Thầy cô, cha mẹ hay con buôn?

Tạ Duy Anh

26-5-2024

Một bộ phim tôi xem từ lâu, nếu tôi nhớ không nhầm thì tên của nó là “Ngôi nhà trong sương hồng”, đã khiến tôi day dứt suốt nhiều năm. Điều khiến tôi không thoát khỏi nỗi ám ảnh là tất cả các nhân vật trong phim đều hành động không sai về mặt lý, nhưng kết cục cuối cùng là một thảm họa cả về pháp lý và đạo đức.

Có lẽ bộ phim muốn gửi đến người xem thông điệp: Nếu sống với nhau chỉ thuần dựa vào lý trí, con người hoàn toàn vẫn có thể mù lòa và đưa tất cả xuống địa ngục.

Cái chết của thằng bé trong phim, lời gào lên của người cha: “Tôi không cần gì nữa, chỉ cần con tôi sống lại”, là tiếng gào thê thảm của tất cả cái nhân loại đang đánh mất dần sự sáng suốt của trái tim và để cho tình trạng nhân tính mỗi ngày một khô kiệt này.

Tôi rất ngại nhắc tới miếng ăn, bởi nó hàm chứa trong đó cả niềm hân hoan tận cùng, lẫn nỗi tủi nhục vô tận. Một hành xử có văn hóa với miếng ăn, là phải biết xóa đi khía cạnh gây tủi nhục của nó.

Với tôi, câu chuyện một cháu bé ngồi nhìn 31 bạn cháu cùng các cô vui vẻ ăn liên hoan chỉ vì mẹ cháu không đóng quỹ Phụ huynh, là thảm họa đáng sợ của văn hóa, của giáo dục và cao hơn nữa là của lương tâm con người. Bản thân việc tranh cãi đúng, sai của người lớn quanh mấy chục ngàn đồng, đặt cạnh sự tổn thương ghê gớm của một cháu bé 6 tuổi, cũng đã phản ánh về một sự suy đồi trầm trọng trong lối sống, lối nghĩ thực dụng hiện nay.

Ảnh chụp màn hình bài báo Dân Trí: “Bé lớp 1 phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ”

Cứ cho là không người lớn nào sai trong câu chuyện này, nhưng nếu chỉ bám vào ý nghĩ như vậy để yên trí với việc làm của mình, để tự giải thoát khỏi ánh mắt của cháu bé, thì các vị là ai? Là cha mẹ, là thầy cô hay là những con buôn?

Có cả trăm ngàn cách hành xử mang tinh thần sư phạm, tinh thần yêu thương cao cả mà một người thầy, một bậc cha mẹ thực sự có thể đưa ra không cần quá một tích tắc suy nghĩ, nhưng các vị đã lựa chọn duy nhất cách hành xử phản sư phạm, phản con người.

Cái tích tắc phát sáng từ bản năng thiên lương là tối quan trọng và là hạt minh châu của tâm hồn con người vì nó vượt qua mọi tính toán đúng sai của lý trí. Nó không thể kết tinh được khi chỉ còn lại thứ duy nhất là tiền làm chuẩn mực cho mọi hành động, mặc dù không ai có thể sống, làm việc mà không có tiền! Cái nghịch lý, cái thực trạng nhọc nhằn đó, những người tham gia vào nền giáo dục phải vượt qua, như một sứ mệnh. Bằng không, xin xóa bỏ danh xưng người thầy.

Hành hạ tinh thần, (thậm chí không khác gì làm nhục), một cháu bé chỉ vì một việc làm cứ cho là vô lý của người lớn, phải gọi đúng bản chất của nó là sự độc ác. Những gì tốt đẹp các vị dày công nhét vào đầu, vào tâm hồn đứa trẻ có thể thành công cốc, có thể mang đến kết quả ngược lại: biến nó thành một kẻ lạnh lùng, thù hận, chỉ bằng việc làm cằn cỗi ấy.

Không ai xét xử quý vị nhưng tôi nói thật, có nhiều hành vi thà bị xét xử, bị trừng phạt lương tâm còn đỡ nặng nề hơn. Giáo dục cũng chính là để con người thấm thía điều đó, từ tấm bé.

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. Tôi thấy cái hội PH ấy không ổn! Ai lại để cháu bé như vậy chỉ vì mẹ bé không đóng tiền?! 31 người không mua được suất ăn cho cháu ư?!
    Mẹ cháu không đóng góp thì thôi có sao đâu.
    Tôi cũng có hội PH, cũng đóng góp tùy ý, không bắt buộc, cũng có người không đóng, nhưng chi cho các bé là như nhau!
    Hay do tôi ở Miền Nam?!

  2. Giáo này là giáo mác chứ giáo dục cái con mia chi !
    Một chế độ ngu xuẩn thối nát tới tận đáy.

  3. Do chế độ nào giáo dục ấy nên giáo dục VN có nhiều bất cập nhưng nội dung báo Dân trí đăng không bao giờ có! ( Vì là người ở trong ngành giáo dục của vc nhiều năm). Quý vị phải biết gv trong chế độ vc chịu nhiều áp lực từ trên xuống, từ cha mẹ học sinh nữa nên có tiếc gì cái bánh, cây kẹo, một vài phần ăn… mà lại để cho 1 học sinh ngồi nhìn). Giáo viên cũng chỉ là nạn nhân của chế độ thui!

  4. Hề… hề… Không chỉ là CON BUÔN, mà đây là chứng cớ rõ nhất phản ánh các CÔNG TY GIÁO DỤC đang thực hiện QUY TRÌNH LỢN HOÁ các VỊ PHỤ HUYNH và CÁC TRẺ NHỎ như thế nào!!!

  5. Chủ nghĩa Mác vưỡn sống mãi ở VN, chủ nghĩa Mác chỉ là khoa học hóa, hệ thống hóa những tâm tư, tình cảm của người Việt, hổng hơn & cũng chả kém

    Toàn bài của Tạ Duy Anh là cảm xúc của 1 “trí thức” Việt văn hay chữ tốt trước những chứng thực của phân chia giai cấp, dẫn tới mâu thuẫn, & từ mâu thuẫn sẽ dẫn tới đấu tranh . Haves & have-nots.

    Mọi thứ đều có giới hạn của nó, mún liên hwan thì phải đóng tiền, ở tất cả những nước “văn minh” aka tư bửn đều xảy ra những chiện đó . Studio 54 có người bị từ chối đã tự tử . Trong chiện này, vứn đề ở chỗ giải quyết bằng cách nào . Níu cho đứa bé đó nhập tiệc thì cũng có đứa khác nhìn thèm thuồng vì cha mẹ hổng đóng tiền vì 1 lý do nào đó . Đơn giản vì số người có khả năng đóng tiền trong xã hội đều bị hạn chế . Và níu hổng có tạo ra những “exclusives” dư thía lày, ý chính của chủ nghĩa Mác, xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ ranh giới giữa Haves & Have-nots bằng cách chia sẻ tài sản, thì … ừ thì thế giới đại đồng, là ước nguyện của chủ nghĩa Mác cũng như nhiều chủ thuyết khác, tồn tại cả trong tôn giáo . Và cũng hoàn toàn biến mất những “exclusives”, những câu lạc bộ, những tổ chức mà Groucho Marx nói có lẽ tôi sẽ không gia nhập những tổ chức nào nhận mình là thành viên .

    Trích lại Tạ Duy Anh, “phải gọi đúng bản chất của nó là sự độc ác”

    1 trong những điều răn của Thiên Chúa là envy, tức là thèm muốn, ganh tị những gì kẻ khác có mà mình không . Có nên đem điều này ra để giáo dục đứa bé, hay lên án bản chất của “exclusives”, tức là loại ra những người không xứng đáng, ya tell me.

    Hihi, và các “trí thức” nhà mềnh mún từ bỏ chủ nghĩa Mác, trong khi ở những bài khác họ viết, chủ nghĩa Mác cứ hiện lên sừng sững

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây