạn giữa của hai kỳ đại hội đảng toàn quốc. Nền kinh tế trong nước khi đó đang vật lộn với Covid và lệnh đóng cửa biên giới của Trung Quốc.

Các lãnh đạo Việt Nam khi đó đã quyết định rằng một bước đột phá trong quan hệ với Mỹ và các cường quốc kinh tế khác là “cần thiết” để đạt được mục tiêu đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc 13.

Điều đó dẫn đến việc nâng cấp quan hệ với Mỹ và tiếp theo là một số cường quốc khác.

“Điều đáng chú ý là thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ được ký bởi Tổng Bí thư Trọng chứ không phải Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. CT24 được ban hành bởi bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư ĐCSVN.

“CT24 là phản ứng của ĐCSVN đối với các quan chức đảng và chính phủ phản đối hoặc dè dặt trong việc nâng cấp quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn khác lên tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Tóm lại, quyền lực của Tổng Bí thư được viện dẫn để đảm bảo rằng việc nâng cao quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không làm suy yếu chế độ độc đảng và nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam,” ông Thayer nói.

Phản biện ý kiến này, ông Ben Swanton từ Dự án 88 nói: “Các nhà phân tích cho rằng CT24 không đại diện cho một làn sóng đàn áp mới là do họ đã bỏ lỡ những diễn biến gần đây, bao gồm việc chính phủ hình sự hóa các hoạt động chính sách, buộc phải đóng cửa các tổ chức phi lợi nhuận và những hạn chế cực đoan đối với nguồn tài trợ nước ngoài và việc tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế.”

Ông Swanton ám chỉ việc ít nhất 6 nhà hoạt động môi trường đã bị chính phủ Việt Nam bắt giữ và bỏ tù trong hai năm qua, gây xôn xao dư luận quốc tế.

Đây là lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự – những người lẽ ra đã đóng vai trò giám sát độc lập quá trình Việt Nam loại bỏ điện than, chuyển sang năng lượng sạch trị giá hơn 15 tỷ USD tài trợ từ khối G7 và Liên minh châu Âu.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Theo tôi quan sát kỹ từ gần Nửa Thế kỷ từ Pháp, Ông Tô Lâm là Người làm giỏi thanh lọc bọn siêu tham nhũng tội ác tày trời với Đồng bào và Tổ Quốc như bọn nguyễn xuân fuc*k, võ văn thưởng, vương đình huệ, rồi sẽ tới LÃ thanh hải, …

    Ngay truyền thống Dân chủ Âu-Mỹ lâu đời cũng có 100 NGÀY tuần trang mật với Lãnh đạo Mới
    Chưa bao giờ tôi lại lac quan như thế hôm nay vì Ông Tô Lâm là Người làm giỏi thanh lọc bọn siêu tham nhũng tội ác tày trời với Đồng bào và Tổ Quốc như bọn nguyễn xuân fuc*k, võ văn thưởng, vương đình huệ, rồi sẽ tới LÃ thanh hải, …

    Chúng ta nên tạo VẬN HỘI CƠ HỘI cho Ông TÔ LÂM để Đất Nước chuyển mình cho Ông TÔ LÂM đi tiếp THĂNG LỢI VÔ CÙNG LỚN thanh toán xong bọn thù trong cực kỳ tham nhũng HƠN CẢ siêu vi cúm Tàu tàn phá trên cơ thể Nhân loại trong siêu đại dịch tràn lan Thế giới….
    và Ông TÔ LÂM tiếp tục xứng đáng để chúng ta ỦNG HỘ ĐỒNG LÒNG với Ông TÔ LÂM đưa Việt Nam vào THỜI MỚI Dân chủ Tự do Hòa bình Hạnh phúc và Ông TÔ LÂM lúc đó XỨNG ĐÁNG là Vị Tổng thống Đầu tiên của Việt Nam Cộng Hoà Dân Chủ Tự do Hạnh phúc bớt đổ máu bạo động vì đây là dịp may duy nhất

    Đây là Chính trị THỰC TIỄN hay nhất dù tương đối KHÔNG TUYỆT ĐỐI chỉ tìm trên những tang sách kinh điển chính trị KHÔNG TƯỞNG mà chúng ta cần đi TỪNG BƯỚC MỘT vững chắc VỚI Người có thể tin được như Ông TÔ LÂM ít nhất ra thanh trừng bọn thù trong bảo thủ Đảng trên cả Tổ Quốc Việt Nam và dĩ nhiên bọn này là LÊ CHIÊU THỐNG quá khứ xa và HOÀNG VĂN HOAN hôm qua vô cùng thân Tàu cộng là nước là kẻ thù của Thế giới Văn minh hôm nay

    Chúng ta hãy cùng nhau ủng hộ chân thành và cả xây dựng để Ông TÔ LÂM thực hiện được trở thành Vị Tân Tổng thống trong bầu cử Tự do nếu Ông TÔ LÂM thực hiện được nguyện vong 100.000.000 DÂN VIỆT và Giấc mơ của riêng Ông TÔ LÂM sẽ TRỞ THÀNH bậc Lãnh tụ, vị Chính khách lỗi lạc như PHÁC CHÁNH HY của Nam Hàn, LÝ QUANG DIỆU của Tân Gia Ba và TƯỞNG KINH QUỐC của Đài Loan chưa cả kể đến MINH TRỊ THIÊN HOÀNG của Nhật Bản
    Ông TÔ LÂM đang ở trên ĐIỂM UỐN của đường cong biểu diễn Việt sử và đang nắm cơ hội trong tay THÌ NGAY CẢ trung nam hải & tình báo hoa nam & tập cận bình CÙING cỗ máy chiến tranh Tàu cộng ngày đêm tầm thực xâm chiếm biển đảo ngoài khơi BIỂN ĐÔNG cũng không làm gì nổi

    Quý bạn đọc trên TIẾNG DÂN thấy ý kiến của tôi rất cực kỳ cấp tiến ngay trong đề nghị của tôi Chủ tịch Nước và TBT TÔ LÂM làm Viện trưởng Danh dự Đại học Phan Châu Trinh trực tuyến bên cạnh Chí sĩ Trần Huỳnh Duy Thức và cả Ái nữ của Ông TÔ LÂM làm ủy viên liên lạc với Khối Thịnh vượng chung của ANH QUỐC và Đại học HOA KỲ và sẽ là Tân Viện trưởng đầu tiên của Đại học Phan Châu Trinh và Foundation Phan Châu Trinh & Phan Bội Châu tại Thủ đô Văn hóa Thế giới là Paris theo Luật pháp qui định rõ ràng của Cộng hòa Pháp để từ đây chúng ta có sự hỗ trợ của Trung tâm đầu não UNESCO đặt tại Paris cũng như Trung tâm đầu não La Francophonie Khối Pháp ngử tại đây ủng hộ về mặt Tinh thần lẫn vật chất giúp cho HÀNG CHỤC TRIỆU CÁC CHÁU từ Quê Nhà thiếu thốn NHƯNG hiếu học CÓ CƠ HỘI tiếp thu Khoa học & kỹ thuật MỸ-ÂU ngay tại nhà ngay tại thôn làng các giáo trình trong giảng đường của các Đại học lừng danh MIT, Stanford, Berkeley, Columbia, Oxford , Cambridge bên ANH … dĩ nhiên qua sự hỗ trợ của các vị giáo sư kỹ sư Việt trong và ngoài Quê Hương để các cháu tiếp thu tinh hoa thực sự và có thể đóng góp ngay vào các đề án giúp đồng bào trong xóm làng CHẲNG HẠN như học điện tử và tin học lấy lại các đề án thực dụng mà các sinh viên ẤN ĐỘ áp dụng vào thực tế nông thôn như hình thành thửa ruộng canh tác bằng điện tử và tin học HÓA ….

    Chương trình CHỐNG MÙ CHỮ Tin học và Khoa học & kỹ thuật HIỆN ĐẠI áp dụng trên toàn NƯỚC VIỆT sao cho cụ thể HÀNG CHỤC TRIỆU CÁC CHÁU từ Quê Nhà thiếu thốn NHƯNG hiếu học CÓ CƠ HỘI tiếp thu Khoa học & kỹ thuật MỸ-ÂU ngay tại nhà CÙNG VỚI diễn đàn trên cả NƯỚC giúp các cháu trao đổi tham luận CÙNG NHAU HỌC TẬP trên một đề án CỤ THỂ VÀO sản xuất nông nghiệp hay công nghiệp áp dụng vào xưởng máy chế tạo tại quận huyện tỉnh nhà ….

    HÀNG CHỤC TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  2. Nước yếu thì vua ắt hèn thôi. Mà hèn là hèn với giặc lại rất ác với dân, lịch sử thế giới từ xưa tới nay đều cho thấy rõ điều đó.
    Tự thay đổi, một điều khá hão huyền. Câu chuyện là phải nắm được quyền lực, dựa trên lực lượng vũ trang mà thôi.
    Trường hợp Nga Ngố là nước lớn, khi suy yếu và thay đổi, bọn ngoài muốn nuốt cũng không được, vì miếng to quá so với mồm, chỉ lừa miếng để gặm, rỉa mà thôi. Còn con con như Chiều Nay thì như diều đứt dây ngay.
    Thày trò giữ dịp, được lúc nào hay lúc ấy mà thôi.

  3. Chẳng có ai sẽ cải cách,thay đổi chi cả đâu,chỉ hết sức đơn giản là không ai tự từ bỏ quyền lực mà mình đã phải trải qua biết bn công sức mới giành được

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây