Chuyện ông Minh Tuệ, quyền lực cho người này, tiền bạc cho người kia

Jackhammer Nguyễn

19-5-2024

Từ góc nhìn của người đời, chúng ta gọi ông Minh Tuệ là tu sĩ Phật giáo là hợp lẽ nhất, vì ông là một người đi tu theo lời dạy của người sáng lập Phật giáo là Thích Ca Mâu Ni. Ông không phải là sư (thầy) vì ông không dạy ai cả. Việc ông nói rằng ông không phải là “tu sĩ” vì không đủ đạo đức (trả lời báo VnExpress) là một thái độ khiêm tốn, hiếm có trong hàng tu sĩ Phật giáo ngày nay.

Quyền lực cho người này (Đảng Cộng sản)

Tuy nhiên tu sĩ Minh Tuệ vẫn đặt ra cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam một mối “quan ngại” không hề nhỏ. Nhà cầm quyền biết rõ, tu sĩ Minh Tuệ chả dính dáng gì đến “các thế lực thù địch”, ông sinh ra và lớn lên 100% dưới chế độ cộng sản. Không những thế ông còn từng là quân nhân của quân đội cộng sản nữa.

Có hai lý do: Thứ nhất, người ta đi theo ông Minh Tuệ đông quá. Hễ bất cứ đám đông nào mà đảng cộng sản không kiểm soát được là họ lo ngại. Thứ hai là niềm tin tôn giáo. Tuy rằng Phật giáo có khi được xem như một cách sống, nhưng phần tôn giáo cũng rất mạnh mẽ. Mà tôn giáo thì có sức mạnh vượt qua mọi ý thức hệ chính trị xã hội. Chế độ Hà Nội từng vất vả đàn áp vụ “Quỳnh Lưu khởi nghĩa” trong thập niên 1950 ở miền bắc. Vụ này có nguyên nhân trực tiếp từ chuyển cải cách ruộng đất, nhưng dân chúng Quỳnh Lưu là một cộng đồng Công giáo rất mạnh.

Tiền bạc cho người kia (các nhà sư)

Nhà cầm quyền quan ngại một, các nhà sư (dĩ nhiên không phải tất cả), quan ngại đôi ba lần hơn.

Những người Việt tự cho mình là Phật tử, sau khi tìm hiểu được lý do ông Minh Tuệ đi theo lời giảng của đức Thích Ca, có lẽ họ sẽ ngộ ra rằng: Ồ tu theo Phật cần gì đến chùa to, phật lớn, cần gì cúng dường, mua cá phóng sanh? Thế là một số nhà sư phản ứng gay gắt ông Minh Tuệ, chẳng hạn như ông Thích Chân Quang phỉ báng, dùng những từ miệt thị đối với ông Minh Tuệ.

Sau một thời gian dài bối rối, Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý, bèn đưa ông Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Giáo hội, ký một cái công văn rất ngộ nghĩnh, rằng ông Minh Tuệ không thuộc giáo hội, không ở chùa nào, cho nên … ông không phải là tu sĩ!

Mà không chỉ các nhà sư trong nước, một số nhà sư người Việt hải ngoại cũng “bức xúc”. Trong thời buổi internet với mạng 5G như hiện nay, khoảng cách địa lý gần như không hiện hữu. Phật tử gốc Việt ở hải ngoại cũng theo dõi câu chuyện ông Minh Tuệ như ở Việt Nam. Mà nếu như họ nghiệm ra rằng, tu Phật cũng không tốn kém, chẳng cần chùa, cũng chẳng cần tượng… thì nguy to cho các chùa chiền đồ sộ của người Việt ở hải ngoại, lấy tiền đâu trả thuế bất động sản, trả mortgage, tiền đâu bảo lãnh tăng ni, tiền đâu chi tiêu cho các thầy?!

Ông Thích Nhuận Hải, trụ trì một ngôi chùa ở bang Georgia, Hoa Kỳ, liên tục đăng trên Facebook của ông ấy, chỉ trích chuyện đi khất thực của ông Minh Tuệ (ông Nhuận Hải gọi là đi lang thang), bảo rằng tu như vậy không phù hợp nữa…  (Mô Phật! Lời lẽ của ông Nhuận Hải vẫn có phần chấp nhận được, không như ông Chân Quang bên Việt Nam).

Biếm họa trên mạng về sự kiện sư Thích Minh Tuệ

Tiền và quyền lẫn lộn

Đảng cộng sản có quyền thì sẽ làm ra rất nhiều tiền, còn các nhà sư thì có nhiều tiền (cúng dường) sẽ dẫn tới có quyền (thần quyền).

Nhưng câu chuyện ông Minh Tuệ có vẻ cũng kết thúc sớm với nhà cầm quyền. Tin mới nhất cho hay, ông nói với đám đông rằng nên giải tán vì không nên làm cản trở giao thông. Nhà cầm quyền chỉ cần có thế.

Nhưng với một số nhà sư thì sự kiện Minh Tuệ sẽ để lại dấu ấn dài lâu. Một số tự nhận mình là tu sĩ sẽ phải chiêm nghiệm câu ông Minh Tuệ nói về mình rằng ông không đủ đạo đức để làm tu sĩ. Số khác, không vui vì ông Minh Tuệ làm cho họ mất đi một số đại chúng, sẽ vẫn còn vất vả dài lâu với tham sân si.

Dù sao mặc lòng, câu chuyện tu sĩ Minh Tuệ có một nét sáng, đó là Phật giáo Việt Nam vẫn còn đó, vẫn có sức thu hút một cách lành mạnh. Dân tộc Việt Nam qua đó, vẫn chưa đến nỗi nào…

Bình Luận từ Facebook

11 BÌNH LUẬN

  1. BÙI CHÍ VINH

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Tăng đoàn quý tộc lòi ra chín người
    Thêm vài Minh Tuệ nữa thôi
    Chùa to chùa lớn đi đời nhà ma

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Trần gian của cải bỗng là sắc không
    Thích tiền, thích gái, thích lông
    Làm sao sánh được bềnh bồng Thích Ca

    Chỉ cần một hạnh đầu đà
    Lòi ra chín gã yêu ma trọc đầu…

    Nguồn mạng.

  2. Học giả: BÙI CHÍ VINH

    Hai bên thiện ác chánh tà
    Bên đạo hạnh, bên quỷ ma rành rành
    Một bên bán Phật mua danh
    Một bên nhân ái thiện lành từ tâm

    Tham sân si lẫn tà dâm
    Lộ ra ánh mắt, đố lầm được ai
    Hạnh đầu đà chỉ chắp tay
    Mà sao y bát bỗng đầy hào quang

    Có câu “Chùa rách Phật vàng”
    Hết thời bịp bợm : Bọn – quan – thầy – chùa !

    Nguồn mạng

  3. Gửi tà tăng, gian tăng, tặc tăng, bệnh tăng
    Học giả BCV.

    Người ta tu hạnh đầu đà
    Sư dởm tu hạnh quỷ ma lộng hành
    Người ta tu để vô danh
    Sư dởm tu để lưu manh truyền đời

    Người ta đi bộ khắp nơi
    Sư dởm quanh quẩn chỗ ngồi kiếm “đô”
    Người ta cái miệng “nam mô”
    Sư dởm cái miệng “một bồ dao găm”

    Nguồn mạng.

  4. Gs VL
    Tham tu chèn ép chân tu.
    Là tối hại sáng là mù lấn tinh.
    Những mong non nước an bình.
    Tăng ni, phật tử giữ mình tu thân.

    Nguồn mạng

  5. GS VL

    Chân trần, áo rách, tâm trong
    Một đốm lửa sáng sưởi lòng lương dân.
    Giúp đời gạt bỏ bụi trần
    Nước nhà thêm đẹp người dân an lành.

    Đức tin nay quá mong manh
    Giờ tìm được đấng chân thành tu thân.
    Không là thánh, chẳng phải thần
    Ngài đang quét đám bất nhân tu tiền.

    Nguồn mạng

  6. Học Giả: BÙI CHÍ VINH

    Cái dằm trong mắt của Thiền
    Làm đau những kẻ ngó lên cột nhà
    Cái dằm trong mắt của ta
    Không làm đau cái cột nhà của em

    Cái dằm cong giống trái tim
    Làm rung con mắt của Thiền em ơi
    Đạt Ma đang đứng bỗng ngồi
    Huệ Năng đang khóc bỗng cười ha ha

    Trong mắt ta cái dằm là…
    Nên trong em, cái cột nhà thì như…
    BỨT VÀ ĐỘNG
    Bứt mây sợ bị động rừng

    Cho nên ta bứt lung tung động trời
    Bứt gì thì bứt ta ơi
    Động sao cho thấu luân hồi mới ngon

    Động là động đến càn khôn
    Bứt là bứt đến biển cồn nương dâu
    Bứt tóc xanh động bạc đầu
    Bứt nay mà động nghìn sau để đời

    Bứt em sợ động thành lời
    Bứt ơi : bứt rứt. Động ơi : động phòng

    Nguồn mạng

  7. Rần rần chỉ một ông sư
    Khiến cho giáo hội tâm tư quá trời
    Chân trần y vá rạng ngời
    Bước đi đưa đạo vào đời thiện lương.

    Nguồn mạng

  8. Gs VL

    Cùng là họ Thích đi tu
    Chân tu thời ít tham tu quá nhiều.
    Người xưa thương xót nàng Kiều
    Dân nay khinh đám tu điêu hại đời.

    Chân tu tô đẹp cho đời
    Tham tu vấy bẩn đất trời thời nay.
    Thích Ca ngài hãy xuống tay.
    Loại đám tu bẩn chỉ say kim tiền.

    Nguồn Mạng

  9. Dân tộc Việt vẫn còn đó.
    Phật giáo Việt Nam vẫn còn đó.
    Từ bãi bùn cộng sản nhầy nhụa, vẫn trồi lên đóa sen thơm Thích Minh Tuệ.
    Địa ngục trần gian vẫn le lói chút gì đó, gọi là ánh sáng.

  10. Anh cu Thích Đức Thiện ký cái công văn nội dung Thầy Tuệ Minh không phải là tu sĩ là lập lờ đánh lận con đen.Anh Cu Thiện đã nói thiếu tí xíu rồi phải nói đầy đủ thế này: Thích Minh Tuệ không phải là tu sĩ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Cộng (GHPGVC) mởi đủ nghĩa.
    Nhận định:
    – Anh cu Thiện vừa cà chớn vừa lờ vờ vì chả có cái văn bản nào quy định phải tu ở GHPGVC mới được gọi là tu sĩ ở nước VC cả. Hơn nữa thầy Tuệ Minh có biết cái GHPGVC là cái quái gì đâu, thầy tu riêng theo cách mà thầy nói là Phật dạy, không thuyết pháp, không có đệ tử, không Vertu và méo có Audi, chùa bự hơn cả mả HCM…v…v…

    Kết luận: Láo vừa thôi nghe GHPGVC.

  11. Jiddu Krishnamurti (1895-1986) tiếng tăm nổi lềnh phềnh trên cõi người từ thuở còn nhỏ cho đến bây giờ.
    Jiddu Krishnamurti diễn thuyết ở những nơi mà nhiều người có mơ cũng không được. Cuối đời Jiddu Krishnamurti danh tiếng lẫy lừng, về quê hương Madras nói chuyện. Trong 1 buổi nói chuyện, một thính giả hỏi:
    “Thưa ngài, tên tuổi ngài vang dội khắp nơi, nhiều người biết đến. Xin ngài trả lời giúp câu hỏi: Từ xưa tới nay, đã có nhà hiền triết nào làm thay đổi được thế giới này chưa?”
    Jiddu Krishnamurti im lặng hồi lâu mới nói:
    “Buổi nói chuyện hôm nay không bàn đến việc này.”
    Hôm ấy thì đã đành, xong đến tận khi Jiddu Krishnamurti đi chầu Âm Tào, cũng không thấy Jiddu Krishnamurti nói năng gì đến chuyện ấy.
    Nguyễn Gia Kiểng có ý kiến gì không.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây