Dưới bàn tay vô hình

Tạ Duy Anh

1-7-2021

{Vụ việc quân nhân Trần Đức Đô, 19 tuổi, bất ngờ treo cổ tử vong khi đang huấn luyện tại Trường Quân sự Quân khu 1, Thái Nguyên với nhiều vết thương, bầm tím trên người, chiều 30-6-2021, Bộ Quốc phòng đã có thông tin ban đầu chính thức.

Bộ Quốc phòng cho biết các cơ quan chức năng Quân đội đang điều tra nguyên nhân cái chết (mà trong dư luận cho là còn có ‘khuất tất’, nhiều điểm chưa rõ ràng) của quân nhân nghĩa vụ Trần Đức Đô ở Trường Quân sự Quân khu 1, BQP.

Như Sputnik đã đưa tin, vụ việc quân nhân nghĩa vụ Trần Đức Đô, sinh 2002, quê Từ Sơn, Bắc Ninh, tự nguyện nhập ngũ đầu năm 2021, bất ngờ được phát hiện chết trong tư thế treo cổ khi đang tham gia huấn luyện tại Trường Quân sự Quân khu 1, Bộ Quốc phòng gây rúng động dư luận.

Trao đổi với báo chí sáng 30- 6- 2021, Trung tướng Dương Văn Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1, khẳng định Quân khu 1 cùng Bộ Quốc phòng đang điều tra nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô}.

***

Xin có vài lời với Thượng tướng Phan Văn Giang:

Tôi hy vọng ông sẽ làm đến nơi đến chốn vụ quân nhân Trần Đức Đô bị chết đầy khuất tất và đang khiến cả xã hội hoang mang. Tôi từng là nạn nhân của hiện tượng quân phiệt, vì thế tôi chia sẻ nỗi phẫn nộ không giới hạn của thân nhân chiến sỹ Trần Đức Đô và dư luận. Đoạn trích dưới đây chỉ là phần nhỏ về vụ tôi bị đánh đập tàn nhẫn. Cái kết của nó là, nhờ sự can thiệp của báo “Chiến sỹ Tây Bắc”, những kẻ tra tấn tôi đều nhận một mức kỉ luật ‘tượng trưng” nào đó. Nhưng với tôi thì quan trọng nhất không phải là trả thù, mà là công lý được thực thi.

Chúc ngài Thượng tướng khỏe và mong ngài đừng dập tắt hy vọng của hàng triệu người.

Nhà văn Tạ Duy Anh

Tôi – Tạ Duy Anh – đã từng bị đồng đội tra tấn gần chết

Hôm đó là ngày 13- 8 năm 1985, gần tròn 6 tháng tôi khoác áo lính và đang đồn trú tại một phố nhỏ của thị xã Lào Cai đã bị bỏ hoang sau cuộc chiến ngắn ngủi nhưng tàn khốc năm 1979. Nấu xong chảo cơm cho hơn một trăm người ăn, rang nhanh khoảng 2 kg muối trắng, tôi bảo với Minh, người Hà Nam Ninh (tên tỉnh lúc ấy) nhập ngũ năm 1983 và cùng làm anh nuôi với tôi, nhờ cậu ấy chia cơm giúp. Vừa hay đúng lúc tiểu đoàn trưởng Phạm Lâm Hồng từ nhà chỉ huy đi xuống đường, gần nơi tôi đứng. Tôi bèn tiện thể báo cáo và xin phép ông cho tôi ra tiểu đoàn huấn luyện chơi và có lẽ sẽ ăn cơm tối với Phạm Văn Chiến ở đó. Chiến cùng công tác với tôi ở Trung tâm thí nghiệm, công trình thủy điện Hòa Bình và cùng nhập ngũ. Tiểu đoàn trưởng gật đầu, nheo nheo mắt bảo: “Đừng có về khuya quá nhé”.

Sau khi cơm no, đáng lẽ hết ấm trà pha kênh nắp, là chúng tôi ra về. Nhưng gần đến lúc đứng dậy thì Chiến bỗng như nhớ ra, reo lên: “A, bọn mày chưa về được, xuống nhà chị em “Bò Ma” (biệt danh lính đặt cho hai chị em tên là Bình và Minh) ăn mít đã. Lúc chiều nó hẹn tao

Từ chỗ Chiến, để đến được nhà chị em Bò Ma, chúng tôi phải đi hàng một, bám vai nhau xuống một cái dốc mà đường chỉ vừa đặt bàn chân. Đã thế lại ngoằn ngoèo, lồi lõm. Trời miền núi vào những ngày nhiều mây, không có trăng nên cực kỳ tối. Chúng tôi có cảm giác đêm đang quánh lại xung quanh mình. Cây cối rậm rạp nên chúng tôi đi rất chậm. Cuối cùng chúng tôi cũng xuống được chỗ đất bằng phẳng, cảm giác thấy rất rõ lớp cỏ khá dày và êm dưới đế giầy của mình. Ánh đèn le lói, tiếng chó sủa, tiếng băm chặt đâu đó…cùng với mùi thơm của hành mỡ thật ấm lòng bởi nó gợi cảnh gia đình. Trước chiến tranh có lẽ làng xóm, phố xá ở khu vực này cũng sầm uất lắm… Tôi chỉ vừa kịp nghĩ thế và Chiến hay Tâm hay ai đó cũng vừa khẽ kêu lên thích thú khi nghe tiếng nước chảy ngay bên trong một bụi cây, thì thấy ánh đèn pin, loại nối thêm ống để tăng độ sáng, loé lên chĩa thẳng về phía chúng tôi.

Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì tôi nghe tiếng quát đanh và nặng nề: “Đứng lại!” Ba bốn người đã ở ngay bên cạnh, trước mặt chúng tôi nhưng không thằng nào trong chúng tôi nhìn rõ họ là ai. Sau đó đèn pin quét một lượt xuống phía dưới, từ chân lên đầu cả bốn chúng tôi. Nhờ ánh phản quang mà tôi nhận ra trước mặt chúng tôi có ba người. Hai người mặc áo lính, thắt bao da, đeo súng AK, đầu đội mũ sắt sơn trắng, có mấy chữ cái mầu đỏ nhưng tôi không nhìn rõ, trông rất đáng gờm. Người còn lại, chính là người cầm đèn pin. Trong ánh sáng hắt ngược lại của đèn pin, tôi nhận ra người này đội mũ lưỡi trai mềm, mặc áo sỹ quan, thấp hơn, có vẻ cứng tuổi. Trong hai người đội mũ sơn trắng thì một rất cao to, da như mầu đồng hun, mặt hình quả dưa, miệng thu lại y như miệng con rắn hổ mang, tướng mạo cực kỳ dữ dằn. Phải so sánh ngược lại, tức con rắn hổ mang giống anh ta mới đúng! Ống quần anh ta thắt lại ở phía cổ chân, để lộ ra một đôi Côsơgin đen và to. Sau này tôi biết tên anh ta là Bùi Văn Nhừn, người Mường, quê ở Lạc Thuỷ (Hà Sơn Bình lúc ấy), nhập ngũ tháng 3- 1983, làm vệ binh trung đoàn. Người thứ hai nhỏ hơn, mặt trắng trẻo và cũng bớt dữ dằn hơn, sau này tôi biết tên là Bùi Văn Tiển, cũng người Mường, cùng quê và cùng nhập ngũ, cùng làm vệ binh trung đoàn như Nhừn. Còn người mặc áo sỹ quan, như sau này tôi biết, là Nguyễn Văn Định, biệt danh Định Mắm, quê ở huyện Bảo Thắng, Lao Cai. Cũng sau này tôi mới biết, Định Mắm được coi là một trong bốn con hổ ăn thịt người dữ nhất của trung đoàn 254…Còn khi ông ta soi đèn pin vào mặt từng đứa chúng tôi, thì trong khoảng mấy giây tôi lại nghĩ mình đang gặp thám báo Trung Quốc. Có thể lắm chứ! Đường biên chỉ cách chỗ chúng tôi chưa đầy một km. Khi còn ở bên ngoài, tôi nghe những chuyện kể về thám báo Tầu rất rùng rợn. Chúng không chỉ nhiều mưu mô, tàn ác, thâm độc mà còn táo tợn, gỏi võ thuật và tinh quái. Nếu đúng là thám báo Tầu thì sẽ phải làm gì đây? Tôi chưa nghĩ ra. Tôi đang tính toán trong đầu cho tình huống ấy. Tôi có lẽ đã làm động tác huých tay cho Chiến nhưng cậu ta không nhận được tín hiệu. Thì cũng vừa lúc gã chỉ huy lần lượt chĩa thẳng đèn pin sáng chói vào mặt từng đứa chúng tôi. Đầu tiên là Chiến. Chiến vội đứng nghiêm, hai tay nép vào chỉ quần như quy định, tín hiệu cho thấy cậu ta đang chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện:

– Mày ở đơn vị nào?

Chiến run run đáp:

– Thưa thủ trưởng, em ở tiểu đoàn huấn luyện.

Đèn pin chĩa vào mặt Tâm:

– Mày ở đơn vị nào?

– Dạ, thưa- giọng Tâm còn run hơn- dạ, em ở tiểu đoàn bộ tiểu đoàn Bảy…

Đèn pin chĩa vào cậu lính đi cùng:

– Mày ở đơn vị nào?

Cậu lính cũng run run trả lời, cho thấy cậu ta rất biết lỗi.

– …Còn thằng này, mày ở đơn vị nào?

Đèn pin chĩa vào mặt tôi. Sau này tôi cứ băn khoăn tự hỏi tại sao mình lại là người bị hỏi cuối cùng mặc dù tôi đứng ở giữa.

Vốn là lính già, từng công tác ở cơ quan gần chục năm, lại có tính ngang tàng, nên tôi không thể quỵ lụy làm như ba đứa kia. Tôi mới chỉ vừa nói trọn vẹn từ “Tôi…” thì Định Mắm tức khắc ra đòn. Bị chói mắt nên tôi đương nhiên là không kịp có bất cứ động tác tự vệ nào. Tôi chỉ thấy một vầng pháo sáng bung lên ngay trước mắt mình. Trong vòng hàng chục giây tôi không ý thức cụ thể về bất cứ điều gì.

Nhiều năm sau tôi vẫn ghi dấu cảm giác mặt mình bị lệch sang một bên sau cú vả trái cực mạnh, đúng tầm của một gã võ biền luôn thích thú với việc đánh người. Tôi không hề có cảm giác đau mà chỉ thấy man mát, nhồn nhột, hơi tưng tức như bị ai đắp thêm đất dẻo vào một bên má! Sự thật thì nó cũng khá thú vị! Tôi cảm nhận rất rõ hình như mặt mình đang phồng lên từ từ và cũng từ từ chảy xệ về một bên. Đúng hơn, nó như bị nung chảy rồi bị bóp méo. Không phải cứ muốn mà có được cái cảm giác ấy đâu nhé! Ngay lúc đó tôi đã nghĩ: “Nếu anh ta không làm một cú tương tự như vậy nhưng theo chiều ngược lại, thì mặt mình sẽ lệch vĩnh viễn mất”. (Và đúng là phải gần nửa năm sau tôi mới thấy mặt mình bình thường trở lại).

Tiếp theo đó là cú đá kẻ một vệt thẳng tắp từ háng tới cằm tôi nhưng chỉ sướt bên ngoài quần áo, cũng xứng đáng để coi là ngoạn mục.

Một cú đá mang tính hạ sát! Sau này tôi ngẫm lại và tin rằng vào thời điểm đó có bàn tay vô hình nào đấy đẩy nhẹ chân gã miệng rắn ra, khiến cữ chân của hắn không còn chuẩn như khi hắn đá hàng trăm người khác. Bởi chỉ cần cú đá ăn sâu chút nữa, khoảng vài cm thôi, thì cả hạ bộ của tôi đã bị bóc gọn cùng với cái cằm và chóp mũi. Hình như tôi có “a” lên một tiếng, người hơi ngửa ra phía sau. Chính cái tiếng “a” bản năng ấy lại là liều thuốc kích thích cơn say máu của kẻ đi săn. Nhừn lập tức lao vào tôi bằng một cú tạt cực mạnh khiến tôi hoa mắt và mất cân bằng. Bên này, Tiển kịp thời bồi thêm một phát báng súng. Thế là tôi lại ở tư thế nghiêm!

Tất cả diễn ra ngay trước mắt ba thằng đồng đội đi cùng đang run cầm cập vì sợ.

Không hiểu sao, dù lẻo khoẻo như bộ gọng nhưng tôi vẫn quyết không đo ván trước những cú đòn của mấy gã võ biền cao to. Có lẽ linh cảm riêng thấy điều gì, hoặc cũng có thể thấy đấm đá chúng tôi ở đó không tiện, Định Mắm ra lệnh đưa chúng tôi về đồn.

Bốn chúng tôi thành hàng một, bập bõm bước phía trước, y như lũ tù binh bị áp giải. Ở phía sau, hai khẩu AK thúc hai bên, ánh đèn loang loáng. Định Mắm bước khệnh khạng theo kiểu quan lớn, như là mọi quyền lực, trong đó có cả quyền làm thịt chúng tôi, đang trong tay ông ta. Ông ta cho thấy có thể lột da, quay chả chúng tôi, tuỳ thích. Dọc đường về trạm gác trung đoàn, khoảng gần 1km, Nhừn và Tiển không ngớt bảo: “Về đồn rồi ông cho mày ăn cháo đĩa”.

Những lời ấy nhằm vào riêng tôi. Tôi biết vậy nhưng cũng chưa tìm ra cách chống lại. Tôi đã kịp thuộc vài từ lóng của lính để biết cháo đĩa là gì nên hiểu sự nghiêm trọng của lời đe doạ ấy. Ăn cháo đĩa có nghĩa là phải bò ra đất, dùng mồm vục vào đĩa cháo, tợp từng miếng như chó ăn. Chỉ những người liệt cả tứ chi mới phải ăn như vậy vì không còn sức cầm nổi bát đũa. Nhưng tôi, một tấc sắt không có trong tay, lại thuộc diện trói gà không chặt, đành phó mặc cho số phận.

Trời vẫn tối đen như mực nên tôi không nhìn rõ những người, về nguyên tắc là đồng đội, lầm lỳ ra đón chúng tôi ở cổng Trung đoàn bộ, góp thêm những câu chửi tục tĩu và thích thú. Trông họ giống như bầy linh cẩu đánh hơi thấy con mồi do đồng bọn săn được, đang ở đoạn cùng đường chờ bị cắn xé. Cả bốn chúng tôi bị đẩy về phía chiếc hầm được tạo nên bằng cách chôn một cái boong- ke sắt xuống đất. Chính xác thì nó là bồn đựng xăng lấy ra từ chiếc xe hỏng nào đó. Thông thường nó dùng làm hầm giam thám báo hoặc bọn lính vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm. Giờ thì chúng tôi sẽ bị tống xuống đó.

Nhừn và Tiển cùng vài người nữa mà tôi không có cơ hội biết mặt biết tên, bắt chúng tôi đứng dàn hàng ngang. Chúng tách tôi ra rồi “hỏi cung” vài câu. Thấy tôi vẫn xưng “tôi” một cách cứng rắn, Nhừn gầm lên: “Hỏi làm gì, tẩn cho nó nát nhừ đi”. Dứt lời, anh ta tông thẳng một phát báng súng vào ngực tôi khiến tôi bật ngửa ra sau. Ở phía sau đã có sẵn một vệ binh khác dùng chân đạp cho tôi bật trở lại. Tôi cố lấy thăng bằng để lát sau lại đứng vững và bỗng thấy mình có khả năng chịu được tra tấn. Lúc đầu quả tình tôi cũng thấy hơi sợ. Khi ba bốn bóng đen cứ lượn xung quanh và không ngớt phóng ra hàng loạt cú đấm loang loáng, khó mà không hoang mang. Có thể tôi sẽ vĩnh viễn bỏ xác lại nơi hoang lạnh này, trong đêm tối mịt mùng và sẽ bị làm cho vô tăm tích. Một kết cục như vậy khó mà không khiến tinh thần hoang mang. Đúng là tôi có thấy ớn lạnh khắp cơ thể. Nhưng bỗng nỗi sợ tan biến mất, khiến tôi bình tĩnh trở lại, thậm chí còn có phần cao ngạo. Cứ coi như mình đang chiến đấu chống lại quỷ sứ đi!

Trong khi tôi nghĩ như vậy thì có thêm khoảng 4- 5 cú đấm đạp và báng súng nữa giáng thẳng vào tôi. Lần này thì Tiển hay ai đó rít lên: “Mày quỳ xuống thì chúng tao tha mạng, bằng không có về được nhà cũng thành tật”. Đứng chứng kiến tôi bị đánh, cả Chiến, Tâm và cậu lính Hà Nội đều run rẩy lo tôi không chịu được. Vào thời điểm đó tôi chỉ có 45 kg cả quần áo, có tiền sử đau dạ dầy và đang bị nghi là viêm cầu thận. Người tôi mảnh khảnh như sắp gẫy thành mấy khúc. Vì thế hình như Tâm thì thầm bảo tôi xin chúng nó một câu. Nhưng thay vì làm theo, tôi cười khẩy và đáp gọn lỏn: “Có con buồi tao đây này”.

Cả mấy tay vệ binh đều không tin vào tai mình. Vì thế khi họ nghe rõ tôi nói đúng như vậy thì có đứa cảm thấy chùn tay. Riêng Nhừn và Tiển lại tiếp tục lao vào. Tôi bị chúng đè xuống đất, y như đè một cái bao tải lép. Chúng thọc tay vào ngực tôi như muốn moi ra bằng hết từng dẻ xương. Chúng vo tròn tôi như vo cái hình nộm bằng vải vụn. Sau đó chúng kêu lên như hứng chí bởi thấy máu con mồi, bẻ gập cổ tôi về phía ngực, đầu gối tì vào phần bụng dưới. Bầy linh cẩu khi cùng xâu xé một con mồi, cũng kêu y như vậy. Vừa khoái trá vừa đầy mùi chết chóc! Sau đó tôi thấy những cú đấm lại liên tiếp giáng xuống, kèm theo những tiếng rít: “Đ. mẹ mày, chết đi này, đ. mẹ mày chết đi! Đ. mẹ mày, chết đi!” Đấm chán, chúng dùng chân di lên ngực tôi, chắc muốn tôi nát bét dưới chân chúng.

Nhưng tôi tin rằng có đấng Thần Phật nào đó đã che đỡ giúp nên tôi không ngất đi, không đau, không thấy kiệt sức mà còn đủ mạnh để chửi lại nham nhảm. Tôi bảo nếu chúng mày không giết được “bố mày” thì sẽ chẳng thằng nào thoát bị trừng phạt. Tôi rủa chúng là quân Pôn- pốt, bọn Mao- ít (lính Pôn- pốt chắc cũng chỉ ác đến thế là cùng!), những thằng vô phúc, những kẻ uống máu người không tanh, lũ đầu trâu mặt ngựa. Chúng lại dựng tôi dậy. Tôi bèn chỉ về phía chúng, bảo: “Chúng mày chỉ đáng tuổi em tao nhưng ác độc hơn quỷ dữ. Còn lâu chúng mày mới giết nổi tao”. Tôi gào lên bất chấp mọi hiểm nguy, cảm thấy rất sướng miệng, đến nỗi có thằng nào đó quát lên: “Thôi, bịt miệng thằng chó già lại, tống cổ chúng nó xuống hầm”.

Cả bốn thằng chúng tôi bị nhốt chung. Tôi bị đám vệ binh xúm vào túm chân dốc ngược lên rồi thả tõm một cái. Đến lúc ấy tôi mới biết trong hầm đầy nước, mùi thum thủm. Tôi lục sục một lúc rồi cũng ngoi đầu lên được để thở. Ba đứa kia vẫn chưa hết run, cùng đưa tay đỡ lấy tôi. Tôi bảo chúng nó là tôi không hề làm sao. Thậm chí tôi còn vừa nhổ nước bùn ra khỏi miệng, vuốt mặt, vừa pha trò rằng, có thế này mới biết đời lính là thế nào, tình đồng chí, đồng đội là thế nào, đạo đức cộng sản là thế nào, chứ cứ nghe đài thì ăn hết cả thóc giống của bố mẹ cũng không khôn ra được.

Bấy giờ tôi mới thấy đau toàn thân, đau như kiểu bị dần bằng búa, thịt da nhức nhối, các khớp xương như muốn rời ra.

oOo

RA KHỎI HẦM TỐI

Vài lời thưa trước: Tôi chưa có ý định xuất bản cuốn tự truyện “Dưới bàn tay vô hình”, vì mấy lý do, hoàn toàn mang tính cá nhân. Chẳng hạn nó sẽ làm tổn thương một vài người thân của tôi ở những phần mang tính “thú tội”, cũng như có thể gây sốc một số chỉ huy quân đội đã đối xử tốt với tôi (nếu họ còn sống) nhưng vì sự công bằng, vì sự thật, vì tính chất tuyệt đối của công lý mà tôi không thể bỏ qua cho họ. Tôi chưa hề gửi xin giấy phép xuất bản ở bất cứ nơi đâu, vì thế mọi đồn đoán về việc nó bị ngăn cản là không có cơ sở. Những gì đã trích in nằm trong mục đích rất rõ ràng của tôi mà tôi đã nói. Dưới đây tôi sẽ Lược trích nốt những gì chỉ liên quan đến tôi, để không cảm thấy áy náy là đã đánh đố bạn đọc.

Đây là lời đề từ của cuốn tự truyện:

Có những sự thật không nhất thiết phải được nói ra. Nhưng những gì đã quyết định nói ra thì phải là sự thật. Chỉ điều đó mới có thể đảm bảo một cuốn hồi ký không thành vô nghĩa và vô đạo đức.

*

Một lát sau thì cửa boong- ke mở ra. Một gã vệ binh bảo thằng nào tên là Chiến thì lên làm việc. Chiến đu người chui lên. Cửa boong- ke lại sập xuống. Sau đó ít phút đến lượt cậu lính Hà Nội được gọi tên. Cậu ta cuống quýt bám vào cửa boong- ke đu lên, như sợ bọn bên trên đổi ý.

Còn lại Tâm và tôi. Tâm trách tôi sao lại ngang bướng không đúng chỗ để phải ăn đòn. Nhưng ngay sau đó nó bảo tôi: “Thế nào em cũng được lên trước bác và thế nào bọn chó cũng hỏi bọn em về bác. Bác nghĩ đi, em phải trả lời thế nào để có lợi nhất cho bác.” Trong đêm tối đen mà tôi có cảm giác khuôn mặt của Tâm sáng rực như một ngọn đèn. Nào ngờ thằng em hiền lành, tính tình như con gái, tiết kiệm từng xu để chờ ngày ra quân lập nghiệp, suốt ngày xoa bụng vì thèm gái, sểnh ra là thủ dâm rồi kêu lên như bị ai bóp cổ ngay dưới giao thông hào…lại sâu sắc và trải đời đến thế. Tôi bỗng muốn khóc quá, vì cảm động và cũng có cả niềm ân hận với bố đẻ của mình. Tôi không ân hận khi vì ông một phần mà tôi quyết định dấn thân vào cuộc đời quân ngũ. Tôi ân hận và thương bố vì tuy bố con xung khắc nhưng ông luôn lo lắng cho sức khỏe của tôi, có lẽ vì thấy tôi là đứa ốm yếu nhất. Vậy mà thứ ông nâng niu, còn hơn cả thịt da của chính ông, vừa bị giày xéo không thương tiếc. Hình như tôi đang bị trừng phạt vì đã hành động như một kẻ mù quáng và kiêu ngạo là coi thường chính cuộc sống của mình, thứ không chỉ thuộc về riêng tôi. Tôi đáng bị trừng phạt lắm!

Thấy tôi im lặng, Tâm giục: “Bác nghĩ nhanh lên kẻo không kịp”. Tôi bảo: “Cảm ơn thằng em, nếu bọn chó hỏi về tôi, chú cứ bảo tôi là nhà báo”.

Đúng như phán đoán của Tâm, chỉ một lúc sau kể từ khi Chiến và cậu lính Hà Nội được đưa lên, cánh cửa boong- ke lại mở, với một mệnh lệnh: “Thằng nào tên là Tâm thì nắm vào chiếc que này”.

Đến đây tôi phải tạm xin phép dừng lại để nói một sự thật kỳ lạ đã xảy ra với tôi. Sau khi bị dốc đầu cho rơi tõm xuống căn hầm đầy nước, cảm giác đầu tiên của tôi là không kẻ nào có thể giết chết mình được. Bộ mặt như rắn hổ mang của thằng Nhừn, vẻ lỳ lợm đần độn của thằng Tiển, cặp mắt khô cháy đầy thù hận cuộc đời của Định Mắm từng khiến tôi sởn tóc gáy ít phút trước khi nghĩ rằng chúng có thể hạ sát tôi trong đêm tối, thì giờ đây nó không còn khiến tôi phải cảnh giác. Nó có cái vẻ của những thằng hề. Tôi bình tâm đến độ thậm chí còn giễu cợt chính mình đã để bị hoảng loạn. Hình như mấy gã quỷ sứ kia chỉ là những con muỗi, rất giỏi hút máu nhưng không thể làm gì hơn. Nếu tôi nói rằng mình có thể hát trong hoàn cảnh ấy có lẽ bạn đọc sẽ không tin, nhưng tâm hồn tôi đủ hứng khởi để làm điều đó. Những gì tôi vẫn mò mẫm trong tù mù suốt mấy chục năm, thì giời ạ, giờ đây bỗng sáng rõ đến từng ly từng tý. Hình như câu thơ của Bùi Minh Quốc: “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”, ông viết riêng cho tôi. Tôi nhớ lại trong chớp mắt cả cái quãng đường dài dằng dặc mà tôi đã đi qua, từng cột mốc, từng sự kiện, những sự kiện không thuộc về riêng bất cứ cá nhân nào trên đất nước này nhưng lại làm nên số phận của từng con người cụ thể, trong đó có tôi. Những gì tôi tưởng rắc rối và đã mất nhiều công để rắc rối thêm, thì hoá ra vô cùng đơn giản, y như phép tính hai cộng hai là bốn. Đó là siêu cảm giác mà tôi đã trải qua trong căn hầm tối tăm ấy ở Lào Cai năm 1985, rất khó diễn đạt lại một cách rành mạch bằng ngôn ngữ. Nhưng nhờ nó mà tôi bỗng bừng tỉnh ra rất nhiều điều. Tôi không biết cảm giác của người “đốn ngộ” nó thế nào, nhưng rõ ràng, chưa khoảng khắc vui sướng nào trong cuộc đời tôi có thể sánh được với tâm trạng kì lạ của tôi lúc ấy?

Lại lần nữa Tâm đúng, khi chỉ chờ đưa cậu ta vào nhà là gã vệ binh áp giải hỏi luôn (như sau này Tâm kể lại): “Thằng già trước khi vào lính làm nghề gì mà nó ngang bướng thế?” Tâm đáp khẽ theo cái lối bí mật: “Bác ấy là nhà báo đấy. Hình như làm ở báo Quân đội nhân dân”. Tôi không nghĩ Tâm lại thông minh đến thế. Tôi chỉ dặn cậu ấy bảo tôi là nhà báo, vì trên thực tế tôi cũng là người viết lách. Trước khi vào bộ đội tôi đã có 6 truyện ngắn và mấy bài bút ký dài in ở các báo lớn, trong đó có báo Quân đội nhân dân. Nhưng chưa bao giờ tôi nhận mình là phóng viên, lại còn là phóng viên của báo Quân đội nhân dân. Thế mà Tâm lại nghĩ giúp tôi điều đó.

… Sau này Tâm kể, khi nghe cậu nói vậy, câu đầu tiên mà gã vệ binh thốt ra là: “Thôi chết rồi”. Liền đó gã chạy biến đi, để lát sau đến thẳng nơi nhốt tôi, mở nắp hầm và nhẹ nhàng gọi:

– Anh gì ơi, cầm lấy đầu cái gậy nhé.

Thêm một lần nữa cái thứ tưởng vô dụng là chữ, bị bố tôi khinh hơn mẻ, bị chính tôi ghẻ lạnh suốt thời bé, lại cứu tôi. Bỗng dưng tôi muốn mỉm cười vì cái trò láu của Tâm. Tôi vẫn vô cùng tỉnh táo. Trước hết, giống như năm nào ở đồn công an Hòa Bình, mình cũng cần ra khỏi đây đã. Giữa nơi rừng núi xa xôi này, một mạng người nào có đáng kể gì. Họ có thừa cớ để đòm cho mình một phát rồi bịa ra vô số lý do biện hộ. Dễ nhất là gán cho tội phản chiến! Và có thể mình tan biến vào quên lãng còn nhanh hơn cả một cái bong bóng nước. Không người tử tế nào có thể trực tiếp thắng những trò bẩn, đó là điều tôi đã học được từ cuộc đời. “Hẵng ra khỏi đây đã”. Cảm ơn Bạch Xịch. Giá như có nhiều người như anh, hẳn cái đất nước này đã khác một chút, bộ mặt nó đã bớt đi sự hung tợn. Anh không thể biết lời anh khuyên anh dành cho tôi sâu sắc và lợi hại như thế nào đâu. Nghĩ vậy nên tôi chủ động túm vào đầu chiếc gậy để gã vệ binh kéo lên.

Toàn thân tôi ướt lướt thướt. Tôi cứ thế đi theo gã vệ binh vào một căn phòng có đủ bàn ghế và mấy chiếc giường. Gã vệ binh mang đến cho tôi mượn bộ quân phục binh sỹ đã cũ, bảo tôi mặc. Gã móc những giấy tờ và một số tiền trong túi quần của tôi, giơ lên trước ánh đèn bảo tôi kiểm tra xác nhận cho gã là không hề mất mát. Tôi xác nhận xong gã mới mang đi, sau khi dặn: “Đêm nay anh ngủ ở đây, chờ sáng mai đơn vị cử người ra đưa về”.

Ở ba cái giường khác là Tâm, Chiến và cậu lính Hà Nội. Những anh chàng này ngồi im, vừa lo sợ vừa thương tôi. Vì cuối cùng chỉ có mình tôi bị tra tấn. Mọi việc diễn ra ngay trước mắt họ. Nhưng chỉ một lát sau thì tất cả đã kéo bễ. Tôi cứ trằn trọc không ngủ. Tôi nghe tiếng lính gác đeo súng đi lại phía bên ngoài, bước đi có vẻ rón rén. Hình như họ đều linh cảm thấy chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Thỉnh thoảng họ lại ghé mắt nhìn xem chúng tôi ngủ ra sao. Không thấy bóng dáng của những kẻ đã tra tấn tôi, y như vào cái buổi chiều tôi chuẩn bị ra khỏi đồn công an Hoà Bình hai năm trước. Tôi nhận ra ở những gã có tâm địa quỷ sứ là họ có chung đặc tính rất sợ ánh sáng của công lý. Họ biết sắp phải đối mặt với tôi ở cái nơi sức mạnh không thuộc về họ. Và khi đó thì nom họ sẽ thật thảm hại, như tôi đã từng thấy gã Quang Xồm ngày nào năn nỉ xin bạn tôi nói với tôi tha cho gã ra sao? Nhưng vào thời khắc như vừa chui lên từ địa ngục ấy, ý nghĩ của tôi lại hướng về những năm tháng tuổi thơ, về cuộc báo thù dai dẳng của dòng họ khiến tất cả chúng tôi cùng trở thành nạn nhân, về mối bất hoà giữa bố tôi và tôi, chủ yếu do bất đồng về cách nghĩ mà giọt nước tràn ly là sự kiện ông ép tôi phải lấy một phụ nữ không hề quen biết, về những người bạn đã lo lắng cho tôi khi tôi quyết định nhập ngũ, một quyết định mà họ không thể hiểu nổi.

Cuối cùng thì cái đêm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi cũng trôi qua. Buổi sáng ở vùng biên giới trong tiết trời tháng Tám khá êm ả. Có thể nói là rất đẹp và thơ mộng. Những làn gió thổi lên từ phía sông Hồng mát lịm và có mùi thơm của rừng. Không có cảm giác gì về sự chết chóc luôn sát nách. Nhưng tâm trí tôi không cho phép mình tận hưởng thứ qùa tặng đó của trời đất vùng địa đầu. Chúng tôi phải xếp thành hàng một rồi thực hiện mệnh lệnh “về đơn vị chiến đấu” phát ra từ miệng còn hơi sữa của cậu lính trẻ măng. Không một ai ở tiểu đoàn bộ biết tôi bị bắt và bị đánh. Vì thế trở về là tôi kịp xuống bếp nấu bữa sáng ngay.

Nhưng chẳng hiểu sao thì chiều hôm ấy anh em trong đơn vị đều đã biết tường tận sự việc của tôi. Người bức xúc nhất là Nguyễn Ngọc Khoa, trung uý trung đội thông tin, nơi tôi từng là chiến sỹ của anh. Chúng tôi ngang tuổi nên nhanh chóng thành bạn bè. Bố Khoa là dân tập kết, chọn Sa Pa làm nơi sinh sống. Tôi đã lên thăm hai cụ và được hai cụ coi như con. Khoa chửi ầm lên mấy câu rồi cười hề hề an ủi tôi, rằng thế mới biết mùi lính biên nó là thế nào. Trong khi đó thì Phan Hoán, lính tháng 8- 82, người Vĩnh Phú (lúc ấy), do ngang tàng nên hay bị kỷ luật nhưng lại rất quý tôi. Nhờ chỗ đồng hương với tiểu đoàn trưởng mà Hoán được ở riêng một chỗ để canh hoa mầu do anh em lính tăng gia và chặn hỏi những người khả nghi khi đi qua địa bàn tiểu đoàn bộ. Đó thực sự là đặc ân. Vì với công việc ấy, Hoán có thể thức khuya, dậy muộn, muốn cải thiện gì cũng được. Cậu ta lại có tài đi xin nên lúc nào cũng sẵn đồ nhắm. Hoán mê những chuyện tôi kể và cứ tự phong tôi là Tạ Đại Ca. Mỗi khi có miếng gì ngon, Hoán không bao giờ quên “Bác Tạ”. Hoán cứ muốn tôi nhận cậu ta là thằng em kết nghĩa nhưng tôi thì sợ mình không xứng đáng nên chưa dám nhận lời. Biết tin tôi bị bọn vệ binh trung đoàn tra tấn, Hoán về chỗ cậu ta, lắp đầy 30 viên đạn vào khẩu AK. Sau đó cậu ta lặng lẽ ra máng nước, cách Trung đoàn bộ chừng một cây số, nằm phục kích bọn Định, Nhừn, Tiển…Nhờ có người báo nên tôi mới biết. Người này kể, lúc say rượu, Hoán bảo sẽ cho thằng Nhừn, thằng Định Mắm, thằng Tiển mỗi thằng đủ mười viên để trả thù cho Tạ Đại Ca. Tôi phải vừa xin vừa doạ sẽ từ mặt cậu ta nếu làm như vậy, Hoán mới chịu cất súng. Tuy thế mỗi khi rượu vào, Hoán lại gào lên đòi đi cắt tiết mấy thằng đã đánh tôi. Về phần mình, tôi luôn lo sợ Hoán làm liều, nên không dám dời mắt khỏi cậu ta.

Hôm sau thì tiểu đoàn trưởng cũng biết chuyện. Bất ngờ nhất với tôi là tiểu đoàn trưởng không coi việc tôi bị đánh là nghiêm trọng. Thậm chí ông ta còn cười cười hỏi: “Nó đấm có đau không? Chắc bố lại ngang với bọn chúng chứ gì. Tính bố thì cũng dễ ăn đòn lắm. Mẹ kiếp già thế mà không thoát bị vệ binh đánh. Ức nhỉ!”. Tôi bảo là tôi sẽ kiện. Ông ta lại cười nhưng không nói gì. Có thể ông ta cười cái tính ngây thơ của tôi do không tiện nói thẳng rằng có mà kiện củ khoai.

Nhưng chỉ là tôi phỏng đoán thế thôi.

oOo

 

CHUỘC TỘI

Khi anh né tránh cái ác, thì trước sau nó cũng sẽ tìm đến anh.

Tôi là người ghét việc kiện tụng. Một phần do bản tính tôi thích nhường nhịn, dễ tha thứ, phần khác, có lẽ do phải chứng kiến sự ê chề quá nhiều từ việc làm đó của bố. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi, vũ khí duy nhất chỉ là chữ nghĩa, vì vậy tôi bất đắc dĩ phải dùng đến biện pháp này. Tôi kiện không phải chỉ để đòi lại danh dự, nhân phẩm cá nhân, mà bằng tinh thần chuộc tội với đồng đội.

Việc kiện tụng của tôi diễn ra trong im lặng. Tôi viết hai lá đơn, nội dung gần giống nhau, chỉ khác một vài chi tiết thêm vào hoặc lược bỏ cho phù hợp- theo quan niệm của tôi- với nơi nhận. Một nơi là báo Chiến sỹ Tây Bắc, có trụ sở tại thị xã Yên Bái, nơi kia là báo Quân đội nhân dân. Sau đó tôi nhờ cậu bưu tá tiểu đoàn tiện thể ra Cam Đường bỏ vào thùng thư cho tôi. Ngoài ra tôi còn gửi về xuôi hai lá thư, kể rõ ngọn ngành sự việc, một cho bạn bè ở Sông Đà, một cho Nguyễn Đình Chiến, phóng viên báo Quân đội nhân dân, tôi quen ở trại sáng tác văn học Hà Sơn Bình. Trước khi nhập ngũ, tôi còn về Hà Đông chào mọi người. Nguyễn Đình Chiến và tôi có dịp nói chuyện với nhau gần hết đêm trên cầu Am. Với tôi, được anh thân tình như vậy là vinh hạnh lớn vì khi đó Nguyễn Đình Chiến đang nổi như cồn sau giải nhất thơ của báo Văn Nghệ với bài Gặp lại các em. Chính anh dặn khi nào cần thì cứ viết thư cho anh.

Cả hai lá đơn và hai lá thư tôi gửi đi đều không có hồi âm, mặc cho tôi hồi hộp chờ đợi. Tôi đã nghĩ hay là cậu bưu tá đánh mất thư ở đâu đó.

Khoảng gần một tháng sau thì tôi có giấy gọi ra Phòng chính trị của trung đoàn làm việc. Nhận giấy báo, tôi linh cảm thấy điều dữ nhiều hơn điều lành. Tôi đoán cuộc gặp có nguyên nhân từ những lá đơn kiện. Tôi chỉ đoán thế thôi, vì thực lòng tôi vẫn nghĩ thư bị thất lạc. Nhưng nếu vì những lá đơn thì tại sao lại là Phòng chính trị trung đoàn đứng ra giải quyết, mà không hề có bất cứ ai ở trên về điều tra như tôi hy vọng?

Lại một đêm tôi mất ngủ với những trò phỏng đoán. Tôi không quen ai ở Phòng chính trị trung đoàn nhưng mọi người đều biết tôi. Hình như lãnh đạo ở đấy có vẻ không ưa tôi mặc dù giữa chúng tôi chưa hề có bất cứ va chạm nào. Họ biết tôi qua lá thư tôi viết cho trung đoàn trưởng khi còn ở tiểu đoàn huấn luyện. Trong thư tôi thẳng thắn đề nghị trung đoàn trưởng hãy tạo điều kiện để tôi có thể sáng tác về những người lính vùng biên. Vì mục tiêu của tôi rất rõ ràng, MUỐN PHỤC VỤ LÂU DÀI TRONG QUÂN ĐỘI, muốn nói được điều gì đó về những người lính thông qua ngòi bút. Rằng chính vì mong ước đó mà tôi BỎ LẠI TẤT CẢ để khoác áo lính… Đáng lẽ tôi phải viết thư cho Phòng chính trị mới phải. Có thể vì sơ suất ấy mà cánh “quan văn” này không ưa tôi.

Trung đoàn trưởng là người võ biền nên ông không mấy để tâm đến những điều tôi trình bày. Nhưng chả hiểu sao ông cũng cử người sang bí mật tìm hiểu về tôi. Người được giao nhiệm vụ là một anh cán bộ Phòng chính trị. Ngay từ đầu anh ta đã không có thiện cảm với tôi. Thay vì hỏi chuyện, anh ta lại đòi xem chữ của tôi, hỏi tôi có biết kẻ vẽ, làm bích báo, viết tấu, diễn trò không…Khi tôi bảo chữ tôi không đẹp, lại nhỏ như kiến, tôi cũng không biết diễn trò, thì anh ta gắt: “Nhà văn nhà báo mà không biết kẻ vẽ, diễn trò mua vui cho thiên hạ thì làm đéo gì?”

Sau đó không ai quan tâm đến tôi nữa.

Nhưng tôi nghe nói Phòng chính trị cũng đã từng bàn tán về tôi, ác cảm nhiều hơn, trước hết ở cái vẻ mặt khó đăm đăm, già nua và xấu…giai! Vì thế hình như họ đã định nhận tôi về làm tuyên truyền, nhưng sau có nhiều dèm pha từ đám chuyên viên quá, lại thôi. Tôi láng máng biết điều này qua chắp nối những cuộc nói chuyện với đám sỹ quan. Chính ông Trưởng ban tuyên giáo, trong một lần say rượu, nửa đùa nửa thật bảo với tôi, giá mà chú mày trắng trẻo, trẻ trung, ngon giai, khéo nói một chút thì đời đã không khổ.

Nhưng nếu có trách thì tôi chỉ có thể trách tôi mà thôi. Có ai bắt tôi phải đâm đầu vào hoàn cảnh bi hài như vậy đâu. Tôi đã viết ở đâu đó lý do tôi khoác áo lính, nay chỉ xin nói vắn tắt: tôi đã tự nguyện gia nhập quân đội theo một cách thật trớ trêu và không chính danh, bằng cách tự điền tên mình vào tờ danh sách cấp trên đưa xuống, theo kiểu giao chỉ tiêu cho bộ phận, khi mọi người bịa ra đủ lý do để xin ở lại. Giờ đây, trớ trêu hơn cả là tôi đang tìm mọi cách để thoát khỏi những năm tháng “đầy hy vọng” với tôi trước đây chỉ vài tháng. Tôi thề rằng dù phải chết tôi cũng bám trụ cho hết thời hạn. Nhưng tôi sẽ không ở lại thêm một phút khi cái thời hạn ấy kết thúc. Từ nay đến đó còn là một khoảng thời gian đủ dài để tôi ngấm nốt mọi điều. Ngày mai tôi sẽ đối mặt với những người vốn không ưa mình, trong khi tôi chưa hề biết vì việc gì.

Sáng sớm tôi trở dậy, báo với Minh là tôi phải ra trung đoàn nên không thể cùng cậu ấy nấu cơm được. Minh đáp lại theo lối suy diễn của cậu ta: “Bác đi chuyến này chắc là lên hẳn trung đoàn điếu đóm các thủ trưởng đây, rồi lại chả béo trắng ra cho mà xem…hí hí, đừng quên thằng em nhọ đít nhé”. Vài người khác cũng chúc mừng tôi sắp thoát cảnh nhọ mông nhọ mặt. Trong thâm tâm họ nghĩ tôi sắp được trọng dụng vào những việc an nhàn hơn. Đáp lại họ là một nỗi lo lắng hiện ra mặt mà tôi không lý giải được.

Đúng 8 giờ, như giấy hẹn, tôi có mặt ở Phòng chính trị, quân phục tề chỉnh. Cậu lính chuyên bị sai vặt nhanh chóng đưa tôi vào căn phòng làm việc. Trông cậu ta đi lại như bị ai đó giật dây khiến tôi thấy cám cảnh. “May mà mình bị họ ghét, chứ nếu chui vào đây, sống như cái cậu lính kia thì thà đi vác đất còn hơn”- Tôi thầm nghĩ như vậy. Có lẽ chỉ tôi là nghĩ như vậy. Bởi vì với cậu lính kia thì mả nhà cậu ta chắc phải táng hàm rồng nên mới được như vậy. Cho dù là lính, nhưng do ở gần các thủ trưởng nên cậu ta cũng hay làm oai với người khác, nhất là bọn lính từ dưới đơn vị lên làm việc. Vì thế thái độ có phần khép nép khác hẳn ngày thường của cậu ta khiến tôi càng tin rằng mình sắp gặp nguy hiểm.

Cho đến lúc ấy tôi đã có thâm niên hơn nửa năm trong quân đội. Cảm giác của tôi là nỗi bàng hoàng triền miên, không thể tin nổi vào chính tai, mắt mình. Tôi cứ muốn chống lại lý trí của mình rằng, có thể tôi bị bệnh ảo giác. Có thể những chuyện đó xảy ra trong sách kinh dị, trong ác mộng hay trong những câu chuyện bịa và mình cứ bị lầm lẫn do đầu óc có vấn đề. Hình như tôi đã đọc ở đâu đó người ta nói có cái căn bệnh ấy. Một người nào đó cứ bị ám ảnh bởi những chuyện không có thật, đến nỗi cuối cùng anh ta tin là thật, không ai làm anh ta thoát khỏi chúng được. Cầu trời cho tôi cũng đang mắc chứng bệnh ấy, để những gì tôi thấy chỉ là tưởng tượng.

Trong khi chờ làm việc với ai đó mà tôi vẫn chưa biết, vì chuyện gì đó tôi chưa rõ, tôi bỗng thấy muốn buông xuôi cho số phận. Lo lắng cũng chẳng giải quyết vấn đề gì. Ối dào, mình đã bị đẩy tới vạch giới hạn rồi, muốn ra sao thì ra!

Tôi sẵn sàng chuẩn bị đón mọi tình huống…

Từ phía trong, một người đeo quân hàm thiếu tá, mặt khắc nghiệt nhưng có thể thấy rõ là khá thâm trầm, lạnh lùng bước ra, tự kéo ghế ngồi ở phía đối diện, bên kia chiếc bàn. Mặt ông để lộ rõ ra sự khó chịu. Đó là trung đoàn phó chính trị Lưu Văn Hậu. Ông có nước da tai tái, như nước da thường thấy ở phần nhiều những người làm công tác chính trị. Chúng tôi không lạ gì ông vì nhiều lần ông giảng cho chúng tôi về lập trường giai cấp, về chủ nghĩa bá quyền đại Hán, về đường lối chiến tranh nhân dân, về lòng trung thành với đảng quang vinh, về mùa xuân của nhân loại là chủ nghĩa cộng sản đang đến gần, về ngày tận thế của chủ nghĩa đế quốc, về kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm là Trung Quốc và kẻ thù lâu dài là đế quốc Mỹ…Ông nói bằng giọng của người Nghệ An nên càng tăng thêm vẻ thâm sâu. Chỉ có điều lần nào ông cũng nói tràng giang đại hải, bọt mép đùn ra hai bên mép, đến mức chúng tôi mỏi nhừ cả chân, nhất là khi ông giảng bài “Trung Quốc tuy to nhưng không mạnh”. Ông kể ra muôn vàn tật xấu và những tội ác của Mao Trạch Đông, của Đặng Tiểu Bình ôm chân đế quốc Mỹ, gọi ông ta là thằng lùn chó chết phản bội chủ nghĩa Mác- Lênin khiến tôi nhớ bài thơ Vịnh thằng Lùn của Chế Lan Viên, trong đó có câu: Thằng lùn diện quần bò. Có lẽ vì thế mà anh em bộ đội gọi đùa ông là Lưu Địch Hậu.

Theo quy định của điều lệnh, tôi đứng dậy chào. Ông ta, thiếu tá Lưu Văn Hậu không nhìn tôi, chỉ khẽ gật đầu. Ông ta cho thấy là ông ta đang rất bực mình. Ông ta không giấu vẻ cau có, khó chịu và nguyên nhân của điều đó chính là tôi. Mặc kệ, chết là cùng, tôi ngồi xuống đối diện và cố trấn an mình.

– Ta bắt đầu làm việc- giọng Chính trị viên trung đoàn giống như lời tuyên án- Trước hết tôi muốn hỏi, cậu có biết vì sao chúng tôi cho gọi cậu ra đây không?

– Thưa, tôi không biết- tôi đáp lạnh lùng.

– Cậu thử cố nghĩ lại xem, có thể cậu sớm đoán ra đấy?

Tôi làm ra vẻ đang suy nghĩ.

– Cậu nhớ ra chưa?

– Thưa, tôi vẫn không biết.

– Trí nhớ cậu tồi thế cơ à, tôi không tin.

Tôi ngồi im.

– Cậu thử nhớ lại xem cậu có gửi đi đâu đó đơn thư gì không?

– À- tôi gần như reo lên, không giấu vẻ bình thản pha chút mỉa mai- chuyện đó thì tôi nhớ chứ! Tôi có gửi đến vài nơi đơn tố cáo những người đánh tôi.

– Vậy là cậu nhớ ra rồi, hẩy. Cuối cùng thì cậu cũng nhớ ra. Tốt. Cậu gửi đơn đi những đâu?

– Tôi gửi một lá đơn cho báo Chiến sỹ Tây Bắc, một lá đơn cho báo Quân đội nhân dân, vài lá thư cho bạn bè…- tôi tuồn tuột kể, giọng trơn tru, coi thường, như chả có gì phải giấu diếm.

– Còn những đâu nữa, cậu cố nhớ cho hết.

– Tôi mới chỉ kịp gửi đến những nơi đó.

– Thế cậu còn có ý định gửi đến những đâu nữa?

– Tôi định tới đây, nếu vụ việc không được giải quyết, tôi sẽ kiện lên Ban quân pháp Quân khu, Bộ quốc phòng, thậm chí lên Quốc hội.

– Cậu kiện ai?

– ….

– Ai cho phép cậu làm những việc đó?

– Tôi kiện những kẻ tra tấn tôi và tôi có quyền, cần gì phải chờ ai cho phép…

– Cậu nói bậy!- Ông Hậu đập tay xuống bàn ngắt lời tôi bằng một câu quát thị uy, chiếu cái nhìn của Thần chết vào tôi- Cậu đang là quân nhân, có kỷ luật của quân nhân, không phải cứ thích làm gì thì làm- ông hạ giọng rất nhanh- Nhưng ta sẽ trở lại chuyện đó sau. Tôi chỉ muốn hỏi, sao cậu không gửi đơn kiện cho chúng tôi?- Khi hỏi thế, ông trung tá tiếp tục xoáy vào mặt tôi bằng cái nhìn khô khốc- Bởi vì người giải quyết cuối cùng là chúng tôi. Cậu gửi cho báo Chiến sỹ Tây Bắc, báo Quân đội nhân dân hay bất cứ đâu, thì cuối cùng cũng là chúng tôi giải quyết, cậu có biết điều đó không?

– Tôi không biết và tôi không tin…

– Thì tôi vừa nói cho cậu biết. Cậu viết đơn kiện tụng gửi khắp nơi nhưng chúng tôi thì cậu lờ đi- Ông ta bất ngờ lại đập bàn và đổi cách xưng hô, đứng dậy, một tay chỉ thẳng vào mặt tôi, tay kia chắp lên hông- anh là thằng cơ hội, nghe rõ chưa!- ông thiếu tá gần như chồm người về phía tôi- Anh vào lính để phá hoại, để gây hoang mang cho các chiến sỹ. Anh tưởng chúng tôi không biết tâm địa thật của anh hay sao? Anh ấm ức vì phải vào lính, vì không được trọng dụng nên tìm cách phá chúng tôi từ bên trong. Anh làm chúng tôi mất thể diện, làm chúng tôi điên đầu…Đồ đểu, anh là đồ đểu, là thằng cơ hội. Anh tưởng trong đơn thư anh viết những gì mà chúng tôi không biết sao? Họ gửi cả lại kia kìa. Anh không biết là bất cứ lá thư nào gửi từ biên giới về xuôi, kể cả thư tình, cũng đều bị kiểm soát à. Và vì thế mà chúng tôi mới biết chân tướng thật của anh. Tất cả những gì anh tố cáo quân đội, tố cáo chúng tôi, đều nằm trên bàn của tôi kia kìa. Anh đã bôi xấu hình ảnh người lính, bôi xấu sỹ quan quân đội, bôi xấu tất cả chúng tôi một cách vô nguyên tắc.

Ông thiếu tá dừng lại một lát, rồi nói như tuyên án, giọng rin tít:

– Chúng tôi sẽ trừng trị anh thật thích đáng để làm gương.

oOo

CHUỘC TỘI

Phần cuối

Ông Trung đoàn phó nói một thôi. Mắt ông ta tiếp tục phóng lửa vào tôi, y như mắt loài cú vọ trước con mồi. Nhưng thấy tôi không hề tỏ ra tí gì lo sợ, ông ta có phần chưng hửng. Tôi chờ cho ông thiếu tá dừng lại, mới lạnh lùng hỏi:

– Thủ trưởng đã nói xong chưa?

– Tôi đang chờ nghe anh trả lời đây!

– Vậy để tôi nói nhé. Trước khi bước vào đây, tôi đã xác định, hoặc hôm nay mình bị bắn chết- Tôi đưa mắt về phía cái ngăn kéo lấp ló đuôi một khẩu súng ngắn- hoặc những đồng đội lớp tuổi đàn em của tôi không bao giờ còn bị đánh đập dã man bởi những chỉ huy mất hết tính người nữa. Thủ trưởng có biết trong đầu tôi đang nghĩ gì không? Tôi đang nghĩ, hình như bọn Pôn- pốt thì cũng chỉ ác mó như những chỉ huy đã tra tấn đồng đội của tôi ngay trước mắt chúng tôi, là cùng.

Tôi kể ra tất cả những gì khủng khiếp tôi chứng kiến tận mắt và khẳng định đó chỉ là một phần nhỏ của hiện tượng quân phiệt đang cực kỳ nghiêm trọng xảy ra trong đơn vị. Tôi kể một cách rành rõ, nhắc tên từng người cụ thể, cả nạn nhân lẫn thủ phạm, không hề giữ mồm giữ miệng. Sau đó tôi cũng nhìn xoáy vào tận mặt ông thiếu tá trung đoàn phó chính trị và hỏi:

– Tất cả những vụ việc tàn bạo, ghê tởm, vô liêm sỷ, vô kỷ luật và hiển nhiên là vô pháp như vậy thủ trưởng có biết, có nghe thấy không? Tai tiếng về “bốn con hổ ăn thịt người” (thực ra phải là sáu) của trung đoàn thủ trưởng có biết không, có cần tôi điểm mặt từng tên không?

Ông trung đoàn phó chính trị không lường tới phản ứng của tôi lại quyết liệt và thẳng thắn như vậy, tỏ ra lúng túng. Ông ta nhìn đi chỗ khác rồi khẽ nói:

– Tôi có nghe, tại sao tôi lại không biết…

Tôi gần như đứng bật dậy và nói như quát:

– Biết? Thủ trưởng nói mình biết? Vậy thủ trưởng đã làm gì? Chúng tôi gia nhập quân đội là để bảo vệ tổ quốc. Biết bao nhiêu người đã vì nghĩa vụ cao cả đó mà không sợ gian khổ, như tôi đây là một ví dụ. Nếu biết đến đây bị đánh đập tàn bạo đến thân tàn ma dại, bị sỉ nhục hơn cả súc vật…bởi chính những kẻ chỉ huy mình, thì còn lâu chúng tôi mới đến. Tôi sẽ còn tiếp tục gửi đơn thư đến quân pháp Quân khu, đến Bộ quốc phòng, đến Quốc hội để tố cáo những hành vi sai trái của lũ ăn thịt người khoác áo sỹ quan chỉ huy quân đội nhân dân. Tôi cũng sẽ tố cáo cả những người chịu trách nhiệm, biết nhưng làm ngơ…như thủ trưởng.

Tôi không thể biết mình nói to cỡ nào, chỉ biết rằng mọi người đang làm việc bên trong vội chạy cả ra, lấp ló nhìn qua khe cửa, xem một thằng binh nhì to gan lớn mật đấu khẩu với một chỉ huy chính trị khét tiếng khó tính và nham hiểm. Nhiều người tái mặt vì sợ, mặc dù chẳng liên quan gì đến họ. Có lẽ họ sợ phải nghe một tiếng súng và sau đó là phải chứng kiến một gã đồng đội ngã xuống vũng máu. Tôi dừng lại vì quá xúc động. Bản thân tôi cũng chờ một phản ứng khốc liệt từ ông thiếu tá nên tôi đã chạng chân sẵn sàng để nếu có bị tát hay ném ghế tôi cũng không thèm tránh.

Nhưng tôi hoàn toàn bất ngờ.

Và tôi tin quý vị bạn đọc cũng rất bất ngờ.

Kịch cũng không thể kịch hơn.

Bởi thay vì rút súng chĩa vào mặt tôi, ông thiếu tá nhẹ nhàng đi vòng qua bàn để đến phía sau tôi. Ông gần như chộp tay lên vai tôi và đổi giọng nhanh hơn cả diễn viên trên sân khấu:

– Bản lĩnh lắm! Đáng khen. Đáng khen. Đáng khen vô cùng. Có thế chứ! Tao thử mày đấy mà Duy Anh ơi- ông ta lắc lắc vào vai tôi, xoay cho tôi quay lại phía ông ta- Anh vẫn biết mày là thằng có tài, có chí khí, có tấm lòng với đồng đội. Vì thế, có thể cậu không biết, chứ chính anh bảo phải đưa em về tiểu đoàn bộ tiểu đoàn Bảy, để em ở gần trung đoàn, ở gần anh, có gì bọn anh còn nhờ vả. Nếu anh không chỉ đạo thế thì chúng nó đưa em đi “mép nước” (nơi sát bờ biên, chỉ cách phía địch một chiều rộng con sông) lâu rồi. Anh mừng quá. Anh đã không nhầm khi nhận xét về em, ngay cả khi chưa biết em là ai, chỉ nghe qua lời kể của cấp dưới. Làm nghề của anh mà không có khả năng ấy, thì vứt, về nhà trông gà cho vợ. Chú mày- ông ta lại đổi cách xưng hô – thật đáng mặt là nhà văn. Tao không uổng khi tiến cử chú mày về tiểu đoàn bộ tiểu đoàn Bảy…

Ông ta làm bộ như sắp khóc, lấy khăn chấm mắt, đi trở lại chỗ cũ rồi rút ngăn kéo lấy ra ba bao thuốc lá hiệu Sa pa, loại thuốc rẻ tiền nhưng cũng thuộc hàng quý hiếm đối với lính biên, bảo:

– Chú mày không tin anh chứ gì, thì nhìn đi! Tao đã chuẩn bị sẵn quà cho chú mày từ trước nhé. Cầm về mà hút. Của anh tặng riêng cho em đấy. Anh quý mày lắm. Tao chưa bao giờ mua quà cho bất cứ ai đâu. (Điều đó thì tôi tin ngay). Thế mày tưởng tao gọi mày ra để kỷ luật chắc? Tao là Lưu Văn Hậu, chú mày nhớ nhé, chứ không phải loại võ biền tầm thường. Những thằng đánh mày mới là đối tượng để anh kỷ luật và chỉ vài hôm nữa là chú mày thấy. Tao tống cổ chúng nó xuống đại đội để rèn luyện, cho ra mép biên thử thách. Em thấy kỉ luật thế được chưa? Chả lẽ lại tước quân tịch chúng nó…

– Tôi không quan tâm đến việc đó- tôi vẫn giữ vẻ mặt của kẻ một mất một còn.

– Anh biết. Anh biết chú mày không vì bản thân. Chính vì thế mà anh muốn hỏi: chú mày có định kiện tiếp nữa không?

– Tôi không nói đùa bao giờ. Thủ trưởng chắc đã đọc những lá đơn tố cáo của tôi, hẳn thủ trưởng biết tôi không sợ.

– Đương nhiên anh biết chú mày không sợ. Nhìn thì biết là chú mày có bản lĩnh. Vả lại việc chú mày làm là đúng. Công lý thuộc về chú thì chú việc gì phải sợ. Nhưng nếu hôm nay anh giải quyết có lý có tình thì chú có rút lại ý định kiện tiếp không?

– Tôi sẽ quyết định tuỳ vào cách giải quyết của thủ trưởng.

– Thì cách anh giải quyết là cho mấy thằng mất dạy ấy đi đơn vị. Cúi đầu nhận tội cả rồi. Đang sung sướng, lính cậu, chỉ phải vác súng đứng gác, tha hồ cải thiện…mà phải xuống đó, vác bê tông è vai, cứt ra quần, ăn mắm tôm đến thối mồm… là đi cải tạo chứ còn gì.

Cả tôi và ông ta cùng im lặng. Lát sau ông ta nói y như một cán bộ địch vận đang làm công tác thuyết phục đối phương ra hàng:

– Chú mày là dân viết lách, hẳn phải rất hiểu biết. Chú mày thấy đấy, anh em chúng nó có sung sướng gì đâu. Trong khi ở Hà Nội, những người chả có công lao chó gì cũng còn được ưu đãi đủ thứ. Nào là lương bổng, tiêu chuẩn thực phẩm, nhà cửa, xe cộ…lại được kè kè bên vợ con để hú hí đêm ngày. Vậy mà anh em ở đây thì quanh năm chỉ cứ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Ăn uống thì kham khổ. Thành ra chúng nó cũng bức xúc. Không biết trút vào đâu thì trút lên lính tráng. Bậy vô cùng. Anh sẽ không để yên cho những hành vi như em vừa tố cáo. Mà em nói toàn sự thật, anh công nhận. Nhưng ngoài xã hội tiêu cực nhiều quá, tham ô, hối lộ, giết người, lừa thầy phản bạn, chạy chức chạy quyền tùm lum…đủ cả. Quân đội cũng là một phần của xã hội, làm sao thoát không bị tệ nạn nó tràn vào. Nó tràn vào một bộ phận thôi. Nhưng con sâu làm rầu nồi canh. Mình cũng nên công bằng mà nhìn nhận. Và phải có thời gian em ạ. Không thể đem kỷ luật đuổi về xuôi hết được. Lấy ai chỉ huy? Lấy ai canh biên giới? Liệu có bảo mấy thằng béo mẫm dưới xuôi, chỉ quen ngồi chảy bụng ra trong phòng lạnh, lên thay vào vị trí chúng nó được không. Chả có đứa ma nào lên đâu em ạ. Gớm, còn lâu nhé, tao biết tỏng. Tao nói cho mày biết, tin mật đấy nhé. Chúng tao vừa được thông báo một thằng lính ở X.M dùng B40 thiêu cháy cả một tiểu đoàn bộ, cũng vì quân phiệt của chỉ huy…Các mặt trận khác cũng đầy rẫy. Lạng Sơn, Quảng Ninh…có cả… Nói thế để chú em hiểu, không phải cấp trên không biết. Nhưng từ biết đến xử lý cần phải có một thời gian. Anh khẳng định, hiện tượng quân phiệt là nghiêm trọng và phải chấm dứt, không được phép tồn tại, anh đồng ý với mày về cơ bản. Nhưng anh nói lại, phải cho anh thời gian. Nếu chú mày lại gửi đơn đi tiếp thì khác nào bắt bí anh…

– Vậy thủ trưởng muốn tôi làm gì?

– Ấy đấy, đúng là chú mày thông minh thật. Chú hiểu anh thế là tốt. Tao với mày là anh em, cùng dân có học, nói với nhau đâu cần giữ kẽ, em hẩy! Cụ thể thế này, trước hết thay mặt lãnh đạo chỉ huy trung đoàn, xin lỗi chú mày. Nhân thể anh muốn chú thôi kiện và viết mấy dòng gửi báo Chiến Sỹ Tây Bắc, đại ý thông báo với họ sự việc đã được trung đoàn giải quyết hợp tình hợp lý. Chỉ cần mấy dòng thôi.

Thấy tôi ngồi im, ông ta giở giọng thân mật:

– Tao hứa với thằng em, nói là làm. Chú em cứ suy nghĩ đi.

Như sợ tôi còn toan tính, ông trung đoàn phó chính trị đưa món quà ra trước:

– Chú mày giúp anh, anh cũng sẽ giúp chú mày. Tao còn ở đây, thì từ giờ đến lúc ra quân, tao đố thằng nào, dù có gan to bằng trời, dám động đến một cái lông chân chú mày.

Tôi hiểu là mình đang phải lựa chọn một trong hai thứ, hoặc hoà hoãn để được yên thân, hoặc chiến đấu tiếp và sẽ gặp rủi ro. Trong câu nói thân mật của ông thiếu tá, có cả ngầm ý đe doạ. Nếu tôi cứ khăng khăng kiện tiếp thì sẽ chẳng có ai bảo vệ tôi nữa. Mà ở nơi hòn tên mũi đạn này, chuyện gì chả có thể xảy ra. Tôi nhớ đến vẻ mặt và cái nhếch mép của tiểu đoàn trưởng khi tôi bảo ông là tôi sẽ kiện. Ông ta biết trước tôi chỉ là quả trứng, trong khi phía kia là cả một tảng đá lì lợm, một trái núi. Trước sau tôi cũng vỡ nếu chấp nhận đối đầu! Thật tình khi đó tôi cũng rất mệt mỏi. Tôi đã quá nông cạn khi chỉ thấy cuộc sống giống như người ta tô vẽ. Giờ đây, mục tiêu quan trọng nhất của tôi không phải là tạo dấu ấn hữu ích cho cuộc đời, mà phải an toàn trở về nhà sau khi mãn hạn nghĩa vụ. Cuối cùng tôi ra điều kiện:

– Tôi lao vào kiện tụng không phải chỉ vì cá nhân tôi, mà còn vì hàng trăm đồng đội của tôi, những đứa em đã trân trọng coi tôi như người anh lớn của chúng. Tôi rất xấu hổ vì sự hèn mạt của mình. Tôi đã im lặng cầu an, không dám hé răng nửa lời khi chứng kiến chúng nó bị hành hạ dã man. Đáng lẽ tôi nên chết đi mới đáng tội! Vì thế, tôi chỉ đồng ý với điều kiện, từ nay đến khi tôi rời khỏi quân đội, tôi không phải thấy, phải nghe kể về một vụ đánh đập nào nữa.

– Ơ cái thằng này- ông Hậu kêu lên đầy thân tình, cứ như tôi đã là cánh hẩu của ông ta- Thế từ nãy giờ tao đùa à? Mày chưa tin anh à? Tao đang bàn với mày về chuyện đó cơ mà. Duy Anh ạ, về chuyện đó thì anh xin hứa với chú. Tao sẽ sát sao hơn và trừng trị tức khắc những thằng sỹ quan nào còn dám đánh lính. Ngay từ hôm nay. Thằng nào còn dám đánh lính, tao gọi cổ ra đây liền. Hoặc chú mày nghe thấy, chứng kiến còn hiện tượng láo toét đó, thì mách cho anh, tao trừng trị tức khắc, bất kể nó là ai. Để xem đứa nào dám đùa với kỷ luật quân đội?

Thời gian còn lại, ông thiếu tá tiếp tục nói như tâm sự những nỗi khổ của ông khi làm công tác chính trị, mong tôi thông cảm. Tôi ngồi im. Gần trưa thì ông chủ động dừng cuộc làm việc trong nụ cười thân tình. Khi tiễn tôi ra về, thiếu tá Lưu Văn Hậu còn cẩn thận nhắc tôi: “Em nhớ gửi lại cho họ mấy chữ nhé!”

Mặc dù đã thực sự chiến đấu vì công lý và không đến nỗi nào nhưng chưa bao giờ tôi thấy cô độc, yếm thế và u uất như cái buổi sáng hôm ấy. Trở về đơn vị, đáp trả qua loa những lời hỏi thăm, tôi một mình lang thang vào rừng. Tôi đã rạch được một nhát vào khối ung nhọt đã mưng mủ chưa ai dám nhắc đến. Nhưng rõ ràng tôi vẫn có thể làm nhiều hơn thế cho những đồng đội?

Chỉ duy nhất một ý nghĩ an ủi tôi, đó là dù sao mình cũng giữ được mạng sống, giữ được chí khí hiên ngang giữa bầy quỷ khi trong tay không một tấc sắt nhỏ.

Nhưng tôi là người sòng phẳng. Tôi sẽ chịu đựng một mình nỗi dày vò mà không làm ảnh hưởng đến ai, đầu tiên là ông trung đoàn phó chính trị. Vì thế, hôm sau, giữ đúng thỏa thuận (một thỏa thuận sẽ được ông Hậu thực hiện khá nghiêm túc về sau: Không ai động đến tôi nữa và nạn quân phiệt trong trung đoàn giảm mạnh) tôi viết lá thư cho Ban biên tập báo Chiến sỹ Tây Bắc. Viết xong tôi gần như bị mất hết sinh lực. Tôi là người căm ghét thói nói dối. Vậy mà chính tôi đã phải nói dối. Tôi nhắm mắt dán phong bì rồi nhờ người đem ra Cam Đường bỏ vào thùng thư.

Bằng việc làm đó, tôi thật sự muốn quên đi những ngày tháng đen tối nhất cuộc đời mình.

***

Tôi xin phép bạn đọc dừng việc trích Tự truyện tại đây. Nó đã đi quá xa so với mục đích ban đầu của tôi là chỉ gửi “lời làm chứng tin cậy về một sự thật vẫn bị che đậy” tới tướng Phan Văn Giang, mong ông quyết liệt tiêu trừ tận gốc nạn quân phiệt. Tôi vẫn tin vào ông ấy. Hy vọng sự thật về vụ cháu Trần Đức Đô cuối cùng sẽ hiện ra dưới ánh sáng của Công Lý.

Tiện thể cũng xin có vài lời với các “nhà đạo đức cách mạng”: Các vị hãy tưởng tượng cháu Đô là con trai các vị, hẳn các vị sẽ hiểu nỗi đau mất con trong thời bình nó kinh hoàng, phi lý như thế nào và những lời dạy dỗ vô cảm nó Chuốc nghiệp nặng đến mức nào?

Tạ Duy Anh

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây