Tác giả: Philipp Fritz
Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ
31-7-2024
Hy vọng về một khởi đầu mới trong quan hệ Đức-Ba Lan với Donald Tusk trên cương vị người đứng đầu chính phủ vẫn chưa thành hiện thực. Bởi vì sự khác biệt về các vấn đề như di cư và năng lượng là rất lớn – và nhóm PiS chống Đức đã tìm ra cách trói tay Tusk.
Đức là mối nguy hiểm đối với Ba Lan, Berlin kiểm soát EU và muốn hạ thấp địa vị của Ba Lan ở châu Âu; Chính phủ liên bang Đức thậm chí còn can thiệp vào các chiến dịch bầu cử ở Ba Lan. Những người bảo thủ quốc gia Ba Lan đã liên tục tung ra những lời này và những lời lẽ hùng biện khác chống lại Đức trong 8 năm qua.
Đôi khi ngay cả các chính trị gia Đức riêng lẻ hoặc đại sứ Đức ở Warsaw cũng bị phỉ báng. Truyền hình nhà nước hoặc vẽ ra bức tranh nước Đức như một quốc gia đang suy tàn hoặc là kẻ thù của dân tộc Ba Lan, có thể so sánh với Nga. Người ta gần như quên rằng Ba Lan và Đức là đối tác trong cùng khối EU và NATO.
Với sự thay đổi chính phủ ở Warsaw vào tháng 12 năm 2023, chiến dịch chống Đức này đã kết thúc. Một liên minh tư sản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Donald Tusk đã nắm quyền điều hành chính phủ. Tusk là một người quen biết cũ; ông là người đứng đầu chính phủ trong bảy năm cho đến năm 2014 và sau đó là Chủ tịch Hội đồng EU.
Giống như các đảng của Liên minh Thiên chúa giáo Đức, Liên minh Công dân (KO) và Đảng Nông dân (PSL) đồng cầm quyền của ông là thành viên của Đảng Nhân dân Châu Âu (EPP) trong Nghị viện EU. Không thể có nhiều tương tự hơn trong quan điểm xu hướng chính thống của châu Âu. Do đó, các nhà quan sát không chỉ kỳ vọng rằng Ba Lan sẽ lại theo đuổi chính sách thân châu Âu – đảng Luật pháp và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu trước đây đã tập trung vào việc đối đầu ở châu Âu.
Họ cho rằng quan hệ Đức-Ba Lan sẽ trải qua một khởi đầu mới. Một phần cũng vì theo truyền thống, Tusk được coi là thân thiện với Đức. Tuy nhiên, hơn nửa năm sau khi Tusk nhậm chức, rõ ràng bước đột phá lớn vẫn chưa thành hiện thực. Cử chỉ hòa giải hay hợp tác? Không có. Các dự án đầu tư chung, vũ khí hay các sáng kiến chính trị mới ở châu Âu? Không có điều gì như thế cả.
Hình ảnh nước Đức ở Ba Lan xấu đi trầm trọng
Trong khi đó người Đức và người Ba Lan cần nhau hơn bao giờ hết. Vào thời điểm chưa rõ liệu Donald Trump có vào Nhà Trắng lần nữa vào năm tới hay không và những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang giành được thêm nhiều sự ủng hộ ở Pháp, Ba Lan càng trở nên quan trọng hơn đối với Berlin với tư cách là một đối tác chính sách an ninh. Đất nước này là quốc gia tiền tuyến ở sườn phía đông của NATO và có quân đội lớn nhất ở EU.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Ba Lan, Ba Lan là đối tác thương mại lớn thứ năm của Đức, trước Ý. Nhưng có một sự bế tắc. Về cơ bản có hai lý do cho điều này: Về các vấn đề lớn như chính sách di cư hoặc năng lượng, quan điểm của Đức và Ba Lan quá xa nhau để cả hai nước có thể cùng nhau tiến lên ở châu Âu. Và sau đó, trên hết, danh tiếng thân thiện với Đức của Tusk đã cản trở mối quan hệ hợp tác với Berlin.
Trong vài năm, PiS và các phương tiện truyền thông của đảng này đã miêu tả Tusk là một “đặc vụ Đức”. Ngay từ năm 2005, trong chiến dịch tranh cử tổng thống, nhân viên của ứng cử viên PiS Lech Kaczynski đã tuyên bố rằng, ông nội của Tusk đã từng phục vụ trong Wehrmacht (Quân đội Đức thời Hitler). Kể từ đó, các đối thủ của Tusk đã nhiều lần cố gắng công khai liên kết ông với Đức.
Những gì ban đầu không mấy thành công thì nay đã đơm hoa kết trái. Với việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream Đức-Nga và hoàn thành Nord Stream 1 vào năm 2012, hình ảnh của Đức ở Ba Lan đã xấu đi nghiêm trọng. Sau cuộc tấn công của Nga vào toàn bộ Ukraine hồi năm 2022 và việc Đức bắt đầu viện trợ vũ khí cho Kiev một cách do dự – hình ảnh xấu đó đã lan tỏa xa ra khỏi giới ủng hộ PiS vốn đã chống Đức.
Các nghiên cứu tương ứng cũng chỉ ra hình ảnh ngày càng xấu đi của nước Đức đối với người Ba Lan. Tusk biết rằng sự gần gũi rõ ràng với nền chính trị Đức không được giới cử tri ưa thích – ông ta, “đặc vụ Đức”, sẽ bị đổ lỗi cho điều này. Đây là những gì mà cuộc tham vấn của chính phủ Đức-Ba Lan hôm 2 tháng 7 năm nay thể hiện. Chúng diễn ra lần đầu tiên sau sáu năm. Chỉ riêng điều đó đã được coi là thành công sau những năm PiS.
Thủ tướng Olaf Scholz đã tới Warsaw với số lượng bộ trưởng lên đến hai con số. Theo báo cáo tại Warsaw, không khí giữa các bộ phận rất tốt. Người ta nói rằng các Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock và Radoslaw Sikorski nói riêng được cho là rất thông hiểu nhau. Cả hai bên đều nói rõ trước cuộc đàm phán rằng, Berlin và Warsaw sẽ quyết định về một kế hoạch hành động, coi như không chỉ có một thông cáo chung cuối cùng.
Sự tương phản rõ ràng trong chính sách di cư
Người ta đặt nhiều hy vọng rằng cả hai chính phủ sẽ đồng ý về các khoản đầu tư, các sáng kiến chính sách của châu Âu và các khoản bồi thường cho những tội ác mà người Đức đã gây ra đối với người Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Nhưng có rất ít kế hoạch hành động cụ thể. PiS đã yêu cầu chính phủ liên bang Đức phải bồi thường 1,3 ngàn tỷ euro, nhiều không thể tưởng tượng được. Chính phủ Tusk không làm điều đó. Tuy nhiên, không có nghĩa là chủ đề đó đã được giải quyết cho họ.
Truyền thông Ba Lan trích dẫn nghiên cứu trên nền tảng tin tức Onet, đưa tin rằng, Scholz được cho là đã đề nghị bồi thường cho Tusk. Chính phủ liên bang Đức muốn cung cấp 200 triệu euro cho những người sống sót trong các trại tập trung, hoặc cho những người từng là lao động cưỡng bức. Điều này vẫn sẽ ảnh hưởng đến khoảng 40.000 người ở Ba Lan ngày nay. Tusk được cho là đã từ chối.
Ở Warsaw, người ta nói rằng nếu Tusk đồng ý với lời đề nghị ban đầu thì điều đó giống như đã nhượng bộ người Đức. 200 triệu cho các nạn nhân vẫn chưa đủ, ông ta sẽ bị coi như “đặc vụ Đức”. Tusk cho biết, trong chuyến thăm Warsaw của Scholz rằng những mất mát mà Ba Lan phải trải qua trong Chiến tranh thế giới thứ hai là không thể bù đắp được. Tusk có nguy cơ rơi vào bẫy Đức này ở nhiều chỗ.
Ví dụ, về việc xây dựng sân bay trung tâm Ba Lan CPK. Tusk bị cáo buộc nếu chấm dứt dự án hoặc đưa ra những thay đổi là vì lợi ích của ngành hàng không Đức. Điều tương tự cũng áp dụng cho việc mua sắm thiết bị quân sự của Đức hoặc mở rộng năng lượng tái tạo. Cáo buộc thân cận với Đức đã làm hạn chế chính sách của Tusk đối với Đức. Việc cáo buộc không có cơ sở là không quan trọng. Việc tuyên truyền của PiS và sự mất niềm tin vào nền chính trị Đức đã mở đường cho việc này.
Ngoài ra còn có sự tương phản rõ ràng. Berlin rất ngạc nhiên khi Ba Lan phản đối cái gọi là thỏa hiệp tị nạn tại Nghị viện EU và Hội đồng châu Âu – chính sách tị nạn của châu Âu vẫn còn quá lỏng lẻo đối với Ba Lan. Cuộc bỏ phiếu bất đồng của Ba Lan không ngăn cản việc cải cách hệ thống tị nạn châu Âu, nhưng nó cho thấy quan điểm của nước này về vấn đề này: Cách xa Đức.
Điều này cũng đúng với sự chuyển đổi năng lượng. Ba Lan chủ yếu vẫn dựa vào than và muốn chuyển sang năng lượng hạt nhân. Đức, quốc gia đã đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân cuối cùng vào năm 2023, chủ yếu dựa vào năng lượng tái tạo. Trong tương lai, Berlin và Warsaw cũng khó có thể kết hợp với nhau.