Tiên sư cha cái lưỡi không xương! (Kỳ 1)

Dương Tự Lập

31-8-2024

(Xàm nhân Dương Tự Lập khấu đầu xin khẩu chiến với xàm sư Hoàng Chí Bảo)

Mỗi lần lão ta được mời đến bất cứ nơi nào trên mọi miền đất nước, từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ; cho tới Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… tới đâu lão ấy cũng được giới thiệu đại loại như thế này:

– Hôm nay chúng ta vinh dự được đón tiếp giáo sư, tiến sĩ triết học Hoàng Chí Bảo, diễn giả nổi tiếng, một gương mặt khả kính, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà giáo ưu tú… đến nói chuyện chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trân trọng kính mời giáo sư…

Tất nhiên tiếng vỗ tay ào ào, chứ mà không vỗ tay có là bọn người tượng.

Hỏi dăm đứa bạn tôi có biết ông ta không? Anh bạn Khánh “còi” nhà ở phố Khâm Thiên, tính nóng như lửa, anh quạt lại:

– Mày tưởng đùa hả, mỗi lần nơi nào mời được thằng cha Tuyên giáo ấy đến nói chuyện đâu phải dễ, sùi cả bọt mép, chưa kể chi phí ăn uống, xa thì máy bay, gần thì ô tô đón đưa, rồi tiền lót tay nói chuyện xong cũng bay tong năm, bẩy “củ”, “khẳm” lắm đấy. Cả tháng lương mày làm bục mặt chắc đã bằng.

– Năm, bẩy “củ” là bao nhiêu?

– Là năm, bẩy triệu, tiền đút trong phong bì dúi túi quần lão chứ còn bao nhiêu, như thế không gọi là “khẳm”, là đầy, thì mầy ngớ ngẩn thật. Đ.M, giải thể cái bọn Tuyên giáo này thì chúng nó về nhà biết làm đ*o gì? Vợ nhờ đóng cái đinh quai guốc cho vợ đi chắc cũng không xong – Khánh làu bàu chửi trong miệng.

Cái lưỡi lắt léo, lươn lẹo, lèo lá, lật lọng, lố lăng, lê la, lấp liếm của Bảo Giáo sư buộc tôi phải trầm tư, rồi tầm thư truy sử. Để so cái lưỡi lão ta na ná cái lưỡi nổi tiếng nào của tiền nhân đã qua mà sao lão quá trớn ba hoa đến vậy. Nước ta thì chưa có ai như lão nên tôi đành đáo tới Trung Hoa đại lục.

Lật tìm lại tích xưa của xứ sở Trung Quốc đại Hán, từng có Tô Tần và Trương Nghi là những bậc thuyết khách nhân kiệt. Với ba tấc lưỡi của mình, họ đã làm nên danh tiếng của một thời Chiến Quốc lẫy lừng. Chuyện rằng:

Chiêu Dương có công lớn nên được Sở Uy Vương ban cho Ngọc bích là báu vật của Sở. Trong một dịp tiệc đãi môn khách, Chiêu Dương đem ngọc ra khoe. Môn khách chen lấn nhau xem, hỗn loạn không biết viên ngọc rơi vào tay ai. Chiêu Dương ngờ Trương Nghi là người nghèo nhất trong số môn khách giấu trộm nên ông ta đem ra treo lên xà nhà dùng roi tra khảo nhưng Trương Nghi quyết không nhận tội.

Sau đó thấy Trương Nghi bất động, tưởng chết, mới kêu người bê xác bỏ bên vệ cỏ. Mễ Nha Đầu đi dạo, nhìn thấy Trương Nghi đang nằm bẹp dí ở mép hồ thì lay Trương Nghi mấy lay. Trương Nghi tỉnh lại và hỏi mỹ nữ Mễ Nha Đầu:

– Nhìn xem lưỡi ta còn không?

Mễ Nha Đầu cười và nói:

– Lưỡi còn.

Trương Nghi bảo:

– Vậy thì tốt.

Ý Trương Nghi muốn nói chỉ cần có cái lưỡi như thế để nuôi chí lập nghiệp, từ con đường đi du thuyết và tự tin vào năng khiếu nói của mình. Về sau cả Trương Nghi lẫn Tô Tần đều trở thành tể tướng. Thế mà nhà sử học Tư Mã Thiên khi hạ bút chẳng hề khen, lại còn phán:

– “Cả hai người ấy đều là những kẻ gian trá, nguy hiểm làm sao!”

Cái lưỡi giáo sư Hoàng Chí Bảo nội lực chưởng công chưa thâm hậu đủ tầm thượng thừa như hai kẻ trên. Có lẽ gọi ông ta là “Ngáo sư” hay “Xàm sư” thì chuẩn hơn vì ngờ ông ta giống bao kẻ đê tiện khác, như bọn rơm rác Thích Chân Quang (Vương Tấn Việt) bỏ tiền mua bằng của trường Đại học Đông Đô hay Đại học Luật Hà Nội không chừng.

***

Quãng thời gian hơn năm mươi năm trước, tôi vào học trường phổ thông cấp 1 – 2 Trưng Vương, Hà Nội. Đơn giản tên trường ngày ấy chỉ ghi vậy, là trường có tuổi đời lâu nhất trong khối Trung học Cơ sở thành phố hôm nay. Trường nằm ở góc ngã tư phố Lý Thường Kiệt – Hàng Bài.

Khi đó chiến tranh thiếu thốn đủ đường nên trường phải chia ba ca học sáng, trưa, chiều. Thiếu thốn gì thì thiếu thốn, chứ chuyện kể về “Bác Hồ kính yêu” đối với thế hệ tôi và trường tôi nói riêng, phải công nhận là dư thừa, vô tận bởi “Người” lúc còn sống có những năm lần tới thăm trường này (nhiều hơn tất cả các trường khác), là năm 1946, 1954, 1956, 1958 và 1961. Câu chuyện này luôn được thầy cô đem ra xào xáo, kể lại cho chúng tôi nghe mỗi dịp khai trường, mỗi kỳ cắm trại, mỗi lễ hội trọng đại như thành lập Đội, Đoàn, Đảng, với niềm tự hào xúc động khôn phai.

Trường còn có phòng truyền thống treo mấy bức tranh, ảnh đen trắng, ngày ông Hồ đến thăm. Ngoài ra còn có hơn chục đầu sách khác nhau, đã sờn gáy, nhàu trang của nhà xuất bản Kim Đồng với nhiều tác giả, viết những mẩu chuyện ngắn kể về cuộc đời ông Hồ. Lúc bấy giờ sách khan hiếm, ăn còn chưa đủ mà có được như vậy là sự cố gắng của Ban Giám hiệu nhà trường lắm rồi. Tranh thủ phút nghỉ giải lao ra chơi, chúng tôi nhào vào đó, giành nhau từng cuốn, đọc khơi khơi ngấu nghiến.

Trừ cổng trường phụ nằm phía phố Hàng Bài nhìn sang bên kia rạp chiếu phim Kim Đồng thì không nói. Còn hai cổng chính ở phố Lý Thường Kiệt có hai tấm biển bằng đá, gắn trước cổng, khắc chìm lời dạy của ông Hồ. Cổng thứ nhất tính từ Hàng Bài ngược xuống đường Nam Bộ, khắc dòng chữ:

Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

(Trích “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” của ông Hồ, ngày 15/9/1945).

Cổng thứ hai khắc “Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng”, được cho là ông Hồ viết ngày 15/5/1961:

1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
2. Học tập tốt, lao động tốt
3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
4. Giữ gì vệ sinh thật tốt
5. Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm

Thời đó những câu dăn dạy để đời của “Người” (Hồ Chủ tịch) như thế này thường được in đi in lại trên sách báo, được viết treo trên tường trong trường học nếu như không có điều kiện khắc lên đá như trường tôi. Rủi ra kẻ nào lỡ miệng mà bảo câu này không phải của bác Hồ nói thì đời tan, thân tàn ma dại, rũ tù, liệt bại thanh danh.

Đến nay thế hệ tôi ngày ấy phiêu bạt mọi phương trời, người về cát bụi hỡi ơi, kẻ sống trên đời vất vưởng chơi vơi. Lòng bồi hồi tưởng nhớ: “Còn bao nhiêu chưa được ngủ trong nôi/ Miền Bắc thiên đường của các con tôi” – Trích “Bài ca mùa xuân 1961” của Tố Hữu.

Rồi được nhồi, được nhét, được học, được đọc bốc phét rặt thơ Tố Hữu tụng ca ông Hồ: “Nhớ đôi dép cũ nặng công ơn/ Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Rồi những lời nhả châu phun ngọc, từ ông Hồ: “Đau khổ chi bằng mất tự do/ Đến buồn đi ỉa cũng không cho“… thì chúng tôi nhớ mãi, ai nấy đều khắc cốt ghi xương, quyết lấy đó làm gương học tập.

Tôi chuẩn bị vào học lớp bốn, cái tuổi mà chuyện gì xảy ra cũng không sao quên được. Năm ấy, ngày khai trường đầu tháng chín ảm đạm, âm u. Hà Nội lo lắng lu bù nước dâng cao, đê sông Hồng dễ vỡ lắm ru. Số học sinh theo gia đình đi sơ tán tránh bom đạn không trung chưa kịp về cuối thu. Cô Thuyên, Hiệu trưởng, nước mắt lưng tròng nói, khóc hu hu. Cầm tờ báo Nhân Dân trên tay run run đọc tin buồn, buồn như ruồi bu:

– “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa, Người mất lúc 9 giờ 47 phút ngày 3/9/1969” cách đây hai ngày…

Lúc đó cô không biết mình và học sinh thân yêu của mình, cùng nhân dân cả nước đã bị lừa. Hai mươi năm sau, dịp Quốc khánh năm 1989, Đảng Cộng sản Việt Nam công bố, cải chính trên báo Nhân Dân, khẳng định lại cái chết của ông Hồ đúng ngày 2/9/1969, nhằm ngày 21/7 âm lịch năm Kỷ Dậu, hưởng thọ 79 tuổi. Một chuyện lịch sử thế mà họ nỡ đem ra làm trò đùa, dối trá với cả dân tộc Việt Nam, như ngải bùa thuốc lú.

Trở lại chuyện ông Hồ mất, mỗi trường học chỉ được phép chọn ra một lớp điển hình thay mặt trường đi dự lễ tang ông Hồ. Theo lời cô Hiệu trưởng giải thích, thì các trường học cùng các dân tộc, cơ quan, đoàn thể, nhà máy, xí nghiệp, quân đội, công an… trên toàn miền Bắc hôm đó đổ về Ba Đình – Hà Nội đông lắm.

Đặc biệt, riêng trường tôi được hưởng quyền ưu tiên cử đi hai lớp, một lớp bốn cuối cấp I là lớp tôi và một lớp bảy cuối cấp II. Sĩ số lớp có 45, duy chỉ có tôi chưa được vào Đội, lẽ ra không được đi. Chắc thương tình, cô giáo Vinh Chủ nhiệm, nhà ở 94 Trần Hưng Đạo, cạnh ngõ Vạn Kiếp, lên văn phòng cầm chiếc khăn quàng đỏ tươi rói, xuống đeo vào cổ tôi, rồi nhỏ nhẹ trước lớp:

– Từ hôm nay bạn ấy (là tôi) trở thành Đội viên mới, thế hệ cháu Bác Hồ kính yêu, chúng ta mừng cho bạn.

Cô nói, nhưng tất cả im lặng, không ai vỗ tay. Không ai được vỗ tay chính vì tin buồn sáng nay. “Cháu buốt ở trong tim này/ Chỗ đeo tang suốt đêm ngày, Bác ơi!” Bạn vàng thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, bên lưu vực sông Kinh Thầy, khóc lóc thảm thiết, thay cho lũ tôi rồi.

Mấy ngày sau, chúng tôi có mặt ở vườn hoa Canh Nông, trên phố Điện Biên Phủ, nơi mọi người có mặt, đông nghịt. Chỗ đấy lúc bấy giờ chưa xuất hiện tượng Lenin, mãi thời gian lâu mới chợt thấy Sau này, dân mình có hai câu thơ: “Ông Lenin ở nước Nga/ Cớ sao đứng trấn vườn hoa xứ mình“.

Chi đội trưởng Kim Thoa, mặt tròn như cái bát, nên thường gọi Thoa “bát”, mặt “bát Thoa” hôm nay buồn rười rượi, xách túi vải mầu mận chín đi phát từng người băng tang nửa đen nửa đỏ, nho nhỏ xinh xinh, nhinh nhỉnh hơn huy hiệu cài ngực của các vị nghị biểu gật của Đảng ta. Mây xám xịt, lòng lặng thinh, lúc sầm trời khi mưa rơi, càng về trưa càng nồng nặc mùi mồ hôi người chua chua bay tỏa.

Chẳng ai còn hơi đâu mà bụng dạ để kinh, mọi người chỉ toàn lực toàn tâm âm thầm nức nở, lắng nghe từ tiếng loa phát lời Tổng Bí thư Lê Duẩn, với giọng miền Trung rưng rưng thút thít, thay mặt đọc điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóc Hồ Chí Minh vương vít. Có tới năm, sáu lần nghe “Vĩnh biệt Người chúng ta thề”, nhưng chúng tôi biết gì đâu, cũng giơ tay thề theo kiểu Mao ít.

Nghĩ lại ngày ấy ông Nhà nước ta sai sai thế nào ý. Đáng lẽ chỉ nên phân công Lê Duẩn làm anh Trưởng ban tang lễ, chuyên nghề đọc điếu văn cho các lão “mấy trụ” và Bộ Chính trị khi họ bị tai biến, lăn đùng ngã ngửa ra chết, là chuẩn, chỉn chu, không chê vào đâu được.

Tôi dự tang lễ ông Hồ về, mẹ tôi kể, ngày tôi còn đỏ hỏn, bà bế tôi trên tay đi đón Sukarno – Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia sang thăm Việt Nam. Ông Hồ ra tận sân bay Gia Lâm đón. Người dân đứng hai bên đường cờ hoa đông nghịt. Đấy là lần duy nhất mẹ được nhìn thấy ông Hồ.

Hồ Chủ tịch đón tiếp Tổng thống Sukarno của Indonesia ở Hà Nội ngày 24-6-1959. Nguồn: ĐSQ VN tại Jakarta

Giữa tháng 9 năm 1973, trường tôi lại được đi đón ông Fidel Castro – Chủ tịch Cuba, bốc đồng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình“, lần đầu thăm Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Rừng người, rừng cờ đổ hết xuống đường Đinh Tiên Hoàng.

Trước đó, dân ùa ra đông quá nên Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông Fidel phải rời xe ô tô, đi bộ từ chân cầu Long Biên về Nhà khách Bắc Bộ phủ ở phố Ngô Quyền. Về nhà, tôi kể cho mẹ tôi nghe, bà bảo cũng chỉ đông bằng hồi đón Sukarno thôi. Như vậy trước và sau, hai ông này chưa thấy ông, bà Chủ tịch hay Tổng thống, nguyên thủ quốc gia nào tới Hà Nội mà dân đi đón đông như thế.

Gần đây, nghe nói Chính phủ đón Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đáp xuống Hà Nội giữa đêm hôm khuy khoắt như loài cú vọ, thế thì chỉ ma với khỉ đón. Có thể người dân đang say giấc ngủ để ngày mai còn lo kiếm miếng ăn bỏ mồm. Có thể dân sợ vì Tòa án Quốc tế đã ra trát đòi bắt Putin phạm tội ác chiến tranh. Đúng hơn là vì cha này ngập sâu trong nhơ nhuốc, cưỡng chiếm tàn phá Ukraine, muốn lôi kéo thêm đồng minh, nên hèn hạ xuống nước, mọp gối ủng hộ Trung Quốc ăn cướp vùng biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam cai quản. Khác nào lão ta vả vào mặt mấy tay lãnh đạo nhà mình. Khinh!

(Còn tiếp)

Đính chính: Một bức ảnh lúc đầu chúng tôi đăng kèm trong bài này với dòng chú thích: “Ông Hồ tiếp đón Tổng thống Sukarno năm 1959. Nguồn: AP”, thật ra đó là bức ảnh Tổng thống Sukarno tiếp ông Hồ ở Jakarta tháng 3 năm 1959, trong đó ông Hồ là khách, Tổng thống Sukarno là chủ nhà.

Chúng tôi đã thay bức ảnh khác, đó là ảnh ông Hồ đón tiếp Tổng thống Sukarno của Indonesia tại Hà Nội ngày 24-6-1959. Bức ảnh này do ĐSQ VN tại Jakarta đăng. Chúng tôi cáo lỗi cùng quý bạn đọc Tiếng Dân, cũng như cảm ơn bạn đọc D.X.T đã gửi thư góp ý.

Bình Luận từ Facebook

11 BÌNH LUẬN

  1. Thân thăm Nhà thơ DƯƠNG TỰ LẬP …

    Đan Mạch bọn hoàng chí bảo, xuân fuc*k xúc f..ân ….

    QUÊ HƯƠNG VẪN THẾ
    Thơ Dương Tự Lập

    (Vỡ òa tết đến xuân không về trên quê hương)

    Ba mươi năm mới trở về
    Quê hương vẫn thế vấn đề gì đâu
    Vẫn đồng ruộng, vẫn con trâu
    Bác nông dân vẫn đi sau cái cày
    Bao nhiêu năm vẫn thế này
    Bên đường vẫn cứ hàng cây thuở nào
    Vẫn còn đây đó cầu ao
    Vẫn loa đầu xóm phong trào đang lên
    Vẫn còn thôn dưới làng trên
    Vẫn còn họp tổ những đêm cuối tuần
    Vẫn còn đâu đó ngoài sân
    Tiếng con chó sủa bước chân lạ người
    Vẫn còn trong trẻo tiếng cười
    Mấy cô thiếu nữ ghép người uyên ương
    Mẹ già gầy tóc ngả sương
    Vẫn ngồi bán bánh cổng trường lắt lay
    Ông chủ tịch xã hôm nay
    Vẫn con chủ tịch của ngày xa xưa
    Cái ông đắp ruộng cày bừa
    Vẫn con ông lão ngày xưa canh đồng

    Đêm quê thổn thức bâng khuâng
    Vẫn như xưa thế vẫn không vấn đề
    Ba mươi năm mới trở về
    Quê hương vẫn thế vấn đề gì đâu

    Munich – Germany
    Xuân con lợn, 2019
    Dương Tự Lập

    Con đường đi lên xã hội chủ nghĩa.
    ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

    (Rượu vào lời ra)

    Xã hội chủ nghĩa là gì?
    Một khi đã hỏi hai khi trả lời:
    – Xã hội chủ nghĩa xa vời
    Sẽ đưa ta đến cõi trời thần tiên
    Xã hội chủ nghĩa vô biên
    Dân ta đi mãi thành điên thành khùng
    Xã hội chủ nghĩa mịt mùng
    Dân ta lếch thếch vẫn lùng nhùng đi
    Xã hội chủ nghĩa là chi?
    Đảng mà đã quyết một đi… không về ???.

    Munich – Germany
    Xuân con lợn, 2019

    Dương Tự Lập

  2. Cái bức thư Hồ gửi học sinh ngay sau cách mạng tháng 8 (mà tác giả nêu trong bài viết của mình) nó đã làm hại tác giả đến mức nào mà tác giả căm ghét, thù hận đến như vậy?.

  3. Tôi hoàn toàn tán thành với một bình luận đã được admin duyệt đăng.
    Đó là: Thừa nhận bài viết của tác giả này thể hiện rất đạt lòng căm thù ngùn ngụt của tác giả với 2 nhân vật: Hồ và người kể chuyện Hồ.
    Tôi chỉ bỏ thêm một phiếu chứ không vi phạm gì về quy định bình luận của TiengDan

    • Bỏ phiếu cho chính mình tới 2 lần! Cộng Sản nổi tiếng gian lận phiếu

      Tớ thì đồng ý với dangian, cho rằng Đảng nói “học & làm theo”, nhưng hoàn toàn làm ngược lại tất cả

      Nhắc lại 1 ý khá khách quan, không thích những thái độ cực đoan về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhứt là từ những con cháu Cách Mạng vừa bị muỗi tẩy não

  4. Theo lô dít của Thái Hạo, sự khác nhau giữa Dương Tự Lập & Giáo sư Hoàng Chí Bảo chỉ là tiểu tiết . Sự khác nhau đó có thể có ít to ra xít, lộn, xít ra to ở bằng cấp, qua sự chê bai bằng cấp của Thích Chân Quang ta đó chính là Trí Quang . Gs Hoàng Chí Bảo có bằng cấp cao & xa hơn Dương Tự Lập

    Chỉ nên nhớ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt Sáu Dân trong lòng dân tụi bay, lộn, các bác, lý lịch ghi vỏn vẹn “biết đọc, biết viết” thôi đấy . Chủ tịch Hồ Chí Minh có bằng cử nhân hóa học, có thể xem là “trí thức” thời đó

  5. Hiếm có người nào có thể sánh với tác giả bài này về lòng căm hờn Hồ Chí Minh và người ca ngợi Hồ Chí Minh.

  6. Nhìn ảnh chụp thì thấy hình như TT. Sukarno không mấy tôn trọng HCM. khi ông
    ta đeo kính mát với vẻ tự tin đến ngạo mạn, trái với sự vồn vã của họ Hồ ?

  7. Đọc xong đoạn này , cảm giác tác giả là người có hận thù sâu sắc với chế độ chính trị VN và với Hồ Chí Minh . Như thế này e quá đáng chăng ? Đối với HCT , không chỉ người dân VN mà người dân một số nước ngoài cũng kính trọng nhân cách cao đẹp của Người . Đường lối chủ trương chính sách của nhà nước có một số sai lầm. Một số quan chức nhà nước tham ô, hủ hóa, suy vi .. Đó là sự thật . Nhưng không vì thế mà thóa mạ hình tượng vĩ đại của Hồ Chủ Tịch . Tác giả bài này chắc chỉ hơn 60 tuổi , sinh ra là lớn lên ở giữa thủ đô Hà Nội nhưng đã sớm bất mãn với chế độ , với cuộc đời như vậy là đáng buuồn ,đáng tiệc.l

  8. Lúc nào, báo, đài cũng hô hào, rồi bắt mọi cán bộ, công chức “học tập và làm theo. . .”. Mà, thật ra, thằng nào cũng nói cho sướng cái mồm, cho vui cái mõm, chứ thằng nào cũng cười thầm trong bụng, học cái con khỉ, làm theo cái con vượn.
    Bởi, học đâu quên đó, làm đâu be bét đó . Chỉ có đếm tiền là giỏi, rồi sau đó, thằng nào vận đỏ thi hạ cánh an toàn, thằng nào vận đen thì bóc lịch vài năm. Học tập tốt và lao động tốt, nên được về trước thời hạn để hưởng vinh hoa, phú quý . Chẳng có gì mà thiệt . Cứ vơ vét cho cạn kiệt cái đât nước xác xơ này. Một thằng ( đã rụng cánh ) còn tuyên bố, tiền trong dân còn nhiều.
    Mẹ ơi, nghe nó nói mà lộn cả ruột gan lên đầu . Tiền trong dân nếu có, thì cũng do mồ hôi , nước mắt người ta tạo ra chứ có phải của ông nội chúng nó để lại ?!
    Anh giáo xư xàm HCB, sao không thấy đăng kí dự thi
    “Kể chuyện bác Hồ” của một tỉnh đồng bằng sông CL tổ chức nhỉ ? Nếu có thi, hẳn là giáo xư sẽ đạt giải nhất/ giá một triệu đồng.
    Một người già trước khi chết, gọi con cái vào hỏi :- Rắng ta còn không ? – Thưa không ạ. / – Lưỡi ta còn không ? Thưa , còn ạ .
    Người già bảo, răng cứng nên mất, lưỡi mềm nên còn .
    ( Chắc ông ấy, muốn nói với con cái hãy dùng cái lưỡi uốn éo, luồn lách để mà tồn tại . Đứa nào giỏi hơn , nên đi làm tuyên giáo hoặc ngoại giao) .

  9. Thừa nhận bài viết của tác giả này thể hiện tốt lòng căm thù ngùn ngụt 2 nhân vật: Hồ và người kể chuyện Hồ.
    Tôi đọc và viết ra cảm nghị thật của mình

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây