Tiên sư cha cái lưỡi không xương! (Kỳ 2)

Dương Tự Lập

2-9-2024

Tiếp theo kỳ 1

Chú nhà văn Sơn Tùng (Bùi Sơn Tùng), trong ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên, là người bỏ ra nhiều năm nghiên cứu về ông Hồ để rồi nổi tiếng với tác phẩm “Búp Sen Xanh” xuất bản năm 1982. Viết lại quãng thời niên thiếu và tuổi trưởng thành của Hồ Chủ tịch. Chú là bạn thân với cha tôi từ lúc trẻ. Thuở nhỏ, chú theo học ông Tú người làng Quỳnh Đôi.

Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An quê tôi có vua Quang Trung (Hồ Thơm) thơm ngát, đánh tan nát 29 vạn quân Thanh – giặc Tàu. Với lời tuyên thệ của Nguyễn Huệ thâm sâu:

“Đánh cho để dài tóc

Đánh cho để đen răng

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn

Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Nơi đây cũng có Hồ Xuân Hương, hương ngát ngào ngạt thơ Nôm:

“Có phải duyên nhau thì thắm lại

Đừng xanh như lá, bạc như vôi”.

Cũng có kẻ sĩ lãng tử, cử nhân Hồ Sĩ Tạo tài danh, bất đắc chí đành ngậm hờn, có cháu nội chính là Hồ Chí Minh tinh ranh sáng láng và còn bao nhân tài nghĩa hiệp, lẫm liệt oai phong…

Sau này chú Sơn Tùng và cha tôi theo học văn thầy Phan Khắc Khoan, người có mặt trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân. Chú đối với cha mẹ tôi chí tình chí nghĩa. Cuối năm 1971, chú Tùng bị trọng thường, trở ra Bắc, không đòi được nhà cũ ở phố Nam Đồng nữa, đành tá túc nhà tôi mấy năm trời. Thời gian này sức khỏe có khá lên, chú bắt đầu viết sách. Hai cuốn truyện ngắn đầu tay được ấn bản như “Nhớ nguồn”, “Bên khung cửa sổ”… viết ngay bên khung cửa sổ nhà tôi, có kê bàn riêng cho chú làm việc trong khu tập thể Nhà hát Nhân dân, phố Trần Hưng Đạo.

Ảnh: Những tác phẩm của chú nhà văn Sơn Tùng được viết từ nhà bố mẹ tôi. Nguồn: Dương Tự Lập

Chú Hoàng Nhật Tân (Hoàng Thanh Đạm) nhà ở 29 phố Nguyễn Gia Thiều, cũng bạn thân với cha tôi từ thời để chỏm với Phả ký Gia tộc “Thiên Thu Định Luận”, năm 1994 – 1998 viết về cha mình, cố Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan phản Đảng và phe cánh Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, bỏ trốn sang Trung Quốc năm 1979, tị nạn chính trị.

Có đoạn, chú Tân nghi ngờ bản Di chúc một nghìn từ của ông Hồ lúc nhắm mắt để lọt vào tay Lê Duẩn đã bị tẩy xóa mờ ám trước khi công bố cho quốc dân đồng bào (trang 276 – quyển thứ tư). Nghi ngờ của chú Tân không phải không có lý, ngay cả ngày chết của ông Hồ còn bị Đảng dối gian, huống chi bản Di chúc nghìn từ lam nham tẩy xóa.

Ảnh: Trang 276 trong Phả ký “Thiên thu định luận”, Hoàng Nhật Tân nghi ngờ bản Di chúc của Hồ Chủ tịch đã bị Lê Duẩn tẩy xóa. Nguồn: Dương Tự Lập

Bụng không hề chủ định, nhưng năm 1978, tôi có người thân trong Đà Lạt ra chơi, cứ nằng nặc đòi tôi dẫn vào Lăng thăm ông cụ. Đợt này, đúng lúc tôi cầm giấy nghĩa vụ lên đường đánh quân Trung Quốc rắp tâm cưỡng chiếm biên cương, gieo rắc tai ương cho muôn dân nước Việt. Tôi đành đưa người thân cùng vào coi ông Hồ nằm đấy nhưng chắc ông không thấy tôi. Cũng như khi xưa, mẹ bế tôi trên tay đi đón Sukarno, có thể lúc ấy ông thấy tôi mà tôi bé tí tẹo nên chưa biết ông.

Miệng tôi lẩm bẩm, xin lỗi vong linh ông, cháu thề sẽ quyết một trận sống mái với kẻ thù phương Bắc lần này, dù phải xóa đi hàng chữ Hán ông từng viết đẹp để tặng lão Mao Chủ tịch còn lưu ở Quảng Châu ngày cháu chưa ra đời “Việt Trung hữu nghị/ Vạn cổ trường thanh“. Cháu tin ông viết chữ Hán, chữ Trung Quốc đẹp hơn ông viết chữ Quốc ngữ, chữ của mẹ đẻ nước Việt Nam thương yêu.

Dù cùng thế hệ, nhưng tôi có may mắn hơn bao nhiêu người lớn lên cùng thời với tôi, thường gọi là “thời đại Hồ Chí Minh quang vinh”. Ông nằm phơi xác giữa lăng Ba Đình – Hà Nội từ đó đến nay ngót năm mươi năm (1975) tổn hao biết bao kinh phí quốc gia, mà nguồn vốn bị rút ra từ các khoản thuế của người dân Việt Nam lam lũ, nghèo đói, điều mà trước lúc nhắm mắt, có lẽ ông Hồ không mong muốn. Chính những loại học trò xuất sắc do ông đào tạo đã phản bội lời di chúc của ông!

Giật mình trước những chuyện xàm sư Hoàng Chí Bảo chắp nhặt, vá víu, kể về cuộc đời Hồ Chủ tịch, khẳng định “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng” không phải của Hồ Chủ tịch, mà sản phẩm này là của các vị Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam hồi đó nghĩ ra?!

Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tôi chưa từng được nghe ai nói như vậy, mà tôi chưa nghe thì chắc chắn thế hệ bạn đồng tuế còn sống với tôi cũng chưa được nghe như tôi.

Như vậy, trong chuyện này, hoặc xàm sư Bảo hoặc ông Hồ Chủ tịch, phải có một kẻ dối trá bịa đặt. “Năm điều bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng” ra đời từ năm 1961, tới năm 1969 ông Hồ mới chết. Nghĩa là ông Hồ còn sống trên đời tới tám năm sau, lẽ nào ông ốm đau mê sảng đến độ không biết?

Có thể nào đây lại là chuyện cợt nhả với lãnh tụ nữa, nhất là với người đã tắt thở hơn nửa thế kỷ trước?! Đề nghị Bộ Công an vào cuộc, truy tìm đích thị kẻ nào dám liều lĩnh, dựa danh uy, nhét vào mồm ông Hồ kính yêu tuột trơn 5 điều trên dạy thiếu niên nhi đồng hơn nửa thế kỷ qua, làm cho người dân bây giờ tỏ ra nghi ngờ tất cả những lời dạy bảo, những điều giáo huấn trước đây, mang tiếng của ông Hồ Chủ tịch, nhưng chắc gì đã phải của ông ta?

Thót tim khi nghe xàm sư Bảo kể, hồi anh Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chủ tịch lúc trẻ, còn nghèo khổ, náu thân ở ngõ Compoint, thủ đô Paris, Pháp quốc, đã liều lĩnh lừa nhà tư sản Pháp đến thuê anh Nguyễn viết chữ Hán, chép thơ Đường, thơ Tống, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, lên bình đồ gốm giả mà ông này kinh doanh. Anh Nguyễn nhận lời, viết nhăng viết cuội lên đó, để rồi có được khoản tiền hậu hĩnh. Phát hiện biết mình bị lừa, ông tư sản kia báo công an tới nhà tìm bắt anh Nguyễn, thì anh Nguyễn láu cá đã đánh bài chuồn thuồn luồn trước đó, biệt tích tăm hơi.

Xàm sư Bảo khẳng định: “Đây là chuyện may sao khi Bác sống ta còn kịp hỏi Bác mà Bác thừa nhận là đúng”!? Chỗ này tôi tin lời xàm sư Bảo. Lòng ngán ngẩm than ôi! Đành ngửa mặt ngó chín tầng mây thảng thốt kêu Trời!!! Đồ lừa đảo, tởm lợm, sao có thể khốn nạn đến vậy?

***

Trước giờ phút Hồ Chủ tịch lìa xa cõi đời năm 1969, ông ước ao “Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế/ Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ“. Như vậy, phải mãi tới hai chục năm sau khi ông Hồ mất, qua nhạc sĩ Trần Hoàn chúng tôi mới biết thêm chi tiết (qua nhạc phẩm “Lời Bác dặn trước lúc ra đi”, năm 1989). Thế nhưng, xàm sư Bảo khinh khi, không coi ai ra gì, nay bịa thêm vào:

– Các chiến sĩ nghe lời nạt của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng lâu năm của Bác, vội lao nhanh ra vườn, leo cây hái hai trái dừa mang vào cho bác uống, mặc dù sợ Bác bị tràng dịch màng phổi. Quan trọng hơn bởi trong nước dừa kia có hình bóng mẹ Hoàng Thị Loan của Bác mất ở Huế. Có hương thơm, hình dáng người con gái Bác yêu Lê Thị Huệ đang tu ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Có hình bóng người cha, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy mất ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Bác mất đúng 9 giờ sáng, còn 47 phút lẻ vì các bác sĩ vẫn cố hà hơi tiếp sức cứu sống nhưng không được. Thế là ngoài kia (?) đã có sẵn hương trầm, trong này bên giường Bác mọi người (ta phải hiểu mọi người ở đây là các học trò xuất sắc do Người đào tạo) khoác tay nhau hát vang bài ca (Kết đoàn?).

Lại bịa, có lẽ chỉ có bọn thần kinh mới reo mừng ôm nhau hát bên xác người vừa chết bài “kết đoàn”? Có là lũ phản động mới chuẩn bị sẵn hương trầm ngoài kia, thầm mong người mau chết, kết nối khói hương?

Thời 1965, chiến tranh nổ ra trên bầu trời miền Bắc. Rời Hà Nội về vùng thôn quê sơ tán, hầu như nhà nào cũng nuôi chó và học nhau gọi tên chó là Giôn xơn (Lyndon B. Johnson, Tổng thống Mỹ). Sau này gọi chó là Ních xơn (Richard Nixon, Tổng thống Mỹ). Tuyên giáo chui cả vào đầu óc người nông dân sớm thế đấy. Tôi thấy trong buồng gia đình những ai có ông bà già tuổi 80, đều đóng sẵn cỗ quan tài, gọi là hậu sự, có nhà còn lấy cỗ “hậu sự” đó đựng thóc lúa ngô khoai hay vài ba ký sắn. Chuyện này thì có, chứ không ai chuẩn bị cho người sắp chết hương trầm và hát bài “Kết đoàn” như xàm sư Bảo lầm rầm kể lể.

Xàm sư Bảo còn lý giải hết sức hàm hồ, bậy bạ, về bài thơ “Tân xuất ngục học đăng sơn”- 1943 (Mới ra tù tập leo núi). Bài thơ này không có trong tập “Nhật ký trong tù”, sau mới được bổ sung vào, tròn số 135 bài. “Nhật ký trong tù” được Xàm-Ngáo sư-Hoàng Chí Bảo phồng mồm trợn má đánh giá quyển thơ như một áng “Thiên cổ hùng văn” của dân tộc:

Vân ủng trùng sơn sơn ủng vân

Giang tâm như kính tịnh vô trần

Bồi hồi độc bộ Tây Phong Lĩnh

Giao vọng Nam thiên ức cố nhân

Mây ôm núi núi ôm mây/ Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng/ Bùi ngùi dạo đỉnh Tây Phong/ Trông về cố quốc chạnh lòng nhớ ai“. Bản dịch của T. Lan, in trong tập “Vừa đi đường vừa kể chuyện”.

Đơn giản chỉ là bài thơ ngẫu hứng, nó vụt đến một cách rất tự nhiên trong khi tác giả đang tập leo núi cho chân tay cứng cáp mới ra tù, xàm sư Bảo suy diễn ngữ nghĩa uẩn khúc của chữ núi mây tượng trưng cho đôi nam nữ, cho chàng và cho nàng, cho anh và cho em. Xàm Bảo khẳng định chắc nịch, rằng ý trong thơ Bác muốn nhắn cho Lê Thị Huệ (Út Huệ), nhằm gửi gắm tâm sự của mình đến cố nhân (người tình xưa).

Không biết xàm sư Bảo còn moi ở đâu ra tình tiết đôi trẻ anh Ba và Út Huệ chưa hề thề non hẹn biển nhưng từ lâu đã rất yêu nhau. Cái buổi chiều anh Ba – Nguyễn Tất Thành trong giờ phút chia tay chuẩn bị rời tàu ở bến Nhà Rồng – Sài Gòn kín đáo rút ra một bọc lụa đỏ trong có gói chiếc lược đã cũ trao cho Út Huệ. Đó là chiếc lược mà thân mẫu Hoàng Thị Loan vẫn dùng hằng ngày đến tận khi mất… Anh Ba trao cho người thương của mình chiếc lược ấy như một vật đính ước, hẹn mai ngày trở về, nếu còn sống sẽ tìm đến nhau…

Với cái đà nhàn cư vi bất thiện, ngâm cứu khoét sâu, bới xấu đời tư anh Ba – Hồ Chí Minh kiểu này thì có ngày ta lại được nghe xàm sư Bảo tiết lộ ngoài chiếc lược, anh Ba vẫn còn chuyện bí mật động trời dở hơi nữa, bây giờ mới kể, sau cái lược anh tặng thêm Út Huệ cái áo nịt ngực của mẹ mình cho người tình yêu dấu, mặc để nhớ…

Cái lưỡi xàm sư Bảo leo lẻo, cái tay Bảo khua lên uốn éo, cái mặt Bảo lắc lư oặt ẹo, cái mồm Bảo điêu ngoa tru tréo: Bác Hồ của chúng ta biết thành thạo làm chủ 29 thứ tiếng Ngoại ngữ! (Nhưng xàm sư Bảo không nói rõ 29 ngoại ngữ nước đó là nước nào!). Tiếp đoàn nước nào Bác ta nói tiếng nước đấy, không cần phải phiên dịch. Nhiều khi phải dùng phiên dịch cho đúng nghi lễ ngoại giao thôi, có đồng chí dịch vã mồ hôi bác thương quá, bảo, thôi thì để Bác vừa nghe vừa tự dịch.

Ngoài ra, Bác ta còn biết cả tiếng các dân tộc thiểu số Việt Bắc như Thái, Tày, Nùng, Mường, Mán, Mèo, lộn tùng phèo một cục… Đến thăm Trung Quốc rộng lớn, mỗi vùng miền một thứ tiếng khác nhau; tới Quảng Đông, Bác nói tiếng Quảng Đông; ghé Quảng Tây, Bác nói tiếng Quảng Tây; nghĩa là Bác phang tuốt luốt!

Tại sao một tinh tú, một vĩ nhân, một con người làm rạng danh nước Việt như thế mà ông Nhà nước bỏ lỡ cơ hội không đề nghị UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc đưa Bác ta vào Sách Kỷ lục Guinness thế giới về Ngoại ngữ?

Đến nước này tôi không thể nhịn được nữa, quyết tìm cho ra bằng được cái lưỡi nào nịnh xàm như Bảo:

Vẫn chuyện Trung Hoa, Hòa Thân là một trọng thần dưới triều vua Càn Long thứ 15 (năm 1750). Ông được biết đến như là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Tương truyền, có lần Càn Long hỏi Hòa Thân:

– Khanh là trung thần hay gian thần?

Hòa Thân đáp:

– Thần không phải trung thần, cũng không phải gian thần. Thần là nịnh thần.

Vua Càn Long hỏi tại sao, Hòa Thân lại tiếp tục đáp:

– Trung thần rồi cũng sẽ bị giết. Gian thần càng bị giết nhanh. Chỉ có nịnh thần là sống lâu nhất”!

Chỗ này xàm sư Bảo của chúng ta có phần giông giống đấy. Nhưng ở một buổi nói chuyện khác, xàm sư Bảo ngoa ngôn lộng ngữ:

– Phriđơrich Ăngghen (Friedrich Engels) nhà lý luận chính trị, một triết gia và khoa học người Đức thế kỷ 19, người cùng với Các Mác (Karl Marx) đã sáng lập phát triển Chủ nghĩa Cộng sản, cùng Mác tham gia viết “Tư bản luận” là bộ sách vĩ đại nhất? Ăngghen đứng hàng đầu thế giới, làm chủ 35 thứ tiếng ngoại ngữ? (ý muốn nói Bác Hồ biết 29 thứ tiếng còn ít chăng?).

Cái này mà dân Đức nghe được chắc phải bỏ của chạy lấy người. Thế giới hiểu được chắc nín cười chứ không lại bị đánh gẫy mười cái răng.

Xàm-Ngáo sư Bảo nói dài, nói dai, nói sai, nói dại:

– Bác Hồ có đức tin của Chúa, có cái tâm của Phật, có cái nhìn rất thật, rất tinh. Bác Hồ nhìn ra người tài nên đã thuyết phục kỹ sư Trần Đại Nghĩa rời Pháp năm 1946, bỏ mức lương một tháng 6000 (sáu ngàn) lạng vàng (?) để về nước theo Bác kháng chiến không có đồng lương nào.

Xàm sư Bảo dựa vào đâu mà nói khống lên điêu ngoa vậy? Hơn 70 năm trôi qua với hàng trăm lần tiền trượt giá, hỏi hôm nay Pháp có trả nổi khoản tiền vẫn giá cũ vậy chăng? Dân xứ gà trống Gô-loa có biết chuyện này không nhỉ?

Rồi chuyện bác Hồ nhìn ra Nguyễn Văn Bảy, quê Đồng Tháp, mới học đến lớp 3 vì nhà nghèo. Bác gọi tới nói chuyện rồi cho đi học phi công. Bác cho anh Bảy học phổ thông cấp tốc 7 ngày lên 7 lớp, từ lớp 3 tới lớp 10 (tiêu chuẩn 10/10 cao nhất hệ phổ thông hồi ấy). Anh Bảy rất thông minh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngày Bác mất anh Bảy bay lượn vòng vo, vĩnh biệt Bác trong nước mắt âu lo.

Chuyện sau đây, xàm sư Bảo không nói, nhưng tôi thấy báo Đảng còn ca ngợi thêm Nguyễn Văn Bảy: Máy bay anh Bảy bị địch bắn thủng, anh dùng một tay bịt lỗ, tay kia vẫn cầm lái chiến đấu tiếp và chiến thắng. Có lần anh cho máy bay của mình “núp vào trong đám mây” chờ giặc bay tới vụt đạn liền, chiến thắng. Anh Bảy bắn nát bảy máy bay Mỹ, Bác Hồ lệnh cho anh Bảy nghỉ để giữ an toàn người chiến thắng.

Còn kiểu kể chuyện như thế này của xàm sư Bảo, có nhặt cả ngày cũng không hết:

– Các đồng chí biết không, bác Hồ của chúng ta là người rất bình dân, lại rất lạc quan, nên ăn nói bình dân lắm, đến ngồi *a trong tù Bác cũng có thơ: “Ngồi trên hố xí đợi ngày mai”.

– Có anh lính trẻ thèm thuốc lá quá chờ Bác hút nửa điếu mới dám xin Bác. Bác bảo, chú mày khôn thế, người ta có câu: “Gái một con, thuốc ngon nửa điếu”.

– Bà Nguyễn Thị Thanh, chị cả, nghe tin em làm Chủ tịch nước ra thăm, chưa tin vạch tai em thấy vết sẹo thì mừng rỡ nhận ra, vì lúc nhỏ Bác Hồ thích câu cá nên một lần bị lưỡi câu móc vào tai rách thành sẹo.

– Bà Thanh về, đến lượt ông Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai ra thăm, hỏi em: “Anh đã vậy liệu chú cũng ở vậy sao?” – Ý nói, ông Hồ chẳng nhẽ không lấy vợ. Hồ trả lời: “Đã tu tu chót qua thì thì thôi”.

– Bác ta hỏi một cán bộ: Chú có nói được Ngoại ngữ không? Cháu nói được tiếng Liên Xô ạ. Bác khen “mát”: Chú nói được 15 thứ tiếng cơ à? Ý Bác bảo, Liên Xô có 15 quốc gia, vậy anh này chỉ nói có một thứ tiếng Nga thôi.

– Bác Hồ thường nói: “Nét chữ là nết người” – Nói vậy thì gay đấy Bảo ạ. Nếu Bảo lấy Di chúc viết tay của Bác, Bảo nói sao về nết Bác mình?

Nhặt ra thì bạt ngàn chuyện đếm không kể xiết…

Xàm sư Bảo kể: Năm 1960 (đúng ra, năm 1961 – Bảo nhớ nhầm) lần đầu tiên Bác Hồ tới thăm Huyện đảo Cô Tô vùng biển Đông Bắc Tổ Quốc. Bác nói chuyện mọi người không hiểu, Bác ngớ ra, ngồi nghe đây toàn người Hoa, thế là Bác chuyển ngữ sang tiếng Trung Quốc ngay, mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Sau đó, ta đề nghị Bác cho dựng tượng Bác nơi đây, không ngờ Bác đồng ý ngay. Bác đồng ý bởi Bác muốn khẳng định với Trung Quốc đây thuộc hòn đảo chủ quyền đất đai Việt Nam.

Xàm sư Bảo giải thích như vậy. À, thì ra trên 63 tỉnh, thành phố Việt Nam đua nhau dựng tượng bác nghìn nghìn tỉ, với lý do khẳng định chủ quyền nước ta với Trung Quốc! Đơn giản như vậy mà chúng ta cứ thắc mắc, đổ cho chính quyền hút máu dân, dựng tượng Bác! Bác Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ngày xưa dở ẹc, sao không nghĩ được như Bác Hồ của ông xàm sư Bảo mà dựng tượng mình trên đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để bây giờ đỡ cãi vã nhau với thằng Tầu khựa?!

Xàm sư bảo: Nói về ngày tháng năm sinh, Bác bảo cũng không rõ lắm, chỉ nhớ bên ngoại nói, Bác sinh vào mùa sen năm 1891? Thế mà ta cứ lấy ngày 19-5-1890 làm ngày sinh, là cắm hoa sen, hoa huệ. Phòng Bác, vườn Bác, chỗ nào cũng huệ với sen là vì Bác nhớ Út Huệ, người yêu xưa.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

7 BÌNH LUẬN

  1. Ấy vậy mà các cơ quan nhà nước, các hội thảo khoa học gì đấy phải bỏ ra cả đống tiền thuế của dân để thỉnh xàm GS về thuyết giảng, khoác lác về bác của bọn họ mà cả đám cứ giương mắt há mỏ nuốt từng lời!!! Thế mới biết tuyên truyền của CS tai hại dường nào, còn nhiều lắm những kẻ u mê cho đến chết như “đồng chí” Lê đình Kình ở Đồng Tâm!!!

  2. Không biết tôi có nhớ nhầm hay không về cuốn “ Búp sen xanh “ của NV Sơn Tùng. Vào lần xuất bản đầu tiên cuốn sách này đã bị dừng phát hành . Trên báo Nhân dân lúc đó đã có một bài phê phán gay gắt nội dung cuốn sách này. Bài báo cho rằng tình tiết lãnh tụ Hồ Chí Minh thời trẻ có người yêu là bịa đặt . Bởi theo suy luận của tác giả bài báo và có lẽ cũng là chủ chương của bộ máy tuyên truyền là Bác Hồ cả cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc mất đi đã toàn tâm toàn ý hy sinh tất cả việc riêng tư để hiến dâng cho đất nước và nhân dân . Thì làm gì có thời gian đâu mà nghĩ đến việc yêu đương trai gái này nọ .
    Sau này tự nhiên thấy cuốn sách được lưu hành và được bộ máy truyền truyền ca ngợi thì thấy làm lạ . Cũng có lẽ thời thế thay đổi nên tuyên giáo muốn vẽ một hình ảnh HCM khác đi cho phù hợp . Nên cuốn sách mới có cơ hội đến với người đọc VN!

  3. Bài mở đầu, tác giả mở đầu bằng dòng chữ (nguyên văn):
    Xàm nhân Dương Tự Lập khấu đầu xin khẩu chiến với xàm sư Hoàng Chí Bảo.
    Lễ phép có thừa ở hai chữ “khấu đầu”.

    Đối phương chưa mở miệng thì tác giả đã khai khẩu bằng cách “chửi trước”.
    Đó là cái tên bài (nguyên văn): TIÊN SƯ CHA CÁI LƯỠI KHÔNG XƯƠNG (!).
    Đấu khẩu kiểu này thật quá hiếm.

    Bạn đọc chưa kịp đợi phản ứng của đối phương (và liệu đối phương có đọc bài của tác giả hay không, để mà lên tiếng hay im lặng) thì tác giả đã “TIÊN SƯ CHA CÁI LƯỠI KHÔNG XƯƠNG” lần 2.
    Và cuối lần 2, lại còn chú thích “còn nữa”.

    BBT TiengDan nên có quy định về bài vở gửi đăng. Đây chỉ là ý kiến riêng.

  4. Bọn ấy thì lưỡi không xương rồi.
    Câu chuyện là, Donald John Trump hay Chúa Trời chọn người người Do Thái có phải giống vậy không.
    Chờ xem.

  5. Đúng là cái lưỡi của bọn vc sau tháng 4/1975 dân miền nam đã biết rùi! không đợi đến bây giờ mới nói!

    • Bác vẫn giữ nhận định cũ với nick nào của mình ? Và nhận định “cũ” này có liên quan gì tới những nhận định “cũ” hơn của nick đó không ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây