Ngôn ngữ của miền Nam Việt Nam đang tiếp tục bị xâm thực

Đỗ Thái Nhiên

27-5-2024

Tháng 3/2022, Bến Bạch Đằng Saigon bị đổi tên thành “Ga Tàu Thủy Bạch Đằng”. Sự kiện này đã dẫn đến những tranh luận trong dân gian chung quanh đề tài: Ngôn ngữ Hà Nội (ngôn ngữ miền Bắc) đang làm mờ dần sắc thái đặc biệt của ngôn ngữ miền Nam Việt Nam.

Ngày 4 tháng 3 năm 2024, BBC NEWS đã phổ biến một bài viết có tựa đề: “Phương Ngữ Miền Nam Việt Nam đang tiếp tục bị xâm thực”. Bài viết này ghi nhận rằng, phương ngữ Hà Nội, phương ngữ đảng thì đúng hơn, đã tràn ngập các bảng chỉ đường, cách viết trên sách giáo khoa, trên báo chí. Sự kiện “xâm thực” kia xin được dẫn chứng bằng một số thí dụ điển hình như sau:

– Miền Nam gọi là bùng binh, Miền Bắc đổi thành vòng xuyến

– Giao lộ, ngã 4, ngã 5 đổi thành nút giao

– Xe cộ: Phương tiện giao thông

– Lái xe: Điều khiển phương tiện giao thông

– Con rùa: Cá thể rùa

– Đi dạo, đi lang thang: Đi phượt

– Đi cổ vũ, đi hoan hô: Đi bão

– Đương sự: Đối tượng

– Nguyên đơn: Bị hại

– Thực hiện nhiêm vụ: Bám sát nhiệm vụ

– Có giá trị: Chất lượng cao

– Thi hành hữu hiệu: Làm rất tốt

Nhà báo Cù Mai Công, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, một cây bút viết sách về Saigon xưa, nói với BBC News tiếng Việt rằng: Nếu kể về ngôn ngữ miền Bắc tràn vào miền Nam thì “nhiều lắm, kể không nổi đâu và cũng không cần kể vì ai cũng thấy, cũng nghe ra rả hàng ngày”.

Vẫn theo bài viết của BBC News, sở dĩ ngôn ngữ đảng CSVN phủ sóng áp đảo trên toàn thể Việt Nam, đặc biệt là trên miền Nam Việt Nam là vì Hà Nội nắm lợi thế của truyền thông, lợi thế của bộ máy nhà nước. Sau đây là ba phương pháp chính yếu giúp Hà Nội thực hiện hành động xâm thực ngôn ngữ của địa phương miền Nam Việt Nam:

1. Nhà nước Hà Nội là chế độ toàn trị. Vì vậy Hà Nội nắm giữ độc quyền giảng dạy và độc quyền in sách giáo khoa cho sinh viên học sinh. Từ đó ngôn và lời của guồng máy giáo dục kia đều là ngôn ngữ đảng. Và cũng từ đó các thế hệ trẻ xuất thân từ hệ thống giáo dục của Hà Nội đều cảm thấy xa lạ mỗi khi nghe nói tới ngôn ngữ địa phương của Việt Nam, nhất là của miền Nam Việt Nam.

2. Nhà nước độc quyền xuất bản sách báo và độc quyền kiểm soát báo chí. Vì vậy muốn cho bài vỡ, sách báo đi qua cửa ải kiểm duyệt một cách êm ả, giới cầm bút tại Việt Nam thường phải viết theo cung cách của đảng, sử dụng ngôn ngữ đảng.

Đây là một quy định ngầm trong giới báo chí.

3. Đài VTV là đài truyền hình quốc gia duy nhất tại Việt Nam. VTV lại được vô số cơ quan truyền thông tiếp vận về địa phương. Điều này giải thích lý do tại sao hầu như toàn bộ truyền thông Viêt Nam đều tuyển dụng nhân viên truyền thanh, truyền hình nói giọng Bắc, viết kiểu đảng, dùng ngôn ngữ của đảng.

Sau cùng, xin được nhấn mạnh: Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã long trọng minh định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.

Rõ ràng Hà Nội thừa biết hành động bôi xóa ngôn ngữ địa phương của miền Nam Việt Nam là một việc làm trái với hiến pháp do chính chế độ Hà Nội viết ra. Thế nhưng, tại sao Hà Nội vẫn quyết liệt hành động một cách có hệ thống? Hà Nội trả lời câu hỏi này bằng cách nêu vấn đề “chuẩn hóa và thống nhất tiếng Việt” như một phương pháp mặc nhiên dẫn đến đoàn kết toàn dân, thống nhất nhân tâm. Lời lẽ biện minh kia của Hà Nội có thỏa đáng và nghiêm chỉnh hay không? Người cầm bút xin được bình giải thắc mắc vừa kể ở phần nói về nhận thức đối với hiện tượng ngôn ngữ miền Nam Việt Nam bị xâm thực.

Ảnh minh họa. Tiếng Dân edit

Nhận định về đại họa xâm thực ngôn ngữ địa phương

Nhận định về sự kiện ngôn ngữ miền Nam Việt Nam bị xâm thực, chúng ta không thể không khảo sát mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa.

Trái nghĩa với văn minh là dã man. Dã man là tình huống sống không có sự khác biệt giữa đời người và kiếp vật. Với đà tiến hóa của lịch sử, con người bắt đầu nhận ra đời người cần phải được tổ chức khác hẳn và cao cấp hơn kiếp vật. Từ đó ý niệm văn minh ra đời: văn minh là khoảng cách biệt trong sinh sống giữa đời người và kiếp vật. Và cũng từ đó mọi suy nghĩ và hành động nhằm làm cho xã hội loài người hóa thành văn minh hơn gọi là văn hóa.

Văn hóa qua sự truyền đạt của ngôn ngữ xác quyết rằng: điểm trội yếu của văn minh là sự đòi hỏi mọi người (cá nhân và pháp nhân tư nhân) sanh ra đều bình đẳng và rằng bình đẳng hàm ý bình đẳng về cơ hội sống: đời sống tinh thần và đời sống thể chất.

Xã hội loài người khởi đi từ bộ lạc, tiến lên làng xã rồi mới đến quốc gia. Nói rõ ra địa phương có trước quốc gia, đia phương là gốc rễ của quốc gia. Không có địa phương, không thể có quốc gia.

Mặt khác, Không có bất kỳ ngôn ngữ nào không xuất phát từ một địa phương cụ thể.

  1. Ngôn ngữ là gạch nối giữa con người với con người.

2. Ngôn ngữ là phương tiện gói ghém phong tục tập quán, văn hóa địa phương và nhất là lòng yêu thương quê cha đất tổ.

3. Ngôn ngữ là chỉ dấu của tự do tư tưởng, tự do biểu tỏ trí thông minh và óc sáng tạo.

4. Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa địa phương.

Những điều vừa trình bày nói lên sự cách biệt giữa đời người và kiếp vật, đây là văn hóa. Ngôn ngữ đan quyện vào văn hóa, làm cho văn hóa được hiển lộ. Ngôn ngữ đích thực là linh hồn của văn hóa. Xâm thực ngôn ngữ địa phương chính là thủ tiêu sinh mệnh văn hóa của địa phương.

Nếu quốc gia là một guồng máy thì địa phương là những cơ phận của guồng máy kia. Trong trường hợp sinh hoạt của địa phương không tồn tại trên căn bản độc-lập-nhưng-liên-lập thì địa phương hiển nhiên là những gốc cây khô và quốc gia chỉ là quốc gia không gốc rễ, quốc gia do chế độ độc tài nhào nặn ra.

Từ mỗi địa phương lên đến quốc gia, tất cả đều được hình thành bởi hai yếu tố:

Linh hồn địa phương: Lòng yêu thương dãy núi, bờ sông, hàng tre, ruộng lúa, yêu đồng quê, yêu tổ quốc, yêu đời sống tự chủ, yêu phong tục tập quán, yêu ngôn ngữ vùng miền, yêu cảnh quang quê cha, đất tổ, yêu “phép vua thua lệ làng”… Nói chung là yêu và sống quấn quyện trong văn hóa. Văn hóa thăng hoa sản sinh ra văn, thi, nhạc, họa.

1. Văn là ngôn ngữ của bút mực.

2. Thi là ngôn ngữ của vần điệu.

3. Nhạc là ngôn ngữ của âm thanh.

4. Họa là ngôn ngữ của màu sắc.

Ngôn ngữ thực sự là linh hồn của bốn viên ngọc quý, của văn hóa, là linh hồn của mỗi địa phương.

Hành chánh địa phương: (Cơ thể địa phương) cơ quan công quyền địa phương. Hội đồng xã, xã trưởng, phó xã trưởng, các tiểu ban: y tế, giáo dục, an ninh, trật tự… tổ chức và điều động đời sống cho muôn dân.

Từ sau 30/4/1975, CSVN nắm giữ toàn bộ guồng máy hành chánh Việt Nam từ trung ương tới địa phương. Riêng linh hồn của địa phương, nói theo kiểu Võ Văn Kiệt “bên cạnh một triệu người vui có một triệu người buồn”. Lòng dân ly tán. Vì vậy, nhằm làm biến mất một triệu nỗi buồn kia, CSVN đã chiếm giữ linh hồn của địa phương bằng cách xâm thực phương ngữ, đặc biệt là phương ngữ miền Nam Việt Nam. Xin nhấn mạnh phương ngữ là linh hồn của văn hóa địa phương.

Như vậy, 30/4/1975 CSVN chiếm giữ cơ thể (hành chánh) Việt Nam. Ngày nay bằng hành động xâm thực phương ngữ Việt Nam, CSVN đang chiếm giữ linh hồn Việt Nam. Do đó, CSVN đã thực hiện được tham vọng chiếm giữ cả cơ thể lẫn linh hồn Việt Nam.

Sự thể này dẫn đến hệ quả đời sống tình cảm của người Việt Nam: Tình yêu con cái đối với cha mẹ, tình bằng hữu, tình yêu nam nữ, yêu quê hương, yêu bờ cây bụi cỏ, yêu địa phương, yêu tổ quốc đều bị triệt để bôi trắng… Sau một loạt bôi trắng kia cộng với giáo dục nhồi sọ, trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam sống dưới chế độ Cộng Sản chỉ còn lại một loại tình yêu đơn độc đến lạ lùng: yêu tổ quốc tức yêu xã hội chủ nghĩa. Nói ngắn và gọn toàn dân chỉ có một nghĩa vụ duy nhất phải tuân hành: yêu đảng và trung với đảng.

Người Việt Nam nghĩ gì và làm gì trước đại họa xâm thực ngôn ngữ địa phương

Xin được nhắc lại: Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã long trọng minh định: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Rõ ràng Hà Nội thừa biết hành động xâm thực ngôn ngữ địa phương của miền Nam Việt Nam là một việc làm trái với xu thế sống bình thường của loài người. Hành động vừa kể của chế độ Hà Nội đã thực sự chống lại điều 1 của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày 10 tháng 12 năm 1948: “Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng”.

Mọi người bao hàm cá nhân và pháp nhân tư nhân (gia đình, làng xã, địa phương). Bình đẳng có nghĩa là mọi người đều được tôn trọng như nhau. Mỗi người là một nguyên. Nguyên là đầu, là trước tiên: nguyên thủ quốc gia, tết nguyên đán (ngày đầu năm), nguyên nguyệt (tháng giêng) … Mọi người đều là nguyên, đều có quyền bình đẳng. Dân số hàng triệu người là hàng triệu nguyên. Vì vậy xã hội ắt phải đa nguyên.

Làm sao lý tưởng đa nguyên được thực thi? Hãy tìm giải đáp cho câu hỏi vừa nêu bằng cách khảo sát đời sống của một gia đình. Gia đình phụ hệ: Mọi quyết định về quyền lợi của gia đình đều nằm trong tay người cha. Nếu tổ chức gia đình được hình dung như một kim tự tháp thì người cha ngự trên đỉnh kim tự tháp, mẹ và con cái an phận nằm ở đáy kim tự tháp. Trong gia đình kim tự tháp, đời sống tự giác của mẹ và con cái của mẹ đều bị triệt tiêu.

Theo đà phát triển của nhân văn, gia đình kim tự tháp đang nhanh chóng chuyển đổi thành gia đình hạch tâm (nuclear family). Hạch tâm còn gọi là nguyên tử vật chất. Hạch tâm gồm các điện tử âm, điện tử dương và trung hòa tử xoay quanh nhân nguyên tử theo một trật tự bền bỉ, không lãnh tụ, mỗi điện tử di chuyển trên quỹ đạo riêng, không lấn át lẫn nhau. Tương tự như vậy, trong gia đình hạch tâm: Cha, mẹ, con cái mỗi người là một cơ phận của gia đình, mỗi người là một nguyên. Mọi quyết định của gia đình đều lấy quyền lợi chung của gia đình làm chuẩn mực duy nhất trong việc dẫn đạo gia đình. Điều này giải thích lý do tại sao gia đình hạch tâm không có gia trưởng nhưng vẫn bình ổn.

Bây giờ, chúng ta hãy phóng chiếu mô thức gia đình hạch tâm lên địa bàn quốc gia để có được sự chuyển đổi từ hành chánh kim tự tháp lên hành chánh hạch tâm.

Xã hội hạch tâm chính là môi trường thích nghi trong việc tạo điều kiện để mỗi địa phương là một nguyên của quốc gia đa nguyên. Trong quốc gia đa nguyên, tất cả văn hóa địa phương (ngôn ngữ địa phương là linh hồn) đều được tự do vận động và phát triển, không có vấn đề ngôn ngữ đảng xâm thực ngôn ngữ địa phương.

Câu hỏi kế tiếp: Tất cả ngôn ngữ địa phương đều được tư do vận động và phát triển, như vậy, đâu là con đường tiến đến thống nhất ngôn ngữ Việt Nam? Thưa rằng: Bạn hãy hình dung ngôn ngữ như một guồng máy, mỗi ngôn ngữ địa phương là một cơ phận của guồng máy ngôn ngữ kia. Những giao dịch trong guồng máy vừa kể đã đãi lọc các loại phương ngữ của quốc gia để cuối cùng sản sinh ra ngôn ngữ Việt Nam thống nhất. Cứ như vậy, phương ngữ tiếp tục giao thoa, tiếp tục đãi lọc lẫn nhau và tiếng Việt tiếp tục thống nhất trong sinh sinh hóa hóa. Đây chính là chân ý nghĩa của sinh ngữ trong ngôn ngữ.

Thống nhất ngôn ngữ phải là kết quả của quá trình đãi lọc các phương ngữ trên căn bản tôn trọng tính sinh ngữ của ngôn ngữ. Quan điểm này là sự phản kháng mạnh mẽ mọi hành động thống nhất ngôn ngữ bằng cách dùng “ngôn ngữ đảng” để xâm thực những phương ngữ khác trên toàn Việt Nam. Ngôn ngữ là linh hồn của văn hóa. Thống nhất ngôn ngữ nhưng vẫn bảo vệ được tính sinh ngữ của ngôn ngữ là phương pháp khoa học và thích nghi nhất trong công việc vừa xây dựng ngôn ngữ chung vừa giúp cho văn hóa liên tục phát triển trong phong phú, thông minh và sáng tạo.

Quần chúng sản sinh ra văn hóa. Văn hóa địa phương là cỗi gốc của văn hóa quốc gia. Văn hóa từ đảng ban bố xuống địa phương thông qua “đảng ngữ” là văn hóa phản xu thế sống, phản nhân văn.

Câu chuyện “đảng ngữ” xâm thực phương ngữ Việt Nam với hậu ý “đảng hóa văn hóa Viêt Nam” đã mở ra trong tâm trí người Việt hải ngoại nghĩa vụ phục hoạt văn hóa truyền thống của Tổ Tiên Việt.

Phục hoạt văn hóa Việt theo chỉ hướng nào? Thưa rằng, tất cả những gì phục vụ đời sống của con người, những gì thuận theo lòng người đều hàm chứa trong văn hóa Việt. Điều này đã giải thích tại sao nhạc vàng của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 vẫn lừng lững phục sinh, mặc cho mọi nỗ lực triệt để ngăn cấm của CSVN.

Xin được nhấn mạnh: Ngay sau 30/4/1975 người Việt hải ngoại trên bước đường ly hương đã mang theo văn hóa Việt, đặc biệt là mang theo nhạc vàng. Sau thời gian ổn định đời sống trên đất khách, người Việt hải ngoại không ngừng tiếp tục sáng tác và phổ biến nhạc vàng, xem nhạc vàng như những bài kinh nhật tụng gói ghém tấm lòng thương nhớ đồng bào, thương nhớ quê hương… Khi tâm tình của nhạc vàng lên tới đỉnh điểm, khi nhạc vàng lan tỏa về tới Việt Nam theo tâm lý “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhạc vàng trở thành gạch nối lớn, gạch nối chặt chẽ giữa người Việt trong và ngoài nước. Từ đó nhạc vàng hiên ngang hồi sinh ngay trên quê Mẹ Việt Nam, bất chấp sự cấm cản nghiêm khắc của nhà cầm quyền Hà Nội.

Nương vào phương cách phục hoạt của nhạc vàng, người Việt hải ngoại hãy thân mến ngồi xuống bên nhau, cùng nhau thảo luận về văn hóa truyền thống Việt. Nền tảng của văn hóa truyền thống Việt là ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích dân gian… Trực tiếp ngắm nhìn dòng sống Việt, khảo cứu kho tàng văn chương bình dân, các tác giả Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Lý Đông A và nhiều nhà tư tưởng khác… đã hệ thống hóa, chi tiết hóa kho tàng văn chương kia để xây dựng thành tư tưởng truyền thống văn hóa Việt. Mang văn hóa này phổ vào bốn viên ngọc quý: Văn, thi, nhạc, họa. Từ bốn viên ngọc vừa kể, văn hóa Việt Nam hải ngoại sẽ tràn về quê hương Việt một cách êm ái nhưng mạnh mẽ và rộng khắp.

Đi theo văn hóa truyền thống được phục hoạt, tự do dân chủ sẽ đến với Việt Nam chậm rãi nhưng vững vàng đúng như hình ảnh nhạc vàng đã bừng bừng sống lại trên toàn cõi Quê Hương Việt.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Bệnh viện phụ sản = Xưởng đẻ
    Đài truyền hình :
    Đài phát thanh :
    = Trung tâm nghe nhìn
    Ăn = đớp
    Cao học và cao cấp chính trị nó khác nhau nhiều thế đấy, đảng cộng sản quyết đưa dân tộc về thời ăn lông ở lỗ.

  2. Hề… hề…, tác giả của bài báo này rất kém hiểu biết về ngôn ngữ nhưng lại mượn danh phương ngữ để xả cái uất ức nảy sinh sau năm 1975:
    1. Trước hết, phải khẳng định rằng tiếng Việt là NGÔN NGỮ SINH NGỮ, nó chấp nhận các từ mới khi những từ này được đa số dân chúng sử dụng và thải loại dần các từ cũ (bao gồm các từ Hán Việt, các từ thuộc các PHƯƠNG NGỮ không còn phù hợp). Nhưng hiện nay, quá trình SINH NGỮ của TIẾNG VIỆT đang bị chặn đứng bởi một lũ TẦU NHÁI, chúng cố tình DÙNG TỪ ĐIỂN HÁN VIỆT hoặc CHIÊU BÀI PHƯONG NGỮ để không công nhận CÁC TỪ MỚI đã và đang nảy sinh theo hướng THUẦN VIỆT, dĩ nhiên, có những TỪ MỚi nảy sinh theo hướng TỬ TẾ thì sẽ được chấp nhận và đưa vào sử dụng, còn, một số TỪ MỚI lai căng, Việt đểu hoặc nhí nhố thì sẽ nhanh chóng bị vứt vào sọt rác, không dùng. Vì vậy để quá trình SINH NGỮ KÈM THEO VIỆT HOÁ được phát triển bình thường, không bị sai lệch, thì cần phải vứt hết BỌN TẦU NHÁI vào sọt rác của LỊCH SỬ NGÔN NGỮ!!?
    2. “Từ mọi thứ, chúng ta là một”, đây là khẩu hiệu kêu gọi được khắc lên Quốc huy của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ: Bỏ qua mọi kỳ thị, vượt qua mọi thứ để hình thành Dân tộc Mỹ, tiếc thay, nước Mỹ hiện nay vẫn chưa hình thành Dân tộc vì từ khi lập quốc tới giờ nước này đã phải trải qua các khổ nạn tự phát từ phe này chủ động đến phe khác tuyên chiến mà chưa bao giờ thực sự GIAO LƯU!!.
    3. GIAO LƯU chính là CÔNG CỤ của NGÔN NGỮ GIAO TIẾP, trong quá trình GIAO LƯU NGÔN NGỮ thì các từ của PHƯƠNG NGỮ VÙNG MIỀN sẽ mất dần đi và sẽ xuất hiện các từ mới thay thế, vấn đề là phải xem xem các từ mới nảy sinh có phù hợp với dân chúng hay không mà thôi.
    4. Tôi không rõ tác giả còn ở Việt Nam hay đã định cư ở nước ngoài, nếu còn ở trong nước thì hãy xin đến 2 xã Thạnh An, Thạnh Thắng của huyện Thốt Nốt, Hậu Giang (bây giờ có thể đổi tên), ở đó có khối dân Công giáo di cư 1954 được lập ấp và đó là sáng kiến của Thầy Ký Nguyễn Ngọc Thơ: Ở vùng này chủ yếu là dân Công giáo toàn tòng được phân chia theo các kênh đào được ghi trên bản đồ mang tên Kênh Thầy Ký, Kênh B rồi D, H, G…, dọc theo mỗi kênh là cư dân di cư của mỗi tỉnh ngoài Bắc kỳ với hành trang là kinh nghiệm sản xuất ngày trước và ngôn ngữ vùng miền, và, do họ là Công giáo nên chỉ giao lưu với nhau, ít quan hệ với dân ở bên ngoài. Hệ quả là chỉ tới thế hệ thứ 3, người dân ở đây đã thủ tiêu được văn hoá và ngôn ngữ vùng miền mà xác lập được ngôn ngữ thống nhất và giọng nói rất chuẩn mà tôi thường đùa: Chuẩn hơn cả giọng Hà Nội của bố mày đấy!!!

  3. Ngôn ngữ luôn phát triển theo thời gian . Có những ngôn từ mới xuất hiện và có những từ ngữ ít dùng hơn hoặc biến mất trong giao tiếp hàng ngày . Có những từ nhập ngoại . Loài người đã trải qua nhiều hình thái tổ chức XH cũng như các chế độ chính trị , tôn giáo khác nhau . Ngôn ngữ vẫn không ngừng phát triển . Đó là hiện tượng hoàn toàn bình thường !


  4. ĐÀI LOAN: Tiền đồn Chiến tuyến tiền phương của Thế giới Tự do trong Thời Toàn Cầu hóa
    *********************************

    https://www.youtube.com/watch?v=81NtiyWlEHs
    “Victory Song” – Chinese Patriotic Song

    Quốc Đảo lấp lánh ngàn khơi trùng dương
    Đài Bắc thách thức Bắc Kinh kiên cường
    Địa hình hiểm trở tốn máu xương lính khựa
    Mỹ là Điể m tựa Quốc tế như Bảo gươm
    Chiến dịch Liên Kiếm vừa bại thép rỉ
    Kim Môn Tiền đồn + Mã Tử tiền phương

    https://www.youtube.com/watch?v=XsKbz1wR8Bs
    國家 – The Country

    Bất khuất tựa giữa Eo biển trung tuyến
    Đảo Quốc chưa đông bằng huyện Tàu phường
    Đài Loan Top 20 Toàn cầu kinh tế
    Không khéo khủng long đỏ gục chiến trường
    ‘Châu chấu đá voi’ huy động kỹ thuật quân sự
    Không đoàn phi cơ không phi công biểu dương
    Chiến hạm rải thủy lôi gài mìn giữ Quốc Đảo
    Đài Loan ra chiến lược hãm tham vọng đối phương
    Khởi động chiến dịch chiến thuật tấn công đường biển

    https://www.youtube.com/watch?v=AQuY2SvXEhU
    中華民國頌

    Bắc Kinh khó đánh phủ đầu chiếm Đài Loan kiên cường
    ‘Châu chấu đá voi’ khai thác công nghệ cao hỏa tiễn
    Liên lục địa nhắm bắn căn cứ tận Tây Tạng – Tân Cương
    Vũ khí tối tân Mỹ tài trợ cho Đài Bắc bảo vệ Quốc Đảo
    Huỷ diệt Chuỗi đảo Ngọc Trai sống còn của Tàu – đối phương
    Cắt đứt hải trình huyết mạch kinh tế nuôi sống Hoa lục
    Đồng minh Mỹ chắc sẽ can thiệp đại hải chiến khó lường

    https://www.youtube.com/watch?v=7DArvtqFC1I

    台灣進行曲—Taiwan March(中華民國台語愛國歌曲)

    Quốc Đảo lấp lánh ngàn khơi trùng dương
    Đài Bắc thách thức Bắc Kinh kiên cường
    Địa hình hiểm trở tốn máu xương lính khựa
    Mỹ là Điểm tựa Quốc tế như Bảo gươm
    Đài Bắc ngay tử huyệt huyết mạch công nghiệp Tàu cộng
    Đài Loan tiền đồn trên Tuyến đường giao thương
    Chiến dịch Liên Kiếm vừa bại như sắt rỉ
    Kim Môn Tiền đồn + Mã Tử tiền phương

    https://www.youtube.com/watch?v=-UCjxs-Sypk
    HOÀNG SA – TRƯỜNG SA (Thơ Trần Trung Đạo, nhạc Phù Chí Phát) Đức Cường

    ĐÀI LOAN ơi ! Tiền đồn tiền phương chiến tuyến !
    Chiến đấu vì Thế giới Tự do hạnh phúc Trần dương
    Nay Thời Toàn Cầu hóa – xưa Chiến tranh Lạnh
    Quốc Đảo lấp lánh ngàn khơi trùng dương
    Cổ vũ Hoàng Sa Hận Vong đảo vươn mình lên nhé !
    Bài học Đài Bắc thách thức Bắc Kinh kiên cường

    HÀNG CHỤC TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

    • Quên giải thích ngắn VÌ SAO tại sao …vì Ý KIẾN bài viết TRÊN ĐÂY dùng toàn thuật ngữ Miền Nam trước 1975
      Tiếng Mẹ Tiếng Việt phong phú và giàu sang thừa đủ sức có những thuật ngữ Khoa học & Kỹ thuật Hiện đại nhất cho mọi ngành

      Thân thăm huynh trưởng đồng môn đàn anh cùng trường Phan Châu Trinh Một thời Đà Nẵng dấu yêu PHAN NHẬT NAM và Đỗ Thái Nhiên

      NHV

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây