Tâm nguyện của Dũng Aduku nếu anh bị bắt

Dũng Aduku’s Friend

16-5-2024

LGT: Nguyễn Văn Dũng, tức Dũng Aduku, đã bị an ninh Phú Thọ bắt cóc từ đêm 22-4-2024 rồi câu lưu, thẩm vấn, đến tối 25-4 thì thả ra. Sáng 27-4, anh Dũng đã rời khỏi nhà, để lại mảnh giấy với dòng chữ: “Mẹ ơi, con xin lỗi. Con ơi, bố xin lỗi”, theo lời của những người thân trong gia đình anh.

Kể từ hôm đó, gia đình và bạn bè anh Dũng, không ai liên lạc được với anh. Đến ngày 8-5-2024, người nhà anh Dũng cho biết, có người đã tìm thấy xác của anh bên bờ sông Hồng. Xác anh đã được UBND xã Châu Sơn vớt lên, mang đi chôn cất.

Anh Dũng ra đi ở tuổi 47, bỏ lại đứa con thơ 6 tuổi, mà anh yêu quý nhất. Không ai biết vì sao Dũng chọn cái chết tức tưởi như thế. Cho đến giờ, những người bạn thân của anh vẫn còn bàng hoàng về sự ra đi của anh.

Hôm nay, chúng tôi nhận được bài viết của anh V., một trong những người bạn thân của anh Dũng, cho biết thêm về tâm nguyện của anh Dũng trong trường hợp anh bị bắt, bởi dường như anh đã không chuẩn bị cho việc từ giã cõi đời sớm như vậy.

***

Khoảng cuối tháng 7 năm 2023, khi anh Dũng bắt đầu đi lánh nạn vì liên quan tới vụ án Nhật Ký Yêu Nước, anh có liên lạc với tôi, nhờ tôi một số việc trong trường hợp anh bị bắt và có thể bị kết án tù dài hạn. Anh cũng như tôi và các anh em tranh đấu trong nước đều nhận ra rằng, những người bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây khi bị bắt, ra tòa, họ đều nhận những án tù nặng nề, thường từ 8 đến hơn 10 năm; nên nỗi lo của anh Dũng không phải là vô căn cứ.

Anh Dũng dặn tôi rằng, nếu anh bị bắt thì tôi có thể đưa tin này lên mạng để anh em và bạn bè biết được nguyện vọng của anh, để mọi người có thể làm gì đó giúp anh, cũng như tôn trọng ý nguyện của anh. Sau đây là tâm nguyện của anh nói với tôi chín tháng trước:

Thứ nhất, nếu anh đi tù, mọi người không cần phải vận động gì cho anh. Anh không có ý định đi nước ngoài, nên không cần vận động quốc tế lên tiếng giúp anh rời khỏi Việt Nam. Công sức mọi người dành để vận động cho anh, hãy tập trung lo cho các anh em khác, những người đang lãnh án tù dài hơn, hoặc những người hiện đang gặp khó khăn, gian khổ hơn anh.

Thứ hai, không cần thuê luật sư cho anh. Tiền thuê luật sư hãy để dành lo cho các anh em khác, những người còn đang hoạt động bên ngoài. Số tiền đó có thể giúp nhiều anh em hoạt động thêm một thời gian.

Thứ ba, không cần thăm nuôi anh, cũng không cần gửi tiền nhờ gia đình gửi vào cho anh. Anh đã từng bị họ bắt bỏ tù nên cũng quen rồi, anh có thể sống theo kiểu tù “mồ côi” và vẫn thấy ổn. Số tiền để lo cho anh, xin hãy dành lo cho anh em tù nhân khác, hoặc các anh em tù nhân lương tâm mới ra tù, cần ổn định cuộc sống.

Thứ tư, đây cũng là điều anh Dũng quan tâm nhất: Anh nói rằng, nếu anh bị bắt thì chưa chắc có nhiều người quan tâm và ủng hộ đâu, bởi vì cái án mà anh bị họ vu khống trước kia. Nhưng nếu có một khoản ủng hộ nào đó thì anh nhờ tôi nói với mọi người rằng:

– Không cần gửi tiền hay lo lắng gì nhiều cho mẹ anh, vì mẹ anh đã có lương hưu và hai người anh em ruột của anh cũng có điều kiện và sống có trách nhiệm, sẽ chăm lo được cho mẹ anh.

– Không cần gửi tiền hay lo lắng cho vợ anh, vì vợ anh còn trẻ, cô ấy tự kiếm tiền lo cho cuộc sống được. Ngoài ra, cô ấy vẫn còn cha mẹ trợ giúp, nên mọi người không cần phải lo.

– Anh nói với tôi: “Nếu được thì em cố gắng giúp anh mỗi năm một lần, vào dịp khai giảng năm học mới, em tới nhà ông bà ngoại thằng con anh, giúp anh đưa cho ông ngoại 5 triệu. Phải đưa trước mặt thằng bé và nói rằng: ‘Tiền này là của bố cháu lo cho cháu, cháu cứ yên tâm rằng bố cháu vẫn luôn luôn bên cháu cho dù bố cháu đang ở nơi đâu’.” Anh bảo tôi dặn ông ngoại (tức bố vợ anh) mua một ít quần áo mới cho con anh và dùng tiền đó đóng tiền học cho nó. Gửi cho ông ngoại cháu mỗi năm cho tới khi nào hết số tiền mà mọi người giúp.

Tôi cần nhấn mạnh vào cái ý cuối cùng này một lần nữa: Con trai anh Dũng là tất cả đối với anh, tại sao anh không nhờ mẹ gửi tiền nuôi con hay nhờ vợ anh, bởi anh lo rằng, nếu họ đưa tiền thì thằng bé chỉ biết rằng bà nội cho tiền hay mẹ nó cho nó tiền ăn học. Anh Dũng nói đi nói lại với tôi rằng, anh muốn con anh luôn cảm thấy có một người bố luôn thương yêu nó, luôn lo lắng cho nó, chứ không phải bị mờ nhạt đi theo năm tháng.

Nhiều lần anh Dũng bất chấp hiểm nguy (có thể bị bắt bất cứ lúc nào) để anh về nhà vợ, thăm con. Nhiều lần trời mưa bão, hoặc có những đêm lạnh cắt da cắt thịt, anh đã phi xe máy cà tàng, đi 120 km từ Hà Nội về Thái Bình thăm con và ngồi chơi với con chỉ được 15 phút rồi lại trở về Hà Nội. Toàn bộ đoạn đường dài 240 km, chỉ để gặp được con khoảng 15 phút.

Cứ mỗi tháng anh Dũng đi thăm con một lần như vậy, vì anh sợ rằng lâu ngày không gặp con thì thằng bé sẽ quên anh mất, tình cảm bố con bị phai nhạt. Mỗi lần anh Dũng đi như vậy, anh đều nhắn tin dặn dò tôi: “Nếu anh bị bắt thì em liên hệ với thằng em tên A này (xin được giấu tên) để lấy địa chỉ cụ thể và đến dọn đồ đạc giúp anh”. Anh dặn đi dặn lại ý cuối (xem ảnh chụp màn hình), còn các ý khác thì anh chỉ dặn bằng miệng.

Bên cạnh đó, anh Dũng muốn gửi tiền cho ông ngoại (của con anh) giữ, vì tuy là người rất nghiêm khắc, nhưng ông rất thương con, thương cháu. Và trong bối cảnh các mối quan hệ ruột thịt xung quanh anh Dũng bấy giờ, thì chỉ có ông là người biết suy nghĩ, có trách nhiệm và ở gần cháu nhất, nên anh không lo chuyện con anh bị thiệt thòi.

Trên đây là toàn bộ lời nhờ cậy của Dũng Aduku nói với tôi trong trường hợp anh bị bắt. Tuy nhiên, anh không dặn dò gì trong trường hợp anh qua đời, nên tôi xem những lời nhờ cậy trên đây là di nguyện cuối cùng của anh.

Mong rằng những ai quan tâm và quý mến anh Dũng, thì cũng sẽ quan tâm và quý mến con trai của anh, hãy giúp cho thằng bé cảm thấy tự hào vì có một người bố như thế.

Bình Luận từ Facebook

6 BÌNH LUẬN

  1. Tội nghiệp cho những người tranh đấu vì tự do dân chủ ở VN. Lúc nào bản án tử hình cũng bị CA treo trên đầu trên cổ.

  2. Mong mún của tớ là những người phi-đảng viên, gia đình không có công với Cách Mạng, nên chấm dứt hít mọi hoạt động gọi-là “đấu chanh” đi

    Chiện cứu Đảng là cứu nước là chiện của đảng viên với Đảng của họ, mấy người khác hổng nên xía zô

    • Thế để thằng tàu nó cấm ngư dân mình đánh cá, doanh nghiệp nước mình không cạnh tranh lại nó trên chính quê hương mình, kỹ thuật viên của nó đi lại nghênh ngang trên nước mình không cần visa rồi outplay luôn người mình trên đất mình, tiền mao dần dần thay thế tiền hồ ở vùng tây bắc rồi xuống dưới đồng bằng bắc bộ, rồi trung bộ, nam bộ, rồi đất mình thằng tàu nó thuê 99 năm, nó cắm dàn khoan khai thác dầu ở chính vùng biển của mình, có chịu không? Muỗi tàu nên nhớ là hầu như tất cả là do đảng cộng sản Việt Nam duyệt hết (trừ dàn khoan và cấm đánh cá tuy không dám kiện), nhé! Muốn biết cụ thể và súc tích thì lên kênh Vietlivetv mà xem mật ước Thành Đô 1990 rồi sau đó đọc báo đảng, báo nhà nước, RFA, BBC,… mà đối chiếu, phân tích, nhé.

      • Mây chiện bác nói là chiện riêng giữa Đảng & các đảng viên mí nhao, dân phi-Cộng Sản hổng nên xía vô . Giữa các đảng Cộng Sản mí nhao, họ bít rõ phải hành xử thía lào để bảo đảm dựa trên những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lê theo di chúc của Bác Hồ

        Chớ người Việt phi-Cộng Sản mà nghe theo lời dụ khị Cứu Đảng là cứu nước, rùi thiệt mạng, Thiệt tình, tớ nhìn hổng đành lòng .

        Thấy đảng viên hông, 1 lão kềnh ra, cả lũ chúng nó nhảy chồm chồm lên . Nhà văn Phạm Đình Trọng, với tất cả sự mẫn cảm của 1 nhà văn, đã phát minh ra bài toán làm giáo trình cho ngành Toán Việt Nam, 1 đảng viên > 5000 dân Huế thời Mậu Thân . Chân lý cụ thể đó . Dân phi-Cộng Sản nên đứng ngoài . Đất nước của chúng nó, mình hổng làm gì được đâu . Chúng nó đem trùm T-4 lênh láng máu dân lên Yên Tử thờ, rùi đem hài cốt trùm tra tấn Bouda về hòa cùng sông núi Việt … Trung Wa zô nơi này có thể đỡ hơn là tụi nó đấy

        VietliveTV đừng có về hùa với đám Cứu Đảng là cứu nước nữa . Níu mún vượt wa lằn ranh Quốc-Cộng thì cứ làm cho đàng goàng chân chính . Chứ kiểu vừa đ vừa run như RFA thì nhìn chả ra nàm thao cả

    • Rất đúng . Phó Giáo Sư-Tiến Sĩ Mạc Văn Trang đã tóm tắt những đặc trưng về bản chất của Cộng Sản

      1. Những “người cộng sản ngày xưa” có lý tưởng

      Lý tưởng đó là đánh đuổi đế quốc, giành độc lập cho Tổ quốc; đánh đổ giai cấp bóc lột, giải phóng người dân khỏi bị áp bức, bóc lột, bất công. Tiến tới xây dựng chủ nghĩa cộng sản không còn người bóc lột người; con người được tự do, bình đẳng, người với người là bạn; tiến tới làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Liên Xô được tuyên truyền là hình mẫu ước mơ

      2. Những “người cộng sản ngày xưa” có niềm tin vào chủ thuyết

      Họ được giáo dục, tin tưởng tuyệt đối vào cơ sở lý luận chủ nghĩa Marx- Lenin, coi đó là chủ nghĩa “vô địch”, “bách chiến, bách thắng muôn năm”! Dẫu phần lớn đảng viên CS Việt Nam chỉ được nghe trích dẫn, bình luận những câu trong “kinh điển” như Kinh thánh, nhưng đầy lòng sùng kính, tin tưởng, chẳng dám nghĩ, dám nói khác đi

      3. Những “người cộng sản ngày xưa” rất có ý chí

      Họ từng được giáo dục noi theo những tấm gương đảng viên “tiền bối” kiên cường; họ có quyết tâm phấn đấu cho lý tưởng; họ được rèn luyện thực tế bằng việc thực hiện các nhiệm vụ đề ra (hay trên giao) để đạt mục tiêu đã xác định. Nhiều người từng qua thử thách trong những điều kiện ác liệt của chiến tranh, tù đày; từng phải quên mình quyết tâm thực hiện “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”…

      Theo Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, những người này mang những đặc tính của bản chất Cộng Sản

      Nguyễn trọng Vĩnh, Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khắc Mai, Chu Hảo, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Đăng Quang, Hoàng Quốc Hải, Tương Lai, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Chi Lan, Nguyên Bình, Nguyễn Đình Bin, Trần Nhương, Tư Thân, Phan Đắc Lữ, Võ Văn Thôn, Phạm Đình Trọng, Phạm Nguyên Trường, Kha Lương Ngãi, Nguyễn Kim Chi… thì họ đều có những đặc điểm như đã nêu trên

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây