Frauke Niemeyer phỏng vấn đại tá Reisner
Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ
6-5-2024
Tên lửa ATACMS tầm xa đầu tiên trong gói vũ khí mới nhất của Mỹ có thể đã được cung cấp cho Ukraine, nhưng tại sao điều này vẫn chưa tạo ra tác động rõ rệt? Đại tá Reisner giải thích cho NTV về tình hình ở mặt trận, điều gì cần thiết để Ukraine thành công và tại sao thời điểm thích hợp lại quan trọng đến vậy.
NTV: Trong ba ngày nữa, Nga sẽ kỷ niệm ngày 9 tháng 5 là Ngày Chiến thắng phe Quốc xã và giống như năm ngoái, [Nga] đang hướng tới việc tạo ra câu chuyện thành công về mặt quân sự để đánh dấu sự kiện này. Liệu điều đó có thành công không?
Markus Reisner: Bộ chỉ huy cấp cao của quân đội Nga đang cố gắng thực hiện điều này một cách quyết liệt. Các video lan truyền trên Internet cho thấy Ukraine rút lui về phía tây bắc Avdiivka và quân Nga tiến lên cùng lúc. Tình hình cũng trở nên tồi tệ hơn ở phía tây Bakhmut, nơi quân đội Nga muốn chiếm các cao điểm gần Chassiv Yar. Trở ngại tự nhiên là con kênh ở thượng nguồn nhưng lại chảy ngầm dưới mặt đất ở ba nơi. Giờ đây, người Nga đang cố gắng chiếm những vị trí này để đưa các đơn vị cơ giới, tức là xe tăng vào đây để có thể tấn công.
NTV: Và người Ukraine vẫn có thể chống trả lại những cuộc tấn công này?
Markus Reisner: Ukraine hầu như không có lực lượng dự bị sẵn sàng chiến đấu và do đó khó có thể chống lại các cuộc tấn công này bằng các cuộc phản công mạnh mẽ. Không có hệ thống phòng không nên Nga sử dụng bom lượn và pháo binh gần như không bị cản trở, ném bom hoặc mở đường cho quân tiến công.
NTV: [Ukraine] tiếp tục cầm cự cho đến khi viện trợ phương Tây cuối cùng đến với số lượng lớn hơn – hay có giải pháp thay thế nào không?
Markus Reisner: Chính Ukraine hiện cố gắng tấn công rải rác ở vài nơi. Ví dụ, chúng ta đang chứng kiến các cuộc đổ bộ mới của thủy quân lục chiến Ukraine gần Krinky và cả về phía đông bắc Krinky, cách đó khoảng 30 km, người ta dự đoán rằng một bàn đạp mới bên sông phía địch sẽ được hình thành. Ở khu vực lũ lụt phía tây nam Kherson, cách đó khoảng 20 km, điều này dường như trên thực tế đã đạt được; quân đội Ukraine đã đặt một bàn đạp mới ở đó và điều này hiện đang trói chân các lực lượng Nga đang cố gắng chống lại hoặc phá hủy những cứ điểm này.
NTV: Người Ukraine vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược và thiếu hệ thống phòng không, nhưng đồng thời, một cuộc tấn công thành công thực sự đòi hỏi phải có ưu thế quân sự từ 3 chọi 1 trở lên. Phải chăng quân đội Ukraine đang hao mòn rất ít hoặc không bị thiệt hại gì lắm?
Markus Reisner: Với những cuộc tấn công này, Ukraine đang cố gắng tạo thêm các điểm nóng dọc tiền tuyến, buộc phía Nga phải điều động quân tới đó. Nga đã làm điều tương tự trong cả hai cuộc tấn công mùa đông với Ukraine, buộc họ phải liên tục di chuyển lực lượng phòng thủ từ điểm A đến điểm B dọc theo toàn mặt trận. Ukraine hiện đang cố gắng làm điều tương tự ở những khu vực có địa hình đặc biệt thuận lợi cho nước này. Đây chủ yếu là vùng lũ lụt ở miền nam Ukraine, tức là dọc theo sông Dnieper, phía nam Kherson.
NTV: Người Nga phản ứng thế nào trước những tiến công này?
Markus Reisner: Phản ứng đầu tiên trước những bàn đạp này, Nga sử dụng pháo binh, nhưng trên hết là bom lượn. Và mọi quả bom lượn được đầu tư vào các bàn đạp này khi đó sẽ thiếu đi cho một địa điểm quan trọng trong khu vực Bakhmut hoặc Avdiivka. Đó là tính toán của Ukraine: Buộc người Nga không thể hình thành một số lực lượng nặng ký đáng kể trên mặt trận, mà bị phân chia. Liệu chiến thuật này có hiệu quả hay không, sẽ thấy được sau này.
NTV: Có phải việc cung cấp vũ khí của phương Tây được coi là một yếu tố mới ở đâu đó?
Markus Reisner: Ở cấp độ tác chiến, chúng ta thấy các chỉ huy khu vực Ukraine ở tiền tuyến đang cố gắng phân phối số đạn dược hiện có và cung cấp các nguồn lực cho các lực lượng hiện đang chịu nhiều áp lực nhất. Chúng ta thỉnh thoảng thấy việc sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ, nhưng vẫn không có tác dụng nào có thể so sánh được với tên lửa HIMARS hồi năm 2022. Do đó, Ukraine vẫn chưa ở vị thế có thể tấn công sâu vào các cơ cấu chỉ huy và cung cấp của Nga – tức là các cơ sở chỉ huy, trung tâm tiếp tế, trung tâm hậu cần. Và bạn có thể nhận ra điều đó để coi các cuộc tấn công là một thành công có thể đo lường được. Tuy nhiên, có thể người Nga hiện đang ở vị thế có thể chống lại các hệ thống này một cách rất hiệu quả.
NTV: Vậy thì bây giờ việc phóng tên lửa ATACMS tầm xa tới đúng mục tiêu cũng như tên lửa hành trình SCALP và Stormshadow trước đây sẽ khó đạt được?
Markus Reisner: Không có gì bí mật để biết được rằng, đó là do các biện pháp gây rối có chủ đích của Nga, các hệ thống vũ khí chính xác mà phương Tây gửi tới Ukraine không thể được sử dụng theo cách được sử dụng như ở Iraq hoặc Afghanistan. Ví dụ: Có loại đạn pháo điều khiển giai đoạn cuối có tên là Excalibur. Đây là những quả đạn pháo thực sự có thể được điều khiển cho đến khi va chạm. Vào đầu cuộc chiến, những chiếc Excalibur này có xác suất trúng đích khoảng 70%. Hiện tỷ lệ này đã giảm xuống còn 6% do các biện pháp gây rối của Nga.
NTV: Hiện phía Ukraine thì như thế nào? Liệu nước này có thể đối đầu với khả năng ngày càng tăng này của quân đội Nga không? Liệu họ có thể phá được các cuộc tấn công không?
Markus Reisner: Phía Ukraine gặp vấn đề ở đây là, mặc dù nhận được viện trợ từ phương Tây, nhưng thường chỉ là những giải pháp riêng lẻ: Chất lượng cao, nhưng với mặt trận dài và nhiệm vụ kép – bảo vệ quân tiền tuyến và bảo vệ đất nước trước tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và những chiếc Drone của Iran – hoàn toàn không đủ. Ukraine sau đó cố gắng thêm vào một số các thiết bị phù hợp. Hãy nghĩ đến bàn đạp ở Krinky, nơi họ đã tìm cách gây rối loạn người Nga bằng cách tạo ra một loại bong bóng bảo vệ bằng điện từ trường để họ có thể hoạt động. Cho đến khi phía Nga phát hiện và tấn công thiết bị gây nhiễu.
NTV: Khi nói đến việc trang bị thêm thiết bị cho Ukraine, có nhiều ý tưởng bị thực tế cản trở là thường phải mất nhiều năm để sản xuất vũ khí hoặc đạn dược. Nhưng đó không thể là vấn đề lớn với thiết bị gây nhiễu như với khẩu đội Patriot, phải không?
Markus Reisner: Hệ thống gây nhiễu không phức tạp như các hệ thống tên lửa tầm trung và tầm xa hiện đại. Cho nên sẽ dễ dàng tạo ra một số lượng lớn những thiết bị gây rối này tương đối nhanh chóng. Chúng có thể chống đỡ không chỉ máy bay không người lái được điều khiển bằng kiếng video ở Ukraine mà còn cả bom lượn. Vì chúng cũng bay bằng GPS, nên có thể gây rối được.
NTV: Vậy tại sao những người ủng hộ phương Tây không chú trọng nhiều hơn vào những loại vũ khí rẻ hơn, được chế tạo nhanh hơn và rõ ràng là hiệu quả hơn này?
Markus Reisner: Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, theo quan điểm của tôi, có hai phương án để lựa chọn: Một là thực sự dốc toàn lực và cung cấp cho Ukraine những gì họ cần ngay lập tức. Không chậm trễ, để các hệ thống này không bị đánh bại từng phần nhiều lần vì vũ khí chỉ hoạt động kết hợp với nhau và sử dụng hàng loạt. Như một ví dụ đơn giản: Riêng Leopard không tạo ra sự khác biệt, nhưng Leopard với máy bay chiến đấu F16 có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Và nếu người Ukraine nói rằng chúng tôi cần 300 xe tăng thì chúng ta không nên cung cấp 30 mà phải là 300.
NTV: Nhưng phương Tây thực hiện lựa chọn khác?
Markus Reisner: Chúng ta không cung cấp vũ khí và đạn dược với số lượng lớn hoặc vào thời điểm cần thiết. Ukraine đang cố gắng điều chỉnh chiến lược của mình cho phù hợp, giống như quyết định chuyển từ tấn công sang phòng thủ năm ngoái. Hoặc nỗ lực khởi nghiệp ngành công nghiệp vũ khí hiện nay, nhưng nó đang gặp khó khăn vì cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị ảnh hưởng nặng nề và tiếp tục bị tấn công hàng ngày.
Vì rõ ràng là chúng ta đang chọn phương án thứ hai, nên điều này cũng cần được truyền đạt, rằng không thể mong đợi bất kỳ sự hỗ trợ mang tính quyết định nào từ phương Tây trong tương lai gần mà sẽ tạo ra sự khác biệt thực sự. Hiện tại Ukraine đang trải qua sự luyện ngục khốn khổ. Họ bị mắc kẹt giữa hy vọng tương lai và địa ngục hàng ngày.