Viên cảnh sát chóp bu loại bỏ các đối thủ trên đường tiến bước

Asia Sentinel

Tác giả: David Brown

Song Phan chuyển ngữ

27-8-2024

Tóm tắt: Giờ đây, khi đang ở đỉnh cao nhất, hồ sơ bẩn của Tô Lâm có thể giữ ông ta ở đó.

Trong nhiều tháng, rõ ràng là ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo tối cao của Việt Nam không khỏe mạnh như thường lệ. Ông Trọng từng sống sót sau một cơn đột quỵ hồi năm 2019 rồi sau đó tiếp tục cầm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách là lãnh đạo Đảng CSVN.

Sức khỏe của ông [Trọng] dường như đã chuyển biến xấu hồi mùa đông năm ngoái. Ông đã được đưa đến một phòng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Viện Quân y 108) ở Hà Nội và hiếm khi được nhìn thấy trong các dịp lễ lạt của nhà nước. Trong khi đó, dường như bị tê liệt do không chắc chắn, các quan chức cấp cao của đảng và chính phủ đã thận trọng thực hiện nhiệm vụ của mình.

Có một ngoại lệ, rõ ràng nhất khi nhìn lại: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm có ý định loại bỏ hết mọi đối thủ có thể để ông ta tiếp bước ông Trọng, trở thành Tổng Bí thư, đứng đầu đảng. Trong những tháng gần đây, các nhà quan sát Việt Nam thường nhắc đến việc Bộ trưởng Lâm chỉ đạo lập hồ sơ có đủ các chi tiết về hành vi nhám nhúa của các quan chức cấp cao của đảng và chính phủ. Ông được cho là đã triển khai đầy đủ bằng chứng chi tiết về các hành động bất chính của hai phó thủ tướng, của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, và sau đó, trong năm nay, của Võ Văn Thưởng, người kế nhiệm ông Phúc, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, để lần lượt chuyển cho ông Trọng.

Vị Tổng bí thư già yếu này được cho là đã hy vọng rằng một trong hai người nêu tên sau cùng ở trên, Thưởng và Huệ, sẽ là người kế nhiệm ông, đứng đầu Đảng CSVN. Tuy nhiên, theo một kịch bản quen thuộc, cả hai đều chọn cách từ chức, thay vì phải đối mặt với cáo buộc có hành vi không chính đáng. Do đó, khi ông Trọng mất ngày 19 tháng 7, Bộ trưởng Tô Lâm đã có vị thế độc nhất để giành quyền lãnh đạo Đảng. Tham vọng của ông được thúc đẩy bởi việc nắm được “hồ sơ bẩn” của 200 uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đảng và được chuẩn y bằng phiếu bầu của họ tại một cuộc họp bất thường vào ngày 3 tháng 8. Chức vụ của ông Lâm trong tư cách là tổng bí thư mới của đảng sau đó đã được củng cố bằng cuộc bỏ phiếu của các ủy viên Trung ương để đưa một số đàn em cũ, cấp dưới của Lâm ở Bộ Công an vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (phải) phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 3/8/2024. Nguồn: AFP via Asia Sentinel

Có vẻ – và ở đây chúng ta đang phân tích những mẩu vụn – trật tự chính trị mới, bận tâm với cái được gọi là “cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực… không ngừng nghỉ, không có ngoại lệ bất kể người đó là ai” sẽ chỉ là ý định thứ yếu đối với nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam.

Lực lượng lao động của Việt Nam vẫn còn tương đối trẻ và các doanh nghiệp công nghệ cao ở Hoa Kỳ và các quốc gia tiên tiến khác đang háo hức tìm các cơ hội lớn, thuê người ngoài nước để tăng trưởng. Theo quan điểm của một nhà phân tích, cho rằng, phương thuốc tốt nhất cho nạn tham nhũng tràn lan là trả lương xứng đáng cho các viên chức chính phủ và khen thưởng sáng kiến ​​của công ty, thì có vẻ như những lợi ích mà nền kinh tế Việt Nam có thể đạt được trong những năm quan trọng sắp tới sẽ không phải nhờ vào chiến dịch chống tham nhũng không hồi kết, mà là bất chấp chiến dịch đó.

Lấy ví dụ về sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam, mà tôi theo dõi với sự quan tâm đáng kể. Chỉ vài năm trước, khá hợp lý khi tin rằng với sự hậu thuẫn từ đầu tư của các nước phương Tây, Việt Nam có thể chuyển đổi gọn gàng từ sự phụ thuộc vào than, sang khai thác nguồn năng lượng gió và mặt trời dồi dào của mình. Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít lý do để lạc quan như vậy.

Người Việt Nam đã phải đánh vật để đồng ý về Kế hoạch Thực hiện Quy hoạch Điện 8 (PDP-8). Các cựu quan chức Bộ Năng lượng và các đồng minh của họ tại các công ty độc quyền than, khí đốt và dầu mỏ quốc gia đã kéo lê việc thực hiện quy hoạch này. Những người cải cách trong chính phủ đã nhờ đến sự giúp đỡ của các cố vấn bên ngoài, đáng chú ý là những người ủng hộ trong nước đối với các nguồn điện ‘xanh’ và mở rộng ra là các cộng sự nước ngoài.

Đến cuối năm 2022, mọi thứ dường như đang đi vào nề nếp. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu với khán giả toàn cầu tại COP 26 rằng, Việt Nam sẽ đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Một nhóm các quốc gia phương Tây được tổ chức dưới tên Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) hứa sẽ huy động 15,5 tỷ Mỹ kim, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi, để trợ giúp các dự án năng lượng sạch ở Việt Nam.

Năm 2023, mọi thứ tan vỡ. PDP-8 đã được phê duyệt nhưng những người ủng hộ nhiên liệu hóa thạch vẫn điều hành Bộ Năng lượng. Công an Việt Nam đã tìm ra cớ để bắt giữ các lãnh đạo của Green ID và các nhóm ủng hộ năng lượng tái tạo, những chuyên gia đã thành công trong vận động thủ tướng, cùng các cộng sự chủ chốt. Cuối cùng thì Việt Nam có thể sẽ đạt được lực kéo trong quá trình chuyển đổi theo kế hoạch, sang các nguồn năng lượng carbon thấp, nhưng theo hình thức hiện tại, đó sẽ là một sự tiến triển được quản lý bởi các đảng viên có ít kinh nghiệm triển khai các công nghệ năng lượng mới.

Tóm lại, chúng ta có thể lưu ý rằng, Nguyễn Tấn Dũng, gốc là công an và là nhà hoạt động đảng và sau đó là Thủ tướng từ năm 2006 đến năm 2016, đã nổi bật tại một cuộc họp mặt những cựu quan chức cấp cao do Tô Lâm tổ chức chỉ vài ngày sau khi Tô Lâm được xác nhận là lãnh đạo đảng mới. Là Thủ tướng, bản năng của Dũng là kinh doanh; như nhà phân tích David Hutt giải thích gần đây, Dũng tin rằng “đảng có thể hạn chế quyền lực của khu vực [kinh tế] tư nhân hiệu quả nhất bằng cách bắt tay với nó… Các doanh nhân và ông trùm sẽ cần đến đảng để tiếp cận đất đai, ký kết hợp đồng và giành được các phán quyết có lợi từ tòa án“.

Đó là sự mô tả khá chính xác về cách làm mọi thứ để được giải quyết ở Việt Nam; điểm khác biệt duy nhất là sau năm 2016, khi Tô Lâm làm tốt hơn Dũng trong một cuộc tranh giành khốc liệt để giành quyền lãnh đạo đảng, khi sự thông đồng giữa khu vực [kinh tế] tư nhân và các quan chức bị lộ ra, điều này là cơ sở để trừng phạt, bãi chức và đôi khi là bỏ tù các quan chức.

Không giống như Tổng Bí thư Trọng nhưng lại rất giống với Dũng, không có dấu hiệu nào cho thấy Tô Lâm sẽ sử dụng hệ tư tưởng để thúc đẩy cán bộ đảng và đánh giá sự xứng hợp trong đề bạt. Lâm là một “viên chức an ninh có ảnh hưởng” và là một người thực dụng, dễ dàng tiếp cận hồ sơ của mọi ngôi sao đang lên trong đảng. Với hình thức hiện tại, việc ông tái đắc cử làm tổng bí thư đảng sẽ là điều chắc chắn trước tháng 1 năm 2026, khi khoảng 2.000 đại biểu sẽ họp tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 để hoan hô sự lãnh đạo của ông.

__________

David Brown là cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ, có nhiều kinh nghiệm về Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và trong lĩnh vực điều phối chính sách năng lượng. Ông là cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây