Xài sang một tỷ Mỹ kim!

BTV Tiếng Dân

25-4-2024

Truyền thông trong nước đưa tin sáng nay, rằng ông Phạm Nhật Vượng bỏ thêm một tỷ đô la đầu tư vào VinFast và ông sẽ “không bao giờ buông” VinFast. Ông còn khẳng định, VinFast là sứ mệnh, là tương lai của Vingroup nên ông “sẽ không bao giờ buông”.

Mặc dù thông tin ông Vượng bỏ ra thêm một tỷ đô la nữa để bơm cho VinFast được đưa ra nhiều tiếng đồng hồ trước khi thị trường chứng khoán New York mở cửa, nhưng cổ phiếu VinFast hiện nay vẫn tiếp tục ảm đạm.

Sáng nay, khi sàn giao dịch Nasdaq ở phố Wall mở cửa, cổ phiếu VinFast có giá $2.5 đô/ share. Lúc 9h21′, nó tụt xuống còn $2.44 đô/ share, sau đó nhích lên $2.57 đô/ share, rồi rớt ngay xuống với giá $2.48 đô/ share.

Ảnh chụp giá cổ phiếu VinFast tại thời điểm đăng bài viết này.

Ngoài 1 tỷ đô này ra, ông Vượng cho biết rằng ông sẽ bỏ ra thêm khoảng 1 tỷ đô nữa cho VinFast. BBC dẫn lời ông Vượng: “Tôi khẳng định Vingroup không có chuyện buông bỏ VinFast. Sau khi tài trợ một tỷ USD tôi sẽ tiếp tục sắp xếp để tài trợ tối thiểu thêm một tỷ USD nữa”.

Hai tuần trước, một bài viết từ Reuters cho biết, cho đến thời điểm cuối năm 2023, ông Vượng đã đầu từ 11,4 tỷ đô la vào VinFast. Liệu 1 tỷ đô mới này, hay nhiều tỷ đô khác đầu tư vào VinFast, có thể giúp nó sống lại?

Khi tình trạng kinh doanh của VinFast không cải thiện, cho dù ông Vượng có bỏ thêm $10 tỷ đô nữa trong lúc này, có lẽ số tiền đó cũng không thể cứu nổi VinFast, mà chỉ giúp nó sống vật vờ thôi.

***

Mời quý vị đọc bài viết từ BBC: Ông Phạm Nhật Vượng tuyên bố không buông bỏ VinFast, dùng tiền túi bơm thêm một tỷ USD

Tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng hôm 25/4 cho biết, ông dự định đầu tư thêm một tỷ USD từ tài sản của mình vào VinFast, dù công ty sản xuất xe điện này đang thua lỗ.

Phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên của Vingroup, tập đoàn do ông làm chủ tịch và trực tiếp sở hữu 18% cổ phần, ông Vượng bày tỏ ý định tăng cường đầu tư vào VinFast.

Tính đến cuối năm ngoái, ông Vượng và VinGroup đã rót 11,4 tỷ USD vào VinFast, theo Reuters.

“Tôi khẳng định Vingroup không có chuyện buông bỏ VinFast. Sau khi tài trợ một tỷ USD tôi sẽ tiếp tục sắp xếp để tài trợ tối thiểu thêm một tỷ USD nữa”, vị tỷ phú nói nhưng không đề cập một mốc thời gian cụ thể.

Vingroup ‘gánh’ VinFast đến khi nào?

Tháng trước, VinGroup đã công bố bán cổ phần và tài sản trị giá 1,6 tỷ USD tại đơn vị bán lẻ Vincom Retail, một trong những cỗ máy tạo ra lợi nhuận chính của tập đoàn. Vingroup nói rằng một phần số tiền thu được từ đây sẽ được chuyển cho VinFast, công ty con mà hãng cho biết có tiềm năng tăng trưởng cao hơn.

Trước đó, vào cuối năm 2023, ông Vượng đã tặng 99,8% cổ phần của Công ty Giải pháp năng lượng VinES – công ty có vốn 6.500 tỷ đồng – cho VinFast, cùng với một tỷ USD ông đã tặng hãng xe điện trước đó.

Vingroup cũng tài trợ không hoàn lại cho VinFast 500 triệu USD và cho vay một tỷ USD trong thời hạn tối đa 5 năm.

Trong ba năm tới, ông Vượng cho biết cá nhân ông sẽ đầu tư 10.000 tỷ đồng để xây dựng trạm sạc ở Việt Nam.

Ông Phạm Nhật Vượng là giám đốc điều hành của VinFast, công ty mà ông sở hữu 97% cổ phần trực tiếp và thông qua các công ty mà ông sở hữu.

Giá cổ phiếu của VinFast đã giảm xuống còn 2,5 USD so với lần niêm yết ban đầu ở mức 10 USD vào tháng 8/2023, do công ty không đạt được mục tiêu bán hàng vào năm ngoái và tiếp tục báo lỗ nặng.

Khi được hỏi đến thời điểm nào thì VinFast sẽ hòa vốn, bù được lỗ lũy kế, ông Vượng tuyên bố từ năm 2026, VinFast sẽ có được dòng tiền dương.

Hiện nay, hồ sơ cho thấy hơn 70% trong số 35.000 ô tô VinFast bán ra trong năm 2023 thuộc về hãng taxi điện GSM, thuộc sở hữu của ông Vượng. 10% còn lại thuộc về Vingroup và các đơn vị trực thuộc.

Trong khi đó, bản thân GSM cũng đang phải đối mặt với chi phí cao trong khi cố gắng mở rộng thị trường dịch vụ gọi xe ở Việt Nam và nước ngoài.

Cho đến nay, VinFast cho biết khoảng 70% lượng xe bàn giao trong năm ngoái là cho khách hàng Green SM (GSM), nhà điều hành taxi và cho thuê xe điện mà ông Vượng sở hữu 95%

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh, Cho đến nay, VinFast cho biết khoảng 70% lượng xe bàn giao trong năm ngoái là cho khách hàng Green SM (GSM), nhà điều hành taxi và cho thuê xe điện mà ông Vượng sở hữu 95%

Cũng trong dịp hiếm hoi có thể trao đổi trực tiếp với ông Vượng, một số cổ đông đã nêu vấn đề “sự nghi ngờ của thị trường với dòng tiền của Vingroup”, ông Vượng trả lời rằng những nghi ngờ dòng tiền, năng lực tập đoàn là “không có cơ sở”.

Theo ông Vượng, “cho tới thời điểm này, Vingroup chưa bao giờ chậm các ngân hàng một đồng lãi nào, chứ đừng nói đến gốc. Mọi kế hoạch tài chính được cân đối, thực hiện nghiêm túc, dù rất khó khăn”.

Trong một bài viết mới đây, hãng tin Reuters cho biết VinFast đã lỗ tổng cộng 5,7 tỷ USD trong ba năm qua và tình trạng này làm gia tăng áp lực lên Vingroup, khiến các nhà đầu tư vào Vingroup lo ngại.

Trong quý 1/2024, VinFast lỗ hơn 600 triệu USD dù số lượng xe bán ra và doanh thu tăng, theo báo cáo chưa kiểm toán mới nhất của công ty.

Với việc VinFast thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận ròng của Vingroup giảm gần một nửa trong năm ngoái xuống còn 1,2%.

‘Không ai mua xe điện VinFast?’

Trong một bài điều tra của nhà phân tích tình báo độc lập Blake Spendley, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) đăng trên trang Hunterbrook Media, đã chỉ ra rằng hầu như không ai mua xe điện của VinFast, cả trong và ngoài nước.

VinFast đang gặp khó khăn ngay cả ở thị trường nội địa. Có tới 82% trong tổng doanh thu 1,1 tỷ USD từ bán xe của VinFast là từ các công ty thuộc Vingroup hoặc thuộc sở hữu của ông Vượng.

Theo những hình ảnh vệ tinh, có hàng trăm chiếc xe điện VinFast nằm bám bụi, cỏ dại mọc đầy trên một cánh đồng ở Thái Nguyên và dọc theo đường cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.

Tuy nhiên, những tiếng nói chỉ trích VinFast dường như bị theo dõi và trấn áp tại Việt Nam. Các tờ báo trong nước từng phải xoá bài khi đăng tin về một chiếc xe chạy xăng của VinFast bốc cháy ở Hà Nội, hay một YouTuber từng bị công an mời lên làm việc vì chỉ trích VinFast, và các bài đăng tiêu cực về công ty dường như đã biến mất hoàn toàn trên mạng.

Cũng theo những hình ảnh vệ tinh mà Hunterbrook Media đăng tải, việc thi công nhà máy sản xuất xe điện của VinFast tại Mỹ có rất ít tiến triển, ngoại trừ phần móng trên khu đất rộng hơn 300ha tại hạt Chatham, Bắc Carolina sau lễ động thổ hoành tráng vào tháng 7/2023.

Trong khi đó nhà máy của Huyndai ở Georgia đã có phần mái và sàn, cũng như các bức tường bên ngoài. Cả hai công ty ban đầu dự định đưa cơ sở của họ đi vào hoạt động vào năm 2025 – nhưng tiến độ của Hyundai đã được đẩy nhanh hơn, còn VinFast thì lùi lại.

Bất chấp tham vọng mở rộng tại thị trường Mỹ, VinFast đã nhận được những đánh giá tai hại về xe điện từ các kênh truyền thông chuyên về ô tô khi ra mắt tại đây.

Motortrend đặt tiêu đề cho bài đánh giá của họ là “Lái thử VinFast VF8 2023 lần đầu tiên: Trả hàng lại cho người gửi” (Return to Sender), Road & Track, “Lái thử VinFast VF8 2023 lần đầu tiên: Không thể chấp nhận nổi” (Unacceptable) và Inside EVs, “Đánh giá lái thử VinFast VF8 2023 lần đầu tiên: Yikes” (Sốc vì kinh khủng).

Hunterbrook Media nói rằng hàng trăm xe VinFast được xuất sang Mỹ vẫn nằm ở bến cảng California trong nhiều tháng
Chụp lại hình ảnh, Hunterbrook Media nói rằng hàng trăm xe VinFast được xuất sang Mỹ vẫn nằm ở bến cảng California trong nhiều tháng

Hàng loạt vụ kiện ở Mỹ

Bên cạnh những đánh giá tệ hại, VinFast đang phải đối diện với hàng loạt rắc rối pháp lý tại Mỹ.

ArcelorMittal, một trong những tập đoàn sản xuất thép đa quốc gia lớn nhất trên thế giới đã đệ kiện VinFast lên Tòa án quận trung tâm California vào hôm 16/4, cáo buộc hãng đã không mua loại thép mạ nhôm cường lực do tập đoàn này sản xuất từ các nhà cung cấp chính hãng.

VinFast ngày 23/4 khẳng định “nguyên tắc hàng đầu của công ty là tuân thủ luật pháp” và “bản quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp” trong tuyên bố gửi đến BBC News Tiếng Việt.

Trước đó, vào ngày 12/4, Công ty Luật Pomerantz thông báo rằng một đơn kiện tập thể (class action) đối với VinFast đã được nộp tại Tòa án quận Hoa Kỳ thuộc khu vực Quận Đông, New York.

Cùng lúc, Công ty luật Robbins – tên đầy đủ là Robbins Geller Rudman & Dowd LLP, có trụ sở tại thành phố San Diego, bang California của Mỹ – cũng đang phụ trách một vụ kiện tập thể đối với VinFast.

Hai đơn kiện này cáo buộc VinFast cung cấp thông tin sai sự thật, bỏ qua các thông tin quan trọng trong các hồ sơ của mình, dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư.

Phản hồi với BBC News Tiếng Việt, công ty xe điện Việt Nam nói cáo buộc này nhằm vào họ là “vô căn cứ”.

ArcelorMittal cáo buộc "VinFast đã chế tạo, sử dụng, chào bán, bán và/hoặc nhập khẩu vào Mỹ" các loại sản phẩm bị cáo buộc vi phạm bằng độc quyền sáng chế do tập đoàn này sở hữu

Nguồn hình ảnh, BBC/Getty Images

Chụp lại hình ảnh, ArcelorMittal cáo buộc “VinFast đã chế tạo, sử dụng, chào bán, bán và/hoặc nhập khẩu vào Mỹ” các loại sản phẩm bị cáo buộc vi phạm bằng độc quyền sáng chế do tập đoàn này sở hữu

Dồn toàn lực cho VinFast

VinFast cũng đang phải đối mặt với khó khăn chung của toàn bộ ngành xe điện. Nhu cầu ở Mỹ chậm lại đáng kể, trong khi trên toàn cầu, Trung Quốc đang ráo riết xuất khẩu xe điện với giá thấp.

Hãng đầu ngành Tesla vừa công bố lợi nhuận giảm mạnh trong ba tháng đầu năm 2024 xuống còn 1,13 tỷ USD so với 2,51 tỷ USD và năm 2023. Công ty của tỷ phú Elon Musk cũng sa thải hơn 10% nhân sự.

Song thay vì chậm lại và đánh giá lại kế hoạch của mình như các đối thủ, VinFast thậm chí còn làm ngược lại.

Công ty cho biết họ sẽ bàn giao 100.000 xe trên toàn thế giới vào năm 2024, tăng hơn gấp đôi doanh số năm 2023, đồng thời mở rộng tới 50 quốc gia. VinFast cho biết họ dự kiến sẽ bán được 750.000 xe mỗi năm vào năm 2026, với sự trợ giúp của nhà máy ở North Carolina.

Bất chấp những những rủi ro tài chính ngày càng tăng với tập đoàn mẹ VinGroup do công ty con VinFast thua lỗ, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nói ông tin rằng VinFast đang đi theo đúng xu hướng phát triển.

“Tương lai của Vingroup chính là VinFast, và chúng tôi đang đi đúng hướng” , ông Vượng quả quyết.

Tỷ phú giàu nhất Việt Nam khẳng định ông và Vingroup sẽ dồn toàn lực cho VinFast. “Như cách đây 70 năm khi thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chúng ta có khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, VinFast cũng như vậy. Chúng tôi không bao giờ buông bỏ VinFast, đây không chỉ là câu chuyện kinh doanh”, ông Vượng nhấn mạnh.

Ông chủ Vingroup cũng cho biết đang tiến hành các thủ tục để niêm yết đơn vị khách sạn Vinpearl trong năm nay. Bên cạnh đó, hãng taxi và cho thuê xe điện GSM cũng nằm trong dự định niêm yết trên thị trường quốc tế nếu điều kiện cho phép.

Năm 2024, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần kỷ lục 200,000 tỷ đồng, tăng 24% so với thực hiện 2023. Lãi sau thuế 4,500 tỷ đồng, hơn gấp đôi năm trước.

Tập đoàn cho biết năm nay sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh nhằm củng cố ba trụ cột chính: công nghệ – công nghiệp, thương mại dịch vụ, thiện nguyện xã hội.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Người VN mong muốn thực sự anh Vượng thành công mảng công nghệ . Trong đó có xe điện . Để anh hết mang tiếng là kẻ “ Ăn đất “. Nhưng đất đai có hạn . Việt nam không thể đem quân đi cướp đất của các nước xung quanh để anh Vượng chia lô xây nhà , rồi bán lấy tiền cho trò chơi xe điện . Anh đang vét những đồng tiền kiếm được ở VN mang ra nước ngoài cho canh bạc xe điện . Giờ anh có vẻ như con bạc khát nước . Cả hệ thống chính trị đã tung tất cả các biện pháp để ôm ấp anh . Trộm vía , nếu anh sập thì có khi loạn . Bởi tất cả thiệt hại sẽ đè lên cái lưng còm của 100 triệu dân VN này !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây