Chăm lo Phật sự hay nuôi tăng béo núc?

Chu Mộng Long

24-5-2024

Tôi bắt đầu câu chuyện tuổi thơ của tôi gắn với chùa như thế nào. Cái chùa, đúng hơn là một cái am thờ Phật, do một người phụ nữ lập ra trong vùng tranh chấp trước năm 1975. Am nằm ven thị trấn, thỉnh thoảng bị pháo kích từ trên núi dội xuống, nhưng so với nơi khác thì khá bình yên, từng làm nơi tạm trú cho bà con “chạy giặc”.

Những năm ấy chiến tranh khốc liệt. Người tản cư hàng đoàn, thây người chết vung vãi khắp nơi. Nhà người phụ nữ này thành địa điểm cho dân tạm cư. Khu vườn khoảng vài hecta của bà chứa đến hơn chục gia đình đến tạm cư. Bà huy động tre nứa làm nhà cho bà con, trong đó có ngôi nhà của gia đình tôi.

Bà làm luôn cả một cái hầm tránh pháo kích, chứa gần trăm con người. Bình thường, bà còn tạo điều kiện, giới thiệu việc làm cho từng nhà. Thấy cảnh khổ đau, chết chóc, bà còn lập am thờ Phật cho bà con đêm đêm tụng kinh, niệm Phật để cầu an, kể cả cầu siêu cho những người đã chết. Thuở ấy, chưa lên mười, tôi đã cùng ba mẹ, anh em đêm đêm quỳ trước Tam bảo, tụng kinh, niệm Phật. Nhờ vậy, từ bé, tôi đã thuộc lòng gần chục bộ kinh nhật tụng.

Hàng ngày bà cần mẫn hái lá cây, phơi sấy làm thuốc chữa bệnh. Bà không lấy tiền của bất cứ ai. Chỉ cúng hoa quả. Hoa quả chính bà mua hoặc bà con mua dâng lên Tam Bảo. Bà có chồng con, nhưng cả nhà ăn chay. Riêng bà chỉ ăn trái cây và rau quả. Từ năm 1974, bà bắt đầu nhịn ăn và chỉ uống nước trong. Đúng 31 tháng 3 năm 1975, giải phóng Bình Định thì bà viên tịch. Dân xung quanh gọi bà là Bồ tát.

Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh bà khi trở về cõi trên. Bà nằm trong tư thế Phật nhập Niết Bàn. Mắt nhắm. Làn da trắng sáng. Môi tươi như hoa. Khi ấy bà mới 42 tuổi.

Nói đến chuyện “Phật sự” thì tôi nhớ lại tất cả những việc bà làm. Bà là chỗ dựa tinh thần lẫn vật chất cho những người dân khốn khổ. Bà chay tịnh khi dân lâm nạn. Khó khăn bà vẫn hỉ xả và đầy tình yêu thương. Khi dân hết lâm nạn, bà lặng lẽ về với cõi Phật.

Các bạn có thấy bà khác xa với các đấng, bậc tu hành theo Đạo pháp xã hội chủ nghĩa không? Ai cũng béo núc và suốt ngày kêu gọi quyên góp. Miệng chỉ có niệm thần tiền và nhát ma dọa quỷ.

Tôi quan sát các tăng đoàn, toàn những người trai trẻ lực lưỡng. Tính ra, các chùa to như hiện nay, mỗi tăng đoàn có lẽ lớn hơn một trung đoàn lính. Họ tu tập và giúp ích gì cho cuộc sống người dân, có thể tôi không biết. Nhưng để có lương thực nuôi các tăng đoàn này, có lẽ số tiền cũng bằng dân nộp thuế nuôi quân đội.

Nếu Giáo hội được trang bị vũ khí, có khi có sức mạnh tương đương với lực lượng vũ trang của nhà nước.

Đừng tưởng ăn chay là rẻ. Tôi từng ăn chay cả tháng sau khi ba và em tôi mất. Vợ tôi lặng lẽ mua sắm đồ chay, không nói gì. Nhưng sau đó tôi mới biết, số tiền chi ăn chay đắt hơn nhiều so với ăn mặn. Lương của tôi so với giảng viên trẻ là khá cao, ăn chay chỉ rau cỏ, đậu, nấm mà còn khó khăn, huống hồ nghe nói trong chùa to, các tăng toàn ăn cao lương mĩ vị.

Tôi biết trước đây, trừ những ngôi chùa cổ với sinh hoạt đạm bạc, các chùa to chủ yếu sống bằng tiền của đại gia và quan chức. Mỗi chùa sở hữu hàng ngàn ngàn tỉ. Có chùa hàng trung bình thôi mà báo đăng trộm cướp xông vào lấy cả chục ký vàng. Một nhà sư hoàn tục còn xin 300 tỉ để lấy vợ và ăn chơi. Gọi là tiền của đại gia và quan chức, nhưng không nói ra ai cũng biết dòng tiền ấy có được từ đâu.

Những năm gần đây các ngôi chùa to với những tăng đoàn lớn hơn trung đoàn lính ấy, ắt gặp khó khăn. Không phải vì sự xuất hiện của hành giả hạnh đầu đà Thích Minh Tuệ mà vì dòng tiền trên đã cạn. Loại đại gia và quan chức đầu tư và kinh doanh tâm linh lần lượt vào tù như là nghiệp báo nhãn tiền, số còn lại bắt đầu lo sợ, hết dám chơi trò buôn thần bán thánh.

Vậy là, nói như Thích Thanh Quyết, dù bày trò cúng sao giải hạn, trục vong giải nghiệp và dù nhát ma dọa quỷ để moi tiền công chúng, nhà chùa vẫn đang bị “lỗ chổng vó”. Đa số dân ta nghèo, đã bị vắt kiệt sức nhiều năm, lấy đâu ra nhiều tiền cúng dường để nuôi các tăng đoàn ở tuổi ăn sập núi?

Người lính, ngoài hưởng phụ cấp cho tiêu vặt, họ còn phải lao động sản xuất để cải thiện bữa ăn. Trong khi các tăng thì chẳng làm gì hơn ngoài chờ ăn cúng dường. Khủng hoảng là chắc chắn và rất cần khủng hoảng như vậy để thay đổi. Không lẽ Chính phủ phải kêu gọi “giải cứu tăng” như từng kêu gọi “giải cứu heo”?

Tôi xem hình ảnh các tăng đoàn của các chùa mà liên tưởng đến giới tăng lữ thời các đế chế “nhà nước hóa tôn giáo”. Họ thuộc thành phần ngồi mát ăn bát vàng, hưởng lợi từ đặc ân của nhà nước, và đối với dân, họ có cả quyền sinh quyền sát trong tay. Nay lẽ nào tái hiện lại cái lịch sử một thời dân chúng làm nô lệ cho tăng lữ?

Việt Nam dưới thời phong kiến, có những đoạn Phật giáo thành quốc giáo, nhưng cũng chưa bao giờ giới tăng lữ được phép lộng hành. Tăng lữ không được phép hành nghề mê tín dị đoan. Tăng lữ không được phép lũng đoạn chính trị. Tăng lữ không được phép hưởng lợi từ thuế dân để được vinh thân phì gia.

Nhà vua ban cho mỗi nhà chùa mấy công đất ruộng. Nhà sư cùng dân cày cấy, tức làm công quả, để tự lo cái ăn và Phật sự. Phước sinh từ Đức. Và Đức được rèn luyện từ lao động và lối sống đạm bạc. Suốt ngày nhát ma, dọa quỷ, vòi vĩnh dân cúng dường, và nay trong sự khủng hoảng thì kêu ca không đủ tiền làm Phật sự, đó chỉ có thể là loại vô công rồi nghề, mượn áo tu để ăn bám xã hội.

Hiểu “chăm lo Phật sự” bằng lấy danh Phật ăn trên xương máu của người khổ nạn, bệnh tật là làm ô danh Phật, gieo thêm nghiệp ác trùng trùng. Chăm lo Phật sự phải là làm tiếp cái việc Phật chưa làm hết, tức tu Nhân tích Đức, tích Thiện cho dân, góp phần cho quốc thái dân an, chứ không đồng nghĩa với việc biến dân thành con mồi nuôi tăng béo núc!

Bình Luận từ Facebook

9 BÌNH LUẬN

  1. BÙI CHÍ VINH

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Tăng đoàn quý tộc lòi ra chín người
    Thêm vài Minh Tuệ nữa thôi
    Chùa to chùa lớn đi đời nhà ma

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Trần gian của cải bỗng là sắc không
    Thích tiền, thích gái, thích lông
    Làm sao sánh được bềnh bồng Thích Ca

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Lòi ra chín gã yêu ma trọc đầu…

    Nguồn mạng.

  2. Học giả: BÙI CHÍ VINH

    Hai bên thiện ác chánh tà
    Bên đạo hạnh, bên quỷ ma rành rành
    Một bên bán Phật mua danh
    Một bên nhân ái thiện lành từ tâm

    Tham sân si lẫn tà dâm
    Lộ ra ánh mắt, đố lầm được ai
    Hạnh đầu đà chỉ chắp tay
    Mà sao y bát bỗng đầy hào quang

    Có câu “Chùa rách Phật vàng”
    Hết thời bịp bợm : Bọn – quan – thầy – chùa !

    Nguồn mạng

  3. Gửi tà tăng, gian tăng, tặc tăng, bệnh tăng
    Học giả BCV.

    Người ta tu hạnh đầu đà
    Sư dởm tu hạnh quỷ ma lộng hành
    Người ta tu để vô danh
    Sư dởm tu để lưu manh truyền đời

    Người ta đi bộ khắp nơi
    Sư dởm quanh quẩn chỗ ngồi kiếm “đô”
    Người ta cái miệng “nam mô”
    Sư dởm cái miệng “một bồ dao găm”

    Nguồn mạng.

  4. Gs VL
    Tham tu chèn ép chân tu.
    Là tối hại sáng là mù lấn tinh.
    Những mong non nước an bình.
    Tăng ni, phật tử giữ mình tu thân.

    Nguồn mạng

  5. Gs VL

    Cùng là họ Thích đi tu
    Chân tu thời ít tham tu quá nhiều.
    Người xưa thương xót nàng Kiều
    Dân nay khinh đám tu điêu hại đời.

    Chân tu tô đẹp cho đời
    Tham tu vấy bẩn đất trời thời nay.
    Thích Ca ngài hãy xuống tay.
    Loại đám tu bẩn chỉ say kim tiền.

    Nguồn Mạng

  6. GS VL

    Chân trần, áo rách, tâm trong
    Một đốm lửa sáng sưởi lòng lương dân.
    Giúp đời gạt bỏ bụi trần
    Nước nhà thêm đẹp người dân an lành.

    Đức tin nay quá mong manh
    Giờ tìm được đấng chân thành tu thân.
    Không là thánh, chẳng phải thần
    Ngài đang quét đám bất nhân tu tiền.

    Nguồn mạng

  7. Mấy ngày gần đây, cộng đồng mạng đang hàng ngày hàng giờ đưa tin về vị chân tu Thích Minh Tuệ, xin chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của tôi, một kẻ vô thần về phật giáo ở ta thời nay.

    Buôn chức bán quyền, buôn thần bán thánh, buôn quá khứ bán tương lai, lẽ nào lại vậy?. Từ chỗ đập phá đền chùa, coi đình chùa là nơi khởi nguồn của tệ mê tín dị đoan tới chỗ lấy hàng ngàn héc ta đất giao cho tư nhân xây đình to chùa lớn, kinh doanh tâm linh có thể coi là một bước ngoặt, chẳng hiểu sau bước ngoặt này dân tộc Việt có thể vươn lên hoá rồng hay lại đưa xã hội Việt quay về thời mông muội giống thuở nhà Lý suy tàn.

    Chùa Bái Đính rồi chùa Tam Chúc những ngôi chùa bề thế, hoành tráng được coi là to nhất khu vực, to nhất thế giới nhưng không hiểu những kẻ đầu tư hàng nghìn tỷ, hàng vạn tỷ, những kẻ cấp đất và cho phép xây dựng những ngôi chùa này có ai thật tâm hướng về cõi phật hay chỉ với mục đích kinh doanh tâm linh trong thời buổi nhiễu nhương. Liệu những kẻ bỏ tiền xây tượng to, chùa lớn có hiểu rằng: “Phật giáo là tôn giáo mang tính duy lý và vô thần. Hệ thống giáo lý của phật giáo không mang tới sự sùng bái thần linh mà hướng tới nhận thức chân lý hay còn gọi là giác ngộ”. Cơ sở cốt lõi của phật pháp gồm Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế, nếu ai thấu hiểu triết lý này của đạo phật sẽ hiểu được chùa to, tượng lớn đâu phải là bến đậu của Đức Phật Như Lai cũng như các đệ tử của mình. Vậy người ta xây chùa hoành tráng, nguy nga như cung điện của các đế vương để làm gì? Phải chăng núp dưới chiêu bài sùng kính đạo phật để kinh doanh tâm linh, buôn thần bán thánh, kiếm lời từ một bộ phận dân chúng nhẹ dạ cả tin ở cái thời mà đức tin đang bị đổ vỡ. Triết lý của phật giáo là thứ triết học hướng con người tới Chân-Thiện-Mĩ, nếu hiểu được điều này có lẽ người ta đã bỏ tiền, dành đất để xây trường học, xây bệnh viện để dạy người và cứu người. Phải bỏ tiền mới được vào chùa bái phật như những gì mà người ta đang làm ở Bái Đính và ở Tam Chúc là hình thức kinh doanh thần thánh, không hiểu loại hình kinh doanh này có bị đánh thuế như những người buôn thúng bán mẹt hay những bác xe ôm?. Nếu người dân hiểu được triết lý trên, thay việc bỏ tiền nhờ nhà chùa dâng sao giải hạn bằng việc sống có đức có nhân với đồng loại có lẽ cái ác và thói hư tật xấu ít hiện hữu trong xã hội thời nay. Thật buồn giữa mảnh đất ngàn năm văn hiến mà hàng vạn người quan có, dân có đóng tiền để các vị sư chùa Phúc Khánh giải hạn cầu an. Giáo lý của phật giáo không cổ vũ sự sùng bái thần linh, lẽ nào các vị sư thày chùa Phúc Khánh và hàng vạn người tự coi là đệ tử của phật môn lại không nắm được giáo lý trên. Đồng tiền dùng để giải hạn có giúp ai đó che mắt thần thánh những việc làm sai thậm chí cả những việc làm hại người, hại đời hay không? Nếu thánh thần cũng vì tiền che dấu cái xấu cái ác của người đời liệu có đáng được người đời tôn kính không? Ta cầu an, cầu điều lành nhưng tâm không an, làm việc không lành thì có an để mà cầu? Không hiểu những người Việt xấu xí dùng cả ô tô để tranh cướp những lẵng hoa trang trí trên nhiều con phố Hà Nội trong mấy ngày vừa qua có bao nhiêu người từng đóng tiền dâng sao giải hạn trong các ngôi chùa vào dịp tết vừa qua. Những người làm công tác tư tưởng và văn hoá nước nhà liệu mấy người thấu hiểu được triết lý của phật giáo, nếu hiểu được và là người tử tế chắc họ không để cho loại buôn thần bán thánh xây chùa to tượng lớn kinh doanh tâm linh. Ông tổ của đạo phật, Đức Như Lai từ bỏ ngôi vị thái tử, từ bỏ giàu sang phú quý liệu có hiển linh tại Bái Đính, tại Tam Chúc để giúp lũ người buôn bán tâm linh?

    Tôi là kẻ vô thần nhưng tôn trọng tín ngưỡng của người khác bởi vẫn nghĩ người vô thần, người theo Phật giáo, người theo Kito giáo hay người theo Hồi giáo vẫn có thể sống hoà đồng với nhau nếu biết làm điều thiện, tránh điều ác. Tôi vẫn nghĩ rằng, người Việt ta, từ quan chức đến dân thường chưa biết cách giữ thăng bằng trong cuộc sống nên thường quá về phía bên này hay phía bên kia. Có lẽ vậy nên nhiều người đang bị một nhóm người lợi dụng tâm linh để làm những điều bất thiện kiếm lợi cho cho bản thân. Nếu ta cứ mông muội, cứ tin vào những kẻ buôn thần bán thánh liệu xã hội có thể tốt đẹp, đất nước có được bình an được không? Chân tu Thích Minh Tuệ đang góp sức lấy lại lòng tin của người Việt với đạo phật đã bị đám ma tăng Thích Chân Quang, Thích Trúc Thái Minh phá nát trong chục năm nay. Vậy mà, trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam lại không công nhận chân tu Thích Minh Tuệ là tu sĩ của giáo hội thì thật là buồn. Lẽ nào “Ai cũng gù, thẳng lưng là khuyết tật”, câu nói của bị can Diệp Thị Hồng Liên cựu trưởng phòng khảo thí sở giáo dục Hoà Bình lẽ nào lại cũng đúng trong giới tu hành?

    Nguồn mạng.

  8. “Nhưng để có lương thực nuôi các tăng đoàn này, có lẽ số tiền cũng bằng dân nộp thuế nuôi quân đội.”
    Ôi chà, sao TS Lê Kiên Thành không đặt câu hỏi, ai làm ra lương thực để nuôi đám đầu trọc vô tích sự nầy ? Trong khi, ông sư TMT, người gầy, ăn mỗi ngày một bữa thì tốn hết bao nhiêu mà lại đi hỏi khó người ta với thái độ mỉa may ? Thật vớ vẩn cho cái ông TS nầy .

  9. “Đúng 31 tháng 3 năm 1975, giải phóng Bình Định thì bà viên tịch. Dân xung quanh gọi bà là Bồ tát”

    Níu hổng tin có Phật thì … Its in the details. Nhờ bả sống như zị nên Phật “giải phóng” bả để hổng (được/phải) sống với các bác . Ăn ở như Phạm Thanh Nghiên nên “đã phải” bỏ đất nước XHCN các bác mà đi, ẻ vào mọi lời kiu gọi hòa giải hòa hợp của trí thức nhà mềnh . Chớ sống chung với mấy bác, Phạm Thanh Nghiên nghiện lun gòi, bỏ đi hổng đặng

    “Nhờ vậy, từ bé, tôi đã thuộc lòng gần chục bộ kinh nhật tụng”

    Chắc vậy nên bi giờ nhà bác chỉ có toàn tập Mác-Lê, toàn tuyển tập Hồ Chí Minh & truyện Tàu, hy vọng có truyện Kiều, vì có nó thì mới ta đây giữ gìn tiếng Việt

    “Chăm lo Phật sự phải là làm tiếp cái việc Phật chưa làm hết”

    Đảng nên áp dụng lời khuyên này với tư tưởng Hồ Chí Minh . Thống nhứt đất nước

    Chiện binh đoàn tăng đoàn này nọ, chỉ mong Thích Chân Quang noi gương Thích Trí Quang, chỉ làm thầy tu, là sở nguyện đầu tiên của mình, sau đó là đấu tranh chống Mỹ-Ngụy, chớ hổng có làm 1 thứ Richelieu. Chế độ ta hổng phải là chế độ độc tài mà Thích Trí Quang & những học trò trí thức của mình chống, mà là chế độ dân chủ, ôn hòa . Sau khi độc tài đã bị dân TA đuổi cổ, Thầy Thích Trí Quang đã mãn nguyện vì từ nay có thể đi chuyên về tu hành .

    Chỉ mong thế này, dù ông Thích Minh Tuệ có làm gì đi nữa, Nhà nước dân chủ cũng hổng nên theo vết xe đổ của Ngụy là đuổi ổng ra nước ngoài như Ngụy đã làm với Thích Nhứt Hạnh

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây